Theo thống kê của các cơ quan có trách nhiệm, cho đến tháng 12- 2000 ở Hà Nội có 697 con gấu nuôi trong nhà. Cách đây 3 năm (1997) mới có 62 con.
(Tin các báo)
Bé tha thẩn chơi trong phòng một mình. Bé đương xếp các thứ để bày cỗ. Mẹ bảo Bé bày cỗ đón năm mới, cũng như bày cỗ tết trung thu ấy mà. Bàn vuông trên cao, phủ khăn hoa. Có quả bòng tròn xoe, vàng hây to tướng đặt giữa, hai hộp súc cù là giấy bóng vàng nhấp nhánh và bao thứ màu xanh đỏ vui vui. Giá có các bạn đến chơi bày cỗ thì hay biết mấy. Hình như có tiếng bước nhè nhẹ. Bé ngẩng đầu nhìn ra. Bé không kịp giật mình. Một chú gấu lừng lững vào. Con gấu đã trông thấy trong chuồng trấn song sắt ở vườn Thủ Lệ. Con gấu đen sì, lông xồm xoàm to ngang cánh phản gần vừa cái cửa. Gấu đã trông thấy Bé, gấu bèn đứng hai chân lên. Gấu ra điệu hai chân ve vẩy như hai tay người đi làm dáng.
Bé hốt hoảng. Bé lấy hai bàn tay bịt mặt.
Gấu nói:
– Đừng sợ tớ. Gấu đây mà.
Bé hé mắt trong kẽ tay. Gấu lại nói, như phân trần:
– Tớ to con thế này nhưng chưa bằng tuổi ấy đâu Tớ mới được lên ba, chắt ấy thì đã lên tám rồi chứ chẳng chơi.
Bé đã bạo dạn hơn:
– Tớ lên bảy.
Gấu cười he he:
– Thế thì ấy là anh tớ rồi.
Từ lúc nào, Bé đã hết sợ, lại như Bé đương mong bạn đến chơi thì bạn đến. Bé hỏi:
– Đằng ấy ở vườn Thủ Lệ về đây à?
Gấu xua một tay.
– Kém quan sát. Kém quá. Không, không, tớ là hàng xóm ấy thôi.
– Sao tôi không biết nhỉ?
– Không biết cũng là phải. Lão chủ cũi tớ ở trong buồng cả ngày cả đêm.
– Làm thế nào mà lần sang được đây?
Gấu nhe hai hàm răng trắng tểnh cười khé khé.
– Người ta nhớ đến thế nào thì cũng có lúc quên chứ. Lão chủ vội đi, quên cài then. Thế là tớ đẩy then chuồng, vứt cái khoá xuống đất, tớ đi chơi. Hai đứa dần dần trò chuyện rôm rả.
Bé hỏi:
– Đằng ấy cứ bị cùm thế thì cuồng cẳng lắm nhỉ?
Gấu kể:
– Lâu lâu lão ta lại giơ lên cái kim thực dài. Tớ chẳng có tội gì mà lão điên ấy cũng đâm tớ. Tớ vừa giơ tay định gạt cái kim thì tớ đã ngã lăn ra nằm mê luôn.
– Lạ nhỉ?
– Không lạ đâu. Người ta bảo đấy là lão đánh thuốc mê để chọc kim vào bụng tớ lấy mật của tớ. Tớ chẳng biết gì cả, mà cũng không thấy đau. Đến lúc tỉnh dậy, thấy lão cười cười, tay cầm một túi khẩu mía. Lão ta bảo: ăn đi, ăn đi, ăn tẩm bổ. Mía cũng ngọt thật tớ nuốt cả bã. Lúc nào tớ cũng đói.
– Quả trên bàn kia là quả gì mà to thế?
– Quả bòng để bày cỗ tết.
– Cho tớ nhé. Tớ chén hết quả bòng ngay.
– Hôm nay là ba mươi, ăn bánh chưng trước đã. Mẹ bảo thế.
Gấu lắc đầu:
– Tớ ăn bánh chưng rồi. Nhai dính răng bỏ mẹ!
Bé như chợt nhớ ra:
– À tôi cho đằng ấy cái này. Đằng ấy đã biết kẹo súc cù là chưa?
– Chưa biết.
– Các bạn tôi đều thích súc cù là ghê?
Bé quay vào bàn, lấy một miếng súc cù là nâu bóng nhoáng. Bé đặt súc cù là vào cái đĩa, chìa ra phía Gấu:
– Nếm thử xem.
Gấu cúi xuống, thè lưỡi, nuốt chửng một phát cả miếng súc cù là. Rồi Gấu ngẩng mõm, hai con mắt hấp háy như thèm ăn nữa.
Bé hỏi:
– Ngon không?
Gấu kêu to:
– Ngon quá! Ngon quá! Ngon hơn mật ong trên rừng. Cho tớ miếng nữa.
– Chốc nữa, mẹ tôi về, tôi xin cho.
Thế thì tớ nằm đây đợi mẹ ấy.
Lúc ấy, ngoài cửa có tiếng chân người rậm rịch. Rồi nhiều người chạy ra.
Lao xao tiếng kêu: “Con gấu chạy đi đâu rồi? Có ai trông thấy con gấu nhà tôi không?”
Người ngoài đường nhốn nháo cứ vừa xúm xít lại vừa tản ra, ai cũng rối rít, hốt hoảng. Nó mà gặp, nó mà vồ, nó mà tát cho một cái thì chết cả. Con gấu nhà đứa nào xổ ra thế. Phố phường cũng hoá ra đường rừng rồi. Đôi bên hàng phố đóng cửa rào rào. Phút chốc, suốt dọc phố vắng tanh. Bé nhìn Gấu:
– Người ta đương đi tìm mày đấy. Về đi.
– Tớ còn đợi ấy xin mẹ cho tớ miếng súc cù là.
Bé nói ngẩn ngơ:
– Người ta sắp vào lôi ấy về.
Gấu cười nhe hàm răng trắng phau.
– Chẳng sợ. Vào đây, cứ vào, có đứa nào chịu nổi cái tay bàn vả của tớ không. Tớ mà tát một cái thì bật má.
Thong thả, Gấu khoanh hai chân trước, nằm kề mõm lên. Hai con mắt Gấu lim dim, lúc ngước lên nhìn Bé, lúc lúc lại nhìn ra cửa. Vẻ tinh nghịch, Gấu chờ mẹ Bé về.