Chiếc cáng xanh

CHƯƠNG 7

Nhưng hình như tôi đã bỏ dở câu chuyện.

Khi thầy tôi lên bờ thăm ông bạn già, thì mọi người ở trong các thuyền đều đã dậy hết. Trong lúc ấy, tiếng đọc kinh của những người ở bến Thanh lăng đã nghe thưa dần. Trời vừa hửng sáng, tôi ngồi trông ra ở phía “bậc”. “Bậc” bị nước sông ăn sâu vào, cho nên ở nhiều chỗ trống như những cái hang tối, đất đỏ ối như đất núi. Và trên “bậc” là những vạt ruộng, dầu xanh nhưng không phải là những vạt ruộng mà chỉ là một đồng dâu mông mênh.

Mẹ tôi nói với một người đầy tớ già:

– Chà các chú, coi năm nay dâu tốt quá, ở miền này có vẻ tươi hơn ở miền ta nhiều lắm.

– Có lẽ ở đây, vừa rồi có mấy trận mưa.

– Bỗng mẹ tôi như không lưu ý đến câu đáp, quay lại nói với chị tôi bằng một giọng lo âu:

– Này con, mẹ sợ đi vắng, mụ Vấn ở nhà không ai hết những nong tằm. Tằm đã ăn lên, “quấy” lắm.

– Rồi từ đấy mẹ tôi bỗng dưng mất vui và không hứng nói chuyện nữa.

Tôi biết lắm! Ở trên đời này, có hai thứ sinh vật đã “quấy” người mẹ hiền ấy, làm cho nà mất ăn ngủ: ấy là những đứa con của bà, và những nong tằm… Đời mẹ tôi, tôi đã nhiều lần nói -thật là một sự hy sinh vô hồi. Những đứa con lên một lên ba, đến lên 10 cho đến khi thành gia thất. Và những lứa tằm “vừa mí nẩy, cho đến lúc ăn lên. Cho nên khi chín, và hóa ngài”, và kén, và kéo dệt tơ. Than ôi, đếm làm sao được những ngày giờ ngay ngáy lo âu của người đàn bà ấy, ở bên cạnh những đứa con những nong tằm!

Đến nay mẹ tôi đã chết. Mà cái nghề tầm tang cũng đã chết ở trong làng tôi rồi. Tôi quên làm sao được những thời kỳ đẹp đẽ của sự chăn nuôi, những cảnh đầy thơ, đầy êm ái, đầy tôn nghiêm của nghề tầm tang. Tôi quên làm sao được những mảnh trăng rơi đầy trên những ruộng dâu… Tôi quên làm sao được những tiếng đều đều của guồng xa. Nhưng nhờ cái gì mà tôi nhớ được mãi cả một thời dĩ vãng và không để rơi rớt mất một giọt thơ, một hạt ngọc. Ấy là tại… tại…

Vâng, tôi không ngần ngại gì mà kể lại đây cái nguyên nhân ngớ ngẩn đã cho tôi trở nên một người khách của nhà thơ.

Cũng chỉ tại lúc bấy giờ, tôi theo một sự tin tưởng mấy mươi đời mẹ tôi lượm những con “ngài hóa” (một thứ nhộng vàng) để dành cho đứa con thân yêu của bà. Tôi còn nhớ như mới hôm qua, lời mẹ tôi nói với tôi giữa hai bã trầu:

– Này! Con cố mà ăn đi! Nuốt đi! Con sẽ sáng láng hơn người.

– Thì ra mẹ tôi muốn tôi nuốt những con nhộng vàng để trở nên một người sáng láng. Những con nhộng ấy không biết có đưa lại cho tôi một sự gì không. Nhưng quyết đến ngày cuối cùng ở trên cõi thế, tôi cũng không thể nào quên được cái tấm lòng, tôi nói cả một tấm lòng ấy – là tấm lòng mẹ đối với con. Chép lại truyện này, tôi xin dâng trả lại mẹ tôi những cái gì là hương là hoa ở trong tôi, ở trong đời tôi, đời mộT văn sĩ tầm thường.

Tôi đã nói ở những chương trên rằng: cuốn truyện này không phải là một cái tiểu thuyết như trăm nghìn cuốn tiểu thuyết khác, nghĩa là phản ánh của cuộc đời. Đây chính là mộT cuộc đời với tất cả những điều vụn vặt, những sự phiền toái, với tất cả những sự lộn xộn của nó. Không nên tìm thấy ở đấy một thống hệ hay một trật tự nào. Dầu là một kẻ ngăn nấp đến đâu, cái cuộc đời của họ cũng không phải là một sự thực nghiệm, đúng với sự tính toán của họ. Cái đặc tính của cuộc đời chả phải là sự tự nhiên có thể, nó dàn xếp sắp đặt theo một định ý nào, một định ý mầu nhiệm mà ta không thể biết được, nhưng trong cái công trình ấy là cuộc đời không bao giờ người ta thấy dấu vết của một bàn tay, của một nhát búa, của một mũi kim, của một nét bút, của một sự trù tính nào. Không có một chút dấu tích nào của sự uốn nắn, của sự đẽo gọt. Đấng đã tạo ra một cuộc đời là một nghệ sĩ hoàn toàn. Sở dĩ có sự nhận xét như thế là vì trong cuộc đời của tôi, tôi không thấy một cái gì là giả dối, là gượng gạo như tôi thường thấy ở trong một cuốn tiểu thuyết vụng. Một là, khi tường thuật lại đây, tôi theo cái trật tự, nghĩa là cái lộn xộn tự nhiên của cuộc đời hay là sắp đặt nó lại theo cái thứ tự của giống người, cái thứ tự của luân lý. Tôi đã dựa điều thứ nhất và hy sinh điều thứ hai. Trong cuốn truyện này, thì tôi hiện tại, sống lại trong ký ức tôi thế nào, thì tôi mang nó xuống giấy y như thế. Có lẽ tôi bỏ sót nhiều việc -vô tình hay hữu ý- nhưng mà cuộc đời của tôi nó không quan hệ ở những ấn tượng của nó ở trong tâm hồn tôi. Tôi chỉ dựng lại đây một cuộc đời tình cảm; một thế giới cảm giác.

Xin các bạn đọc biết cho rằng: những “việc chả quan hệ một tý nào”, ở đây, chỉ cốt để chứng nhận một điều gì. Chứng nhận một giai đoạn của tâm hồn chẳng hạn. Không nên cho những việc một sự quan trọng mà nó không có.

Có một điều mà từ trước tôi chưa kịp nói-nhưng, chắc độc giả cũng đã nhận tha-1y -ấy là cái sự trống trải ở trong cái cuộc đời tình cảm của tôi: sau khi một người đã bỏ tôi mà đi. Người ấy chính là mẹ tôi. Mà từ đấy không ai thay thế được mẹ tôi hết. Thầy tôi, các anh chị tôi cũng không thể nào lấp được cái trống trải của tôi. Phải đợi đến ngày trong đời tôi, một người đàn bà khác lại đến. Người đàn bà sau mẹ tôi đó, đã đưa lại cho tôi biết bao dịu ngọt, êm đềm, biết bao âu yếm, biết bao tươi vui, biết bao ấm cúng. Người ấy đã tạo lại cho tôi một gia đình. Nhưng tôi phải nhận rằng: với người đàn bà ấy, không phải là một sự trống trải vẫn còn, nhưng thật ra, mẹ tôi chưa thật là hoàn toàn được có người thay thế. Tôi vẫn có cảm tưởng rằng: mẹ tôi đã ở xa, rất xa tôi rồi.

Kịp đến lúc một “sinh vật” cỏn con khác ra đời mới lại bù được sự thiếu thốn to tát của tôi. Tôi còn nhớ mãi cái đêm hôm ấy, lần thứ nhất trong đời tôi, tôi nghe có tiếng ấy lúc đầu làm tôi rợn. Tôi nghĩ đến cái thế giới mầu nhiệm mà đứa bé ấy vừa từ giã, vì bao giờ tôi cũng ví dụ rằng: nó phải từ một thế giới nào mà lại và tôi hơi sờ sợ. Tôi thấy rằng: nó có trên lưng, một dĩ vãng nặng nề hơn tôi: tôi không muốn tin rằng nó là một đứa bé. Tôi nhận ra cả cái đạo Phật huyền bí còn sống ở trong tâm hồn, chỉ còn có thế. Cũng may cái tư tưởng mà tôi gọi là”bất nhẫn” ấy, cái tư tưởng ấy sẽ tan ngay, kịp thời tôi thấy mặt đứa bé. Tôi sung sướng và cảm động biết bao khi tôi dần dần nhận thấy rằng từ cái miệng, cái trán cho đến đôi mắt, nhất là đôi mắt đều gio71ng tôi y hệt. Không những sung sướng, tôi còn thẹn thùng nữa. Mà không hiểu thẹn thùng vì sao?

Mỗi ngày tôi tìm thấy ở nó một cái hình ảnh hoàn toàn về tôi, một cái ý bất diệt về thân thế tôi. Từ đầy, tôi mới thấy rằng cuộc nhân sinh không có thể bi quan được nữa, vì mình sẽ được có người thay thế để dự chứng cái hậu lai man mác. Sự thẹn thùng dần dần thành lòng âu yếm. Tôi không thấy xa đứa trẻ nữa, mà cũng tưởng như gần mẹ tôi hơn. Cho đến một ngày kia, ở bên tôi, mẹ tôi đã được hoàn toàn thay thế, mà thay thế bởi một đứa bé ấy và lúc cái tình “cha con” bắt đầu nẩy nở ở trong lòng tôi. Và cái tình ấy mới làm sống được cái tình mẹ con tới ngày trước. Tôi yêu đứa bé với tất cả sự âu yếm của một bà mẹ. Tôi theo dõi với sự vui mừng tăng lên mãi, tôi theo dõi cái sự nẩy nở của tâm hồn trẻ dại ấy. Đứa bé lớn ở hình vóc của nó và ở trong lòng tôi. Tôi có cảm giác rằng cạnh tôi đã mọc lên một cái rừng cây non sướng, líu lo muôn nghìn tiếng hót. Và ở rừng ấy, mỗi ngày tôi tìm ra một sự mới lạ. Và cái vui sướng của tôi không bao giờ ngừng nữa.

Cạnh tôi, đứa bé mỗi năm thêm một tuổi. Mỗi tuổi, nó đưa lại cho tôi những vui thú bất ngờ. Với hai tuổi, nó nói cái giọng của chim. Với ba tuổi, nó nói cái giọng của thần minh. Và với nó, một hôm có cái ý gây dựng lại một thế giới không còn nữa mà tôi luôn luôn tiếc nhớ.

Tôi muốn may cho nó một cái áo địa xanh. Tôi muốn sắm cho nó một cái khánh vàng đeo ở cổ. Và điều này nữa, một vòng tràng đạc cột ở chân. Mẹ tôi đã may sắm cho tôi thế nào, thì tôi lại may sắm cho nó thế ấy. Nhưng than ôi! Thời thế đã thay đổi: cái áo địa xanh và chiếc khánh vàng ngày nay chỉ tiêu biểu cho một nền quý phái lạc thời. Còn cái tràng lục lạc “hay là tràng đạc) ở thời này người ta cũng không thèm cột vào cổ những con vật nữa. Nhưng trời ơi! Làm sao tôi quên được những tràng lục lạc ấy, và bên tai như còn nghe cái tiếng rung của nó. Không phải là tiếng lục lạc cột ở chân một đứa bé, mà là tiếng rung của một thời, của một thời giới đã sập đổ, đã đổ rồi. Bao giờ tôi quên được cái thời trẻ dại ấy! Tiếng rung một ngày thêm lạnh lùng, thêm thương xót. Tiếng rung! Có tiếng gì cao to át được cái tiếng rung ấy? Trong tiếng rung kia tôi nghe có tiếng nói tỉ tê, thỏ thẻ, âu yếm của một người dçàn bà. Người đàn bà ấy là một bà mẹ.

Đêm khuya trong một phố im lặng và vào một giờ im lặng nhất những tiếng động của những chiếc xe chỉ là từ một phố khác dội lại. Và ngoài tiếng gió rít trong khe cửa chỉ nghe có tiếng dỌc sắt não trong đường xe điện. Cái tiếng rề rề ấy, cũng như còn rung chuyển đôi vai tôi. Da thịt ta bấy giờ như rạn nở ra, và những luồng cảm giác chuyển mạnh dưới làn da. Trong lúc ấy, ta chỉ muốn có một sự cọ xát, một sự cử động nào thì từ cuối phố một tiếng rao dài và buồn thảm như một ngày mưa gió đã qua. Tẩm quất! Tẩm quất! Cái người làm nghề nắn xương và nắm da ấy, chính đã đi qua vào một lúc mà người ta rất đương mong đợi hắn.

Tập bút ký này chính là một sự “tẩm quất” cho tâm hồn vậy. Sự so sánh có vẻ thô lỗ nhưng mà rất đúng. Những kỷ niệm, những cảm, những tình, những hình ảnh, những sự thực bấy lâu chất chứa tràn ngập trong người, bâY giờ mới tìm được nẻo thoát. Cần phải đụng mạnh, cần phải xát mạnh vào chỗ tụ đọng lại muôn nghìn cảm giác, người nghệ sĩ sẽ có một thứ sảng khoái mà không ai có, một sự sảng khoái thuần túy, hồn nhiên. Giời ôi! Còn gì sung sướng hơn là được hồi tưởng lại những việc đã qua, úp mặt vào hai bàn tay mà khóc rưng rức? Còn gì buồn hơn là được buồn lại một lần nữa những cái buồn đã qua. Còn gì khoái hơn là đưa những ngón tay mỏng, dịu và huyền bí, có phải là những ngón tay nghệ thuật? Để gợi dậy trên làn da của một luồng cảm giác, một thế giới cảm giác. Tôi đã nói nhiều lần và cần nói lại một lần nữa là tập bút ký này không phải chỉ là nơi ghi chép những việc đã qua trên cái thân thể của tôi, mà chỉ là làm sống lại những cảm giác của một tâm hồn non sương, bừng sáng, thực ra trong ngày thơ ấu, tôi đã cười nhiều hơn là tôi đã khóc, nhưng trong sự hồi sinh của thời thơ ấu, trong sự sống lại này, tôi đã khóc nhiều hơn tôi đã cười. Vì sự “sống lại” đó nếu cho kẻ nghệ sĩ ở tôi những khoái trá bất ngờ thì trái lại đã làm cho con người ở tôi đau đớn ê chề, như quằn quại bởi những hoài niệm và tiếc hớ, tiếc nhớ những cái gì chỉ đến có một lần mà thôi.

Nhà nghệ sĩ được hai lần sống mà con người ở tôi, thật phải hai lần chết.

Nhà nghệ sĩ đã mót lại. Và trời ôi! hắn ta có bỏ sót một cái gì? Nhà nghệ sĩ trong cái mùa gặt dĩ vãng ấy hắn đã mót lại tất cả những cái gì đã rơi sót, hắn đã “mót” lại tất cả những cảm giác vướng rơi trong tâm hồn. Cái thú ấy thật quả là ích kỷ nhưng mà là có thực. Cho nên, tập ký ức này là một cái khoái trá riêng của một nghệ sĩ mà lại là một đau đớn cho cái con người phải sống lại nó. Trong một buồng sáng, trên những trang giấy sáng ngời, kẻ nghệ sĩ đã đặt lên những cảm giác sung sướng của mình nhưng chốc nữa khi những trang giấy đã dầy lên, và âm u và đặc xịt những chữ, một thiếu niên chưa ngoài ba mươi tuổi sẽ gục đầu vào đấy để mà đau xót về những cái không còn nữa.

Những cái đã mất không phải là không thay thế được. Một bà mẹ đã đi để lại một chỗ trống ở trong lòng tôi, trong đời tôi. Một đứa bé đến, ngồi vào cái chỗ xưa kia của mẹ tôi. Đứa bé ấy đã làm cho tôi thấy rằng trong người tôi. Đứa bé ấy đã làm cho tôi thấy rằng trong người tôi, có một sức yêu đương mãnh liệt. Sức yêu đương ấy đã làm cho tôi nhớ đến mẹ tôi – tôi toan nói là cái sức yêu đương mãnh liệt ấy đã làm cho tôi trở nên một bà mẹ. Trong tâm hồn tôi lại bắt đầu nảy nở một nguyên lý, một nguyên lý bất diệt: tôi sẽ sáng tạo ra sự yêu đương. Một mặt trời khác bắt đầu mọc ở trong đời tôi. Tôi còn thiếu gì nữa dça6u để mà sung sướng, để mà hoàn toàn sung sướng? Nếu tôi có quyền được tiếc, ấy là tôi chỉ tiếc không được từ trong cuống họng tôi phát ra những cái điệu nhịp mơ hồ là những tiếng hát ở bên nôi một đứa bé. Tiếng hát ru của cái dĩ vãng êm đềm, ru một cái tương lai đẹp đẽ. Với sự biến đổi của thời đại, tiếng hát ru ấy, không thể vãn hồi được nữa. Cái tiếng sình sịch của một thế kỷ có khi đã làm át mất cái tiếng ru của bà mẹ. Một tiếng hát ru mà ở trong ấy đương run rẩy cả một thời. Nhưng có sức mạnh nào, có cái tiếng ồ ạt nào có thể át được cái tiếng dội ở trong hồn tôi, tiếng dội của những câu hát ru con?

Mỗi khi tôi muốn hồi tưởng lại những cảnh vừa qua, tôi lại tưởng chừng như còn nghe văng vẳng bên tai tiếng người đàn bà ấy…

Bấy giờ hình như là một ngày đầu hạ, mà vào lúc ban trưa. Màu trắng tươi ròn…

Trong một cái nhà ngang, trên một cái võng, mẹ tôi ngồi đưa tôi và hát ru tôi. Có lẽ mẹ tôi đã hát những câu:

Ru cao hát bạo em nghe.

Lá bù, lá bíu, lá tre, lá bàng.

Hay là:

Trăm năm dù lỗi hẹn hò,

Cây đa bến cũ con đò khác xưa.

Những câu vô nghĩa hay có nghĩa, nhưng bây giờ với tôi chỉ là những điệu nhịp thần tiên để mang tôi tới những miền đất cát xa ngái…

Có khi vì sức quyến rũ của âm điệu, tôi chợp mắt, mê ly, nhưng cũng có khi giật mình bởi một lúc tiếng hát sang câu chuyển điệu, tôi lại mở mắt trao tráo ra nhìn. Tôi tưởng như còn thấy ở trước mặt cái màu nắng mới tuôn chảy ở trên sân đá, và trên những hàng giậu ở ngoài xa, phất phới những áo quần màu đỏ choét hay xanh lè, là những màu sỗ sàng lòe loẹt, màu của những tâm hồn quê mùa chất phác.

Những màu xanh, đỏ ấy sống mãi ở trong tâm hồn, phấp phới như những lá cờ đã chiến thắng. Và bây giờ đây, tuy cái khung cảnh đầy thơ ấu không còn nữa, nhưng mỗi khi thấy một màu nắng mới hắt bên song hay trước thềm, tôi lại mường tượng lại bóng dáng mẹ tôi, rồi đôi mắt tôi ướt lệ: sự hồi tưởng ấy cũng vừa làm cho tôi bâng khuâng mà cũng vừa làm cho tôi sung sướng.

Lưu Trọng Lư