Mùa khô năm một ngàn chím trăm sáu bảy. Những cánh rừng chồi xôn xao nắng gió thơm thoáng mùi cây trái từ khắp các bưng biền thổi về.
Hai mươi chín tết.
Ở đâu không biết chứ đối với cánh lính đặc công ven Sài Gòn chúng tôi, cái ngày này chỉ tồn tại như một khái niệm nhạt nhoà. Đánh nhau tan hoang đầu óc, sống đã được là điều thần kỳ, còn hơi sức lòng dạ đâu mà để ý tới cõi thời gian tháng ngày dặc dài lãng đãng nữa. Giống nhau tuốt. Hiểm nguy và chết chóc tuốt. Trận này nối trận kia. Cánh rừng này tràn sang cánh rừng khác. Không không gian, không thời gian. Chỗ nào cũng thế, khoảng khắc nào cũng vậy. Lạnh là mùa mưa, nóng là mùa khô, có lẽ chỉ rạch ròi được một nét đất trời như vậy. Thì đó, nhằm trúng vào đêm hai chín tết năm nay, chúng tôi quyết định làm cú xuất hành đầu năm vào đồn địch. Xuất hành với ý nghĩa luồn sâu thăm dò sờ mó lục phủ ngũ tạng của nó thôi chứ không đánh, chưa đánh. Đánh thế quái nào được khi theo thông lệ, cứ đến ngày tết cổ truyền là hai bên dù có cáu nhau thế nào đi chăng nữa, cũng phải tôn trọng một cái quy định bất thành văn gọi là tạm thời ngừng bắn. Nhưng cứ sờ mó cho kỹ rồi chờ sau tết nổ súng cũng được, thậm chí rất được. Bởi lẽ khi xuân nồng nàn dễ có khả năng làm tan loãng đi ít nhiều cái ý thức chiến tranh hết sức riết róng trong đầu óc con người, dẫu bên này hay bên kia. Và khi ấy, bên nào bền chí hơn ít chịu tan loãng hơn bên đó coi như cầm bằng chiến thắng mà, cái sự bò rào sát nút đêm giao thừa linh diệu của đám lính xa quê chúng tôi sắp diễn ra đây là một thể hiện tương đối sinh động và, nói thực lòng là không kém phần tức tưởi. Chiến tranh, tên gọi nghe to tát nhưng nhiều khi lại ăn nhau ở cái phần trăm tức tưởi quá đỗi nhỏ bé ấy. Hơn nữa, cái đồn Mỹ này tuy không có tên gọi kêu vang trong lịch sử tác chiến chiến lược hay chiến dịch nhưng nó lại hết sức hóc hiểm bởi cái lối phòng thủ độc địa thay vì là những hào rãnh, chó má, dây gai kém gai, hàng rào điện tử… thông thường và phần nào đã lỗi thời, đã không ngừng bị vô hiệu hoá thì ở đây lại là những bụi tre gai ken sít, dày đặc mìn trái, một con chuột nhít cũng khó bề lách mình lọt qua mà không tan xác. Kha khá những đơn vị vào cỡ thiện chiến của trung ương, của vùng đã hăm hở tìm đến để rồi lại ngậm ngùi bỏ đi, trong đó có cả đơn vị tôi, tất nhiên. Nhưng cũng tất nhiên là không thể để mãi cái mụn ghẻ lở lói mang lá cờ đạo tặc từ bên kia Thái BÌnh Dương sang đây cắm ngang nhiên giữa bưng biền cây cỏ đất ông bà mình được.
Vậy là ngồi chờ nơi cửa rừng cho đất trời rơi khẽ vào chiều muộn, chúng tôi bắt đầu khăn gói bồng bị lên đường. Đến nơi, vừa hoàn thành xong động tác tháo bỏ quần áo, hoá trang bôi đen bôi đỏ xong, một tình huống bất ngờ xảy ra: Người lính trinh sát kỳ cựu của địa phương làm nhiệm vụ dẫn lối vào rào đêm nay đã chẳng may vướng mìn hồi hôm! Thế là hư hết xôi chè! Mục tiêu lằng nhằng quái dị thế này, không có thổ công dẫn dắt, chỉ có mà đâm đầu vào cửa tử. Về cái đã! Chờ đêm khác. Chiến tranh còn dài, vội gì. Vả lại, chết ư, nếu phải chết, cũng được thôi nhưng có nhất thiết cứ phải chết vào đúng đêm hai mươi chín tết không nhỉ?
Vừa chán lại vừa mừng, cái tâm lý chiến trận hai chiều vốn nó là như thế, bao giờ cũng là như thế, cha con đang tính làm nước mã hồi cho sớm chợ thì bị bí thư huyện ủy thình lình xuất hiện, giống như con người cả đời vận quần cộc, mặt mày nhàu nát nhưng nói năng lại rất có duyên này bao giờ về ở đâu cũng luôn luôn biết xuất hiện thật đúng lúc, lạ thế! Ông bảo, giọng miệt vườn Nam bộ ấm xỉn mùi thuốc rê Gò Vấp, xin các chiến hữu đừng xóa ngụy trang vội, chúng tôi đã tìm được người thay thế. Lại vừa mừng vừa có chút hụt hẫng, thì vẫn cái tâm lý chiến trận nó thế. Ừ, có rồi thì lại tiếp tục nhào zô, không đánh lúc này thì đánh lúc khác, đằng nào chả phải đánh, chạy trời có khỏi nắng đâu. Nhưng phải xem cái anh chàng thay thế cũng vừa hoàn tất xong động tác bôi nhọ này người ngợm nó ra làm sao đã nào! Liệu có được ngon lành, kỳ cựu như cái anh chàng đã có phần quen hơi bén tiếng trước đó không? Xem nào….
Thú thực là bỗng thấy rôm sẩy nổi khắp người. Trước mắt tôi, một bóng đen nhỏ thó, tách màn đêm bước ra. Gọi là tách cho nó có vẻ văn chương chứ thực ra, đêm và người đều đen kịt như nhau, có trời cũng chả tách nổi. Đêm đen, người đen, cây cỏ đen, kẻ thù cũng đen. Đen lắm, đen như bị thít vải vào mắt, đêm bình thường đã đen, đêm giáp tết càng đen, đen như thể không đen hơn được nữa. Đen từ chân lên đến đầu. Đồng đội ngồi tránh gió cách nhau chỉ vài thước là chẳng còn nhận ra đâu là người đâu là đất nữa! Tất cả không quần không áo, chỉ có mỗi chiếc si líp bó sát vào hông cũng được bôi đen. Và cũng chỉ còn mỗi cách là gí sát mắt vào cái khẩu hình cời vuông tròn méo lệch của từng đứa, nơi duy nhất có màu trắng sang là hầm răng không phải ngụy trang để nhận ra nhau. Ngụy làm gì? Có vừa bò vừa nhe răng ra cười trắng ởn với bao la đâu mà ngụy! Thế là, hạ thấp người xuống, mượn cái da trời địch hậu bạch phếch như da trâu chết làm nền, tôi cố giương mắt ngắm kỹ anh chàng. Không ngắm kỹ vào cái vật thể đen tuyền na ná như hình người đang hiện diện trước mặt tôi chừng hơn sải tay thì đúng hơn. Chết mất thôi giời ạ! Hết người rồi hay sao mà phải đưa cả một thân hình èo uột như thế này vào trận, mà lại là một thứ trận đặc công tinh nhuệ của người ta đàng hoàng chứ có phải trận thường đâu. Đầu thì to, vai thì nhỏ, chân tay lại còn nhỏ hơn, gầy nhẳng, cứ như ba, bốn, cái gọng vó xếp lại với nhau, thế là của trẻ con chứ đâu phải của người lớn! Chỉ còn mỗi cái dáng dấp nhanh nhẹn, cái ngoắt chân, ngoắt tay gòn gọn là trông còn tạm được, cũng tạm được thôi, khả dĩ có thể le lói chút đỉnh cái năng lực bò trườn, còn ngoài ra… giời ạ! Mà lại cứ im thin thít nữa chứ. Im thế, bố ai đoán được tuổi? Biết đâu vô phúc lại vớ phải cụ bốn, năm mươi có tật hay ho đêm hoặc sôi bụng vặt nữa thì coi như chúng con tàn đời.
Nhưng thôi, lỡ rồi, muộn rồi. Cái thanh sáng trên mặt đồng hồ đã quét quá giờ hành động rồi. Không còn thời gian ngắm nghía, cũng chẳng còn thời gian đãi bôi chào hỏi nữa. Nhỏ con cũng chơi, sôi bụng cũng chơi, gọng vó gọng càng cũng chơi, và ho đêm hay ho ngày cũng chơi tuốt. Còn hơn là trống lổng không có gì. Nào, nhằm hàng rào phía trước, chia hai mũi, bắt đầu tiến nhấp! Đồng chí gì vừa tới, bò với mũi chủ yếu là tôi. Bị đâu nằm đấy, không được rên la. Nhớ trở ra cho đúng giờ, tết nhất rồi, chớ có để phải nằm lại giữa rào. Tiến!
Sau cái khẩu lệnh rùng rợn và quen thuộc đến bình thản ấy là sự im lặng bao trùm. Im lặng đến tuyệt đối. Im lặng của mùi cỏ. Im lặng đến nỗi rặng cỏ gãy dưới tay nghe cứ răng rắc như tiếng củi gãy trên rừng. Gió thổi trên cao. Đất thở nồng nàn dưới ngực. Cỏ mơn man da thịt. Con dế nào ri rỉ kêu ngay bên cạnh. Một tiếng vạc nẫu buồn ở cuối ấp se lạnh. Sương rơi… thì vẫn đêm như mọi đêm, hiểm nghèo và vô địch nhưng sao đêm nay lại cứ thấy lòng dạ xốn xang nhiều đến thế! Bò như không phải là bò. Chiến tranh như không phải là chiến tranh. Vẫn mùi cỏ ấy, vẫn hướng đất ấy, vẫn dây thép gai lạnh tanh mùi tử thần ấy nhưng rõ ràng vẫn có cái gì khác lạ; ngòn ngọt; nảy mầm, chầm chậm nhen nhẹ trong người. Đất trời như rộng hơn, thiên nhiên như vô cùng vô tận, thời gian quánh quện lại và ngay cả cái sự nhọc nhằn chết chóc cũng trở thành nhẹ thõm, rất gần mà lại xa ngái như không có thực. Nhưng lại có thực làm sao cái tiếng gà eo óc gáy báo canh một trong khu ấp chiến lược nằm im lìm dưới kia. Xa xa là Sài Gòn đang hắt lên trời một quầng sang, mờ đục, cồn cào và vô nghĩa. Thèm vô cùng được thiết lập đặt chân tới đó cũng như khát cháy cổ một giây phút thái bình để được bước khoan thai trên mặt đường trải nhựa đầy nắng, đầy gió đáng xoải dài tít tắp ở sau lưng kia. Chỉ một lần thôi… Bao năm tháng rồi, hết mùa khô lại mùa mưa, đêm nào cũng bò chỉ được một lý một tý thế này, biết bao giờ mới có thể đến nơi? Và liệu có đến hay lại vĩnh viễn nằm lại ở một nơi hàng rào nào?… Hai mươi chín tết. Không gian cứ tràn ngập làn gió Xuân ngai ngái cho lòng dạ phải ngổn ngang trăm chiều quá thể!
Miết mạnh trán xuống cỏ ướt để lấy lại sử tỉnh táo cần thiết, tôi bắt đầu gãi nhẹ vào gan bàn chân anh chàng thổ địa đang nằm bẹp dí phía trước. Cái bàn chân cũng nhỏ và mềm như bàn chân đi học – ra hiệu trườn lên. Xem nào… xem nào… à, thì ra anh chàng trườn, của đáng tội, cũng không đến nỗi. Gọn và dẻo ra phết. Động tác tương đối chuyên nghiệp. Không phát ra tiếng sột soạt. Không quá gợn sóng thân hình. Khá giống một tảng đất khe khẽ chuyển dịch chìm nhòa trong cỏ, chuyển dịch như không chuyển dịch gì. Chỉ phải cái hơi chậm, hơi có chiều chỉn chu quá. Chỉn chu là bí quyết thành công của binh chủng nhưng chỉn chu ngay từ hàng rào ngoài cùng thế này là hơi thừa, nếu không nói là mất thời gian.
Tôi gạt ngón tay mạnh hơn. Bàn chân phía trước hơi rung nhẹ một cái rồi tăng tốc độ. Tốt rồi. Cứ vậy mà mần tới đi cậu em!
Hàng rào thứ nhất dạng mắt cáo thông thường đã đập thẳng vào mặt. Lỗ rào hơi nhỏ, chỉ bằng nửa bàn tay, không được cắt, được gỡ, chỉ được dùng móc mà móc rộng ra cho than hình chui lọt. Chuyện vặt! Cái khó là phải vừa chui vừa sờ ra được dây mìn dây trái nhỏ tựa sợi cước, lạnh buốt, nằm lẩn sâu trong cỏ trong rác của nó mà tránh. Không sờ được, nó phát nổ, cả thân thể cha mạ sinh ra có khi gom lại chẳng còn đủ… một bao diêm quẹt. Xem nào… Khá! Thì ra cậu chàng chui cũng khá. Gớm, bàn tay rà trái soi nhìn hắt lên nền trời cũng thấy mềm ngọt ra dáng! Phải cái phần dưới thân thể, tức phần hông trở xuống, có chiều hơi bị lệch, tí nữa thì làm cái ống lon treo ở cạnh đó bật rung lên thành sấm nổ. Nói chung, tôi cáu sườn nghĩ, phàm đã là cái anh chui rào thì mọi thứ đều phải nhỏ, nhỏ chân nhỏ tay, nhỏ đầu nhỏ ngực, nhỏ hông nhỏ đùi… Có bất cứ cái gì đó hơi cong vênh lên một chút là mệt lắm. Ngay như tôi đây, đít đai chả lấy gì làm to tát, thậm chí phần xương nhiều hơn phần thịt nhưng đã không ít bận phải bỏ quách luôn cả cái mảnh vải duy nhất che thân lên gọi là si líp ra cho đỡ vướng. Gai thép cứa vào da thịt không sao, cũng lắm chỉ để lại những vết cắn rớm máu rồi vẫn truột đi được. Còn khứa vào vải ư? Chết cứng. Mất cả tiếng đồng hồ cũng không gỡ ra nổi. Có khi mất mạng luôn.
Hàng rào thứ hai là dạng bùng nhùng. Cũng chuyện vặt! Nhưng đã bắt đầu có điều bực mình. Vốn lắm tiền nhiều của, hàng rào Mỹ nó xếp chồng ba, chồng tư cao lênh khênh, cứ ngồi xổm mà chui cho sướng chứ việc gì phải nằm bẹp dí bẹp dị như gián đực chết khô thế kia? Đúng là đàn bò nghiệp dư! Kiểu này cứ dầm dề theo cậu, có khi hết tết rồi vẫn không ra khỏi đây mất. Tôi gãi mạnh vào gan cái bàn chân đen rầm như chân vượn đặt ngay trước mũi. Như trêu ngươi, cái gan bàn chân phả hơi lạnh buốt đó chỉ hơi nhúc nhắc chút xíu rồi gần như nằm im. Hết kiên nhẫn nổi, tôi phá lệ, tách ra. Trườn lên ngang bằng, nhìn như đổ củi, đổ lửa vào cái gì đó tròn mời gợi lên một khuôn mặt người, rít giọng, tất nhiên là rít rất khẽ thôi, chỉ nhỉnh hơn tiếng cỏ cọ lá vào nhau một chút thôi: “ Không bò được thì lui lại đằng sau! Muốn ăn cứt cả lũ ở đây à?” Cậu chàng im lặng, chỉ thấy ánh mắt đụng trời đêm nhìn lên tôi có chiều thiểu não và bối rối. Rồi cái thân hình nhỏ bé và gầy yếu kia cũng chuyển dịch nhanh hơn. Tôi trườn lùi về vị trí, chìa môi nhai liếm một nhánh cỏ lạnh buốt như lưỡi rắn, thoáng một chút hối hận vì sự nặng lời rất vô cớ của mình.
Đã hết đâu. Đến hàng rào thứ ba, hàng rào chót cùng mang tính chất kim loại, lại nảy ra một điều bực mình nữa, nó hoàn toàn ngược chiều với sự bực mình ban đầu. Ai đời, toàn thân đang lộ ra trơ khấc ở khoảng trống, đáng lẽ phải nằm cho im để tránh những luồng đèn pha sáng trắng chúng soi mói quét qua quét lại, cũng chỉ là một kỹ thuật quá ư sơ đẳng, vậy mà cu cậu cứ bò tớn lên như động tình động cỡn. Điên ruột, tôi lại làm một cú trườn ngang ngoạn mục, sát địch rồi, không thể rít răng, rít lợi được nữa, chỉ còn cách dứ dứ nắm đấm đen sĩ vào giữa cái sống mũi cũng đen sì của kẻ phá quấy mà thầm rủa: “Ngớ ngẩn thế là giết nhau, là quân… dã man giết người, hiểu chưa?” Chả biết cậu ta hiểu chưa hay hiểu chửa nhưng trong bóng tối mông lung, sánh sệt, vẫn lại chỉ thấy cái ánh mắt đêm nhìn lên không còn là thiểu não nữa mà đã phảng phất màu ai oán.
Lần này, cái nhìn đó khiến tối bất giác đã rùng mình. Giận thương, thương giận đan xen. Mà nói cho cùng, cu cậu đâu có lỗi. Lỗi là như ở quận uỷ, quận đội cắt người, là ở như chính bản thân mình kiểm tra năng khiếu không đến nơi đến chốn. Vâng, đặc công là năng khiếu, tôi dung chữ này không ngoa. Thôi được, phải bình tĩnh, phải kiềm chế! Nổi nóng nữa, cậu chàng cuống quá, tè ra quần thì phiền! Mà không khéo tè ra rồi cũng nên… càng vào sâu càng phải hết sức mát tính! Tôi tự dặn mình như thế.
Rồi đâu cũng vào đấy. Cái phần thân phần nạc đã xong. Bây giờ là đến cái phần hóc nhất, phần của những bụi tre gai xương xẩu, phần đã trở thành bất lực nhiều năm nhiều tháng của cánh đặc công cứ tự xưng là chuyên nghiệp chúng tôi và cũng là phần dành cho anh chàng đặc công địa phương nhỏ con, ít nói này có dịp thể hiện vai trò và năng lực thật sự của mình. Đó là những bụi tre già bị bỏ quên lâu ngày. Trải qua bao biến thiên, mưa nắng, nó đã sinh sôi ra hằng hà sa số những tre ông tre bà, tre mẹ tre con, tre cháu tre chắt… rối nhằng, quấn quyện, dứt không ra mà cắt đi cũng không được, bò đến đâu là ầm ầm ào ào đến đó như heo ủi rừng. Chiến tranh là có quy luật nhưng tre lại mọc không thành quy luật nên nó bỗng trở thành một chiến luỹ phòng thủ dường như bất khả kháng. Mẹ khử (Xin lỗi, dân lọ nghẹ chúng tôi vẫn không sao bỏ được thói hay chửi tục mỗi khi vào trận). Mẹ… Nó vô cớ sang đây đổ sắt thép đánh nhau với mình đánh không lại, nó dùng cả tre pheo của mình chống lại mình nữa thì đểu thật! Nó học ai thế nhỉ?…
Trước tre, và sự bí ẩn nồng ngái của tre, tôi bỗng thấy mình mong manh như người sắp kiệt sức. Chỉ còn thoi thóp trông vào cái anh chàng tưởng như suốt đời im lìm kia. Anh ta sựng một chút như lấy sức, như rằng ôn nhớ một điều gì, cũng lại như đang ngần ngại đo đắn… Rõ cái thân hình thiếu niên ấy bắt đầu chuyển lên, chuyển thẳng vào cái vực đen ngòm của lùm bụi. Tôi dấu đi một tiếng cười nhạt. Tưởng gì chứ thế thì bọn này mần mãi rồi chú em ơi! Thách chú qua được đấy, dẫu chỉ qua được một nửa. Giỡn hoài. Xin mời! Nói xin mời mà trong đầu tôi đang nổi cơn nóng lạnh. Nếu chú có bề gì, mà coi cái kiểu bò nhui nhủi, bò lấy được thế kia, dứt khoát là sẽ có bề gì rồi, thì đâu phải chỉ có mình chú nằm lại. Nằm lại ráo trọi ấy. Tết nhất mà cha con tha nhau vào đây nằm ngổn ngang, đầu mình chân tay mỗi thứ văng một góc, chắc cũng không lấy gì làm đẹp mắt cho lắm.
Nghĩ vậy, tôi quờ tay giữ chân anh chàng lại định níu kéo một điều gì đó nhưng thật bất ngờ, cái đầu có đội mũ dù của tôi liền bị dội lại một cú đạp đau điếng. Và tiếp sau là những cái vỗ vỗ chân đầy kẻ cả, hơi có vẻ thương hại nữa, như ý nói: “Biết gì! Cứ nằm im đấy! Tôi vào thử trước rồi quay ra đón!”. Tất nhiên là tôi nằm im. Từ đây trở đi là đất của người ta rồi. Mình chỉ còn đóng vai trò khách. Tiếp tục giở cái trò chỉ huy lãnh đạo ra lúc này dễ trở thành vô duyên lắm. Nhưng lại không thể không vùi miệng xuống cỏ mà cười nhạt phát nữa. Cứ vào thử đi. Rồi trước sau cũng công cốc thôi e ạ! Bất giác tôi nhìn theo cái tảng đất hình người kia chìm dần vào bóng tối rặng tre mà ngao ngán hết cả lòng cả dạ. Lúc này, ghé răng khẽ vén miếng dù nơi cổ tay, thanh sáng trên mặt đồng hồ đã chém chói chang vào con số ba rồi. Chỉ còn không đầy một tiếng nữa là phải ra để tránh cái sự ló đuôi thê thảm. Vậy mà…
Trời bắt đầu chuyển lạnh. Sương rơi nặng hơn. Sự im ắng vẫn rờn rợn bao trùm. Quầng sáng Sài gòn càng về khuya càng có vẻ sáng rõ, như sự trêu ngươi, sự thách thức, nét tương phản nhức nhối với bóng tối vùng tử thần này. Trời vẫn đen nhức nhối. Đen như có ai cứ mãi quét nhựa đường vào mắt mình… Giây phút chập chờn ấy, kỳ lạ làm sao, nương theo ngọn gió đêm, rõ ràng cảm thấy dường như có cả mùi nhang khói, mùi bánh chưng bánh tét, mùi mứt thèo lèo… Ở đâu đó thoang thoảng tràn về. Chao ôi! Giá như giờ này có một mái nhà, một bếp lửa, một chiếc bánh tét ấm mềm trên tay? Bao giờ mới có hay không bao giờ cả? Thôi thì lạy trời đêm nay được hay không được nhưng đừng đứa nào bị làm sao. Cố gắng sang mai trở về cho nguyên vẹn để cùng làm vài món thịt rừng, vài món rau rừng gọi là đón tết. Rồi sau đó… Bỗng tôi giật nhảy người! Một tràng tiểu liên cực nhanh phóng lửa xanh lét xuống đúng cái bụi tre con người kia vừa mất hút. Trời đất! Chân tay tôi nhủn ra. Chả lẽ anh chàng dính rồi ư?… Nhưng sao không thấy tiếng rên? Hay lãnh trọn cả băng đạn vào ngực rồi? Tôi đang định bò lên xem tình hình ra sao thì bất thần hàng loạt những con rắn lửa khác lại hộc lên lao về các hướng xé vụn bóng đêm ra hàng trăm mảnh. Đầu tôi nhẹ hẳn. Thì ra chúng bắn cầm canh, bắn doạ thôi nhưng doạ như thế cũng phải nói là hơi độc địa đấy. Hơi có vẻ phô trương cái kiểu đánh nhau con nhà giàu vãi tiền vãi đạn ra đấy. Trong cái sự xa xỉ khí tài ấy, biết đâu cậu chàng kia vẫn có khả năng bị dính đạn? Băn khoăn chưa biết lùi hay tiến thì từ chỗ bụi cây, một tiếng soạt nhẹ vang lên, nhẹ hơn cả tiếng chồn bò và sau đó là cái bong loà nhoà mờ tịt của cậu ta hiện ra. Mừng quá, bất kể đây đã lọt vào vòng tử địa, tôi gần như ôm ghì lấy cái đầu to tướng của cậu ta vào ngực mình. Đã tưởng sắp sửa được hưởng chút hơi ấm sâu xa của tình đồng đội, bất thần một cú đẩy mạnh không kém cú đạp lúc nãy khiến tôi tí nữa bật ngửa, chưng hửng. Cái thằng này lạ nhỉ! Gỗ đá chứ không phải người nữa. Coi bộ nó tính quân hằn thù với mình chắc! Được, đã thế thì chỉ có công việc! Tôi làm mặt lạnh, hất đầu ra ý hỏi: Sao? Vẫn không mở miệng, cậu ta chỉ làm động tác ra hiệu cho tôi bò theo. Bò thì bò. Nhưng mà vô lý! Chả lẽ cái thằng người oặt ẹo như miếng giẻ thấm nước này lại có thể tìm ra được lối vượt qua bức tường gai quỷ thần? Chả có lẽ. Vô lý…
Ấy vậy mà ở đời mọi việc tưởng như vô lý nhất lại vẫn có thể xảy ra. Hì hục bò đằng sau, mới lầm bầm về cái sự vô lý ấy được vài lần thì tôi bỗng tỉnh hẳn. Chao ôi thì ra cậu ta đã tìm ra được nẻo đi thật! Tôi không còn tin ở mắt mình nữa. Chuyện đùa hay là chuyện thật đây? Chả lẽ chuyện chết choc sống còn rút cục lại được lý giải bằng một cách quá ư đơn giản thế này! Có gì đâu. Dưới những ngón tay bới móc khéo léo kia, một cái rãnh con bị bỏ quên lâu ngày đã được đất và lá phủ dày, bò ngoằn ngoèo xuyên qua những gốc tre dần dần hiện ra như thần thoại. Một cái rãnh vẩn vơ đã làm thay đổi cả cục diện tâm hồn. Vạch đất, vạch lá ra một tí, oằn lưng miết bụng xuống một tí là cả hai có thể bò thun thút như bò giữa luống cày. Sướng quá, mát long mát ruột quá, tôi ghé miệng vào sát cậu ta: “Quý hóa lắm! Sao đằng ấy lại biết có cái rãnh này?… Hồi bé chăn trâu qua đã phát hiện ra phải không?” Chỉ thấy khuôn đầu đen mun vội ngoắt ra như thể muốn tránh cái miệng đang chực cắn vào má cậu ta của tôi rồi khẽ gật gật. Chao ôi! Lúc này cái gật mới dễ thương và ngọt ngào làm sao! Bò tiếp! Hàng rào tre thứ hai cũng có một cái rãnh tương tự nhưng nông hơn, khiến mọi động tác phải chậm lại hẳn. Chậm nhưng không để bị tắc. Súng chúng nó vẫn bắn cầm canh. Ngọn đèn pha dựng ngay trên đầu vẫn không ngừng lia qua lia lại. Da bụng tôi bỗng nhói một cái ngọt xớt. Mẹ khỉ! Lại một mảnh trai hay một mảnh sành nào nó cứa vào rồi. Sao đêm nay bò biệc thế nào mà để nó cứa nhiều thế? Phải đến nhát thứ năm rồi không ít. Kiểu này sang mai về cứ chà xà bong đến đâu là xót nảy người đến đấy. Thoáng thấy thương anh chàng thổ địa. Bò rào có thâm niên như mình mà còn bị vậy, bò vỡ lòng tập tọng như thế kia, chắc toàn thân đùi, ngực bụng không chỗ nào là không bị cào nát. Tôi!
Lại vượt thêm một hàng tre gai nữa, hàng tre gai cuối cùng. Đến đây đã có thể giơ tay chạm vào tóc tai kẻ thù được rồi. Gần lắm! Gần như đang hòa nhập, đang cùng ở chung trong một hầm bê tông với chúng nó. Vẳng ra một tiếng đàn ông ngoại quốc xèo xèo, một tiếng đàn bà nội địa nấc lên, ngầy ngụa, rít rẩm, rú thé… Có cả mùi da thịt, mùi rượu lạ, mùi thuốc lá thơm khen khét như mùi thịt người cháy ngào trộn, bay ra, bốc ra, luồn sâu vào mũi, thốc cả vào mồm. Mẹ khỉ, xin lỗi, nước đời sao lại oái ăm quá đáng. Tết của mình thì mình lại phải bò. Tết của chúng nó đâu mà chúng nó lại được đú đởn như thế? Uất nghẹn cả người! Giá không vì cái quy định ngưng bắn quái quỷ ấy mà lúc này được đứng thẳng dậy lia hết cả cơ số đạn vào cao không hay vào một cái gì đó nhỉ!
Hết cả cơ số đạn, đúng thế, coi như một tràng pháo, vậy thôi! Cạnh tôi, anh chàng lính thổ công xem chừng như cũng cùng tâm trạng nên cái dáng nằm có vẻ im lịm, đắm chìm lắm. Giây lâu câu ta như giật mình choàng tỉnh, nhìn sang tôi ý hỏi: Phía trước là lô cốt rồi, có tiếp tục bò nữa không. Tất nhiên là tôi lắc đầu. Qua hết hàng rào là đã đạt thắng lợi chín mươi phần trăm, còn cái khu tung thâm kia ư?… Chuyện vặt. Và tôi nháy tín hiệu quay ra. Tìm được đường rồi, ra tết bò nốt. Một đêm bò, một đêm đánh nữa là xong.
Hai thằng rón rén làm động tác xoay người thật gọn để bắt đầu làm cú mã hồi vui vẻ. Đến lượt tôi bò trước, hắn bò sau. Bò vào thì chậm mà sao bò ra thì nhanh thế. Cứ như ngựa đã quen đường. Rèn rẹt… vun vút… Chả mấy lúc chúng tôi đã quất hết nửa số rào. Nhưng cha trời! Mải bò, đến khi nhìn lại tôi hoàn toàn không còn nhìn thấy cái tảng đất hình người kia đâu nữa cả. Lạc ư? Bậy! Hay lo xóa dấu vết kỹ quá? Bậy nốt! Kỹ gì thì kỹ nhưng cũng phải bám sát lấy người đằng trước chứ! Tối tăm mỗi lúc mỗi mù mịt thế này, không dính cứng vào nhau lệch đi một chút là coi như biến hẳn vào cõi vô cùng. Khốn khổ! Lại lòi cái đuôi đặc công xóm ra rồi. Buộc lòng tôi phải quay trở lại vậy. Mới trườn được một đoạn, đang căng tai, căng mắt hết cỡ nhìn ngó thì may quá, suýt nữa đầu tôi đã chạm cái cộc vào đầu hắn. Tôi lại làm một cú rít thật nhỏ vào mang tai: “Làm gì mà chậm thế? Định ngủ ở trong đó à?” Vẫn không trả lời, cậu chàng chỉ nhúc nhắc người rồi lầm lũi trườn tiếp về phía cửa rào. Đến lúc ấy, nhờ có ánh hỏa châu nhấp nhóa ở tít trên cao, tôi mới kịp phát hiện ra dáng bò của cậu hơi lạ! Bò lệch sườn, bò chếch choác, như chỉ bò bằng sức dướn của một chân, còn chân kia lại hoàn toàn thả lỏng, cứng đờ. Động tác tay cũng thế. Như khuỵu như gẫy, như không còn mang nổi thân người. Và hơi thở mới nhọc nhằn khổ sở làm sao. Thở đứt quãng, thở rin rít trong cuống mũi mà không sao thoát hơi ra được. Tôi lại ghé sát vào mang tai, mềm going thì thào: “Đuối rồi phải không? Đưa súng đây tớ mang cho!” Và cái đầu dị dạng vẫn lại khẽ lắc. Lắc gì mà lắc! Thằng dở người! Tôi giằng lấy khẩu báng xếp trên vai anh ta đeo luôn vào lưng rồi ấn khẽ xuống cái mông bôi lọ nghẹ đen xì; gớm thôi, bò lết kiểu gì mà mông miếc cong tớn cả lên thế; ra trước đi, tôi bảo, tớ ra sau xóa dấu cho! Lần này thì cái đầu bướng bỉnh kia không còn đủ sức để ngúc ngoắc như bị sài lắc sài giật nữa mà ngoan ngoãn nghe theo lời của tôi, trườn ra, vẫn cái dáng trườn nghiêng lệch, nhọc nhằn và duỗi dệt.
Tốt rồi! Vậy là cuối cùng rồi cũng kết thúc một đêm xuôn sẻ, một đêm nồng nàn khí xuân, một đêm ngạt ngào hương đất. Cám ơn! Cám ơn thần phật, cám ơn đất trời! Cám ơn anh bạn đặc công chiến hữu có cái hình dáng con nít! Cám ơn! Vừa cẩn thận vén vuốt lại từng nhánh cây ngọn cỏ, từng lỗ rào, từng cái kíp mìn đã được tạm tháo ra, tôi vừa khoan khoái đến râm ran trong bụng, chút xíu nữa thì bật ra một điệu huyt sáo vu vơ, điệu huýt mà, nếu lúc đó được tấu lên, chắc chắn đó sẽ là tín hiệu âm nhạc cuối chót của cuộc đời.
Ra đến hàng rào ngoài cùng, bao la khoáng đạt quá, đang ngơ ngác tìm xem cái dáng nhỏ nhắn kia lẩn chờ ở đâu bất ngờ tôi đụng tay phải một vật gì âm ấm như thân người? Định thần nhìn lại thì, cha trời, đúng là thân người thật! Thân người của chính cậu ta. Bố khỉ! Tưởng anh chàng trong lúc chờ đợi, tranh thủ đánh nhẹ một giấc, tôi đưa tay véo mạnh vào cái vùng da thịt mà có thể dự đoán là vùng đùi ấy đang duỗi dài trước mặt. Quá lạ! Cái thân thể kia vẫn không hề nhúc nhích gì? Tôi định véo một cú mạnh hơn nữa thì bất giác cả bàn tay sựng cứng lại. Chỗ ấy nhầy nhầy những nước. Vội đưa ngón tay lên… Một mùi tanh nóng xộc mạnh vào mũi! Hoảng hồn, tôi lần giờ cả hai bàn tay xuống. Một vòng băng quấn quanh đùi ướt nhoét máu và đất cấn cộm… Tôi bỗng hiểu cả. Trời ơi! Thì ra cậu ấy đã bị ngay từ loạt đạn cực nhanh ban đầu mà tôi đâu có biết, nhưng vẫn cố nín nhịn để khi đã ra đến đây, mới tự cho phép mình cái quyền được ngất xỉu. Vậy mà tôi…
Chân mây đã có chiều chạng vạng. Quầng sáng đô thành Sài Gòn đang chuyển màu nhạt thếch. Không kịp làm cái gì có thể hơn được nữa, tôi xốc nhanh cái thân thể đang nằm thiêm thiếp kia trên vai. Chao ôi, máu ra nhiều lắm hay sao mà lại nhẹ bẫng thế này? Và chân tay sao cũng mềm quá thể đến thế? Lại còn cái gì vương vướng ở lưng, nơi có phần ngực của cậu ta đè vào? Bao đạn chăng?… Kệ! Cứ phải nhanh chóng mang đến được bờ sông cái đã rồi có cấp cứu, có hô hấp gì thì hô hấp. Hụ!… Mải bước, tôi vấp một cú ra trò vào cái quái quỷ gì không biết? Cùng với tiếng rên khe khẽ như tiếng rên của một đứa trẻ bật lên là cái mũ dù trên đầu cậu ta rơi ra. Ngay liền đó, cả tấm lưng đang bị đè nặng của tôi bỗng như có sương khói, như có hang ngàn những hạt bụi li ti phủ vào, bám vào, mơn man, lay động… Chưa kịp hiểu ra sao thì thật là quá đỗi bất ngờ, không rõ có ai tin không, tại chính chỗ đó, một tiếng con gái vang lên yếu ớt như từ một hành tinh xa xôi nào đậu xuống:
“Đừng… Bỏ em xuống… Đau quá! Đừng anh… Má ơi!”.
Chu Lai