Sáng hôm ấy mưa bụi bay mờ cánh đồng. Người làng Bôn có mặt gần đông đủ trong cuộc tiễn đưa cụ Miện về nơi yên nghỉ cuối cùng.
Ngoài dân làng Bôn, còn có đại diện của huyện, của xã, của đại diện các xã bạn trong đám tang. Đoàn người xếp dài từ khóm tre đầu làng ra tới bãi tha ma. Bởi cụ Miện là một nhà cách mạng lâu năm nhất vùng. Và bởi cụ là người liêm khiết, chân thật hiếm có trên đời, ai sai nói sai, ai đúng nói đúng, hết lòng cưu mang giúp đỡ người khác, nên trẻ già trai gái khắp vùng đều xem cái dáng thân mai vóc hạc của cụ Miện như cái trụ làm chỗ dựa cho mình. Ai muốn được lòng dân, trước hết hãy được lòng cụ Miện. Ngay như trong đám tang này, với vẻ mặt tiếc thương ủ dột dù thật lòng hay vờ vĩnh cũng có giá trị như một thế lực phù trợ riêng cho từng người.
Dẫn đầu đám tang là bó đuốc làm bằng những cây nứa dài đập dập, lửa reo phù phù và một rừng phướn, câu đối, cờ tang treo trên đầu sào, nhấp nhô như những cánh buồm trắng. Tiếp đến là phường bã lệnh gồm một trống, ba kèn, ba sáo, ba nhị, một não bạt. Rồi đến ông cụ Hảo râu tóc bạc phơ, bận chiếc áo quân phục sĩ quan sờn cũ, thắt khăn xanh ngang hông, miệng nhai trầu, tay xách chiêng, tay cầm dùi gõ từng tiếng chậm rãi.
Bài điếu văn dài gần nửa tiếng đồng hồ của ông bí thư đảng ủy xã, Lúc đó, hồn ma của cụ Miện lơ mơ nghe người ta nhắc đến mình, vừa đúng mình vừa không đúng mình. Ông bí thư tỷ mẩn kể từ chuyện ba đời là cố nông của gia đình cụ Miện, rằng cụ đã lớn lên bằng miếng cơm đi ở như thế nào, cụ đã đi theo Đảng như thế nào, đã cống hiến cho phong trào và cho địa phương quê nhà như thế nào, rằng ba người con trai của cụ đã lập công ngoài mặt trận như thế nào, … Cơn cớ gì người ta phải khuếch trương, phải tô vẽ cho mình lắm thứ thế nhỉ? Hồn ma cụ Miện ngơ ngác tự hỏi, và cụ gần như giật mình choàng tỉnh khi những lát đất đầu tiên hất rào rào xuống nắp quan tài.
Lúc sau nữa thì mọi người lục tục trở về làng, để lại một nấm đất cao vờ vờ và phủ kín những vòng hoa tươi. Dưới mộ, cụ Miện vừa hoảng sợ trước nỗi cô đơn trơ trọi vừa thấy khoan khoái vì được yên thân. Cụ nhỏm dậy đi xem xét ngôi nhà mới rất lạ mắt, chỗ nào cũng hăng mùi đất ẩm của mình. Cứ thế, bước chân cụ xa dần, nhẩn nha trước cuộc chu du bất tận vào cõi âm.
Đến trước một vùng sình lầy, cụ Miện dừng bước lắng nghe tiếng khóc oe oe đang vang lên sát bên mình. Cụ ngoảnh nhìn quanh quất giây lát liền thấy một hài nhi đang cựa quậy trong bùn. Cụ vội chạy lại, miệng nói “cháu ơi, ông bế dậy nào” tay vén áo. Nhưng đôi tay cụ Miện chững ngay lại khi nghe đứa hài nhi lên tiếng quát:
– Ông già kia, chớ hỗn. Sao dám gọi ta bằng cháu?
Cụ Miện sửng sốt chẳng hiểu đầu đuôi ra sao. Đứa hài nhi lại hỏi:
– Ông năm nay mấy tuổi rồi?
Cụ Miện hiền từ tỏ lời khuyên:
– Sao cháu lại hỏi ông “mấy tuổi”. Ông đã 82 tuổi rồi đấy cháu.
– Hừ. Lại “cháu”! Ông có biết ta đây đã mấy nghìn tuổi rồi không?
– Sao. Mấy nghìn tuổi?
– Phải. Giặc nhà Ân tràn sang bắt mất mẹ ta. Còn ta thì chúng quẳng xuống hồ. Thử tính xem, đã thừa mấy nghìn năm rồi chưa?
Cụ Miện bủn rủn chân tay, sụp lạy:
– Thưa, tôi biết gọi người bằng gì đây?
– Cứ gọi ta bằng Hài nhi là được. Đáo giang tùy khúc – nhập gia tùy tục. Ông nên đi đây đi đó để “mở mắt ra” mới biết thế nào là cõi âm. Cái lũ có tý quyền tý chức trên trần lúc mới nhập cõi âm đứa nào cũng thích vênh váo ra vẻ ta đây. Nhưng vênh váo với ai cơ chứ? Bởi thế, chúng trở thành những cục đất tội nghiệp xấu xí nhất trong vô vàn những cục đất khác. Ông nên nhớ lấy điều ta dạy!
Vàng vó – những khối chữ nhật be bé làm bằng nan nứa mỏng, bọc giấy vàng, giấy đỏ – rải dọc đường, cũng là một thứ tiền tệ, để hồn ma đi đò đi giang mà về mỗi khi ngửi thấy mùi hương người thân thắp ở nhà. Với hồn ma, dù chỉ là cái rãnh, dù chỉ là một vũng nước mưa đọng trong lòng đường, cũng phải thuê đò mới qua được.
Té ra… – cụ Miện vừa lững thững đi vừa ngẫm nghĩ – trên trần nói sai bét. Âm phủ làm gì có cửa? Về chuyện bát cháo lú, cũng sai nốt. Cụ đã đưa mắt lùng tìm khắp nơi, vẫn không thấy người bán cháo lú ngồi ở đâu. Trước một cái chợ loáng thoáng bóng người, cụ Miện thấy một người đàn bà mặc váy nâu nhuộm bùn ngắn cỡn, áo cũng ngắn cỡn và không có cúc, để trễ hai vạt, lộ ra mảng yếm sồi màu vàng mỡ gà. Người đàn bà bê cái rá bên hông le te đi lại chỗ cụ Miện đứng. Cụ Miện nhận ra đó là người chị họ của mình.
– Chị Bường!
Người đàn bà giật mình bước lùi lại một bước.
– Cậu Miện! Cậu xuống bao giờ?
– Chị đi đâu đấy?
– Tôi đi gặt lúa may. Chứ mợ ấy đã biết cậu xuống chưa?
– Bà nhà tôi ở đâu hở chị?
– Rõ khéo! Cậu tự tay đặt nhà cho mợ ấy ở đằng kia kìa. Cạnh sông Lê…
Cụ Miện bật cười:
– À phải. Nhà tôi có hẹn về đón tôi đi, nhưng người ta lại chôn tôi ở chỗ khác thì biết làm thế nào. Tôi chả còn biết sông Lê ở đâu. Mà cái gì cũng lạ lùng quá.
Cụ Miện đi vài bước theo tay người đàn bà chỉ, bỗng quay lại hỏi:
– Này chị Bường. Chứ tình hình ở đây ra sao?
Bà Bường trố mắt nhìn, môi lắp bắp “tình hình, tình hình, là cái gì?”. Cụ Miện sực nhớ bà Bường chết trẻ, từ hồi cụ còn đi ở đợ cho nhà Lý Quang: “Người hồi đó nói năng khác bây giờ. Cái lần đầu tiên cụ được nghe anh giáo viên trường Đảng nói “phương thức sản xuất”, “quan hệ sản xuất”, cụ suy nghĩ đến nỗi như có đàn ong bay trong đầu vẫn không sao hiểu được. Chắc bây giờ bà Bường nghe hai tiếng “tình hình, cũng lạ tai thế.
– Thôi. Chị đi đi.
Không ngờ cái khoảng cách từ làng ra tới bãi đất bồi dưới chân đê sông Lê, mới dạo nào cụ Miện vẫn ngày ngày vác cầy đi qua, mà dưới âm lại xa mù mịt. Xế chiều, tính theo giờ âm phủ, cụ Miện dừng lại nghỉ chân gần một quả núi nhỏ, chắc là núi Quỳnh. ở đó cụ gặp năm chàng bộ đội đang chụm đầu chơi tú lơ khơ. Cả năm anh bộ đội đều mừng rỡ nhận ra cụ Miện. Còn cụ thì không biết họ người xứ nào và là con cái nhà ai.
– Cụ không nhớ chúng cháu ư? Cái hồi máy bay Mỹ đến ném bom cầu Hàm Rồng, cụ chặt cả cây cam đang ra hoa ở vườn nhà, cho chúng cháu ngụy trang pháo…
– A… a… Nhớ rồi. Vậy ra các chú hy sinh trong trận ấy?
– Vâng đúng. Nhưng cụ ơi, cụ có biết thằng phi công Mỹ bị chúng cháu bắn rơi chôn ở đâu không?
– Có chứ. Máy bay của nó bốc cháy. Nó cố ngoi ra biển, nhưng tới ngang núi Rừng Thông thì nổ đánh ầm…
– Xa nhỉ. Giá cậu ấy ở gần đây, chúng cháu muốn đến thăm, xem mặt mũi cậu ấy như thế nào. Một thuở trên trần thế, cả hai phía đều ra sức bắn nhau, giết nhau, mà có biết mặt ngang mũi dọc của nhau ra sao đâu!
– Cái thằng xỏ lá! – một cậu khác nói chen ngang – Hắn lợi dụng hướng tây, chúng mình bị lóa nắng, để phóng tên lửa.
Một cậu khác xua tay:
– Thôi nào. Hắn có bổn phận của hắn, mình có bổn phận của mình… Hoài hơi mà nuôi tức giận nhau.
Càng nói chuyện, trí nhớ của cụ Miện càng hồi phục. Giờ thì cụ nhớ như in cái đêm họ kéo pháo về chân núi Quỳnh. Chính cụ đi triệu tập trai gái trong làng ra đào trận địa giúp họ. Sau rồi con bé Thìn phải lòng cái cậu thâm thấp người đang dở tay chia bài này đây. Cậu này hy sinh, mất một dạo con Thìn ốm xanh như tàu lá.
– Cụ ơi, cô Thìn hồi này thế nào?
– Nó đi lấy chồng rồi cháu ạ. Năm ngoái, giỗ cháu, vợ chồng nó vẫn sắp cơm canh cúng đấy. Cháu có biết không?
Anh bộ đội thấp người im lặng gật đầu, lâu sau mới nói thì thầm:
– Rất nên như thế. Cháu vẫn lo ở trên ấy Thìn phải đau khổ một mình.
– Nào các cháu… – Cụ Miện lái câu chuyện sang hướng khác bởi không đành lòng nhìn vẻ mặt âu sầu của anh lính trẻ – ở trên trần, bác có thể bảo ban các cháu điều này điều nọ, vì bác nhiều hơn các cháu cả nửa thế kỷ tuổi tác, bác đi theo cách mạng từ khi bố mẹ các cháu còn nhỏ kia. Nhưng xuống đây, xem ra mọi sự kiện đều khác lạ. Các cháu hãy cho bác lời khuyên nên làm gì?
Năm anh bộ bội dẹp hẳn ván bài đang chơi. Cậu khẩu đội trưởng nghiêng đầu ngẫm nghĩ rồi bằng giọng nói từ tốn:
– Thưa bác. Bác hỏi như thế là rất cần thiết. Dù ở trên trần hay dưới âm, đâu cũng trước lạ sau quen cả thôi. Bác sẽ phải chịu đựng một thời gian vì nhớ cuộc đời trên ấy, nhất là nhớ những công việc mình đang làm dở dang trên ấy. Sau rồi bác sẽ nhận ra, dưới này cũng là “đời”. Mọi bóng dáng, khí chất, thói quen của một kiếp trần ai đều được in rõ ràng xuống đấy. Nhưng xã hội dưới này được xếp sắp hoàn toàn khác…
Im lặng.
Cụ Miện ngập ngừng hỏi:
– Khác là khác ở điểm nào?
– Khác ở chỗ xã hội dưới này không còn là quyền lực, không có khái niệm sang, hèn, giầu, nghèo. Do đó “con người” trở nên thanh thản hơn, bao dung hơn, hiểu biết có tầm khái quát và chính xác hơn.
– Vậy ra, chuyện địa ngục chỉ do con người trên trần đặt ra?
Anh lính nhíu mày tìm cách diễn đạt:
– Cái đó thì không hẳn thế thưa bác. Tuy không còn tình trạng cạnh tranh, chèn ép, ức hiếp lẫn nhau, nhưng vẫn có sự phân biệt thiện và ác. Những ai trọng cõi trần trót gây nên nhiều lầm lỗi thì cái bóng của họ rất nặng, khiến đã xuống đây rồi mà họ vẫn rầu rĩ, lẻ loi, hổ thẹn với bạn bè. Cái đó, ở trên trần gọi là địa ngục. Chỉ khi nào con người trần gian thôi những lời nguyền rủa, căm hờn đối với họ, ở dưới này vong hồn họ mới được nhẹ nhõm thư thái như mọi người…
Cụ Miện thốt lên: “Đáng sợ thay!” Chàng trai ngạc nhiên nhìn cụ:
– Cái gì đáng sợ thưa bác?
– Bác đã từng nằm trong xà lim của giặc Pháp, rồi cả giặc Nhật. Bác biết. Không có một thứ lao tù tra tấn nào đáng sợ hơn sự đau đớn do chính mình trừng phạt mình, cháu ạ.
– Vâng. Vì thế, có người xuống đây đã mấy chục năm, nay vẫn chưa rũ bỏ hết tội lỗi, vẫn lủi thủi, ủ ê một mình.
Mải chuyện trò, chiều sập xuống từ lúc nào. Bốn phía từ từ dâng lên màn sương khói bảng lảng. Tiếng gà xao xác gáy đâu đây. Cụ Miện hỏi mấy anh bộ đội:
– Dưới âm phủ cũng nuôi được gà?
Các chàng lính tủm tỉm cười:
– Tiếng gà trên dương thế vọng xuống đây thưa cụ. Ngày của âm phủ chính là đêm trên trần gian mà. Có lẽ cụ nên lo đường về sơm sớm đi, kẻo đêm ở đây ghê gớm lắm, không ai ra khỏi nhà được đâu.
– Sao vậy
– Là bởi tất cả các hồn ma chúng ta đều không chịu nổi ánh sáng mặt trời. Khí âm hễ gặp ánh sáng mặt trời là bị tan biến ngay. Dưới này ra khỏi nhà lúc “đêm” nguy hiểm hệt như trên kia nhẩy xuống sông tự tử vậy.
Nghe lời khuyên của mấy anh bộ đội, cụ Miện vội vã quay về ngôi nhà còn nguyên màu đất đỏ của mình, lòng quặn thắt vì nhớ gia đình trên dương thế. Đứa cháu đích tôn của cụ năm nay đang lo chuyện thi vào đại học. Sáng nào nó cũng phải dậy học bài từ lúc gà gáy. Chuyện tang ma xong rồi, con cái của cụ người lo làm ăn, người lo công việc nhà nước, công việc quân đội, chắc giờ này đã tứ tán mỗi người một ngả. “Mọi khi ông còn sống, ông đánh thức cháu dậy học sớm. Từ nay, cháu phải lo mà dậy, kẻo học không hết bài. Cháu nhé!…” Hai giọt nước mắt lăn trên má cụ Miện, rơi vào khoảng không âm phủ âm vang lên như hai tiếng chuông chùa. Cái cảnh âm dương cách biệt quên đi thì thôi chứ hễ nhớ đến là như muối xát trong lòng.
Cụ Miện đang loay hoay, ngó nghiêng, cố hiểu xem tại sao mình muốn quay về với những người thân trong gia đình mà không thể được, thì bỗng có bóng người từ phía sau vùn vụt đi tới. Cái bóng di chuyển không một tiếng động, và lướt nhanh thành một vệt màu vải kaki màu vàng. Khi nhận ra hai tròng mắt kính đen che gần kín khuôn mặt để ria của người đang đến gần, cụ Miện chợt giật tót, định chế độ chân chạy. Đó chính là gã mật thám mấy chục năm trước đã lằng nhằng bám theo cụ Miện trong suốt một phiên chợ tỉnh, rồi sau đã rút súng lục dí vào hông cụ, bắt cụ nhốt vào đề lao chính trị phạm.
Cái bóng gã mật thám tiến gần, chỉ còn cách cụ Miện trong gang tấc. Cụ Miện trông rõ cả cái báng súng lục giấu trong túi quần soóc vàng của gã. Nghĩ phen này mình khó lòng thoát khỏi tay gã, cụ Miện quyết định kháng cự tới cùng. Cụ chủ động dang tay chắn trước mặt gã mật thám, gằn giọng quát:
– Thằng bán nước hại dân kia. Mày muốn gì?
Cái bóng ma mặc quần soóc vải kaki im lặng né tránh sang bên đường để đi tiếp. Nhưng, gã len qua bên phải, cụ Miện đứng chắn bên phải; gã len qua bên trái, cụ Miện đứng chắn bên trái. Còn gã thì vẫn im lặng như người câm, mặt cúi gầm. Nhùng nhằng mất một lúc như thế rồi cụ Miện mới sực nhớ lời anh khẩu đội trưởng pháo cao xạ vừa nói, rằng những hồn ma nào chưa trút bỏ hết được tội lỗi trên trần thì vẫn phải lủi thủi, ủ ê một mình dưới cõi âm. Có lẽ gã mật thám này là một trong những linh hồn đang bị đầy đọa như thế, mặc dù chính cụ Miện đã chứng kiến cách mạng xử bắn hắn từ hồi tháng Tám năm 1945, tới nay vừa tròn nửa thế kỷ rồi.
Cụ Miện để mặc cho gã mật thám đi vượt lên. Chỉ chớp mắt gã đã mất hút. Cụ Miện nhìn theo gã. Và nhờ thế, cụ mới kinh ngạc kêu lên: Ôi chao, nhìn kỹ mới hay, sao cõi âm đông đúc quá thể. Tầng tầng lớp lớp. Nhìn vào bất cứ hướng nào cũng thấy bóng người đi lại dầy bịt bùng như cây trong rừng, nhưng tịnh không có cảnh chen lấn xô đẩy nhau, ngay chuyện người nọ động chạm vào người kia cũng tịnh không.
Nghĩ ngợi và tò mò khiến cụ Miện quên mất hướng quay về mộ của mình. Cụ quẩn quanh đi tìm nhà mình, thì lại nghe tiếng đàn sáo, trống phách tấu lên vang lừng, cùng những tiếng hô “Quân bay đâu?” và tiếng “Dạ…” râm ran. Thoạt tiên cụ Miện ngỡ người ta đang diễn tuồng, như các phường tuồng vẫn dựng rạp diễn ra ở sân đình trên dương thế. Hóa ra không phải. Lần tới tận nơi, cụ Miện mới biết đó là cái lăng mộ sập sệ rêu phong nổi lên giữa cánh đồng hoang. Trong lăng chỉ vẻn vẹn có một người mặc triều phục, đi hia, đội mũ cánh chuồn, cái đai vàng chắn ngang bụng. Chẳng có ban nhạc, chẳng có quân hầu. Từ tiếng sáo, tiếng đàn, sênh phách, đến “Quân bay!” và “Dạ dạ”, đều tự một mình ông ta làm nên tất. Thế mới tài! Cụ Miện thích thú đứng xem. Người dương gian có câu “Giỏi như thần” hoặc “Tài như ma”, nghĩa là thế này đây. Nhưng ông ta làm cái trò cười này để làm gì nhỉ? Chắc là bởi nuối tiếc một thời vàng son lên voi xuống kiệu, tiền hộ hậu ủng, uy nghiêm ngợp trời mà nay thiên hạ chẳng ai thèm đoái hoài, buồn tình nên mới nghĩ ra thế cho đỡ nhớ?
Cụ Miện đi lạc lung tung, cuối cùng rồi cũng về đến mộ mình. Cửa rả chẳng có, then khóa cũng không. Cõi âm tuyệt nhiên không có thói tắt mắt, với lại suốt một đời lo việc dân việc đảng, không biết thế nào là tham ô hối lộ, cơ ngơi của họ trên trần sao thì dưới âm cũng vậy. Có gì đâu mà phải lo giữ gìn. Tuy nhiên nhà không có cửa nhả, cụ cứ thấy nó tềnh toàng cẩu thả đến là khó chịu. Nhưng cảm giác khó chịu trong người cụ Miện không lâu. Đúng lúc ấy cụ nghe có người gọi mình:
– Anh Miện! Vừa mới xuống, đã chạy luôn chân. Một đời chạy việc cho dân cho xã vẫn chưa chán ư?
– Ai đấy?
– Tôi đây. Thờn đây. Còn nhớ Thờn không?
Cụ Miện nhớ ngay đến một chuyện buồn khó lý giải diễn ra trên trần, cách đây gần 30 năm. Thờn là cố nông, đi ở cho nhà quan Hàn. Trong cải cách ruộng đất năm 1956, chính Miện là người giới thiệu Thờn vào Đảng. Đến đợt làm trong sạch nội bộ Đảng, đột nhiên Thờn tố cáo Miện là bí thư chi bộ Quốc dân đảng, có âm mưu lật đổ chính quyền ở địa phương. Miện bị đình chỉ sinh hoạt Đảng. Thờn lên làm bí thư chi bộ ở làng, rồi làm bí thư đảng ủy xã. Vài tháng sau, Miện bị đuổi ra khỏi Đảng. Thờn bồi cho Miện thêm một đòn. Anh ta lôi ở đâu ra một mảnh vải ba màu xanh, trắng, đỏ, nói xưng xưng rằng đó là lá cờ tam tài của nước Pháp lâu nay Miện giấu trong chum khoai ngô. Miện lập tức bị tống giam, chờ phiên tòa nông dân của đoàn cải cách đưa ra xét xử. Cái án tử hình treo lơ lửng trên đầu Miện. Thờn thì ngấp nghé lên huyện ủy.
May sao, phiên tòa “cải cách” chưa kịp lập, trung ương đã có chỉ thị sửa sai cải cách ruộng đất. Không lên được huyện ủy. Thờn bất mãn bỏ luôn sinh hoạt đảng. Mấy gian nhà quả thực, anh ta bán dần để uống rượu. Miện lại trở lại công việc của đảng ủy.
– Còn nhớ không? – Tiếng người kia nhắc lại, nghe gần lắm nhưng không biết đích xác phát ra từ nơi nào.
Cụ Miện đắn đo giây lát mới trả lời:
– Có nhớ. Nhưng anh ở đâu?
– Tôi ở liền vách với anh thôi mà. Cái dạo hợp tác xã lấy bãi tha ma cũ làm trại chăn nuôi, mồ mả chuyển hết sang đây. Mấy đứa con tôi chẳng đứa nào ngó ngàng đến tôi, nên tôi thành mộ vô chủ. Người ta đưa tôi sang, lấp sơ sài, giờ thành bằng địa rồi, do đó họ mới đào huyệt anh suýt vỡ cả nhà tôi.
– Ra là thế. Mời anh sang chơi. Trời còn sáng mà.
– Tôi không sang được – Giọng ông Thờn rất buồn.
– Vì sao?
– Vì sao ấy à… – Cụ Miện nghe rõ cả tiếng người hàng xóm thở dài, hiềm nỗi không nhìn rõ mặt nhau – Luật âm nó thế. Chừng nào người làng Bôn trên cõi dương thôi bêu riếu tôi, không ai nhớ tới câu cửa miệng “cái loại thằng Thờn”, dưới này tôi mới được quyền ngẩng mặt lên với mọi người.
– Tôi hiểu, tôi hiểu. Nhưng chuyện đã mấy chục năm, nhắc lại làm gì?
Người bên kia vách lại bật thở dài ảo não:
– Khốn khổ, nhưng nào cái bia miệng nó có chịu quên!
Đó là lúc trên cánh đồng làng Bôn vừa rạng ngày. Sau ngọn núi Quỳnh, những tia nắng đầu tiên đang nhuộm hồng chân mây. Chim chóc bắt đầu hót ríu ran trên ngọn tre, trên ngọn cau, dừa, thị, mít. Cuộc nói chuyện giữa cụ Miện và ông Thờn đành dừng lại giữa chừng.
Màn đêm dưới âm phủ đặc quánh, đến nỗi âm thanh cũng không thể thấm qua, và trí não của những hồn ma bị đông cứng lại. Cụ Miện chuẩn bị đi ngủ. Trước khi những ý nghĩ bị ngừng trệ trong đầu, cụ Miên chợt nhớ có một công việc rất quan trọng chưa kịp làm, là việc đến tìm cụ bà ở ngôi mộ bên bờ sông Lê.
– Mình thật tệ – Cụ Miện tự trách – Một kiếp người, mình đã trút hết gánh nặng cơm áo, con cái lên đôi vai gầy guộc liêu xiêu của bà ấy, để chạy đôn chạy đáo lo công việc chung của xã hội. Chẳng lẽ kiếp này, ta lại dẫm vào cái vết mòn đơn điệu của kiếp trước?