Một hôm viên chánh án của Tòa án nọ nhận được lá đơn kiện kỳ lạ chưa từng có. Để độc giả đỡ sốt ruột, người kể xin miễn miêu tả nét mặt viên chánh án khi đọc xong đơn.
Nội dung lá đơn như sau:
Kính gửi tòa án nhân dân!
Tên tôi là Bùi Bằng Hữu
Nghề cũ: Thư ký cho ông Bùi N. (viên chánh án gạch đít chữ nghề cũ).
Thành phần giai cấp: Kẻ thù của bọn bóc lột.
Tôi khẩn thiết yêu cầu quý tòa giải quyết cho tôi một việc, nếu không thì vì lý do đó tôi vô cùng căm ghét chính bản thân tôi (viên chánh án gạch đít cả câu). Nguyên sự việc thế này. Trước đây tôi làm thư ký cho ông Bùi N, một nhân viên nổi tiếng ở huyện C, người tình tuyệt vời của bà A – Q (tôi xin mở ngoặc A – Q của cụ Lỗ là đàn ông).
Ở với ông Bùi N. vài năm tôi thấy rõ mình có triệu chứng của bệnh câm. Cần phải nói rõ rằng tôi luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, vượt lên trên vai trò của một thư ký. Trong lý lịch của tôi do đích thân ông Bùi ghi, là những dòng sáng choang về năng lực, nhân cách. Nghĩa là tôi được giáo dục rất tốt những phẩm chất tối ưu của một người luôn luôn phải biết thủ trưởng của mình cần gì. Giữa lúc đang nổi tiếng thì tôi thấy có triệu chứng của bệnh câm. Lúc đầu tôi chỉ thấy yết hầu to dần ra, lưỡi tuồng như đầy cả khoang miệng. Cho đến ngày tôi không còn tự đánh lừa được tôi nữa. Bệnh câm – kẻ thù của những cái miệng nói hay – đã đẩy tôi vào một tình thế tuyệt vọng (ở đây xin hiểu khái niệm câm rộng hơn, bởi vì đúng ra tôi vẫn nói được nhưng loài người thông thường không hiểu tôi nói gì!”. Nhờ ơn ông Bùi N. tôi được chuyển đến những bệnh viện mà dân thường thì đừng hòng được vào (mặc dù có cảm tưởng ai cũng vào được). Nhưng ngay cả bác sĩ, những chuyên gia nổi tiếng nhất cũng đành lắc đầu trước bệnh tình của tôi. Cuối cùng một ông già dạy thú – kẻ phải chịu trách nhiệm trước luật pháp bởi những lời tố cáo này, kẻ không bằng cấp, làm nghề dạy thú… đã tự nguyện đem tôi về chạy chữa. Kết quả là lão gàn dở suốt đời mơ ước truyền lòng yêu thương cho hổ, báo… lại chữa khỏi cho tôi. Nhưng từ khi tôi nói được trở lại, tôi chẳng biết mình đang nói những gì. Ngôn ngữ loài người đã tiến quá xa trong thời gian tôi lâm bệnh. Càng ngày tôi càng căm ghét chính tôi. Tất cả đều do lão già tai ác kia. Xin luật pháp bắt lão ta trả lại tôi quyền được câm và trừng trị nghiêm khắc kẻ đã xúc phạm đến nhân phẩm người khác.
Bên dưới lá đơn có dòng ghi lại địa chỉ của ông già dạy thú.
Ngày hôm đó, một cuộc họp bất thường của ba ngành: tòa án, viện kiểm soát và phòng công an được triệu tập. Chưa bao giờ có cuộc họp nào vô tư đến thế. Chủ tọa thả mặc cho các thành viên thoải mái tranh luận. Cuối cùng biên bản ghi dòng kết luận: “Đây là loại vụ việc phức tạp không chỉ đơn thuần về mặt hình sự. Gạt đi những tình tiết kỳ lạ, có thể dự đoán một âm mưu nguy hiểm của gã dạy thú kia với đồng loại. Biến một người từ câm thành biết nói và vì điều đó anh ta có ý định tự tử, về mặt tính chất cũng giống như kẻ gieo rắc bệnh ma túy. Một tiểu ban những người am hiểu tội phạm được thành lập. Tiểu ban này có nhiệm vụ nghiên cứu để gọi thật đúng tên của tội phạm. Tuy nhiên theo luật định, trong trường hợp xúc phạm nhân cách nhau, bị can sẽ được miễn tố nếu người bị xúc phạm tự động rút đơn.
Lời khai của nguyên đơn
Anh ta dong dỏng cao, mặt mũi nhợt nhạt, thiếu đường nét có thể đâm thủng những tâm hồn dễ xúc động nhất bằng ấn tượng. Anh ta rất sợ tiếng động, tâm thần dễ hoảng loạn. Bệnh nghề nghiệp còn in đậm trên cơ thể anh ta ở dáng đi hơi khom về phía trước. Vừa trông thấy con chó Nhật, anh ta liền bị dị ứng mạnh đến nỗi miệng méo đi. Tuy vậy vẫn có thể nhận ra chút sức mạnh của quyền lực còn sót lại chứng tỏ một thời anh ta từng là nỗi khiếp sợ của nhiều người.
– Anh Hữu, anh có tỉnh táo không?
– Tôi hoàn toàn tỉnh táo. Xin cho bắt đầu ngay.
– Chúng tôi đã đọc rất kỹ đơn của anh. Trước hết xin hỏi, anh viết đơn có bị một áp lực nào không?
– Hoàn toàn do tôi ý thức được quyền lợi công dân của mình.
– Điều đó… rất tốt. Luật pháp có bổn phận làm sáng tỏ mọi vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của công dân. Ở đây quyền được câm của anh bị xâm phạm, trái với ý muốn của anh, đúng thế không?.
– Đúng thế!
– Và anh kiên quyết đòi cho được điều ấy?
– Đúng thế!
– Tại sao anh lại không thích được nói như mọi người?
– Bởi vì lão già dạy thú nham hiểm đã chỉ dạy cho tôi những ngôn ngữ thuộc loại sơ khai mà không dạy tôi những ngôn ngữ hiện đại. Thế thì thà cứ để tôi câm còn hơn.
– Thôi được rồi, xin anh kể sơ lược về bản thân.
– Vâng! Thưa ông, tôi xuất thân từ con nhà tử tế. Bố tôi tham gia cách mạng rồi hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Được hưởng tiêu chuẩn con liệt sĩ, tôi tiến thân khá dễ dàng. Tôi học hết phổ thông rồi qua đại học không mấy khó khăn…
– Xin lỗi, anh có thể giải thích kỹ hơn, tại sao anh học đại học không mấy khó khăn?
– Đơn giản thôi. Nếu do tôi học kém, mà ông thầy nào đó bảo tôi học kém, rèn luyện kém… lập tức sẽ bị gán cho tội không quan tâm đến con liệt sĩ. Chuyện đó đầy rẫy không chỉ trong các nhà trường. Vì vậy bất luận thế nào tôi vẫn phải là người tốt.
– Ở trường đại học anh học ngành nào?
– Ngành Ngoại giao.
– Hiểu rồi. Anh tiếp đi!
– Tôi đang nói ở đoạn nào nhỉ, à sau khi tốt nghiệp đại học tôi được tự đi liên hệ công tác. Ông Bùi N. lúc đó vừa nhận chức bí thư huyện, sau khi cấp trên xét thấy trưởng phòng công an không thuộc sở trường của ông, ông cũng thuộc diện được “hất lên”.
– Xin lỗi được ngắt lời – Cán bộ xét hỏi cau mặt – Anh có ý thức được điều anh nói không.
– Tôi có cần tôi phải nhắc lại tôi hoàn toàn tỉnh táo không đấy.
– Vậy anh nghe đây, vu khống người khác là phạm điều 117 luật hình sự.
– Nhưng tôi vu khống ai mới được chứ?
– Anh vừa nói ông N. thuộc diện “hất lên”, phải chăng anh muốn hàm ý người không có năng lực ở cấp thấp, lại nhảy tót lên cấp cao hơn là điều trái với lẽ thông thường ở chế độ ta? Anh không thấy anh vu khống ông N. hoặc cao hơn là vu khống thể chế đó sao?
– Ô, tôi tưởng đã ở cương vị anh thì không nên lạ chuyện đó. Tôi có thể kể cho anh từ sáng đến tối về số lượng người được “hất lên” trong đó có tôi. Nhờ đó mà tôi và anh có biết bao nhiêu ông thủ trưởng để ta tha hồ muốn làm gì thì làm. Tôi thấy thương hại anh đấy!
Người đại diện cho công lý đỏ mặt.
– Được, tạm gạt sang bên vấn đề còn phải tranh luận. Anh trở lại việc chính đi. Đến đoạn ông Bùi N. bị “hất lên”.
– Vâng, cầu trời cho ông ấy “bị” hất lên lần nữa để về hưu là vừa. Lúc ấy, ông Bùi N. đang ra tay điều hành cỗ xe cả huyện. Vụ tai tiếng giữa ông trưởng phòng công an với trưởng ban nữ công huyện, bà A.Q, còn đang rùm beng. Có khối kẻ muốn nhân việc ấy lật đổ ông Bùi N. Vì vậy hàng ngày ông đích thân la cà đến gần quần chúng để nghe ngóng. Một bận thấy tôi lơ vơ ở cổng huyện, ông Bùi N. vẫy tay lại hỏi: “Anh công tác ở đâu?”. Tôi nói rõ hiện tình của tôi cho ông ấy nghe. Ông Bùi N. lại hỏi tôi: “Anh ở giữa quần chúng anh thấy người ta nói gì về tôi?”. “Thưa có cả khen lẫn chê”. “Ừ, đã là lãnh đạo làm sao toàn bích được. Anh thấy người ta khen sao, chê sao?”. “Họ chê ông bí thư huyện ăn mặc quá tuềnh toàng; họ chê ông bí thư huyện không chịu để mắt đến cái xe đạp từ thời Pháp; họ chê ông bí thư quá nghiêm khắc với đám giúp việc; họ chê ông bí thư chẳng đoái gì đến chị và các cháu, chỉ cứ toàn lo việc thiên hạ; họ chê ông bí thư mỗi lần về xã cứ lôi hết cái yếu kém của họ đặt lên bàn…”. “Thôi được rồi, còn họ khen sao?” “Dạ thưa họ khen ít lắm, không bằng nửa phần lời chê. Họ bảo ông bí thư huyện chỉ được “mỗi” cái thương dân, quên cả mình. Họ chỉ khen có thế thôi ạ!”
Nghe tôi nói, ông Bùi N. nghiêm nét mặt: “Tôi coi anh như người đại diện cho một bộ phận dư luận rất lớn nên tôi thành thật nhận những lời chê bai của bà con và hứa sẽ khắc phục dần. Anh có ý định ở lại huyện này không? Anh cần phải giúp tôi nghe được tiếng nói từ quần chúng”.
Thế là tôi bước vào phòng làm việc của ông Bùi N. trong muôn vàn ánh mắt thán phục và tức tối. Tôi trở thành người có đầy quyền lực. Tôi là cái gạch nối giữa ông Bùi N. với quần chúng bên dưới. Ngay sáu tháng đầu, tôi đã giúp ông Bùi N. “làm sạch” gần mười đối tượng có quan điểm lệch lạc về ông Bùi N. “Anh xem, so với mười lăm vạn dân cả huyện thì số đó quả là nhỏ bé nhưng tác hại thì lớn không biết là nhường nào” – ông Bùi N. luôn nhắc điều đó. Tuy thế cũng có lần suýt nữa tôi tự tay giết tôi. Ấy là lần tôi tò mò muốn biết mặt bà A.Q. Bà A.Q hóa ra còn rất… lẳng lơ. Chồng bà, thấy bảo ghen lắm, luôn sai đứa con đang học lớp tám, bám chặt lấy mẹ. Tuy nhiên trẻ con làm sao đủ tế nhị để cư xử trở lại trong trường hợp chính nó thấy có người thay vào vị trí chỉ có bố nó được phép. Thế là thằng bé kêu toáng lên. Không ai dại hơn tôi khi từ trong nhà lao bổ ra để suýt nữa chạm trán với vị thủ trưởng khét tiếng nghiêm khắc. May mà sau đó gặp ông, tôi lại nhanh trí hỏi ngay:
– Chẳng biết chị A.Q đi thanh tra trường hợp ông D đã về chưa mà để thằng bé sợ chuột hét toáng lên.
– Cậu vừa sang bên ấy à?
– Em còn thời gian nào mà ngẩng mặt lên chứ nói gì chuyện ra khỏi phòng.
– À, mà trường hợp anh cu D này – ông Bùi N. nổi tiếng diễn xuất – đến đâu rồi?
– Theo báo cáo của chị A.Q thì anh D là đại úy về hưu tự động lấn ruộng công cấy lúa cho gia đình mình.
– Muốn làm địa chủ hay sao? Cậu thay tôi chỉ thị trở lại giữ nguyên quyết định kỷ luật.
– Ngộ nhỡ anh ta lên tỉnh, lên báo Quân đội thì sao.
– Lên báo Quân đội hả! Cố đừng dính với giới báo chí. Còn lên tỉnh… bà A.Q sẽ lo. Giá trước còn cụ Thụy thì tỉnh là huyện mà huyện cũng là tỉnh.
Tôi vờ úp tay lên mặt, nấc lên…
– Cậu làm sao thế?
– Thủ trưởng nhắc đến cụ Thụy làm em thương cụ quá. Cụ vì em mà đi gặp Diêm Vương sớm hơn kỳ hạn. Chả hiểu Diêm Vương có hoạnh họe gì cụ không?
– Cậu đa cảm quá. Cụ Thụy công đức thật nhưng cụ thế cũng đầy thuyền mãn quả rồi. Vấn đề là lo cho người sống đây này – ông Bùi N. giao cho tôi một tập báo cáo kêu như chuông bạc từ hơn ba chục xã, yêu cầu tôi tổng hợp, điều chỉnh để ông báo cáo lên tỉnh. Tôi có đầy đủ kinh nghiệm để làm việc này. Có những đoạn báo cáo rất hay nhưng không dùng được vì nó thông tin những vấn đề nhỏ nhặt. Ngược lại đôi khi chỉ một câu làm như người viết vô tình mà khiến cấp trên phải hiểu đến những kết quả to lớn khác do cơ sở làm được. Ví dụ báo cáo về đời sống cứ việc tha hồ tràng giang đại hải hàng lô cái mà người ta biết thừa, để gây ấn tượng trung thực. Thiếu ăn, hạn hán, sâu bệnh thì ở đâu mà chẳng có. Tội ấy của trời nên chẳng ai việc gì. Nhưng một dòng “vấn đề an ninh chưa tốt lắm, trong năm còn xảy ra một vụ cháy nhà và nhiều vụ xích mích”, cấp trên sẽ phải hiểu, so với hiện trạng chung, con số ấy là lý tưởng với một nền an ninh của cái huyện bán sơn địa. Cụ Thụy chết vì một lần đọc bản báo cáo do tôi viết. Hôm ấy cụ Thụy từ tỉnh về kiểm tra vấn đề khiếu tố của dân. Cụ già lọm khọm, đi lại khá vất vả. Tuy ở tỉnh cụ chỉ là nhân viên giúp việc, nhưng ở cơ sở cụ lại rất có tiếng, trước hết ở những lời tuyên bố đổi mới. Nghe bảo có một tay bộ đội đi khiếu nại cho bố, bị cụ dạng háng ra tru tréo cho một hồi: “Bố mày đồ cổ thì chết là đáng số”. Cái thằng thanh niên lấc xấc, ít được giáo dục theo các tiêu chuẩn nhà trường kia dám bảo rằng “Ông là lão quan hoạn Hoàng Hạo đời Tam quốc” (cái thằng ấy mà cũng thuộc điển cố đáo để). Hôm về huyện, việc đầu tiên là cụ đòi xem huyện đổi mới đến đâu. Chính cụ tận tay bưng bát tiết canh đánh với sụn nướng cho lão ăn mày cứ thấy huyện có khách là mò đến. Giọng cụ ứa nước mắt mọi người: “Tôi là đầy tớ của dân, được dân nuôi béo để phục vụ dân được nhiều mà thôi”. Lão ăn mày thấm cái ơn ấy đến nỗi nghẹn không nuốt được. Thế rồi chẳng hiểu quỷ thần nào đưa đường khiến cụ Thụy đòi xem báo cáo của huyện. Hỡi ôi, tôi có ngờ đâu tôi thành kẻ giết người từ đấy! Bởi vì mới đọc được hai phần ba bản báo cáo do tôi viết thì cụ Thụy lẩy bẩy chân tay và chỉ kịp than lên: “Trời đã sinh ra Thụy lại còn sinh ra Hữu!” Rồi cụ tịch!
Tất nhiên không ai ghép tôi tội giết người. Nhưng giá con người đừng có tí ti lương tâm nào sẽ đỡ khổ khi làm những việc như vậy. Đằng này tôi sinh ra đã là con người, vì vậy tôi cũng có tí ti lương tâm đủ phân biệt với loài cầm thú. Tôi bắt đầu sống với những giấc mơ đẫm máu. Có đêm một đôi vợ chồng rất trẻ dắt nhau đến đòi nhà tôi. Tôi chỉ sang phòng ông Bùi N. nhưng chúng nhất loạt xông vào cấu xé tôi. Lại có hôm tôi thấy bốn, năm tên tù lù lù bước vào phòng tôi đòi công lý. Tôi chỉ sang phòng ông Bùi N. nhưng họ đồng thanh hét lên: “Vì cái “tuyệt vời” vì cái “công bằng” của mày mà chúng ông mục xương trong tù. Trời thì cao chúng ông kêu làm sao được”. Sau những lần sống với ác mộng, sáng ra tôi lại thấy yết hầu to ra một tí. Dần dần tôi mất khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ bình dân ngoài mấy cặp từ “liêm khiết” “tốt nhất” “nhân đạo”… đã in thành rãnh vào trí não tôi. Và thưa ông, cái kết cục bi thảm đã đến, tôi câm hoàn toàn. Nhưng kỳ lạ làm sao, từ khi tôi chỉ ú ớ trong cổ họng, tôi thấy lương tâm đỡ bị cắn xé hơn. Tôi thấy thanh thản hơn khi tôi chỉ “cảm” mà không phải diễn lại điều đó, bằng thứ ngôn ngữ trái ngược. Nhưng cuộc đời đâu có hiểu cho tôi điều đó. Tôi bị đem đi khắp nơi, chịu mọi thí nghiệm, xét nghiệm, luyện khí công, thậm chí bị đánh vì mục đích nhân đạo đến tơi bời… cho đến khi lão già nham hiểm kia, chẳng hiểu sao lại biết được cách chữa tôi khỏi câm. Nhưng lão ta chỉ chữa sao cho tôi nói được rồi bỏ mặc tôi. Làm sao tôi sống nổi khi lão già làm mất hẳn ở tôi cái đường mòn trước đây, trong khi đó xã hội của chúng ta bị dị ứng bởi những lời nói không theo một lối mòn nào đó.
Lời khai của ông già dạy thú
Ông già quãng sáu mươi tuổi, thân hình tao thoát. Ông có khuôn mặt của một triết gia cổ La Mã với bộ tóc trắng như mây và cặp mắt thấu suốt vũ trụ. Ông đi lại nhanh nhẹn, sẵn sàng chế riễu tất cả bằng sự linh hoạt có một không hai của khả năng dùng từ chính xác.
– Ông có biết ông bị đưa đến đây vì việc gì không?
– Thưa ông, điều đó còn phụ thuộc vào tính sáng suốt của công lý.
– Đừng có lập lờ. Tên?
– Ông Văn Thiệp.
– Nghề nghiệp?
– Truyền nhân tính cho loài thú.
– Ông nói gì? Có phải ông muốn nói ông là nhân viên dạy thú?
– Vâng, chỉ là hai cách gọi khác nhau.
– Ông dạy được bao nhiêu con thú?
– Một trăm con cộng một!
– Nghĩa là một trăm linh một con. Khả năng cảm biết của những con thú do ông dạy?
– Điều đó còn phụ thuộc từng con. Có con thông minh thì biểu lộ thái độ coi thường con người. Con nào chậm phát triển thì biết tỏ ra ân hận khi phạm lỗi.
– Ông dạy thú vì mục đích gì?
– Để con người đỡ cô đơn.
– Ông có thể nói hết chi tiết trường hợp con thú một trăm linh một của ông được chứ?
– Thưa ông, trước hết ông phải tuyệt đối tin tôi, bởi sự kỳ lạ của những điều rất khó tin. Tựa như nói thật ở thời buổi này dễ làm người ta phì cười.
– Tôi chỉ tin vào công lý.
– Vâng, thưa ông, tôi theo nghề dạy thú vì một câu chuyện ngẫu nhiên. Một bận có cậu bé dắt theo một con chó ra đường. Cậu bé vừa đi vừa trao đổi với con chó như người lớn ta vẫn trao đổi với nhau. Nghĩa là họ rất hiểu nhau. Chợt ở giữa đám đông cậu bé nhìn thấy gã thanh niên đeo kính trắng, người ra vẻ thư sinh đang lén rút ví của một bà ăn mặc cũng rất sang trọng. Cậu bé vội kêu to khiến đám đông nhốn nháo cả lên. Ngay lập tức người ta thấy gã kính trắng túm chặt cổ áo cậu bé, vừa mắng té tát, vừa đấm đá vô hồi kỳ trận vào người cậu.
– Đồ ăn cắp! Ông đánh cho mày chừa cái thói tắt mắt?
Đám đông (ôi cái đám đông!) xúm vào, không nếp tẻ gì cũng té tát mắng cậu bé và nguyền rủa kẻ giời đánh đã đẻ ra cậu. Bà già có chiếc ví suýt bị móc còn đòi xé xác chấm muối vị công dân trung thực của chúng ta. Bà ta túm tóc cậu, dí vào cái nơi theo ý bà ta cậu bé từ đó mà ra, ngụ rằng đẻ ra những thằng ăn cắp cho thêm rát! Chỉ duy nhất có con chó là biểu lộ tình cảm ái ngại với ông chủ bị oan ức. Nó không hiểu những hành động của loài người diễn ra trước mặt nó. Cậu bé biết mình không đủ sức thanh minh, bèn cúi xuống nói với con chó:
– Giá mày cũng biết nói thì tao đâu đến nỗi khổ!
Lập tức con chó thay đổi thái độ. Nó cứ ngờ loài người quá thông minh để cư xử công bằng, cần gì đến nó. Bây giờ nó hiểu rằng nó đang giữ vai trò người làm chứng. Lương tâm nó đòi nó không được để xảy ra tình cảnh bất công như vậy. Nhanh như cắt, con chó lao thẳng vào gã đeo kính, ngoạm chặt lấy cổ tay anh ta. Ông có biết điều gì xảy ra không? Từ lòng bàn tay anh chàng kia tuột ra một dụng cụ hành nghề chỉ bọn kẻ cắp chuyên nghiệp mới có và mới thủ trong lòng tay khéo như vậy.
Tôi đã chứng kiến cảnh đó và thuộc về đám đông mù quáng kia… Tôi theo nghề dạy thú từ đấy. Tôi dạy đủ loại. Ở đâu có thú dữ là tôi đến. Rồi một hôm tôi nhận được thông báo có một bệnh nhân kỳ lạ, mất khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ. Nếu chỉ có thế tôi sẽ coi như một trường hợp câm thông thường. Đằng này bên dưới thông báo có mấy dòng chú thích: chưa xác định được chủng loại người. Có thể do ai đó thích đùa nên ghi thêm vào. Nhưng dòng chú ấy khiến tôi phải tìm đến anh bệnh nhân câm kia.
Không, anh ta thuộc hệ người thông minh, tức là người cùng thời với chúng ta. Sau khi nghiên cứu bệnh án, hồ sơ cá nhân, tôi đã biết ngay điều đó. Sở dĩ các nhà khoa học bó tay vì họ chưa được thấy những thực tế của cuộc đời chúng ta. Ở đây hoàn cảnh đã làm biến đổi những đặc tính sinh học, điều chỉ xảy ra ở châu Phi hai, ba triệu năm trước đây. Điều mấu chốt của tôi là phát hiện ra bệnh nhân đã từng làm thư ký dài ngày cho ông N.
– Ông có thể giải thích kỹ hơn – viên chánh án xen vào.
– Vâng, đơn giản thôi. Trước hết cần phải sơ qua về cuộc đời ông N. Ông N. xuất thân từ anh phó cối. Nghề nghiệp đã dạy ông ta phép ăn gian nói dối từ hồi còn trẻ. Rồi ông ta trúng “số đỏ” bằng hàng loạt nấc thang: chân chạy loong toong, phụ trách nhà khách, tiếp phẩm, cán bộ văn hóa, thư ký văn phòng… Ở nấc nào anh ta cũng nổi tiếng quyền biến. Đến khi anh ta nhảy lên làm trưởng công an huyện thì phép quyền biến được hun nóng thêm bằng tham vọng và quyền lực. Anh ta loại bỏ đối thủ, đẩy vào tù… những nhân vật biết rõ về anh ta. Trong lĩnh vực danh vọng, ông N. là kẻ ăn cắp có nghề.
Phát hiện đó của tôi giống như Ac-si-met phát hiện ra định luật về sức đẩy của nước. Các nhà khoa học, vì quá trung thành với nguyên tắc nên đều phạm sai lầm. Nhà sử học thì chúi mũi đi tìm một loại người tương tự như anh chàng câm kia trong các pho sách cổ. Họ đều nhất trí chưa có thời nào tồn tại một đơn vị sinh vật như thế, kể cả các thần và quỷ sứ trên núi Ô-lăm-pơ. Từ Va-ti-căng, Giáo hoàng cũng huy động các tiến sĩ thần học nổi tiếng để tìm xem Chúa có bỏ quên con chiên nào chưa hoàn thiện trên trần gian?
Cuối cùng họ kết luận: nếu đấy không phải Giê-su hiện hình, không phải thiên sứ nhà trời, không phải quỷ sứ dưới địa ngục thì chỉ có thể là một sản phẩm thí nghiệm Chúa sáng tạo lần đầu, nghĩa là rất mới đây thôi. Lại có người đưa ra phán đoán có thể một hóa thạch cổ nào đó tự dưng sống lại? Vậy thì tốt nhất là mời các nhà nhân chủng học đến. Các nhà cổ sinh học cũng lập tức có mặt. Sau khi đo kích kỡ hàm, mặt, chiều cao cơ thể đặc biệt là ở bộ phận sinh dục, kết hợp với phương pháp huyết tương, các nhà khoa học thuộc hai bộ môn này nhất trí ghi vào hồ sơ kết luận:
Bùi Bằng Hữu
Da vàng.
Mũi tẹt.
Thuộc hệ Homo Sapiens[1]
Nhưng tất cả số họ đều chỉ dám phán đoán Homo Sapiens này mắc một loạt bệnh chưa từng gặp, tạm gọi là bệnh “phòng thí nghiệm”.
Lúc ấy tôi cũng có mặt tại đó và như đã nói, tôi phát hiện ra điều kỳ diệu kia. Việc đầu tiên là tôi đòi ngay được có tập hồ sơ bệnh nhân. Sau biết bao thủ tục, cuối cùng tôi cũng đạt được như ý muốn. Đây là loại hồ sơ màu đỏ, bìa bọc giấy bóng cứng, được lưu giữ khá cẩn thận trong các cơ quan bảo vệ tuyệt vời của chúng ta.
Nhưng sự việc mới chỉ bắt đầu. Vấn đề là làm thế nào hiểu được phản ứng của Homo. Khi thấy hai người đàn ông vác dao xông vào nhau, tự nhiên Homo hớn hở như được của! Thấy đám ăn mày nhếch nhác, anh ta bập bẹ thốt lên “tuyệt vời!”.
Như vậy, do sự đào luyện của môi trường, Hommo này đã thay đổi cơ chế phản ứng, nghĩa là trái ngược hoàn toàn với những biểu hiện tâm lý thông thường. Tôi bám chắc vào kết luận này và tuyên bố chữa khỏi cho bệnh nhân.
– Xin phép ngắt lời – người đại diện cho luật pháp công lý và lẽ công bằng xen vào – Nghĩa là những gì ông Bằng Hữu tố cáo ông đều có thật.
– Vâng, tôi xin xác nhận.
– Thế là đã rõ. Ông sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về việc này.
– Sao cơ? – Ông già dạy thú ngạc nhiên. – Sao cơ? Tôi phải chịu trách nhiệm hình sự trong khi hàng chục tờ báo nước ngoài mời tôi viết bài. A ha! Đất nước chúng ta thật tuyệt vời!
– Ông lầm rồi. Có thể hàng chục tờ báo nước ngoài mời ông viết bài, nhưng trong lĩnh vực nhân quyền ông đã vi phạm. Ông đã gây cho người khác cái điều cá nhân ông ta không muốn.
– Nhưng tôi nhân danh khoa học và con người. – Ông già dạy thú kêu lên.
– Đấy là những khái niệm trừu tượng. Cũng giống như ông nhân danh Chúa thôi. Ông phải nhân danh một cái gì cụ thể hơn còn có cơ bào chữa được. Ông khai tiếp đi.
– Tôi còn gì để khai?
– Chả nhẽ cứ thế mà ông Hữu nói được trở lại?
– À, vâng! Thật là một tai họa với tôi, cả lúc ấy và bây giờ. Hôm đầu tôi nhốt chung Homo vào với bầy thú đã có trí khôn…
– Thêm một vi phạm về nhân quyền và cả đạo đức nữa mà ông không thể chối cãi được. Tiếp đi!
– Sở dĩ tôi làm thế vì tôi trung thành với kết luận quan trọng trên kia. Nghĩa là Homo cần phải được dạy lại những khái niệm chính xác đơn giản nhất. Lúc đầu bị sư tử tát, Homo phản ứng như tiếp nhận một điều tuyệt vời. Nhưng cứ bị cào cho xước mặt thì lẽ tự nhiên là đau; phải vục mặt xuống ăn máng Homo kêu nhục, tôi hoàn toàn tin rằng phán đoán và phương pháp chữa của tôi là đúng. Ở đây có sự liên hệ rất lý thú. Con người ta cũng thế, khi anh ta cố tình gọi sai tên các sự vật, hiện tượng, lập tức cơ chế sinh học thay đổi và về mặt nào đó anh ta bị tước mất tư cách sinh vật người. Vấn đề còn lại khá đơn giản: Chỉ việc đặt anh ta vào vị trí của đứa trẻ mới tập nói. Tức là buộc phải giết chết ba mươi năm làm người của anh ta. Theo hướng đó, mỗi ngày tôi dạy anh ta dăm ba từ. Kết quả thế nào thì các ông đã biết. Ông Hữu đã nói lại được để viết đơn kiện tôi.
Hồ sơ vụ án không có mâu thuẫn giữa các bên đối kháng.
Chúc thư của ông già dạy thú
Kính gửi đồng loại của tôi,
“Ngày mai tôi phải ra tòa về tội đã cứu một đồng loại của chúng ta khỏi lạc sang thế giới loài thú, ngoài ý muốn của ông ta. Căn bệnh của ông ta rất đơn giản: Nói dối thành đường mòn trong não. Phản ứng sinh học tiếp theo là yết hầu sưng to. Điều này đúng như dân gian thường nói “Nói dối sưng hầu sưng cổ”. Bởi vì dân gian ở thời nào cũng đầy trí tuệ, sáng suốt. Bài thuốc của tôi cũng cực kỳ đơn giản: phải bằng mọi cách xóa đi đường mòn tai hại ấy. Như vậy sẽ có người tồn tại hàng hơn nửa thế kỷ nhưng không sống thực sự mấy ngày. Di hại của nó là tiêu diệt tận gốc, có khi hàng thế hệ, tư cách tồn tại của mình và sẽ cho ra đời hàng loạt quái thai”.
Ông già đặt bút xuống, im lặng ngồi suy ngẫm. Có nên nói hết ra không nhỉ. Ở tuổi của ta, sống chết không còn là vấn đề khủng khiếp nữa. Chỉ mong sao khi nằm xuống ta được yên giấc. Tự dưng ông già thấy buồn khôn tả. Mắt ông thấu vào cõi vô biên như đang tìm kiếm một điều gì vốn có sẵn từ vĩnh hằng. Lẽ nào mơ ước một đời của ta chỉ là điên rồ? Ông thương lớp con cháu thảm hại, sẽ còn lang thang chán mới tìm được tư cách tồn tại của mình. Chỉ cốt sao chúng đừng đào mả ta, bắn vào bộ xương khô là được. Nghĩ thế ông viết tiếp:
“Dù thế nào, nếu một lần chết vì con người, – thì hãy thanh thản mà chết”.
*
* *
Thưa độc giả ngàn lần đáng kính trọng bởi vì các vị thuộc về dân gian! Để chép lại được câu chuyện này, tôi cũng phải đánh vật với một số khái niệm tưởng chưa hề xuất hiện hóa ra đã có từ thời thượng cổ. Chính tôi cũng ít nhiều mắc cái bệnh khủng khiếp kia. Chỉ xin thông báo ngắn gọn: Ông già dạy thú không phải ra tòa. Đúng hơn ông được thả ngay khi phiên tòa chưa kịp mở vì lý do rất đơn giản: Có quá nhiều người mắc cái bệnh cần ông chữa, tới mức người ta đã nghĩ đến một nạn dịch.
Hòa Bình – Hà Nội 1989
Nhà văn Tạ Duy Anh
Tạp chí Sông Hương số 43 năm 1990
[1] Homo Sapiens: Người khéo léo