– Ông ơi, nằm ngửa ra đi. Chúng cháu muốn chơi trò kéo co.
Ông chuột vừa thiu thiu, tỉnh giấc và đáp:
– Chúng bay cứ làm tội ông thôi. Để ông ngủ một tí.
Nhưng bầy chuột tí hon không chịu. Chúng cứ eo sèo bên tai ông. Một đứa rúc dưới bụng ông dùng mõm cù. Ông chuột buồn buồn khó chịu hơi nâng mình lên; bọn cháu thừa cơ hội lật ngửa ông ra. Ông khua bốn chân trong không khí rền rĩ:
– Ối giời ôi! Chúng giết tôi.
Bốn thằng cháu chuột kệ lời than vãn, cắn lấy bốn đầu chân của ông, đoạn thi nhau kéo, mỗi đứa về một phía. Ông chuột đau quá kêu thét lên; bao nhiêu gân cốt bị căng xé, ông tưởng rạc cả người.
Bọn trẻ vẫn hò nhau kéo co. Mệt lử chúng mới chịu nhả ra cười vui thích và chạy đi chơi chỗ khác.
Tiếng hát của chúng vẳng đưa lại:
Chi chút chi choe
Cái mõm tè bè
Ôi anh Chù thối!
Chi chút chi chanh!
Thân vóc to kềnh,
Chao ôi bác Cống!
Chi chút chi chươi!
Loắt choắt buồn cười,
Cái đồ ranh Nhắt!
Chi chút chi chu!
Có mắt mà mù,
A, ông chúng tớ!
Hát xong câu cuối, chúng cười rúc rích rồi chạy đi chơi xa nữa.
Ông chuột nằm ngửa thở hổn hển. Cái đau tức cũ ngang hông lại trỗi dậy hành hạ ông. Nước mắt nóng hổi ứa ri rỉ làm ướt đôi mắt trong đó ánh sáng đã tắt từ lâu rồi.
Ông cố trườn lưng lên vách hang để tự lật sấp. Đoạn ông bò rờ rẫm đó đây.
Chị chuột, con dâu ông, trở về và hỏi:
– Cháu đâu cả, ông?
– Chúng chạy đi chơi đâu đấy ấy mà.
Chị chuột lẩm bẩm, nhưng đủ cho ông nghe:
– Chỉ được cái ăn no nằm dài, chả nên tích sự gì. Có một việc trông coi con nít cũng không xong.
Ông nín lặng.
Chao ôi, nào ông có phải thuộc cái nòi chỉ biết ăn bơ làm biếng. Ông cũng đã có một thời trai trẻ, ngang dọc tung hoành… khắp các xó nhà. Vốn tinh nhanh cần mẫn, chàng trai chuột ấy đêm đêm không quản trời nực trời lạnh, lần mò từ thạp gạo cho đến chạn thức ăn. Có một sức mạnh khác thường trong gân cốt nở nang, ông có thể nâng nổi cả một nắp gỗ dày đậy thạp hoặc dịch hẳn cái bát chiết yêu úp trên đĩa thịt. Ông lại lanh lẹn khéo léo, thường khi đùa với chúng bạn và nghe chúng thách đố, ông trổ tài leo ngang một cái dây thép chỉ bằng hai chân sau, người treo thõng; ai nấy đều phục tài.
Hồi đó, bà chuột còn sống. Hai vợ chồng làm ăn ki cóp, cốt để nuôi năm đứa con thơ. Chúng lớn dần rồi quên rất mau công cha nghĩa mẹ, bỏ đi lập chốn ở riêng.
Trước hết là thằng Cả, cưới vợ rồi, một hôm nó nói:
– Mai chúng con dọn đi; chúng con sang ở bên nhà ông Bá dễ kiếm ăn hơn.
Ông chuột ngơ ngác; bà thì oà khóc, năn nỉ con ở lại. Nhưng thằng Cả vốn đã nghe vợ xúi giục, khăng khăng một mực ra đi.
Bọn thằng Hai, thằng Ba cũng lần lượt bắt chước.
Thằng Tư vốn tính bông lông; ngay từ hồi còn trẻ thơ, nó đã năng vắng nhà, đi lêu lổng với những tụi chuột con du thủ du thực hàng phố, có khi mãi ba bốn hôm mới trở về, mắt lấm la lấm lét, râu cháy sém, đầu xám những gio. Thế rồi, một lần nó đi thẳng. Bà mẹ nóng ruột giục chồng đi tìm; ông chuột sục sạo khắp phía, hỏi thăm mọi người nhưng vô hiệu. Hiện bây giờ cũng không có tin tức gì về nó, không biết nó sống chết ra sao, đang lưu lạc giang hồ hay đã bỏ xác đất người. Bà buồn phiền, đêm ngày than dài thở ngắn, rồi lâm bệnh mà từ trần.
Bà để lại một đứa con út. Thằng này ngoan ngoãn nhất, ở lại với cha. Cha chuột chăm chút nâng niu đưa con còn lại, đem về cho nó những miếng ngon hạt tốt.
Chẳng mấy chốc thằng Út đã trưởng thành, cha chuột lại đi dạm vợ cho nó. Một đêm, đi kiếm ăn trong bếp, ông gặp một cô gái chuột. Cô trông cũng lanh lẹn, chạy nhảy lăng xăng. Gặp ông trong một cái ngách hẹp, cô nép về một bên nhường bước và chào:
– Lạy ông ạ.
Ông lấy làm ưng ý; nhưng còn muốn xét kĩ hơn, ông lấy giọng phều phào nói:
– Không dám, chào cô. Ta vừa suýt bị người họ tóm được; ta nhanh chân chạy thoát nhưng bị phang một đòn rất nặng, bây giờ chẳng biết làm thế nào mà lê được về hàng đây.
Cô gái đáp:
– Cháu xin sẵn lòng dắt ông.
Cô chìa đuôi cho ông ngậm rồi thủng thỉnh bước.
Sau lần gặp gỡ đó, lúc đã quen quen, ông lân la hỏi:
– Cô người đâu ta?
– Thưa ông, cháu vốn quê quán mãi bên Xóm Cát. Đến đời cha cháu thì dời sang bên này lập nghiệp tại nhà mụ bán bánh giò. Hôm nay cháu lần sang đây một bữa xem thử có dễ làm ăn hơn không?
Dần dà, ông lại biết rằng cô ta bố chết sớm, hiện ở với mẹ, và vẫn còn con gái. Ông cười ha hả mà rằng:
– Ta có một thằng con út nó đang kiếm vợ. Thực là lương duyên trời định nên mới xui cô sang đây.
Ý chừng bẽn lẽn, cô gái bỏ chạy một mạch.
Hôm sau, cha chuột sửa một lễ nhỏ, cùng anh Út sang nhà mụ bán bánh giò thăm hang cô gái. Ông nói rõ ý định, mẹ cô gọi cô ra hỏi; cô lại bỏ chạy. Tuy bỏ chạy, nhưng cái trò con gái lớn, cô lại thập thò mõm nhìn trộm người chồng tương lai. Anh Út thẹn quá cứ rúc vào nách cha.
Ông chuột cười lớn theo thói quen, nói:
– Lặng thinh là tình đã thuận rồi đấy, bà láng giềng ạ.
Năm hôm sau, đám cưới cử hành linh đình. Hàng xứ tới dự rất đông, họ nhà tý được đại diện đầy đủ: giữa đám bọn Nhắt lau nhau và bọn Chù hôi mõm dài chua ngoa, mấy ông Cống dạo tấm thân vạm vỡ, dáng đàn anh cha chú lắm.
Đám rước dâu rùng rùng cất bước lúc trời hoàng hôn. Họ men theo chân tường, đi qua ngõ hẻm rác rưởi, ai nấy vừa vui vẻ lại vừa hồi hộp, mắt la mày lét, từ ông chủ hôn râu bạc cho đến cô dâu chú rể tươi mới, trẻ trung, nhưng họ đến nơi được vô sự.
Trong hang nhà trai, cỗ bàn đã bày sẵn. Trên những đĩa nhỏ la liệt làm bằng đốt xương cá, vàng ửng những hạt thóc, thứ thóc nếp thơm mà cha chuột đã hì hụi tích trữ lâu nay. Ông lại lấy làm vui thích đãi khách bao nhiêu là thịt, thịt nạc, thịt mỡ, mà ông đã đánh cắp một cách rất táo gan trong bếp ngay giữa ban ngày, khi bà chủ vừa quay mặt.
Khách ngấy cả lên, ai nấy chén xong đều mệt nhoài vì nặng bụng. Thế mà hai anh hầu bàn còn khệ nệ kéo ra hai quả chuối to, mùi thơm ngọt bay nức hang. Cha chuột nói:
– Xin mời quý khách tráng miệng.
Chú rể, nhân vui câu chuyện, hào hứng thuật lại cái thủ đoạn táo bạo của cha. Nải chuối to bà chủ cất kỹ trong tủ. Cha chuột lò dò xung quanh từ đầu hôm, trèo, vọt, thăm địa thế, quyết kiếm cho đám tiệc sắp tới một món tráng miệng quý. Ông định cắn gỗ để chui vào; nhưng thứ gỗ rắn quá, ông sợ làm không xong việc trước khi trời sáng. Ông bèn leo tới chỗ then gài, dùng mõm cố đẩy cho xoay đi. Vừa lúc ấy, nghe động, người ta xuống mở cửa tủ soát lại. Làm gan, cha chuột rất nhẹ nhàng, chui tọt vào nằm trong tủ; thế là vào lọt. Đợi người kia lên nhà rồi, ông tới cắn rụng luôn hai trái. Nhưng khi muốn ra mới là sự khó khăn khác. Tìm mãi không thấy phương kế nào để thoát thân, cha chuột chặc lưỡi, nghĩ: “Mặc! Đánh một bữa no nên cái đã!”.
Ăn hết nửa trái chuối trong nải, ông nằm ngủ khoèo. Khi trời gần sáng, ông kéo lê hai trái chuối tới cạnh cửa, cắn cuống chuối hai bên mép nằm đợi. Có ai vừa mở cửa tủ, ngay tức thì ông vọt xuống đất, chạy như biến, kéo hai trái chuối sền sệt hai bên hông. Người kia kinh ngạc quá, há hốc miệng, không nghĩ đến chuyện đuổi bắt.
Bàn tiệc nổi tiếng chí chút thán phục. Ai nấy nức nỏm, khen ông đủ điều, nào là ông táo tợn, nhanh trí, nào là khéo kén được dâu hiền. Ông khoái chí ngó ngoáy bộ râu, cười ha hả.
Mãi gần khuya, khách ăn mới về vãn. Tân lang vào buồng, nghĩa là vào một cái ngách con vừa đào, trò chuyện cùng vợ mới. Cái đêm động phòng hoa chúc, nói làm sao xiết muôn vàn ái ân!
Chị chuột tỏ ra người dâu tốt. Siêng năng, cần mẫn, chị lại vốn thuỳ mị, nết na. Chị biết kính cha, một điều thưa hai điều bẩm, chị chiều chồng, ăn nói ngọt ngào, lễ phép, giọng eo éo vui tai. Chị thường bảo ông chuột: “Cứ để chúng con làm nuôi cha, cha đã về già gân mòn sức yếu, chạy nhong nhong cho thêm mệt”. Nhưng cha chuột nghĩ: “Mình còn khoẻ, cứ làm lấy mà ăn, tội gì ỷ lại thêm một gánh nặng cho chúng. Bao giờ cần, ta hẵng nhờ”.
Và ông lại đêm đêm tung hoành khắp nhà. Ông biết rằng thằng ở ghét ông lắm, vi ông đã chơi nó nhiều vố cay. Nó cũng chẳng phải chểnh mảng gì, niêu cá, miếng thịt cất cẩn thận, kín đáo; nhưng lại gặp phải cha chuột vốn nhiều mưu trí, lại khéo léo vạm vỡ, đánh cắp như người ta chơi đùa. Nên nó thường bị bà chủ cốp vào đầu nghi là ăn vụng.
Ông chuột luôn luôn căn dặn anh chị chuột:
– Các con phải coi chừng, thằng cha ấy thù nhà ta lắm đấy. Có hôm nó rình cha suốt đêm với cái gậy trong tay mà chẳng làm gì được sất. Cha lại còn cứ chạy lại trêu tức nó thêm. Khéo không nó đánh bả; khi nào thấy bát cơm hay miếng mỡ để kiểu hớ hênh quá thì đừng có nhúng mõm vào. Vả thuốc độc dễ nhận biết lắm; nghe mùi thơm hăng nó xộc vào mũi làm cho muốn hắt hơi thì lảng tránh ngay, chớ tham mà chết.
Một hôm, cha chuột trở về mình ướt lướt thướt và hăng sặc mùi dầu. Hai con hỏi duyên cớ, ông cười ha hả đáp:
– Suýt chết thiêu đấy. Nó bắt được cha đã buộc vào cột rồi tưới xăng khắp mình. Nhưng cha cắn dây chạy thoát.
Ông phải nằm trong hang hai hôm cho lông thực khô, sợ chạy gần đám lửa nó bắt sang thì thực là tự thiêu mình.
Chị chuột lo sợ bảo cha:
– Thôi cha ở nhà thôi. Chúng con còn mạnh mẽ sung sức, sẽ kiếm về cho cha xơi, nhất là cha ăn uống cũng chẳng bao nhiêu. Nếu cha có mệnh hệ nào thì chúng con buồn khổ lắm.
Ông chuột chỉ cười:
– Các con đừng lo. Nguy hiểm thế chẳng thấm vào đâu cả. Có lần chúng đã đốt cha cháy bùng bùng rồi, thế mà cha còn cố sức chạy chui được vào hang cho lửa tắt ngúm đi. Chỉ bỏng chút ít, sau đó lông lại mọc như thường. Cha muốn trời cho còn được mạnh ngày nào, cha còn làm việc ngày ấy. Cha không nỡ làm mệt các con, nhất là độ này chị đã có mang. Chị không nên chạy nhanh quá mà động thai. Để cha đi thu nhặt ít hạt cho chị ăn trong khi ở ư cữ.
Thế rồi lông lá vừa khô, ông lại vượt khỏi cửa hang.
Thằng ở trị đàn chuột mãi không được, xin đâu về được một con mèo. Đó là một con mèo tam thể, to béo, râu vểnh một cách cao quí, hai mắt xanh lè quắc trong đêm trông rất sợ.
Chị chuột thấy nó đầu tiên khi đang sục sạo trong đống rác. Chị sợ đến tan mật đi, bốn chân co quắp lại, nằm lăn như chết, không cựa quậy. Nhờ thế, mèo không đánh hơi được, bỏ đi qua.
Về nhà, nghe chị kể lại, cả nhà họp hội đồng. Ông chuột dặn dò:
– Từ nay trở đi, chúng ta có một kẻ thù ghê gớm. Các con phải gìn giữ gấp mười trước. Giống mèo dễ đánh hơi lắm, lông nó mùi hăng nhạt, dáng đi rất nhẹ nhàng, nhưng trời cho ta thính tai, có thể nghe được tiếng chân nó dậm đất. Khi nào không may bị nó bắt được, các con cuộn tròn mình lại, che đầu trong hai chân trước để nó khỏi tát phải. Nó có thói vờn chán rồi mới ăn; các con cứ nằm im, rồi nhân nó đánh văng ra xa, vùng dậy chạy miết. Như thế mới hòng thoát.
Tuy dặn kỹ càng thế, ông vẫn nơm nớp lo cho hai con.
Có đêm chính ông đã bị nó đuổi. Ông vọt rất nhanh, đu lên xà bếp, nó đu theo. Ông bèn leo dọc cái sợi dây treo gióng buông từ trần nhà. Mèo ta đành chịu ngó theo trong khi chuột làm xiếc trên dây.
Bất thình lình ông buông mình vọt xuống, chạy như biến về hang. Mèo đuổi theo, nấp rình cạnh tường. ông đánh hơi biết thế, bèn cứ thò mõm ra để trêu chơi. Ông lại hát ghẹo:
Hôm qua tóm được mèo vằn
Định đem thết tiệc đãi đằng anh em
Thịt thì băm chả gói nem
Ruột làm xúc xích…
Oái!
Mèo tức quá đã nhảy chồm tới; nhưng cái mõm nghêu ngao đã biến đi từ bao giờ, để lát sau lại ló ra một cách ngạo nghễ.
Biết thóp rồi, mèo ngày đêm trở lại rình quyết tóm cho được con mồi. Ông chuột nghĩ thầm: “Càng hay!”. Lại càng ghẹo già chú mèo. Vì như thế, con trai con dâu ông được yên lòng mò ra cửa hang kia và chạy nhảy trong nhà kiếm ăn.
Tình thế ấy kéo dài; rồi ý chừng thấy sự bất lực của mèo, thằng ở lại đem bẫy đặt ở xó bếp.
Ông chuột đi qua, ghé nhìn nói với cái bẫy:
– Kể miếng thịt mồi cũng khá thơm đấy; ý chừng ông anh tôi đã cho vào chảo, đảo đi đảo lại kì đến ướt đẫm mỡ béo. Thú thực tớ cũng có chảy nước rãi ít nhiều, nhưng cái thèm chưa đủ gay gắt đến nỗi làm tớ mất trí khôn mà đâm đầu vào cái máy chém ấy. Thôi nào!
Đoạn chuột bỏ đi kiếm ăn nơi khác.
Một lát sau, bỗng nghe bẫy sập đánh “phập”! Thôi chết rồi! Ông lo sợ nghĩ đến hai con. Nhưng mà không! Tiếng gào vừa nổi lên, ông nghe rõ ra tiếng chú mèo. Vừa định chạy tới xem thì đã thấy mèo vừa gào vừa chạy thụt lùi, kéo theo cái bẫy nó bóp chẹt cổ họng. Tiếng gào thê thảm đến ghê rợn. Thằng ở sực tỉnh, chạy đến gỡ ra.
Nhưng ý chừng mèo đã không chịu nổi cơn đau đớn; bởi từ hôm ấy, bóng mèo bặt tăm và cha con nhà chuột lại dọc ngang nhảy nhót tha hồ.
Một đêm, cả ba cha con cùng đi kiếm thức ăn. Cha chuột leo lên miệng thạp, dùng mõm ẩy cái nắp lên, đoạn trườn vào nửa người làm cái chèn để anh chị chuột có lối vào. Hai anh chị thích quá chạy tung tăng trên mặt gạo, đánh một bữa no nê.
Không ngờ thằng ở đã nấp rình nãy giờ rất im lặng trong bóng tối; bất thình lình nó đè riết cái nắp gỗ, cha chuột bị dằn ngang mình, hét lên. Hai vợ chồng sợ mất mật, cuống quýt kiếm đường tháo. Nhưng đến miệng thạp, anh chị mới biết không thể nào chui ra được qua khe hở bây giờ quá hẹp. Cha chuột tuy bị nguy vẫn nghĩ đến hai con trước. Ông thu hết gân sức trong hai chân sau, nẩy chồm người. Cái nắp bật lên tí chút, anh chị chuột vọt được ra ngoài, chạy miết về hang, bỏ mặc cha đó.
Thằng ở nắm đuôi cha chuột lôi ra, và giơ lên sau khi bật đèn. Cha chuột treo thõng người, mệt nhoài, đau ran gần như chết. Y vứt ông xuống đất, ông nằm bẹp mà thở; càng thở càng đau thắt ngang hông, chỗ lúc nãy bị miệng thạp gạo ấn lên.
Thằng ở nói: “Cho đáng kiếp cái thứ ăn cắp. Lần này tóm được mày, tao chẳng để cho thoát nữa đâu”. Sẵn bình a-xít, y đổ lên đầu cha chuột. Con vật khốn nạn hét lên. Hai mắt rát bỏng như bị nung lửa. Cái ánh điện vàng vàng bỗng dưng tắt ngóm; xung quanh tối sầm một màu đen kịt, cha chuột lịm dần đi.
Sau đó, cha chuột chỉ còn có những cảm giác mơ hồ. Hình như mình bị xách ngược đằng đuôi, đu đưa lủng lẳng mấy cái trong không khí rồi bị vứt mạnh vào một chỗ êm và ẩm. Cha chuột đánh hơi, nghi rằng mình đang ở trong một cái thúng rác. Cố nén đau, cha chuột bò ra khỏi vành thúng, rơi thịch xuống đất, nằm điếng đi một hồi, rồi lóp ngóp bò, đầu lắc lư bên này bên nọ đánh hơi tìm đường. Không biết hai vợ chồng trốn biệt ở đâu không ra dắt cha một tí.
Nhưng rồi cha chuột cũng lần về được đến hang. Anh chị cuống quýt chạy ra đón, dìu cha về. Anh chị hỏi:
– Cha có làm sao không?
– Cha bị mù rồi. Không kể nơi bụng đau tức, như ruột muốn phì ra.
Hai vợ chồng oà lên khóc.
Cha chuột nằm trong hang dưỡng bệnh cả tháng trời. Mắt thì chịu mù hẳn; chỉ còn thấy hai cục lồi trắng dã ghê sợ. Cái đau tức có đỡ bớt, nhưng trời vừa sang thu, thời tiết ẩm làm xương cốt nhức nhối. Ông nằm liệt trên đất lạnh, không ngăn được rên rỉ, tuy ông không muốn làm cho con cái thêm lo lắng.
Hai vợ chồng cũng hết lòng chăm nom người bệnh.
Nhưng từ đó về sau, cha chuột tàn tật đã thành một kẻ bỏ. Ông không làm gì được nữa, ngoài sự gây thêm gánh nặng cho hai con.
Và chị chuột, từ khi nhận thấy rằng mình sẽ phải làm lụng thêm để nuôi một cái xác thừa, bỗng nhiên đổi thái độ. Suốt ngày không ngớt nói bóng gió này nọ, nhiếc cái “lão già” sao không chết đi cho rảnh, còn báo hại người ta.
Anh chuột cũng thương cha, nhưng lại sợ vợ hơn, chả dám hé răng nửa lời. Chỉ khi nào vợ vắng nhà, anh mới thủ thỉ nói:
– Thưa cha, nhà con dạo này có mang nên đâm ra gắt gỏng xấu tính, nó có nói quàng xiên cha đừng chấp làm gì.
Ông chuột cười, đáp:
– Không, vợ anh có điều gì đáng cho cha phàn nàn đâu.
Cứ thế, ông giữ một niềm im lặng nhẫn nhục. Suốt ngày ông bò rờ rẫm trong hang như một ông già lẩm cẩm. Hoặc ngứa chân ngứa mõm, ông bới thêm, ăn xiên lên, một cái ngách gần chỗ miệng hang trổ ra góc vườn.
Chị chuột quát:
– Ăn no nghịch dại! Muốn mau tiêu, lại làm bẩn ngập cả lên.
Ông làm như không nghe thấy, vẫn kiên nhẫn đào bới, hết đào lại tuồn đất ra khỏi hang.
Rồi chị chuột đẻ, lứa ấy được bốn đứa. Chị giao hẹn:
– Từ rày tôi giao cho ông việc trông nom chúng. Chúng tôi đi kiếm ăn vắng, ông phải canh giữ con tôi chu đáo.
Ông chuột đáp:
– Ừ, như thế càng thêm vui!
Bầy chuột con chưa mở mắt, cũng bò rờ rẫm như ông, thế mà có khi rời rất xa tổ. Ông chúng nó lại phải bò đi tìm, cắn đuôi chúng kéo sền sệt về, khiến chúng không bằng lòng, khóc chí choé.
Bầy chuột con càng lớn càng nghịch, làm tình làm tội ông đủ điều. Chúng chạy ra xa rồi bắt ông tìm, có khi cứ thế chúng dử ông vượt ra khỏi cửa hang. Ông nghe hơi gió lạnh thổi vụt trở lại. Khi chúng trở về, ông mắng: “Các cháu dại dột quá. Lừa ông ra khỏi hang, lỡ có thằng người nào nó thấy, thì ông mắt loà chân chậm chạy làm sao thoát?”. Thấy con bị mắng, chị chuột bênh chầm chập: “Như thế cũng chả thiệt ai! Nó mới đùa một tí, ông đã nhặng lên!”. Bọn nhỏ đắc chí cười với nhau rúc ra rúc rích.
Chúng lại bày trò kéo co để chòng ông chơi. Lừa vật ngửa ông ra, mỗi đứa cắn một chân ông lôi về một phía. Thực là một trò độc ác. Người ông bị căng xé, bụng đau cộn khiến ông gần như ngất đi.
Đôi khi, chúng bắt ông chơi “bịt mắt bắt dê”. Chúng nói: “Ông mù rồi, không cần bịt mắt nữa. Bây giờ chúng cháu chạy đi trốn, ông phải bắt cho được tất cả, không thì chúng cháu bảo mẹ đừng cho ông ăn”.
Chúng chạy tản mỗi đứa một phía. Ông vừa bò vừa đánh hơi. Ông còn rất thính mũi, vừa thấy mùi, ông kêu: “Thằng Ba đây rồi!” và chộp ngay lấy, không thể nào sai.
Duy có thằng Cả, khôn khéo hơn, nấp kín nhất, khó đánh mùi. Ông bèn đặt mẹo, vừa đi vừa hát nghêu ngao, méo mõm ngoáy râu làm trò hề. Cả ta không nín được, cười bật lên thế là bị tóm nốt.
Chúng bèn bàn nhau:
– Ta vượt ra ngoài cửa hang thì ông đến tài thánh cũng chịu.
Người mù vốn thính tai, ông nghe được vội kêu:
– Chả chơi! Trốn ở trong hang ông mới bắt. Đứa nào ra ngoài kia kể như là không.
– Chả chơi thì thôi, để bảo mẹ bắt ông nhịn đói.
– Càng hay. Ông hôm nay đầy bụng khó chịu nhịn một bữa cho khoẻ ra.
– Thế thì chúng cháu tẩy chay ông, từ nay để mặc ông nằm bệt một xó không chơi với ông nữa.
Ông bèn ưng thuận.
Ông ra ngoài trời, vểnh tai hếch mõm; để tìm bắt chúng thì ít mà để nghe ngóng sự nguy hiểm thì nhiều. Hễ có tiếng động, ông vội quay đầu lần về hang.
Yên ắng rồi, ông mới lại thò ra. Biết rằng đàn cháu chạy tản mát, không thể đánh hơi được, ông đi vòng quanh, vừa đi vừa nghêu ngao hát bài hát đời xưa cũ:
Hôm qua tóm được mèo vằn
Định đem thết tiệc đãi đằng anh em
Thịt thì băm chả gói nem
Ruột làm xúc xích xương đem ninh nhừ
Mèo rằng: “Lạy bác, hu hu
Rộng lòng sinh phúc kẻ ngu hèn này”.
Ta rằng…
Tuy hát, ông vẫn lắng tai, ông đoán biết bốn thằng cháu, ý hẳn nghe hay hay, đã rời chỗ nấp, ra đi theo ông; tiếng chân chúng dậm đất, phía sau nghe gần lắm. Làm như không hay biết, ông hát tiếp:
Ta rằng: “Ta cũng thương mày
Mở lòng chẳng nỡ ác tay làm gì”.
Mèo rằng: “Sướng quá, hi hi
Ơn này cháu sẽ xin ghi muôn đời
Xin cho thưa lại một lời
Hàng năm cống tiến đơn sai dám nào”.
Cống lên…” hập!
Ông chuột bất thình lình nhảy trở lại, quờ chân vớ được cả bốn chú tí hon.
Một hôm hai vợ chồng vắng nhà, ông chuột bàn với các cháu: “Ta bấy lâu sống tù ngục dưới đất, vẫn thèm nhớ sự nhảy nhót thuở xưa. Vậy các cháu hãy đưa ra đi dạo một vòng. Chúng ta ra do cửa hang sau vườn, đi quanh vườn rồi trở về ngay”. Chúng ưng thuận, bốn đứa đi trước, chụm đầu đuôi lại cho ông cắn. Rồi cái đám ngộ nghĩnh rùng rùng cất bước.
Ông già ra ngoài trời, lấy làm khoan khoái, ông thở hơi phình ngực, nhớ lại thời niên thiếu tung hoành.
Lòng ông trở lại buồn rầu. Thôi hết rồi, những trò nhảy nhót tung tăng, những chiến tích oai hùng! Ông cảm thấy trong gân cốt, cái sức vóc thời xưa vẫn chửa suy sút đi mấy nỗi. Thế mà ông đành để nó gỉ cùn đi dần dần. Có ai ngờ chàng chuột oanh liệt đã đùa giỡn với cái chết hơn một lần, đã coi như không sự hằn thù của một thằng người lại cả một chú mèo cố rình ngày hòng bắt sống, mà nay lại lâm vào tình cảnh ăn bám đáng thương như thế này!
Nhưng ông tự an ủi: cốt nhất là hai con ông được yên lành, chúng còn trẻ, đời còn dài, lại còn một đàn trẻ phải trông nom nuôi nấng. Còn ông, ông đã sống một thời hoạt động, ông không phải hối hận vì đã bỏ phí sức mình.
Nghiền ngẫm những ý nghĩ ấy, lòng ông trĩu nặng, và ông bước chậm như cố lê mình.
Nhưng bọn trẻ tinh quái đã làm ám hiệu với nhau, đột nhiên rựt đuôi chạy miết. Ông chuột mù quay trở lại, mò đường tìm về hang.
Thế mà ông còn được chị chuột mắng cho một hồi. Chị bảo: “Oonh mang cháu đi rồi vứt nó chơ chỏng, lỡ có mệnh hệ nào thì ba mạng ông cũng không đền đủ”.
Bọn trẻ chạy chơi tung tăng, mãi chiều tối mới về. Người mẹ nheo nhéo mắng chúng mãi, nhưng kì thực để mắng ông một cách gián tiếp. Muốn che lỗi, chúng nói:
– Ông lừa cho chúng con ra, rồi để mặc đấy mà đi. Chúng con lạc đường lần mò mãi mới về được đây, mẹ còn mắng.
Ông chuột chỉ cười, nói nhẹ nhàng:
– Bởi ông già lẩm cẩm nên nhãng quên đi đấy. Thôi mẹ tha cho các cháu.
Nhưng bây giờ ông chỉ cười lặng lẽ và chua chát, không còn cái cười ầm ỹ thủa xưa.
Chị chuột thấy ông sống dai thì sốt ruột. Chị thường nói: “Sức vóc to lớn mà làm gì! Xem đấy, được cái tài ăn bám báo hại mà thôi”.
Ông chuột tự biết thân nên không dám ăn nhiều, mỗi bữa chỉ cắn vài ba hột qua loa. Đôi khi anh chuột giấu vợ đem cho ông mươi hạt tốt, ông không nhận, nói:
– Thôi để cho các cháu. Ông già yếu rồi không cần ăn mấy nữa.
Có lần ông chuột đã phải nhịn đói. Hôm ấy đến bữa vẫn chẳng thấy ai mang đến cho ông tí chút gì. Thì ra mẹ con chị chuột đã đem nhau ra chỗ khuất mà ăn. Anh chuột về, nghe bọn trẻ thuật lại để khoe, bèn lấy lời ngon ngọt khuyên vợ không nên đối xử với cha tàn nhẫn như thế. Chị vợ lồng lên:
– Tàn nhẫn với chẳng tàn nhẫn! Làm lấy mà ăn, chả còn ai hầu được nữa. Tôi còn mắc con mắc cái, lo cho nó sống cũng đủ mệt rồi.
Ông chuột bảo con trai:
– Chị nói phải.
Rồi ông lặng lẽ bỏ đi. Anh chuột hoảng hốt gọi lại:
– Ông đi đâu? Ông đi đâu?
Chị chuột lầm bầm:
– Không chừng bây giờ đã phát khôn rồi cũng nên. Phải đấy, đi chết rấp một xó nào cho xong.
Nhưng ông chẳng đi chết rấp vào một xó nào cả, vì một lát sau đã thấy ông trở về. Ông nhả ở mõm ra một dúm thóc. Anh chuột kinh ngạc hỏi ông lấy ở đâu.
– Ở trên kia chứ ở đâu. Ông lấy cho các cháu ăn, đỡ công chị một hôm.
Chị chuột nói:
– Không mượn!
Bầy cháu tuy còn nhỏ nhưng đã biết hùa theo mẹ:
– Chả thèm ăn của ông.
Ông chuột nghiến răng không đáp nửa lời.
Một hôm vì một cớ nhỏ, chị chuột mắng thằng con thứ ba. Nó bèn bỏ đi, đi biệt không về. Chị lấy làm lo sợ, theo thói thường chị lại nhè ông chuột chì chiết:
– Bổn phận ông là phải trông nom chúng nó. Chúng tôi đi về thất thường, để ý đến chúng làm sao cho xuể.
Ông chuột đáp:
– Chị nói phải. Để tôi đi tìm về.
Và ông dắt thằng bé bông lông về được thật. Ông nói:
– Cái thằng gan, nằm ườn ăn vạ trong thúng trấu. Tôi đánh hơi mãi.
Để lảng câu chuyện về mình, thằng bé mách:
– Suýt nữa thì ông đâm sầm vào cái bẫy.
Anh chuột vội hỏi:
– Chết! Thế có việc gì không?
Ông đáp:
– Cố nhiên không việc gì. Bởi thế mới còn nguyên vẹn mà về đây với anh chị chứ!
Một sáng, trong gia đình xảy ra đại biến.
Cả nhà đang quây quần, bỗng nghe một mùi cay toả đầy làm khó thở và chảy nước mắt. Ông chuột bảo:
– Nó hun khói chúng ta đấy.
Hai vợ chồng bàn nhau dắt con chạy thoát ra. Nhưng ông khôn ngoan ngăn lại:
– Chớ! Chắc hẳn bây giờ nó chặn mình cả hai đầu hang. Chạy ra tất chết.
Chị chuột cuống lên:
– Thế làm thế nào? Ở trong này cũng chết. Khốn nạn mấy thằng con tôi.
Ông chuột bảo:
– Các con hãy cứ bình tĩnh.
Chị chuột kêu lên:
– Bình tĩnh! Đến nước này mà còn bảo bình tĩnh được! Tôi biết rồi, thấy chúng tôi nguy khốn ông mừng; ông già rồi, thì đã đành cái phận.
Ông chuột nghiêm giọng:
– Chị đừng nói thế. Các con hãy theo ta.
Ông dẫn cả nhà đến chỗ ngã ba rồi cho từng người lần lượt chui vào cái ngách ăn xiên lên. Ông nói với chị chuột, giọng hơi buồn rầu:
– Con hay trách ta nghịch dại, cốt để chóng tiêu cơm. Bây giờ chắc con đã thấy rằng trò “nghịch dại” của ta cũng có chút ích lợi.
Mọi người đã núp vào trong ngách. Anh chuột gọi:
– Ông vào đây với chúng con.
– Không, bổn phận ta phải ở đây.
Ông đứng dựng thẳng nơi cửa ngách, lấy thân mình bít luồng khói.
Ông đứng trong dáng điệu bất tiện như thế rất lâu, lưng mỏi ê; đầu cúi gập đội cái trần đất khiến gãy hẳn cổ.
Nhưng một sự ghê gớm khác đang chờ ông.
Thấy hun khói không công hiệu, người ta rót dần xuống cả một nồi nước sôi qua cửa hang. Ông chuột mù bất thình lình nghe một luồng nóng bỏng trên lưng. Ông giật nảy người, cố nén tiếng kêu, ông vẫn giữ vững.
Ông vẫn giữ vững không nhúc nhích, nghiến răng mà chịu, mà nghe thịt mình chín dần, chín dần…
Nước rỉ ngấm từ từ khắp người, luộc dừ bốn bắp chân và cổ, và đuôi ông. Ông vẫn giữ vững, đầu hướng về cuối ngách, nơi ông biết đàn con cháu ông đang bíu nhau co quắp, lo lắng và kinh hoảng. Ông vẫn giữ vững, quyết lấy thân mình ngăn cái chết đang đe doạ tất cả gia đình, dù có phải hi sinh sự sống ông cũng không từ.
Nước đổ tràn hang bỗng ùa vào trong ngách, tàn nhẫn thúc đẩy mình ông. May sao không khí bị ép ngăn nước lại. Nước chỉ lên được có nửa chừng, trào lên rút xuống lập bập, nhồi lắc con chuột mù bây giờ chỉ còn là một cái xác chín dừ, nhăn nhở nhe hàm răng nhỏ trắng phau.
1941
Bùi Hiển
(Theo bản in Con chuột mù, Nxb Kim Đồng, 1989)