Gió từ miền cát

I

Buổi trưa Đông Hà vào mùa gió Lào thật khủng khiếp. Những luồng gió nóng thoát khỏi eo núi Lao Bảo trên miền Tây, càng về xuôi càng mạnh thêm, nóng thêm và khi tràn qua thị xã Đông Hà trở nên như bầy ngựa bất kham. Cây cối, đườn sá, nhà cửa, cả gác chuông nhà thờ và tháp canh của giặc để lại đều mờ đi qua màn bụi đỏ. Trong tiến gió rít hàng dương, cánh cửa gỗ nhà cơ quan thị ủy hất tung những hòn đá chèn cửa to bằng mũ cối, ấp đánh sầm. ở những ngôi nhà lợp tôn không trần, chiếu rải giường khô rang, mớ rau muống để dành ăn bữa chiều héo rũ, đi chân trần trên nền lát xi măng vẫn thấy dưới gan bàn chân hâm hấp.

Vào một buổi trưa gió Lào thông thống như thế, ở khu gia đình tập thể của cơ quan thị xã, người ta thấy xuất hiện một thiếu phụ lạ mặt cùng đi với hai đứa trẻ, một chú bé quãng 11, 12 tuổi và một bé gái cỡ tuổi học mẫu giáo. Cả ba mẹ con, mặt mũi đều chín ửng lên vì cái nóng khắc nghiệt này và quần áo còn lấm bụi. Rõ ràng họ từ xa tới. Trong lúc hai đứa bé ngồi bệt xuống một gốc dương ngoài sân vắng vẻ, thiếu phụ đến gian nhà số 4 và rụt rè gõ cửa. Có tiếng dặng hắng và tiếng giũ chiếu, chắc chủ nhà giải chiếu xuống nền xi măng nghỉ trưa. Sau tiếng rút chốt, cánh cửa vừa mở hé liền bị bật toang ra kéo theo cả chị chủ nhà vẫn bận nguyên bộ đồ ngủ vằng vải hoa mầu tím: ‘Xin lỗi, đến khiếp với gió”. Chị chủ nhà nói, chưa kịp nhìn khách, nhanh nhẩu lấy chân gạt viên “táp lô” chèn cửa, hai tay quặt về phía sau bới tóc. Và chị nhận ra một khuôn mặt quen, rất quen với đôi mắt ướt ẩn dưới hàng lông mày cong, với chấm nốt ruồi trên gò má, với dáng đứng… ôi, lẽ nào mười mấy năm trôi qua mà dì ấy vẫn giữ được dáng đứng dễ thương đến dườn ấy? Chị chủ nhà ngừng tay trên mớ tóc, còn người thiếu phụ lạ mặt chợt trở nên lúng túng như người mắc lỗi, mắt nhìn vào bàn chân trần của chị chủ nhà với ngón chân cái thô, to bè:

– Chị Nụ! Chị còn nhớ ra em nữa không?

– Thắm! Dì Thắm – Chị chủ nhà khẽ thốt lên, gần như nói thầm.

Trong không khí ngỡ ngàng, cả hai người đàn bà chợt nhớ về cái làng cát Gio Hải, nơi họ đã từng sống thân thiết với nhau một thời với niềm vui và nỗi buồn đều chia sẻ. Thoáng trong nỗi nhớ có tiếng sóng biển ì ầm xen với tiếng nổ của bom đạn khiến cả hai cảm thấy hồi hộp về cuộc gặp gỡ có vẻ bất thường này, một cuộc gặp gỡ sau mười mấy năm xa cách.

– Dì vô nhà đi! – Chị Nụ vội giục, như sực tỉnh.

Thắm đặt cái túi du lịch và chiếc làn vào góc nhà, liếc nhìn lên chiếc trạn thờ gắn vào vách tường. Đằng sau bát hương là tấm ảnh người đàn ông mang quân hàm thượng úy. Ngực đeo đầy huân chương với đôi mắt to, kiên nghị đang nhìn chị. Ôi anh Dương, chị ghìm tiếng kêu ấy lại và chợt nhớ ra, vội vàng gọi các con vào:

– Các con chào bác Nụ đi! Quý, Hương!

Cậu con trai tên là Quý vơ cái mũ lưỡi trai dài trong tay đứng nép bên cửa nhìn gian nhà với đồ đạc giản dị, chỉ độc một chiếc giường đôi và tự hỏi, nếu ở lại đây mình sẽ ngủ vào đâu. Cậu buông một lời chào lí nhí, không nhìn người đàn bà lạ hoắc mà mẹ gọi là bác Nụ ấy. Còn cô bé mặt tròn như quả táo lại nhanh nhẩu vòng tay lại chào rõ to: “Cháu chào bác Lụ”.

Con bé nói ngọng, khiến chị Nụ bật cười. Chị xoa đầu nó và hỏi Thắm:

– Đi từ Hải Phòng về à? Đã về dưới quê chưa hay là mới…

– Dạ, em vừa tụt ô-tô xuống đây.

– Đông Hà vào dịp này, gió Lào nóng quá.

– Dạ nóng. Cũng như dưới Gio hải mình.

– Dưới Gio Hải mình còn có gió biển…

Trong những câu xã giao thông thường ấy chợt vang lên ba tiếng “Gio Hải mình”. Cái tiếng thân thương ấy dường như có sức mạnh xua đi bóng mây ảm đạm đang lởn vởn trong không khí gặp gỡ này, khiến cả hai người đàn bà cảm thấy dễ chịu hơn. Chị Nụ rót nước lọc ra những cốc thủy tinh.

– Nhà chị không có tủ lạnh. Thắm và các cháu uống tạm.

Nghe chị Nụ xưng hô thân mật như cách đây mười mấy năm, Thắm vội cầm cốc nước uống một hơi, chỉ sợ mình ứa nước mắt. Chị Nụ đưa nước cho hai đứa bé. Chị gọi thằng Quý:

– Nào lại đây con trai! Con trai phải bạo dạn lên chứ sao lại bẽn lẽn như con gái.

Chị Nụ chăm chú nhìn thằng Quý uống nước, và ở tư thế nhìn nghiêng, thằng bé chợt gợi lên hình dáng một người khác, khiến chị Nụ suýt kêu lên. Chị quay ra hỏi Thắm

– Nghe nói chú ấy công tác trên tàu thủy. Sao dì không đi nhờ tàu thủy từ Hải Phòng về Cửa Việt. Đi đường bộ làm chi loanh quanh cho vất vả.

– Dạ, nhà em là thủy thủ trên tàu viễn dương…

– Từ ngày Gio Hải mình giải phóng đến chừ… ờ thế mà mười năm rồi đó, dì về thăm quê được mấy lần?

– Xa xôi quá chị ạ! Cũng về được ba bốn lần. Mà bên em có còn ai nữa đâu.

Chị Nụ thừa biết hoàn cảnh Thắm. Hai chị em cùng trong thôn cả mà. Cha Thắm là ông Thước bí thư chi bộ Gio Hải hồi trước. Do một tên phản bội chỉ điểm, ông bị lật hầm ở thôn 7. Mấy thằng nghĩa quân bắn chết ông đã đi cải tạo về, nay vẫn sống nhăn tận trong Bình Tuy. Người anh cả đi bộ đội chủ lực hy sinh trong đợt tấn công Mậu thân ở Huế. Người anh thứ hai là cán bộ huyện đoàn thanh niên Gio Linh hy sinh trên đường đi công tác, vì một chùm pháo hạm. Mẹ Thắm chết đuối trong vụ chiếc thuyền chợ bị tàu thủy Mỹ chà nghiến trên sông Cửa Việt. Cả nhà ngoài Thắm ra, còn cậu út đi lính ngụy làm hạ sĩ truyền tin là sống sót, nay đang làm trong ban chủ nhiệm hợp tác xã đánh cá Tân Lợi. Thực ra, chị Nụ hỏi để cho có chuyện, chứ Thắm về quê lần nào chị cũng biết. Chị vẫn về Gio Hải đều đều để thăm bố chồng là ông Thống. Tội nghiệp ông già đã ngoài bảy mươi, có bốn con cả trai lẫn gái đều là liệt sĩ, mà nhất định không chịu về thị xã Đông Hà ở với mẹ con chị Nụ.

Ông già không thể rời biển ra được, ngần ấy tuổi, vẫn ra khơi. Hôm nào biển động, ông già vắt áo lên vai đi chơi hết nhà này sang nhà khác trong thôn, trong xã. Ông già là cả một pho truyện. Ông khoe với chị Nụ: “Con Thắm thiệt quý hóa, lần mô về, hắn cũng tìm tới thăm tau và biếu quà”.

Chị Nụ trách Thắm:

– Sao dì biết tôi ở đây, mà mấy lần về quê, dì không ghé chơi.

Thắm chỉ “dạ”. Ngập ngừng một lát, cô định nói điều gì rồi lại thôi. Thắm đặt lên bàn một chùm vải thiều, hai hộp sữa nhãn hiệu nước ngoài làm quà. Chị Nụ giãy nảy lên, nhét hai hộp sữa vào túi du lịch của Thắm. Hai người gần như giằng nhau, cuối cùng Thắm đành nhân nhượng. Tính nết chị Nụ vẫn như xưa, đã quyết điều gì khó mà thay đổi.

– Dì cứ bày vẽ… Dì còn phải về dưới quê. Chị chỉ nhận chùm vải thiều để các cháu cùng ăn cho vui. Con bé Hải nhà chị là chúa mê ăn trái cây.

Nhắc đến Hải, Thắm mới sực nhớ:

– Chết chửa, cháu Hải đi đâu hở chỉ? Chắc cháu lớn lắm rồi.

– Cháu đang đi Huế, chiều tối mới về. Mười tám tuổi đầu chứ còn ít ỏi gì nữa. To cao hơn mẹ rồi mà còn ngờ nghệch lắm. Tốt nghiệp lớp mười hai vừa thi đại học sư phạm không biết có cơm cháo chi không? Hình nó đây. Dì coi

Thắm đón tấm ảnh chị Nụ gỡ trên tường xuống. Hai đứa bé cùng xúm lại xem với mẹ. Thằng Quý không nói gì, nhưng con bé Hương lém lỉnh nhận xét:

– Chị này xinh ghê! Cơ mà con mắt to ơi là to.

– Mắt to mới đẹp chứ con. Chị ấy giống bố. Con so xem.

Thắm chỉ lên tấm ảnh anh Dương đặt trên bàn thờ. Đôi mắt to kiên nghị của anh đang chăm chú nhìn Thắm, cái nhìn cháy bỏng năm nào khi anh đang chăm chú nhìn Thắm, cái nhìn chá bỏng năm nào khi anh đang ngồi với Thắm trên bãi cát Cửa Tùng “Anh ơi, bây giờ, em mới nói, anh hiểu cho lòng em…” Trong lúc Thắm vờ nói chuyện với con bé để ngắm ảnh Dương, thì chị Nụ lại chăm chú nhìn thằng Quý. Thoáng chợt, ánh mắt hai người đàn bà gặp nhau, họ đều bối rối vội nhìn lảng sang chỗ khác và đều nén một tiếng thở dài.

II

Chị Nụ nhất định giữ mẹ con Thắm ở lại chơi, lâu ngày chị em còn tâm sự với nhau, ngày mai hẵng về. Từ Đông Hà về Gio Hải chỉ một tiếng đồng hồ thuyền máy chứ mấy. Thắm không từ chối vì đã có ý định như thế. Tất nhiên, Thắm sẽ xử sự khác nếu chị Nụ lạnh nhạt, hoặc hơn thế nữa, có những lời lẽ vội vã xúc phạm tới chị. Trong lúc Thắm dẫn các con đi tắm giặt, chị Nụ vội vàng tạt lên cơ quan thị ủy xin nghỉ phép buổi chiều.

Anh Tân trưởng ban tổ chức thị ủy, một cán bộ quân đội chuyển ngành, có nét mặt dịu dàng và cởi mở, hỏi chị:

– Khách ở mô đó, o Nụ?

Chị Nụ cười:

– À khách đàn bà chứ không phải đàn ông. Tình địch cũ của em đó anh Tân!

Anh Tân vẫn thật thà:

– Trời, tình địch mà cũng tiếp ư o Nụ? Tình địch thì cho mấy gậy.

Chị Nụ cảm thấy câu bông đùa nửa nạc nửa mỡ của mình có vẻ quá lời:

– Em nói đùa đó. Bạn em công tác ngoài Hải Phòng về chơi. Nó cũng là dân Gio Hải.

Chị Nụ nói được câu đó trong lòng trở nên thanh thản nhẹ nhõm hơn. Thế mà khi trở về ngồi thừ ra trong gian nhà trống vắng, bắt gặp đôi mắt to kiên nghị của chồng trong tấm ảnh đang nhìn mình, chị lại thấy bối rối thật vô lý. Tại sao mình lại phải bối rối nhỉ?

Đã mười năm nay, chị và Thắm xa nhau. Dường như Thắm cố tình xa lánh chị. Còn chị, vừa muốn tìm gặp Thắm vừa e ngại. Khi anh Dương còn sống đã đành, cả khi anh đã hy sinh, chị Nụ vẫn cảm thấy chống chếnh thế nào trong cuộc giáp mặt. Có những điều quá tế nhị mà người muốn hỏi không tiện hỏi, người muốn giãi bày không tiện giãi bày. Thế mà hôm nay Thắm chủ động tìm chị. Phải chăng sự bối rối của chị là sự bối rối của kẻ bị tấn công bất ngờ? Ôi cái con bé Thắm này, con bé Thắm đến là thùy mị, duyên dáng của mười mấy năm về trước đã làm chị ngạc nhiên về bản lĩnh của nó: vừa ngoan ngoãn chịu sự dìu dắt chỉ bảo của chị, lại vừa bất ngờ tấn công chị như một người chỉ huy kiêu hãnh khiến chị bối rối, lúng túng. Có khi phải phục tùng nó, có lúc chị lại nổi xung lên.

Thực ra thuở bé Nụ và Thắm không chơi với nhau. Với trẻ con hơn nhau tám tuổi là một khoảng cáh xa. Khi Nụ đã cùng đám con gái chèo mủng như những con điên, để trong chốt lát bay vèo lên chiếc thuyền đánh cá về chưa kịp tắt máy thì Thắm còn coi chuyện đánh truồng đi bắt còn là huyện bình thường. Đến lúc Nụ đã cùng anh Dương, chồng chị đào hầm bí mật nuôi ông Thước bí thư chi bộ, thì Thắm đang học trên thị xã Quảng Trị, Thắm đến với Nụ, bắt thân với Nụ là sau cái chết của người cha. Hôm cúng mở cửa mả cho cha vừa xong, Thắm đội nguyên cả khăn tang đến nhà Nụ. Hôm ấy, biển động. Dưới bầu trời mầu chì, mây sà xuống tận chân sóng. Anh Dương ngồi vá lưới. Chị Nụ vừa thổi cơm vừa gãi lưng cho con bé Hải lên hai tuổi. Thắm nói:

– Chị Nụ ơi, chị cho em làm Việt cộng với!

Trước câu nói như một lời tuyên bố, chị Nụ cười tái mặt đi, đưa mắt nhìn chồng. Anh Dương ngừng tay vá lưới hỏi Thắm:

– Em đang học lớp mấy?

– Thưa lớp mười một.

– Em định bỏ học?

– Dạ, bỏ – ngừng một lát, Thắm ngẩng khuôn mặt xinh đẹp đượm buồn lên, nhìn Dương như tìm sự thông cảm:

– Hồi trước, anh sắp thi tú tài mà cũng thế, chứ bộ…

– à vì anh phải trốn quân dịch. Nhưng thôi được, Thắm quyết định như vậy là tốt. Coi như từ nay chị Nụ sẽ giao công việc cho em.

Chị Nụ, sau phút bàng hoàng vì bị tấn công đột ngột, chị thấy cảm phục: “Con chào dì Thắm đi”. Chị bắt bé Hải khoanh tay lại chào Thắm để thay mình thốt lên lời nguyện ước coi như kết nghĩa chị em. Từ đây, Thắm nhanh chóng trở thành cô gái buôn cá từ Cửa Việt lên Đông Hà. Cũng đua nhau chèo mủng ngoay ngoáy, cũng loáng cái… bay lẹ lên thuyền cá, cũng biết đếm cá nướng theo giọng điệu dân miền biển: “Một đôi, hai đắn, ba thìn, chín căn chẵn chục”. Để kiếm sống đã đành. Thắm còn kiếm cớ gần gũi chị Nụ. Để cùng chị vận động quần chúng đấu tranh với địch, cùng chị đi rải truyền đơn treo cờ, cùng chị xách súng đi bám địch canh gác ban đêm cho cán bộ thoát ly về gặp dân… Một thời gian sau, Thắm được kết nạp vào Đảng. Hai người giới thiệu cho Thắm là chị Nụ, anh Dương. Người đảng viên trẻ, với tấm lòng háo hức sẵn sàng hy sinh cho Đảng, đã xin anh Dương bí thư chi bộ hợp pháo được thoát ly chiến đấu cùng đội võ trang xã bấy giờ đặt căn cứ ngoài Cửa Tùng. Nhưng anh Dương đã yêu cầu Thắm làm một việc khác. Một tuần lễ sau, cái quán bán “La de” của Thắm được dựng lên ngay bến cá. Bấy giờ bọn Mỹ đã mở cảng Cửa Việt. Cần phải nắm quy luật hoạt động của tụi Mỹ ở cảng để cung cấp cho AD – mật hiệu của một đơn vị đặc công hải quân ta. Hơn nữa, quán “La de” vẫn là nơi gặp gỡ nhau tốt nhất của các đảng viên hoạt động hợp pháp. Sáng nào, chiều nào chị Nụ chẳng ghé qua, quang gánh rổ rá của chị vẫn thường xuyên gửi đấy. Anh Dương trước khi đi biển, hoặc đi biển về, đều ghé vào quán làm một chai “33”. Lúc nào anh cầm chai đứng tu luôn nơi quầy, nghĩa là tình hình bình thường. Khi anh xin một ly đá, ngồi uống lai rai một tí, tức là anh cần Thắm có việc. Ngược lại, lúc Thắm bảo “anh Dương còn nợ tiền em hôm trước” là Dương hiểu Thẳm cần báo cáo điều gì. Sau này, khi nghe đồn đại về mối quan hệ lòng thòng giữa chồng chị và Thắm, chị Nụ đâm oán lối mật hiệu này. Phải chăng chính nó đã tạo điều kiện cho người ta “tư tình với nhau”. Thực ra thì không phải thế. Dạo đó, Thắm còn rất trong trắng. Hồi học lớp 11 cũng có một anh chàng học sinh lớp 12 gửi cho Thắm vài bài thơ tình, nhưng Thắm chưa nhận lời đi coi xi nê với anh chàng lần nào cả. Thắm bỏ học, anh chàng có mò về Gio Hải nhưng chắc không ưa nổi bàn tay em đầy vẩy cá cùng với những lời diễu cợt của em, nên chuồn thẳng.

Có một thiếu úy hải thuyền, một anh con trai xứ Quảng mê Thắm thật sự. Ngày nào y cũng mò lên bờ vào ngồi quán la de của Thắm hàng tiếng đồng hồ. Tội nghiệp, y lại là thằng nhát gái muốn tỏ tình mà cứ nói quanh quẩn chuyện đâu đâu. Chỉ ngồi lâu và ngắm trộm Thắm. Và khi giả tiền bao giờ cũng tỏ ra hào phóng đưa tiền lớn và không nhận tiền thối lại.

Vào thời kỳ này, cảng Cửa Việt bị tấn công liên tục. Xã Gio Hải có chín thôn, thì cơ sở thôn nào cũng phát triển, có thôn tổ chức họp nhân dân đàng hoàng. đội du kích xã thay nhau về “lún” ngay trong dân. Ban đêm, bọn ngụy co lại, bọn xã trưởng, thôn trưởng trốn như thằn lằn mồng năm. Để cảng Cửa Việt khỏi bị thắt chặt, bọn Mỹ đã chốt thêm hai đồn trên đất Gio Hải, một ở thôn tám, đồn kia ở thôn ba. Chốt chặt như thế, nhưng dường như không thể nào giữ cho cảng Cửa Việt khỏi bị đặc công nước của ta lui tới đánh phá.

Một buổi chiều, tay thiếu úy hải thuyền ngồi rất lâu uống đến chai la de thứ ba và với khuôn mặt tai tái của người say, vẫy Thắm lại, kéo ghế bảo Thắm ngồi đối diện:

– Tôi rất mến em, dù tôi biết em là con nhà Việt Cộng nòi. Muốn cứu em, nên tôi báo cho em biết là người ta đang tình nghi em… có liên quan tới những vụ bên kia – y chỉ tay về phía cảng Cửa Việt – Em nên tránh đi, nếu em vào Đà Nẵng hoặc vào Huế, tôi cho em địa chỉ gia đình…

Với nét mặt điềm tĩnh, Thắm chỉ “cám ơn thiếu úy nhiều” Thắm chẳng có tội tình gì mà phải trốn tránh. Nếu đất Cửa Việt không sinh sống nổi mà phải vô Huế hoặc Đà Nẵng kiếm ăn thì Thắm cũng có họ hàng khỏi phiền thiếu úy… Tuy nói vậy nhưng Thắm vội tìm đến chị Nụ, anh Dương để báo cáo tình hình. Cùng lúc ấy, Đảng ủy xã Gio Hải cũng nhận được chỉ thị mới của huyện Gio Linh yêu cầu Dương và Thắm phải lập tức chuyển sang hoạt động bí mật. Có nhiều triệu chứng bị lộ, do một cơ sở của ta bị bắt không chịu nổi tra tấn đã phun ra. Chuyển sang hoạt động bí mật thì thật giản đơn. Ngay đêm ấy, Dương gói ít quần áo cho vào túi, mở miếng ván ở hốc cột nhà lấy khẩu súng lục dắt vào lưng quần, thơm cái Hải và dặn dò chị Nụ vài câu, rồi theo đội du kích luồn qua Cửa Tùng. Còn Thắm lại sang với chị Nụ, nói cho đúng hơn là sang nằm cái hầm mà ngày xưa cha Thắm đã sống hàng năm dưới đó.

Một màn kịch được dựng lên. Sáng hôm sau, ở nơi bến cá, trong lúc bà Thước mẹ Thắm hớt hải hỏi hết người này sang người khác có biết con Thắm ở đâu không, phần cơm tối hôm qua úp trong bát đã đóng sành mà vẫn không thấy về nhà, thì chị Nụ làm như bộ chợt hiểu ra sự tình đầu đuôi. Chị kêu lên với mẹ Thắm bằng cái giọng chua chát rằng thím không biết dạy con để nó quyến rũ chồng chị. Nhất định thằng chồng phụ tình của chị đã bám theo “con đĩ” trốn đi Đà Nẵng, Sài gòn rồi. Hèn chi mà “anh ả” cứ xoắn lấy nhau ngoài quán la de. Kêu là kêu vậy để giữ thế, chứ bà con ai cũng đoán biết sự thật. Thế mà màn kịch có tác dụng: bọn ngụy quyền cay cú trước sự mất tích rất lẹ của hai tên tình nghi, bèn gọi chị Nụ và bà Thước lên xã dọa nạt vặn hỏi. Cả hai đều tỏ ra là diễn viên xuất sắc cả. Chẳng những đối đáp khớp như kịch bản, mà họ còn làm mặt nặng mặt nhẹ với nhau, nói kháy nhau trước mặt tụi ngụy quyền, khiến tụi này dẫu còn nửa tin nửa ngờ cũng chẳng thể hoạnh họe họ được nữa. Khi đêm xuống, mở cửa hầm cho Thắm lên, chị Nụ bèn kể chuyện màn kịch cho “con đĩ” nghe, hai chị em cứ cười rúc rích hoài. Trời đất, “con đĩ” này sướng ghê, được chị Nụ thổi cơm cho ăn với cá thu này! Được chị Nụ gánh nước cho tắm này.

– Bây giờ em đã mang tiếng với thiên hạ rồi là tại chị đó chị Nụ nghe!

Thắm nói lúc chị Nụ dội nước cho cô gội đầu. Trong mùi lá sả tỏa ra thơm nức, chị Nụ hỏi:

– Sao út lại cứ buộc tội cho chị!

Thắm vẫn cứ vùi đầu xuống chiếc chậu nhựa, hai tay vò vò mớ tóc đen nhánh, để lộ một mảng cổ và hai bờ vai đầy đặn, nõn nà:

– Thôi thôi, chị dừng tay đi, làm em chết sặc mất. ấy, em có buộc có thắt gì đâu. Là em nói vậy, kẻo ngộ nhỡ ra em làm thiệt thì chị đừng trách.

Chị Nụ cười:

– Tưởng chuyện chi chứ cái ông Dương thì ai rước hộ, tao càng rảnh. Tao cho út tha hồ…

Một câu nói đùa khiến chị Nụ thoáng hối hận. Cái mảng cổ và hai bờ vai đầy đặn nõn nà thế kia, mà nó còn trẻ, mới mười chín tuổi. Còn chị một lần sanh, hai lần sẩy, mới hăm bảy mà vai đã nhô ra, nhiều lúc tuềnh toàng đến nỗi không mang yếm nữa để cái Hải sờ tí cho thoải mái. Dưới ánh đèn dầu hỏa, cái mảng cổ và hai bờ vai cứ hiện lên như màu ngà voi, đến chị cũng phải mê huống chi cánh đàn ông. Lúc nào mèo chê cá thì cánh đàn ông mới không thích gái đẹp… Mà cái ông Dương nhà này đâu phải vừa, ừ ở nhà thì đứng đắn đấy, còn đi ra thì ai đi theo mà nắm tay nắm chân được? Chị Nụ thoáng hối hận, một thoáng thôi nhưng nó cứ ám ảnh mãi về sau này, nhất là khi Thắm ra hắn ngoài căn cứ Cửa Tùng, để chỉnh huấn chính trị và học quân sự.

Thoáng hối hận trở thành thoáng hoài nghi. Mỗi lần ở Cửa Tùng về vào ban đêm, Dương thường đi với Thắm. Và khi ra đi lại vẫn hai cái bóng đen ấy lẩn vào đêm tối. Có đêm, Dương ở lại nhà, anh nắn nắn cổ tay vợ và xuýt xoa:

– Dạo ni em gầy quá!

– Nếu thích thì anh cứ chọn một cô cho mập hơn!

– Chỉ nói vậy!

Rồi anh Dương về thưa hơn, mặc dù anh là xã đội trưởng. Thời kỳ này bọn Mỹ cày ủi hầu hết các thôn phía bắc, dồn dân lại quanh bờ sông Cửa Việt. Day kẽm gai rào quanh một cùng độc cát trắng, người dân Gio Hải chui vào chui ra dưới những túp lều lợp tôn nóng bỏng. Nhưngn ở đâu có dân là có Đảng, có cơ sở cách mạng ở đấy. Chị Nụ, từ ngày thay anh Dương làm bí thư chi bộ hợp pháp thành một “câu đấu tranh”, chỗ dựa tinh thần vững chắc cho bà con cô bác. Bọn ngụy phải kiềng mặt chị gọi chị là “con mụ già mồm”. Chúng dọa sẽ có phen gang mõm nó ra coi thử nó có luận điệu cộng sản nữa không. Bọn địch đã đánh hơi được anh Dương vẫn đi đi về về chỉ đạo hoạt động cách mạng mà không làm gì được. Dọa chị Nụ thì chị cười: “Các ông có tài có giỏi thì bắt hộ thằng chồng phụ tình của tôi về, tôi cho nó một trận…”. Thế rồi chị Nụ có bầu. Nhất định chị không chịu phá thai. Chị phải sanh cho anh Dương một thằng con trai, anh ấy vẫn mong thế. Mặc dầu chị khéo che đậy, nhưng khi cái thai đến tháng thứ sáu, thì bọn ngụy mừng rơn. Chúng xích tay chị đưa lên quận và cứ theo thường lệ là phải tẩn cho đặng khai hầm thằng Dương ra thì thôi. Thằng chồng không thậm thụt đi về thì làm sao mà mang bầu? Chị Nụ chỉ còn oằn lưng lại chịu những làn roi đuôi cá sấu đến rách áo rách thịt ra, chứ nhất định một mực là đã từ chồng lâu rồi, mang bầu chẳng qua là trót dại với người khác. Đương nhiên bọn ngụy chẳng dễ dàng buông tha, phải truy đến cùng. Với người khác là thằng nào? Theo kế hoạch đã chuẩn bị sẵn khi ở nhà, chị khai cho ông Trí, một đảng viên hợp pháp ngoài bốn mươi tuổi. Khốn nỗi, ông Trí vầp phải bà vợ hay ghen, nghe nói thế, nổi máu tam bành lên, hành hạ ông Trí đến khổ sở. Ông đã rỉ tai với bà vợ là đâu phải thế, chẳng qua vì bảo vệ cách mạng mà nhận lấy cái nỗi tủi nhục về mình. Bà vợ vẫn khăng khăng không chịu nghe, đòi ông phải lên quận phản cung lại, bằng không thì bà sẽ treo cổ lên xà nhà cho ông tha hồ mà hú hí với con đĩ. Thế là ông Trí hốt hoảng, ông sợ bà vợ làm thiệt, nên khi quận gọi lên đối chất với chị Nụ thì ông xoay ra chối bai bải: “Nó ngủ với ai tôi đâu biết, chừ thì nó lỡ làng ra, nó khai bậy khai bạ…”. Ông Trí bị chị Nụ chửi cho một mẻ, nào là thằng hèn, nào là đồ đểu… Chửi, thì ông chịu cúi mặt xuống, còn nhận mình là nguyên nhân chính của cái bụng chửa, thì nhất định ông lắc đầu. Cuối cùng, cả chị Nụ lẫn ông Trí đều bị coi là phần tử tình nghi, bị tra tấn hết sức dã man và bị tống vào nhà lao Thừa Phủ trong Huế. Đối với chị Nụ thằng giặc tra tấn chết đi sống lại mấy lần cũng không sao bằng sểnh mất đứa con. Chúng đánh chị trụy thai, băng huyết phải nằm nhà thương mất ba tuần lễ. Và chị biết rằng mình không còn khả năng sinh nở. Chị khóc tấm tức về nỗi niềm này. Đầu năm 1972 chúng phải thả chị về. Lại đi chân trần trên làng cát, lại được ôm chầm lấy bé Hải mà hôn đôi má khét nắng. Một năm nằm nhà lao mà trong nhà thêm ba cái tang: hai chú em trai anh Dương hy sinh trong cùng tháng bảy. Mẹ chồng chị buồn phiền quá lâm bệnh qua đời sau lúc cúng trăm ngày cho các con. Trên giường thờ thêm ba cái bài vị. Trong bếp bắc cái niêu nhỏ vừa để thổi một lon gạo cho hai ông cháu. Nhà cửa bốn bề gió biển thông thống. Còn lại cho chị một niềm vui lớn lao là phong trào cách mạng ở Gio Hải dù bị nhiều tổn thất vẫn ddứng rất vững, là anh Dương của chị vẫn mạnh khỏe và được cấp trên điều vào bộ đội tỉnh. Nhưng rồi có tiếng thì thào rằng dường như anh Dương có dính líu gì tới vụ cái Thắm bị kỷ luật. Chị không biết ư? Cái Thắm xưa nay ngoan nết thế, ai dè “khôn ba năm dại một giờ”. Cán bộ và du kích Gio Hải có người nói gần nói xa là anh Dương và cái Thắm quả thật có thân nhau. Nhưng cái Thắm cứ một mực bảo nó yêu một anh trinh sát hải quân, mà xin đừng hỏi tên anh, vì anh đã hy sinh rồi. Bây giờ cái Thắm sắp đến ngày ở cữ, và cấp trên đã điều nó ra công tác tại ban B. Quảng Bình.

Chị Nụ lặng người đi trước lời xì xầm này. Chị mơ hồ lo ngại những điều mình dự đoán đã xảy ra. Không ai hiểu anh Dương bằng chị. Trong chiến đấu và công tác, anh là người dũng cảm, kiên nghị, nhưng về mặt tình cảm anh rất dễ xúc động, thậm chí lại còn mau nước mắt. Trong tình yêu anh yêu say đắm và dữ dội. Chị nhớ lại hồi mới yêu nhau, hầu như đêm nào anh chị cũng hẹn nhau ra bãi biển. Chị nhất định muốn ngồi trên những cánh mang còn anh lại muốn kéo chị vào rừng dương. Chị tìm cách từ chối. Rừng dương vắng vẻ, yên tĩnh quá. Mà anh thì thường làm chị suýt ngạt thở trong vòng tay quá xiết chặt. Chị đã linh cảm thấy một điều gì đó sẽ xảy ra. Vậy mà cuối cùng bé Hải cũng ra đời hơi sớm, bảy tháng sau ngày cưới nhau.

Lời xì xầm này đối với chị là một nỗi đau, khiến chị muốn ttìm gặp anh Dương ngay lập tức. Chị lên xã xin giấy vô Huế chữa bệnh. Nhưng chị không bận chiếc áo dài màu nõn chuối và đi xuồng máy vào thị xã Quảng Trị, mà đánh chiếc áo đen cộc tay, theo đám du kích Gio Hải vượt qua nhiều bãi pháo tọa độ dọc trảng cát, đi ra Cửa Tùng. ở căn cứ của xã, các đồng chí của chị cho biết anh Dương không còn ở hậu cứ nữa đâu, anh đã vào tận trong Cùa, trong Trấm Lậng! Lạ thay, ai cũng khoe anh Dương với chị. Nào là đánh thằng Mỹ mấy quắn, hay hết chỗ nói, nào là thêm bốn huy hiệu dũng sĩ, hai huân chương chiến công nữa, nào đáng ra là phải trúng anh hùng lực lượng vũ trang. Ai cũng coi như việc anh Dương được điều vào bộ đội tỉnh là vì không có đất dụng võ. Năng lực chỉ huy của anh như thế mà phải nắm một dúm du kích quả không bõ bèn. Đấy, vào tỉnh đội người ta phong anh là trung úy chỉ huy một đại đội hẳn hoi. Không ai nói là dính vào vụ kỷ luật cái Thắm mà phải đẩy đi, mặc dù chị Nụ cũng tìm cách dò dẫm. Hỏi thẳng chuyện ra thì ai cũng chỉ tặc lưỡi: “Chậc, chuyện vặt. Mà cái Thắm đã khai với tổ chức rồi còn gì!” Những ngày ở căn cứ xã, sống trong những địa đạo Cửa Tùng, chị Nụ vừa vui vừa buồn. Vui vì mọi người đều nói những lời tốt đẹp về chồng mình, mà buồn lại cũng vì vậy. Thà người ta gọi anh là thằng đểu thì chị đã yên tâm, chị đã thỏa mãn được mối hoài nghi của mình. Đằn này người ta lại coi anh Dương như một người anh hùng, là niềm tự hào của dân Gio Hải. Với lại, người ta cũng không dè bỉu Thắm, người ta coi chuyện lỡ làng của Thắm là chuyện vặ, không đáng để tâm. Chị Nụ vẫn hoài nghi; thế này thì quá lắm “Chúng nó” che giấu tội lỗi giỏi thật! Và chị quyết định đi Quảng Bình tìm gặp Thắm, chị phải cho “con đĩ” mấy cái tát mới được. Thời kỳ đó, Vĩnh Linh là mảnh đất bắn phá tự do. B.52 rải thảm, pháo hạm ngoài biển câu vào, pháo mặt đất từ Cồn Tiên, Dốc Miếu bắn ra, không gian không lúc nào yên tĩnh. Sống trong lòng địch quen rồi, chị Nụ chưa hề phải giáp mặt với bom pháo. Mặc, chị vẫn quyết tâm đi. Có lúc phải nằm bẹp dí hàng mấy tiếng đồng hồ dưới những tiếng rít ghê rợn của đạn pháo 175 ly, chị Nụ nghe rõ tiếng tim mình đập thình thịch và chợt tự hỏi: mình đi gặp cái Thắm để làm gì? Để cho nó cái tát ư? Không thể được! Nghe ra đã xấu hổ rồi. à, có sao đâu. Mình đi thăm nó. Chỗ chị em thân thiết với nhau cơ mà. Chị tự hỏi, tự trả lời, tự thanh minh và tự tìm ra lý lẽ để chuyến đi không bị trơ trẽn.

Thế rồi chị tìm ra ban B Quảng Bình, một cơ sở an dưỡng cho cán bộ Trị Thiên, bấy giờ đóng ở ngoài Hoàn Lão. Thắm đã sinh con trai, vừa chẵn tháng. Chị Nụ ở vào tình thế thật khó xử. Nói là đến thăm chị em thì nhất thiết phải bày tỏ được sự niềm nở, hân hoan. Mà niềm nở hân hoan với người chị đang muốn cho cái tát thì chị không nặn ra được khuôn mặt giả dối ấy. Thành thử chị gặp Thắm trong không khí sượng sùng. Còn Thắm cũng vậy, thoạt đầu cô tỏ ra bối rối, kém tự nhiên. Sự có mặt bất ngờ của chị Nụ báo hiệu những điều không hay chăng? Nhưng khi nghe những lời thăm hỏi xã giao vừa lạnh nhạt vừa lúng túng của chị Nụ, Thắm trở nên tự tin hơn. Cô bế thằng bé đưa tận tay cho Nụ và vui vẻ hỏi:

– Chị nghe tin em sanh cháu, chị ra thăm hay chị đến đây mới biết?

– Tôi ở tù ra, đâu biết Thắm đã xây dựng gia đình?

– Thôi đi chị! Chị đừng giả bộ nữa. Chị về xã là nghe người ta đồn ầm con Thắm chửa hoang chứ không à? Quả có thế thật. Nói là chửa hoang thì em không chối cãi được. Thằng bé không có bố. Bố nó hy sinh rồi. Làm giấy khai sinh cho cháu, em lấy họ Lê của em. Em vừa chịu kỷ luật cảnh cáo trước chi bộ Gio Hải.

– Tôi như dì tôi không chịu kỷ luật. Mình có người yêu hẳn hoi. Chẳng qua… thế chú ấy quê quán ở đâu?

– Về chuyện này thì chị thứ lỗi. Em không định nói với một ai cả.

Qua những câu chuyện loanh quanh, điều chị Nụ muốn sáng tỏ vẫn kín như bưng. Có vài lần chị nhắc tới anh Dương, mà sắc mặt Thắm không thay đổi và cô cũng không vồ vập hỏi han gì thêm. Vốn chậm nghĩ, ngồi một lúc lâu, chị mới nghĩ ra một câu ngụ ý răn đe:

– Dì cứ đinh ninh bố thằng bé hy sinh rồi, có thật thế không? Giá như người ta còn sống thì sao?

– Em cũng hy vọng như thế.

– Nếu người ta còn sống mà mình nói vậy là rủa người ta. Phải tội chết.

Thắm chỉ mỉm cười. Cuộc viếng thăm kết thúc lạnh nhạt. Chị Nụ trở về Gio Hải cùng với nỗi băn khoăn của mình chưa giải đáp được. Nhưng rồi chị chẳng có thì giờ và lòng dạ nào mà ôm lấy nỗi băn khoăn có vẻ như vô cớ ấy. Rõ là ách giữa đàng mang lấy cổ. Chị còn phải làm ăn nuôi con, chăm sóc người bố chồng. Còn phải gánh vác phong trào cách mạng Gio hải lúc bấy giờ đang cực kỳ sôi động. Chiến dịch mùa xuân 1972 mở. Cùng với chiến thắng dồn dập của quân ta ở cao điểm 241, Tân Lâm, Dốc Miếu, Quán Ngang, thị xã Đông Hà, xã Gio hải đã nhanh chóng nổi dậy giải phóng. Bọn địch tháo chạy về bên kia sông, qua ia Đẳng, Mỹ Thủy, và lập tuyến phòng ngự bờ nam sông Mỹ Chánh, xã Gio Hải được giải phóng. Cả huyện Gio Linh, cả tỉnh Quảng Trị được giải phóng! Hoan hô! Cách mạng muôn năm! Người dân Gio hải treo cờ đỏ sao vàng lên, mừn vui trào nước mắt. Ông già Thống, bố chồng chị Nụ, vắt áo lên vai, đi rảo một vòng quanh xã cho sướng đôi chân. Về nhà, ông thắp nhang lên bàn thờ vợ và các con khấn rằng trời có mắt, von linh cụ Hồ phù trợ cho cách mạng thành công ở đất quê nhà. Ông già chỉ mong tin bố con Hải.

Ông già mong một thì Nụ mong mười. Chị nghe người ta đồn anh Dương lên ấp chỉ huy một đơn vị đặc công đánh địch ở chợ Cầu ngay gần đây thôi. Một buổi nhập nhoạng tối, chị vừa đi mít tinh phụ nữ về, đang cho heo ăn, bỗng có đôi bàn tay to lớn bịt chặt mắt mình lại, làm chị kêu ầm. Đôi bàn tay buông ra là một chuỗi cười ròn tan. Trời ơi! Anh Dương!

Để nguyên bộ quần áo bộ đội không lấy gì làm sạch sẽ, anh Dương xộc vào nhà như một cơn lốc, bế thốc cái Hải lên, cọ bộ râu lởm chởm vào má nó, làm con bé hoảng quá cấu vào mặt anh. “Phải, phải cứ cấu nữa đi con. Cấu ba cho thiệt đau”! Anh Dương chỉ được tạt về nhà có một đêm, sáng mai phải cùng bộ đội hành quân sớm. Một đêm của người lính về thăm vợ trên mảnh đất vừa giải phóng quý báu xiết bao. Thời gian để tiếp họ hàng gia đình đến chúc mừng. Thời gian để tiếp bạn bè đồng chí trong xã. Thời gian để chị Nụ sốt ruột vì những ông bạn cứ uống nước chè đều đều, vấn thuốc rê đều đều và hỏi hết chuyện chiến dịch từ Đông Hà về đến tận Lộc Ninh. Còn bao nhiêu thời gian cho vợ chồng tâm sự nữa đâu. Mà biết bao điều cần nói. Trời ơi, thời gian trong chiến tranh! Dù sao chị Nụ cũng muốn nâng niu chút thời gian nắn ngủi đầy hạnh phú này. Còn một chút băn khoăn cộm lên đấy, nhưng chị nỡ lòng nào ray rứt anh.

Trong đêm yên tĩnh, bằng một lời khoe, chị chỉ ướm thử anh:

– Cái Thắm nó đẻ con trai. Em có ra Quảng bình thăm nó.

– Thế thì tốt. Thắm đẻ con trai, anh có biết.

– Nó gửi thư cho anh à?

– Không, gặp mấy thằng bạn nói lại.

– Tội nghiệp! Tự dưng phải một mình nuôi con!

Chị buông một tiếng thở dài, rồi úp mặt mình vào tấm ngực rộng lớn của chồng, nửi mùi mồ hôi quen thuộc và nghe rõ nhịp đập trái tim anh. Chị nằm như thế, yên ắng, mặc cho anh vuốt nhẹ lên mái tóc mình, tận hưởng cái êm ái trong bàn tay chồn, không nỡ nói gì thêm… Sáng mai, chị tiễn anh ra tận bờ sông Cửa Việt. Anh bảo, đơn vị anh còn phải hành quân vào sâu trong kia. Anh lên đò lúc chưa rõ mặt người. Con đò đưa anh xa dần và chao ôi, không ngờ đấy là lần cuối cùng vĩnh biệt anh. Anh ngã xuống trong một lần quân ta luồn sâu vào tuyến phòng ngự của địch, bên kia bờ sông Mỹ Chánh. Mặt trận thắng lợi mà chị mất anh. Đồng đội đưa anh về mai táng trên một vùng cát Hải Lăng. Chị đã vào đấy. Trong tiếng gió hú trên hàng dương và tiếng sóng biển đổ ầm ầm, chị đã khóc anh, kể lể với anh, trò chuyện với anh. Chị nói một mình. Vĩnh viễn anh không bao giờ đáp lại. Vĩnh viễn anh mang đi theo tâm sự của mình.

Ông già Thống, tay run run đặt cái bài vị đứa con hy sinh cuối cùng của mình lên bàn thờ. Thế là bên cạnh vong linh mẹ nó đông đủ bốn anh em: ba trai, một gái. Thế là hết, là trắng tay. Ông già không khóc nhưng cứ nhìn ra biển, nói thì thầm như nói với ngọn sóng nào đấy. Đôi lúc ông già nhìn chằm chằm vào khuôn mặt chị Nụ, xem có dấu hiệu gì chứng tỏ đêm vợ chồng gặp nhau có để lại chút hy vọng gì không, để cánh họ Trần của ông còn có người nối dõi. Tội nghiệp ông già! Ông quên rằng chị Nụ đã bảo với ông rằng chị không còn khả năng sinh nở nữa, sau khi bị chúng đánh trụy thai băng huyết.

Nỗi buồn của cha con chị Nụ quả là lớn lao. Chị Nụ chỉ biết động viên an ủi ông già bắng sự chăm nom của mình, bằng việc nuôi dạy bé Hải cho tử tế, làm sao cho ngôi nhà nhỏ bé luôn luôn đầm ấm.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng. Chị Nụ được thị ủy điều lên làm công tác trên thị xã. Thoạt đầu chị để hai ông cháu ở quê. Về sau, chị sắp xếp đưa hai ông cháu lên. Nhưng ông già nhất định không đi:

– Thôi, mẹ con bay cứ lên mà lo việc nước. Tau ở lại với biển.

Chị Nụ van nài ông mãi, ông không nghe.

Chị phiền muộn về việc này, nhưng biết làm sao được? Trong đầu chị, chứa chất đầy lo toan. Lo cho công tác của Đảng, lo cho bé Hải cái ăn cái mặc và việc học hành, lo cho ông già sống một mình dưới quê. Đấy là chưa kể những bực dọc vụn vặt xảy ra trong cơ quan, những va chạm thường ngày trong khu tập thể. Cuộc sống của chị trở nên bươn bã hơn những ngày trong chiến tranh. Nó làm chị quên đi tuổi trẻ của mình. Và tất cả những băn khoăn day dứt trước kia vốn có vẻ là vô cớ nay càng mờ nhạt dần trong trí nhớ của chị. Đôi khi chị có nhớ lại câu chuyện nghi hoặc giữa chồng mình và bạn mình, thì chị cố xua đuổi đi như xua đuổi một ảo ảnh mơ hồ. Cái ảo ảnh mơ hồ đó thường xuất hiện vào lúc chị về quê thăm bố chồng. Lạ thật, ông già Thống thường nhắc tới Thắm như nhắc tới người thân thiết.

– Con Thắm quý hóa thiệt! Có dễ hơn một năm nay chưa thấy hắn về thăm.

III

Khi nắng nhạt, thì Đông Hà mát mẻ hơn. Vẫn gió Lào. Nhưng xen vào những đợt gió Lào đã có gió biển thổi ngược lên. Khu gia đình tập thể đang chuẩn bị bữa ăn chiều.

Sau khi tắm giặt xong, mẹ con Thắm đều thay quần áo mới sạch sẽ. Xem cung cách ăn mặc toàn bằng hàng nước ngoài khá đắt tiền, người ta cũng biết đời sống của mẹ con Thắm là dễ chịu. Thắm cũng không giấu giếm ai niềm vui này. Chồng Thắm là thuyền phó một chiếc tầu viễn dương, dẫu không buôn bán bất chính chỉ vài lần đặt chân lên cảng nước ngoài, với cách sống căn cơ của người Việt ta, cũng đủ cải thiện đời sống cho vợ con. Hôm nay, Thắm cho con ăn bận đẹp đẽ, không phải để khoe của, mà hầu như vì một thứ tự ái vặt của đàn bà: tôi cũng làm đủ miếng ăn, sống tử tế, tôi đến thăm chứ không hề cầu cạnh… Đặc biệt Thắm chú ý diện cho thằng Quý: chiếc áo kẻ cộc tay có cầu vai, chiếc quần bò mang nhãn hiệu nước ngoài, đôi dép tông. Chị muốn nó xuất hiện trước mặt chị Nụ như một ấn tượng đẹp, không có điều gì phải xấu hổ.

Hải, cô con gái chị Nụ đi Huế đã về. Đấy là một cô gái khá xinh, khỏe mạnh có vẻ cứng rắn và ương bướng. Vất nón ra là cô giúp mẹ thổi cơm chiều. Bây giờ, bữa cơm đã dọn xong, bữa cơm mang phong vị đặc biệt của biển Quảng Trị: tôm rim, cá thu kho khô rắc tiêu, mực tươi xào dứa, cá đé nấu chua nổi váng đỏ màu ớt bột. Chiếu trải giữa nhà, mọi người ngồi xếp bằng. Chị Nụ gắp thức ăn lên bát cho hai đứa bé vf cả cho Thắm, xăng xái chào mời. Chị hài lòng về bữa cơm ngon lành chu tất.

Thắm nếm miếng cá hu, vội kêu lên:

– Trời, chị kho cá thu tuyệt vời! Hồi trước…

Thắm bỏ lưng câu nói, vội vã nhìn đi nơi khác. Chính là nhìn vào kỷ niệm của mình, của chung hai chị em. Những đêm, hai chị em quạt nướng cá thu để ngày mai mang lên chợ Đông Hà, mùi cá nướng thơm lừng…

Những ngày chị Nụ nuôi mình dưới hầm bí mật, bao giờ cũng một âu cơm, một khúc cá thu kho khô rắc tiêu, một ống bầu nước… Chị ấy chu đáo quá! Vậy mà mình đã phụ lòng chị ấy, mình đã yêu anh Dương của chị ấy, một mối tình điên dại, không cưỡng lại được.

Chao ôi, mày sống bản năng quá Thắm ạ! Thoạt đầu mày cảm phục anh Dương, vì anh là một chỉ huy dũng cảm, một cán bộ lãnh đạo sáng suốt, một người anh hào hiệp độ lượng. Mày cứ nghĩ một người đàn ông tuyệt vời như thế là của tự thân anh ấy không thể là của riêng ai, kể cả chị Nụ, người đàn bà ít học, mặt mũi thô, ngón chân cái to bè. Mày không có ý chiếm anh Dương của ai cả, mà mày cứ yêu, từ yêu thầm đến cháy bỏng.

– Ăn đi dì! – Chị Nụ gắp lên bát cho Thắm thêm miếng cá thu nữa – Dì cứ khen. Kho cá thu chứ có phải gà tần chim quay gì đâu mà đòi hỏi kỹ thuật. Cá thu thì ai mà chẳng kho được.

– ấy vậy mà em học mãi vẫn không sao kho được miếng cá thu thơm và ngon thế này. Anh Hùng nhà em vẫn cười em là dân Gio Hải mà không biết kho cá.

Chị Nụ như chợt nhớ ra:

– Thế mà chị quên chưa hỏi thăm dì, chú ấy quê ở đâu? Dì và chú xây dựng hồi nào?

– Nhà em quê Hải Hưng chị ạ! Anh ấy trước kia là trinh sát đặc công hải quân vẫn hoạt động nhiều ở Cửa Việt ta đấy. Hồi đó, cánh trinh sát hải quân hy sinh nhiều quá. Anh Hùng nhà em có lẽ là một trong dăm ba người còn lại. Cũng là người quen biết anh Dương và hình như có gặp chị vài ba lần. Chị có nhớ cái đêm, bọn em phải bơi vòng ngoài biển, ướt như chuột lột…

– A, chị nhớ rồi… có phải chú bộ đội nom cứ bẽn lẽn, bảo thay quần áo ướt, nhất định không chịu.

– Vâng, đúng đấy!

Thắm gật đầu xác nhận. Quả là anh Hùng hồi đó tính nết như con gái. Vẫn nhớ đời lần ấy, lần chạm trán với tụi biệt kích Mỹ ở thôn 8. Đoàn công tác gồm cán bộ Gio Hải và trinh sát hải quân, tất cả mười hai người, thì một hy sinh, hai bị thương. Phải thu xếp người đưa thương binh tử sĩ về căn cứ, đoàn còn lại sáu người do anh Dương chỉ huy. Anh vẫn kiên quyết tìm đường bơi vòng ngoài biển để đột nhập lên thôn 5. Đường bơi dài bốn cây số dưới làn đạn đại liên bắn hú họa của tụi Mỹ. Hùng là tay bơi khá. Anh Dương phân công cho Hùng bơi dìu Thắm mà Hùng ngượng, lắc đầu, chỉ nhận mang thêm vũ khí. Thắm cũng tự ái, bảo không cần ai dìu, mình bơi được. Nhưng vừa bơi được non nửa đường. Thắm đã hụt hơi. Rồi chính anh Dương bắt Thắm phải ôm lấy cổ anh để anh bơi dìu đi. Mệt lắm mà Thắm vẫn ngượng ngùng. Lần đầu tiên cô đụng vào da thịt một người đàn ông, người mà Thắm vô cùng yêu mến. Tuy thế, anh Dương vẫn ý tứ. Không một cử chỉ, một động tác nào chứng tỏ anh có ý lợi dụng…

– Thế chú ấy bây giờ vẫn ở Hải Dương? – Chị Nụ hỏi, cắt đứt ý nghĩ của Thắm.

– Dạ, sau chiến thắng 1975, anh ấy chuyển qua ngành hàng hải và đi học chỉ huy tàu. Chúng em gặp lại nhau năm 1977 rồi cưới nhau. Tình thật với chị, anh ấy hiểu hoàn cảnh của em, thương em nhiều, chứ anh ấy còn là trai tân.

Hai người đàn bà vừa ăn vừa nói chuyện không chú ý đến mấy đứa trẻ. Chúng nó đang mải ăn. Riêng Hải vẫn để tai nghe chuyện. Cô gái bỗng nhận biết, thì ra dì Thắm có hai đời chồng. Cô đưa mắt nhìn kỹ hai đứa trẻ. Tuy vậy, Hải vẫn không hỏi leo vào chuyện người lớn. Cô quay sang trêu bé Hương:

– Chị đố Hương nói câu này: Nồi niêu nấu lòng lợn.

Con bé nuốt vội miếng cơm, thận trọng nói to:

– Lồi liêu lấu…

Hải và cả nhà đều cười lăn. Con bé cãi:

– Thì em đã lói rồi. Lồi liêu lấu lòng nợn chứ sao nữa.

Người ta càng cười to hơn. Thằng Quý có vẻ tức:

– Ê! Đồ nói ngọng!

Hải beo vào cái má phinh phính của bé Hương:

– Dân Hải Phòng xinh gái như thế này mà nói ngọng thì mất cả duyên.

Thằng Quý vội cãi:

– Dân Hải Phòng không nói ngọng. Chỉ có dân Hải Hưng mới…

– Thôi, ăn đi các con! – Thắm ngắt lời thằng Quý, sợ chuyện trẻ con vô ý lại thành chuyện cạnh khóe làm mếch lòng người lớn, mếch lòng chính bản thân chị – Dân ở đâu cũng thế cả, cũng không nói ngọng. Em nó còn bé, nói chưa sõi. Con lớn hơn con phải dạy em nói cho đúng.

Chị Nụ góp chuyện bằng cách mắng yêu con gái:

– Cũng tại cái con chị của nợ này nữa. Cứ bày chuyện ra trêu em.

Ăn cơm xong, lại đến tiết mục dưa hấu, vải thiều. Hải vừa bóc vải vừa nghiêng đầu vào mẹ thì thầm điều gì. Chị Nụ ấy đầu con gái ra:

– Mày chỉ khéo vẽ chuyện. Tối nay không đi đâu cả. Có dì và các em về chơi. ở nhà mẹ có việc.

Chị Nụ phân bua với Thắm, cũng là để xem ý tứ Thắm thế nào.

– Thế này dì ạ. Cháu Hải xin phép tối nay đi dự sinh nhật đứa bạn gái dưới phố. Chúng nó bây giờ vẽ chuyện nhiễu nhương lắm, vào tuổi nó, ngày xưa chúng mình đã là đảng viên, là du kích mật, chứ đâu có lông bông…

Hải cười vang, rúc đầu vào cánh tay chị Nụ:

– Mẹ lại hồi ký rồi. Những người già bao giờ cũng ngày xưa ngày xưa…

Thắm bảo:

– Chị cứ để cho cháu đi với bạn. Tuổi trẻ bây giờ nó khác chứ chị! Thôi cảnh già mình ở lại nói chuyện với nhau càng dễ…

Hải kêu lên:

– Là cháu bảo mẹ cháu già, chứ dì thì còn xuân lắm. Đi ra đường còn ối anh chàng…

– Chỉ được cái huyên thuyên!

Chị Nụ mắng con gái và bỗng dưng nhăn mặt một cách khó chịu. Còn Thắm lại đỏ mặt, lời khen vô tình ấy hóa ra lời diễu cợt.

Hải ăn bận khá diện: áo phông, quần nhung kẻ mầu đen, đi xăng đan cao gót. Cô cũng thoa tí phấn, bôi tí son cho khuôn mặt rạng rỡ thêm. Cô chào mẹ, chào dì Thắm cùng các em và bảo chị Nụ là sẽ ngủ lại nhà con bạn, nhường giường cho dì và các em, sáng mai về sớm.

Khi Hải đi rồi, trong nhà chỉ còn hai người đàn bà ngồi đối diện với nhau trên chiếc chiếu. Hầu như ai cũng cảm thấy sẽ có những giây phút nghiêm trọng trong câu chuyện sắp tới: May sao còn cả hai đứa trẻ. Để câu chuyện của họ cứ rề rà từ giá cả thực phẩm ngoài Hải Phòng về trong Đông Hà này, đến những câu chuyện tiêu cực trong xã hội mà họ nghe được. Câu chuyện chuyển dần đến những người bạn cũ với số phận riêng của họ hiện nay. Chuyện về những người bạn cũ ở đất Gio Hải là do chị Nụ kể. Thằng Quý và con Hương không còn trò gì chơi cũng sấn lại bên mẹ, hếch mặt lên nghe.

Thắm ngồi thế, hai tay xoa đầu hai đứa con, mắt nhìn vào người kể chuyện, nhưng dường như chính những câu chuyện Thắm nghe tai họ ra tai cày ấy lại dẫn Thắm về những thôn làng đang bị Mỹ cày ủi. Những thôn làng không một bóng người, chỉ còn tre pheo xơ xác, những chân ruộng hoang đầy cỏ chỉ, những ao đầm chỉ mọc độc cây môn nước, ở một vạt ruộng hoang như thế Thắm đã đào một chiếc hầm bí mật. Chiếc hầm khá rộng, có thể chứa được ba người, thành hầm có lát tôn tấm cho đỡ ẩm. Thế mà những tấm tôn tai ác kia đã có lần làm Thắm thất kinh: thằng Mỹ đi càn, bắc đại liên ngay gần trốc hầm mà bắn. Ngồi trong hầm lát tôn tiếng nó nghe như rụng cả rái tai ra, chỉ mốn vỡ màng nhĩ. Đấy là cái lần… cái lần không thể nào quên, cái lần Thắm cảm thấy sợ, trong đầu chỉ nghĩ đến những chiếc thuốn sắt ấn xuống lớp đất mềm. Trong hầm chỉ có hai người, Thắm và anh Dương. Thắm đã xích lại gần anh, nép vào người anh, lần mò nắm lấy tay anh. Và bàn tay to lớn ấm áp của anh đã bóp chạt tay Thắm, làm Thắm yên tâm hơn. Chợt một tiếng nổ lớn, tiếng nổ của lựu đạn. Rồi tiếng súng nổ loạn xạ, tiếng chân chạy uỳnh uỵch và tiếng tụi Mỹ la hét, tiếng tụi ngụy: “Bắt lấy nó. Nó chạy kia kìa!”. Thắm hốt hoảng, gục đầu vào vai anh, ôm ghì lấy anh, cắn môi lại xuýt khóc. Thắm biết là chiếc hầm ở đám vườn bên kia đã bị lộ, hai anh bộ đội đã tung hầm lên chiến đấu. Một anh bộ đội bị thương và bị bắt, còn anh kia dường như… đã chạy thoát. Dương vẫn ngồi yên, nhẹ hôn lên mái tóc Thắm, vỗ vỗ lên lưng cô như dỗ trẻ con: “Bình tĩnh, bình tĩnh”… Rồi bất thần, anh gỡ tay Thắm, khẽ ra lệnh “sẵn sàng chiến đấu”.

– Dì Thắm có còn nhớ con Xuyến nữa không?

Câu hỏi của chị Nụ làm Thắm sực tỉnh, bé Hương bỗng nhom dậy:

– A cô Xuyến! Cô Xuyến dạy mẫu giáo của cháu!

Thằng Quý cốc vào đầu em:

– Mày chỉ được cái nói leo! Cô Xuyến của mày còn lâu! Bác ấy nói người trong này cơ!

Bé Hương xuýt khóc, nếu không có mẹ xoa đầu và khẽ mắng thằng anh.

Thắm hỏi lại:

– Có phải Xuyến Gio Mai không chị?

– Không, con Xuyến thôn sáu, con ông Bút thọt chân ý mà! Con mà hồi… phải rồi, bữa đó hình như có dì… Bữa mà đoàn công tác bị bọn biệt kích Mỹ phục ngoài mí biển thôn sáu. Sáng mai nó đi cào lá phi lao thấy một anh bộ đội bị thương gãy chân. Nó đánh liều, bảo anh ngồi vào thúng, lấy lá phi lao túm lại và gánh thẳng sang nhà tu kín, yêu cầu bà xơ băng bó chạy chữa và che giấu.

– A em nhớ ra rồi. Phải, bữa đó có em. Anh bộ đội ấy cũng là đặc công nước.

Chị Nụ chép miệng:

– Chậc! Bây giờ nó khổ lắm, cái con Xuyến ấy!…

Chị Nụ tiếp tục kể, còn Thắm lại quay về với chiếc hầm kỷ niệm của mình. Không, không bao giờ anh Dương bố trí một chiếc hầm có hai người, một nam một nữ. Hôm đó, là tình thế bắt buộc. Đoàn công tác bị phục kích, lạc nhau lung tung. Gần sáng vẫn không liên lạc được với cơ sở, đành phải “lún” lại. Không thể nhét bốn người vào một hầm. Nhưng nói làm gì những tình thế trong chiến tranh. Chỉ biết rằng, từ đáy lòng, Thắm cũng rất thích được ngồi với anh trong một khoảng bóng tối. Chính hôm ấy, cái hôm đầy căng thẳng ấy, anh Dương và Thắm đều mở chốt an toàn khẩu AK, ngồi ỏ thế sẵn sàng nhảy lên đánh trả địch, chứ không chịu để cho thằng địch tóm mình như tóm một chú chuột sa bẫy. Thế rồi trên mặt đất yên ắng, mà đầu óc chưa được thảnh thơi. Biết đâu thằng địch yên lặng nằm phục ngay trên đầu? Biết đâu anh bộ đội bị bắt kia không giữ được khí tiết khai báo ra….

Cả một ngày chờ đợi giây phút sẵn sàng hy sinh. May sao, có anh Dương bên cạnh. Nếu số phận bắt buộc, được hy sinh bên cạnh anh, Thắm cũng thỏa lòng. Bỗng nhiên một chút yếu đuối len đến, Thắm nghĩ đến thân phận con gái của mình. Trong cuộc chiến tranh ác liệt này, chẳng biết vào lúc nào, chỉ một viên đạn bay vào tim là chết nhẹ nhàng. Ôi cái chết chóng vánh và cay nghiệt thế ư? Vậy thì còn đâu là ái cảm giác mềm mại dịu dàng của nhung tơ? Còn đâu là niềm thích thú khi gió biển vuốt ve lên cánh tay trần? Còn đâu mùi thơm nồng nàn của hoa quỳ về mùa thu và mầu xanh đến nhức mắt của bầu trời mùa hạ trôi dưới dòng sông Cửa Việt? Còn đâu và còn đâu?… Cứ thế phút yếu đuối xâm chiếm trong lòng, và Thắm đã để nước mắt trào ra trên má mình lúc nào không biết. Thế mà anh lại biết. Anh đưa tay lên sờ giọt nước mắt suýt rơi từ trên môi Thắm và hỏi vì sao em khóc? Không sao cả. Thắm nói dối khi anh vuốt ve bàn tay mình. Thắm bỗng dưng thấy mình thiệt nhỏ bé yếu đuối, mà anh là nơi chở che, mà anh là ngọn lửa cho mình sưởi ấm. Thắm nghe rõ tiếng thở khác thường của anh, biết anh cũng rất yêu Thắm mà anh tự kiềm chế. Ôi cái sống cái chết trong cuộc hiến tranh này cách nhau có một sợi tóc, tại sao lại phải tự kiềmm chế trong tình yêu? ý nghĩ điên loạn ấy lóe lên như một tia chớp. Cũng nhanh như một tia chớp và không biết bằng cách nào, Thắm đã nằm gọn trong vòng tay anh. Trong bóng tối căn hầm, đôi môi Thắm như bốc rượu…

– Dì Thắm! Các cháu nó ngủ cả rồi đấy! Bế chúng nó lên giường…

Thắm lại sực tỉnh, không nhớ rõ chị Nụ đã kể về nỗi khổi của chị Xuyến ra sao nữa. Giấu một nụ cười mỉm, Thắm cúi xuống bế cái Hương, chị Nụ cũng bế thằng Quý lên “ồ, thằng chó con của bác. Ngủ rõ say!.

Hai đứa bé đã ngủ, màn đã buông xuống chỉ còn lại hai người đàn bà ngồi đối diện nhau trên chiếc chiếu trải giữa nhà. Một ngọn điện không lấy gì làm sáng lắm vẫn soi rõ tấm ảnh anh Dương đặt trên trạn thờ. Thắm liếc nhìn lên tấm ảnh rồi với dáng vẻ tự tin, bắt đầu thổ lộ những lời quan trọng.

– Chị Nụ! Hôm nay em đến thăm chị, cũng là muốn nói với chị câu chuyện.

– Hay là chị em mình ra ngoài sân nói chuyện cho mát. Bây giờ đã có gió biển.

Chị Nụ đoán biết câu chuyện của Thắm, vẫn e ngại thay cho Thắm sẽ rất khó nói, sẽ ngượng ngùng. Ngoài sân tối trời. Trong bóng tối dễ nói chuyện hơn. Nhưng Thắm không nghe, nắm tay chị Nụ giữ lại:

– Em muốn nói với chị về chuyện thằng bé, thằng cháu Quý. Nói thật với chị, nó là con anh Dương.

Giọng nói của Thắm thật tự nhiên, không rút rè e ấp khiến chị Nụ phát sợ. Chính chị lại không dám nhìn thẳng vào Thắm, người mà cách đây mười mấy năm, chị định bụng cho cái tát. Chị hơi cúi đầu xuống nhìn vào nét hoa in trên chiếu.

– Chị cũng biết.

– Hồi xưa, anh Dương có nói với chị sao?

– Không, anh ấy không nói. Mà chị cũng không nỡ hỏi. Chị đoán ra.

– Em biết, hồi trước chị rất băn khoăn. Nhưng hồi đó em không nói được. Chị hiểu cho. Bây giờ em mới nói. Bây giờ… anh Dương hy sinh lâu rồi. Chắc chị không nỡ giận em.

Trong giây lát, chị Nụ sực nhớ tới thói quen của cán bộ tổ chức thị ủy. Chị hỏi Thắm:

– Thế bây giờ dì vẫn sinh hoạt Đảng đều đều…?

Thắm cười:

– Vẫn. Hiện nay em vẫn tham gia cấp ủy ở xí nghiệp đông lạnh Duyên Hải.

– Hỏi thật dì, sao hồi làm bản tự kiểm điểm trước chi bộ Gio Hải, dì nhất định giấu chuyện anh Dương?

– Em có lỗi với chị điều này: em quý, em yêu anh Dương, nên mới bảo vệ anh đến cùng. Thà em chịu tai tiếng, chịu kỷ luật. Còn anh ấy… nếu hồi đó mà dính tý kỷ luật trai gái có khi hỏng cả cuộc đời cũng nên. Hồi đó, tổ chức còn nặng thành kiến lắm… Xin chị đừng nghĩ rằng, anh ấy hèn, không dám nhận khuyết điểm trước tổ chức đâu. Sau khi lỡ làng, chính anh ấy bảo em trình bày thật với tổ chức, xin phá thai, và anh sẵn sàng nhận kỷ luật trước chi bộ. Nhưng với em thì không, trăm lần không. Em không phá thai, em muốn giữ một giọt máu của anh ấy, dù số phận sau này có bắt em ở vậy nuôi con cũng được. Mà anh cũng chẳng được gì mà đi tự thú. Cứ mặc em. Em đã có cách nói. Người đàn bà đã quyết không nói, thì sống để bụng chết mang đi.

– Vậy dì đã nói dối?

– Vâng, gọi là nói dối cũng được. Nhưng nói cho đúng hơn là không nói sự thật. Cũng như chị, chị có thai với chồng hẳn hoi mà vẫn phải nói dối thằng địch. Tra tấn mấy chị cũng không nói sự thật.

Chị Nụ chợt mỉm cười:

– Nhưng dì ơi! Chị nói dối là đối với thằng địch còn dì nói dối, vâng không nói sự thật là với tổ chức Đảng.

Không chút ngần ngừ, Thắm đáp:

– Điều đó thì em nhận là sai rồi. Nhưng chị ơi! Tổ chức của Đảng ở nơi này nơi kia, lúc này lúc khác cũng có cái sai chứ chị? Chính vì em thấy tổ chức ở nơi em, lúc bấy giờ có cái sai là nhìn cán bộ thiếu độ lượng, nên em không nói sự thật để tổ chức khỏi xử sự sai đối với một cán bộ có năng lực.

Lý lẽ của Thắm làm cho chị Nụ bất ngờ. Thì ra con nhỏ này bao giờ cũng cứng cỏi ra trò, cũng biết lập luận đâu vào đấy. Chị Nụ lại hỏi thêm:

– Thế còn chú Hùng! Chú ấy có biết chuyện này không?

– Biết chứ ạ! Vợ chồng em yêu quý nhau lắm, tin nhau lắm. Chính chồng em khuyên em nói thật với chị để xin chị rộng lòng bỏ qua những giờ phút nông nổi cuả em ngày xưa, để xin chị nhận làm mẹ già cho cháu, cho phép cháu được lấy lại họ Trần. Cho em nói thật lòng thêm điều này: đối với chị và cháu Hải đã đành, còn đối với ông già nữa, em không thể không nói được. Mỗi lần về quê, đếnn thăm ông già, em không cầm được nước mắt. Một ông già sinh ra ba con trai đẹp đẽ, khỏe mạnh như thế… mà chiến tranh đã cướp đi mất, mà cuối cùng mang một nỗi đau là không còn người nối dõi… Đối với người già, nỗi đau đó là vô cùng to lớn. ông đã ngoài bảy mươi, chẳng còn sống được bao năm…

Nói đến đây, Thắm xúc động ngồi lặng đi và nước mắt lặng lẽ chảy trên má. Và chị Nụ cũng thế, chị cắn môi lại, cầm lấy tay Thắm mà nói vội:

– Chị hiểu. Chị hiểu. Dì đừng nói nữa.

Rồi chị Nụ đứng dậy, đi lại gần bànn thờ, ngước nhìn lên tấm ảnh chồng, tay run run thắp mấy nén nhang, không hiểu chị có khấn khứa điều gì không, chỉ thấy chị đứng lặng im, hai tay chắp trước ngực, đầu hơi cúi xuống. Thắm ngồi một mình trên chiếc chiếu trải giữa nhà, đắm chìm trong nỗi xúc động mênh mông, buồn vui lẫn lộn. Không hiểu sao, trong giờ phút mang màu sắc thiêng liêng này, Thắm rất sợ chị Nụ bật lên tiếng khóc. Cô lặng lẽ đứng dậy đi ra ngoài sân. Trời đầy sao. Vẫn gió Lào thổi thông thống qua bóng tối. Nhưng vào tầm này, những đợt gió lào đã thưa hơn và dịu hơn. Xen giữa những đợt gió Lào đã có những ngọn gió mát thổi từ biển lên. Ngọn gió mang về cả mùi mặn và mùi tanh quen thuộc cua cá.

Sáng hôm sau, ba mẹ con Thắm và hai mẹ con chị Nụ đều xăng xái rủ nhau về quê Gio Hải. Và khi trở lại Đông Hà thì có thêm ông già Thống cùng lên. Từ đấy, người ta thấy ông già ở lại thị xã luôn với mẹ con chị Nụ.

Xuân Thiều

08.1983