Chương 5
Lúc đầu tôi tưởng không vào được, nhưng sau dì tôi cho người ra năn nỉ bảo tôi vào dự lễ cưới cho được… Tôi không thể từ chối.
Làm sao tôi quên được đám cưới của Mượn, đám cưới đầu tiên của đời tôi. Tôi nhận thấy, ở trong đám cưới ấy, tất cả cái đặc biệt, cái hay ho, và cái ngây ngô về phong tục ở cái vùng quê tôi.
Cái điều đáng ngạc nhiên hơn hết chính là chú rể. Một chú rể tuy đã 16 tuổi, mà vẫn loắt choắt. Bao giờ, trên mặt chú rể, cũng có một vẻ ngơ ngác như loạc loài tới một chốn lạ và không hiểu đâu vào đâu. Sự học tây ở anh, đã làm cho anh cách biệt với những người xung quanh: từ cách ăn nói cho đến lối chào mời, anh không thể nào thành thạo như những đứa trẻ khác cùng tuổi và từ nhỏ không rời khỏi làng xóm… Cái khăn lượt với cái áo thụng xanh làm cho chú rể trở nên trịnh trọng một cách đáng thương. Và hãy tưởng tượng anh phải đóng cái y phục ấy suốt ngày lẫn đêm! Vì rằng làng vợ cách một con sông dài, cho nên ngày 20 là ngày chính thức mà đám cưới đã phải xuống đò ngay tối hôm 19. Cả thảy là 6 chiếc đò dự vào đám cưới. Cứ hai chiếc thì kết lại làm một. Chiếc đẹp nhất có kết hoa, dành cho cô dâu và những người đàn bà bên nhà gái.
Sáng hôm sau, sau khi chúng tôi đã ăn mặc chỉnh tề và đám cưới sửa soạn lên bến, thì bỗng có tiếng pháo nổ trên bờ…
Tôi hỏi thầy tôi:
– Pháo đâu mà nổ sớm thế thầy?
Thầy tôi chưa kịp đáp, thì một ông lão đã đáp thay:
– Đấy, cheo đấy!
Một ông lão khác:
– “Cheo bến” đấy…
Một ông lão khác:
– Chưa mở mắt, đã cheo rồi!
Nhiều người trong thuyền cùng cười rộ… Duy trên vẻ mặt Mượn có chiều cảm động, nhưng đám cưới cũng cứ lên bờ… Hai anh trai cầm hai đèn đi trước, đến một người “cồng” một cái “ché” bành. Rồi đến một ông cụ già đầu râu bạc phơ bưng một cái hộp, hộp phủ một tấm vải điều…
Tôi chưa kịp hỏi, dì Sâm đã cắt nghĩa cho tôi:
– Cháu nà! Dì dượng nhất định nhờ cố Viên bưng hộp, vì cố là một người đã “thợ”, lại trong sạch, con cháu của cố đầy đàn đầy lũ.
Tôi hiểu rồi: mượn cố Viên bưng hộp, là người ta cũng nguyện sao cho cái tình của trai gái được già đời như ông lão kia, và đông con đông cái như gia đình lão…
Nhưng trong cơn im lặng, một dây pháo nữa lại nổ! Đám cưới bắt buộc phải ngừng lại. Tôi ngửng trông ra. Hai cái “án thư” đã đặt ở hai bên đường…
Tiếng pháo vừa dứt, một chàng trai ăn mặc theo lối “lễ sinh” ở trong một đám cúng, cất cái giọng rất giòn, rất xinh để đọc mấy câu thơ nôm mà một ông đồ trong làng đã làm ra, mấy câu thơ ấy chỉ để chúc mừng cặp trai gái được “bách niên giai lão”. Đến nay tôi còn nhớ bên tai, cái giọng bình thơ ngân nga ấy, đầy hoa tươi, đầy trăng sáng:
Gái làng gặp được rể sang….
Ông tơ bà Nguyệt biết đường xe duyên,
Mong cho đôi lứa hai bên,
Trăng sao sáng tỏ, ngày đêm thuận hòa.
Chúng tôi chỉ bỏ ra mấy quan tiền kẽm thì họ lấy kéo cắt cái dây hồng ấy, và lại để cho chúng tôi đi.
Đi được một quãng nữa, lại có một cái dây khác giăng qua đường nhưng lần này không phải là một cái dây hồng mà lại là một dây mũi bò, vì đám cheo này chỉ là một đám cheo không pháo, cũng không án thư, đám cheo của những đám trẻ chăn trâu. Cũng lại cho chúng một ít tiền, đám cưới mới lại đi được. Chúng, một bọn hơn ba chục đứa sau khi đã nhận tiền, cũng cất đều giọng hát một bài cheo cũ để mừng chúng tôi.
Nhưng mà như thế đã hết nợ đâu. Từ biệt bọn chăn trâu, đám cưới chỉ vào đầu gần làng đã thấy cờ quạt, kèo hoa rực rỡ, với lại những ông già lụng thụng trong những bộ áo rộng xanh.
Một tràng pháo chào mừng của những ông già. Lại một tràng pháo “đáp lễ” của đám cưới: người ta đòi sự trình diện của ông… Rể làng. Người ta nói vài câu về lệ làng cho chú rể biết, nghĩa là, nói xa chẳng qua nói gần, nghĩa là… người ta muốn đòi một món tiền cheo, và đây là một cái cheo lớn vì là cheo làng… Đám cưới chỉ phải trả vài đồng bạc là thoát. Nhưng mà nào đã thoát cho. Tôi nhớ như sau cái đám cheo làng ấy là cheo…. họ và sau cheo họ là cheo đình, và sau cheo đình là cheo chợ, và sau cheo chợ là cheo xóm, và tất cả đám cưới của anh Mượn tôi đã phải trả món nợ hơn 20 quan tiền kẽm. Thuở bấy giờ, chừng ấy là một món tiền. Theo thời giá đó là giá tiền một con heo lớn. Nhưng thực ra một người “vợ… cách làng” còn tốn kém hơn một con lợn nhiều. Là vì ta chưa tính vào đấy cái kho báu ở trong hộp. Tôi còn nhớ cái lễ thứ nhất, khi hai họ vừa an tọa, cái lễ mở hộp, đựng những đồ tế nhuyễn, mà còn bí mật đối với những người lúc bây giờ. Nếu là trong một đám cưới người cùng làng, thì cái hộp ấy, sẽ đưa thẳng đến người con gái, và chính tay nàng sẽ mở ra, mở lúc nào cũng được, trong hộp có những gì, chỉ một nàng biết cũng đủ, có quyền không nói với cha mẹ mình, nhưng ở đây, là một sự gả bán cách làng. Làng có quyền biết người ta mua cái người con gái của làng, bằng cái giá nào… Một ông cụ già về họ con gái đứng dậy, bằng một cái gịọng trịnh trọng:
– Trình hai họ, tôi xin phép hai họ cho tôi mở hộp.
Bao nhiêu mắt đều đổ dồn cả vào những vật lấp lánh, lẻng kẻng ở trên một vuông vải điều, mọi người hồi hộp đợi sự xướng tên những vật.
– Thưa hai họ, này một đôi bông vàng (hoa tai), một cái khâu (mà tại sao lại không là hai?) vàng, một đôi xuyến, một chiếc vòng bạc… Một cái áo cổ y, một cái xuyến, một cái quần lãnh, một cái khăn nhiễu tam giang, và thưa hai họ, một cái dây lưng… thao….
Một tiếng hỏi lại:
– Hết?
– Thưa hai họ hết.
– Không còn gì nữa.
– Thưa hai họ, còn.
Cái ông già tuyên đọc ấy, liếc mắt nhìn cái mảnh giấy hoa tiên ở trên những quan tiền kẽm và nói:
– Và thưa hai họ, còn nữa… Còn bốn cọc bạc nữa, mỗi cọc một chục. Và về tiền cả thảy 50 quan.
Tôi thoáng nhận thấy trên mặt của những người họ nhà gái, thoáng qua một vẻ thất vọng. Không phải thất vọng vì món tiền nhỏ quá mà là tại món tiền to quá và làm cho họ không thể sát hạch vào đâu được. Một sự quên sót cỏn con về phía nhà trai cũng sẽ bị họ đưa ra, và làm to chuyện.
Một ông bô lão, sau khi đã hơi quá chén, quên giữ gìn:
– Theo lệ làng tôi, lẽ ra đám cưới trước khi vào nhà, phải vào yết đình đã.
Một ông nhà gái đáp lại:
– Nhưng mà thưa cụ, đã có lễ cheo đình rồi.
– Nhưng cheo là cheo mà…
– Thưa cụ đằng nào cũng thế.
– Không hai đằng khác nhau lắm. Cheo là cheo của dân xã, chứ không phải là cheo của thần. Xin cụ đừng quá vội… mà có điều phạm với các ngài trên đầu trên cổ.
– Làng chúng tôi không bao giờ có cái tục như thế… mà khắp cả hàng tổng dễ thường không đâu có. Cheo thì khỏi yết. Thưa cụ, chỉ xin làm rể làng chứ có phải là đỗ đại khoa đâu mà phải.. yết thần.
Một ông “bô” ở bên nhà gái, có vẻ là tay “ăn nói”, bẻ ngay lời biện bạch của ông cụ bên phe nhà trai:
– Cụ nói chí lý lắm! Nhưng làng tôi đã có tục như thế, muốn làm rể làng có thể nào mà không tuân lệ làng được không?.. Thưa cụ, không phải có ngần ấy, chú rể ngày mai ngày kia còn phải tình cụ Tiên chỉ, cụ Chánh, cụ Lý… và cả với anh Mõ, anh Xeo cũng phải để chúng nó biết mặt chú rể mới. Thực các cụ, tục làng chúng tôi như thế… không muốn tuân theo thì cứ việc trả vợ lại cho làng. Một cái cười dài để tán thưởng cái ông cụ già sách hoạch, hùng biện, lời lẽ như sắt đanh. Nhưng cái lý luận ấy làm cho họ nhà trai hơi bị mích chạm, rồi từ đấy, những lời đi, tiếng lại giữa hai bên, có khi đã có sự cọ xát nhau, nhưng rồi cũng dàn xếp được ngay. Người ta vẫn không quên rằng một đám hội họp như thế giữa thôn quê là một dịp để hạch sách lẫn nhau.
Một ông cụ già về phe nhà trai nãy giờ im lặng, cất cao giọng nói:
– Trình hai họ, bây giờ thì hộp đã mở xong rồi, thì xin họ nhà gái cho chúng tôi biết cái cô dâu mới của chúng tôi ra làm sao chứ?
Và lấy giọng bông đùa:
– Xem có đui què mẻ sứt gì không nào?
Cái câu đùa của ông ấy vẫn làm cho nhiều người không thích. Một người trai trẻ ở bên nhà gái đáp lại:
– Thưa cụ có sứt què mẻ đui thì bây giờ cụ cũng không thể nào biết được. Chỉ có chú rể sẽ biết mà thôi, nhưng mà chắc chú không nói.
Cái câu nói chua chát và hơi xấc xược làm cho ông cụ già hơi nóng mặt, nhưng làm cho họ nhà gái thích khoái lắm, và cười ồ lên.
Thầy tôi cũng xen vào một câu:
– Thôi, trời cũng đã chiều, xin hai họ liệu xơm sớm cho chúng tôi xuống đò. Vậy xin Cho dẫn dâu ra.
Trong lúc ấy, thì hai người đàn bà có tuổi cầm hai tay một người con gái thẹn đỏ mặt như một quả gấc, từ trong buồng bước ra chính giữa nhà, và nói:
– Thưa họ, dâu họ đó. Hồi nãy còn là người của bên chúng tôi, bây giờ đã là con cháu của họ. Họ tha được nhờ, họ bắt xin chịu.
Người dẫn dâu, trong câu nói khéo léo ấy, là cốt xin nhà họ nhà trai chước cho cô dâu khỏi lạy họ, và người ấy đã thu phục được mọi người: người ta thảy vui lồng “chước” cho cô dâu. Nhưng không vì thế, họ nhà gái quên không hạch nữa. Vẫn người dẫn dâu nói:
– Thôi dâu cám ơn họ đi. Nhưng nhân thể, trước mặt hai họ, bà con hai bên cho cô dâu chú rể những gì nào?
Tức thì trong đám người, có tiếng nói rụt rè:
– Tôi xin cho cô dâu 10 trự bạc.
Đó là nhờ dì Nhung tôi.
– Còn tôi, gọi là… chỉ có thế…
Một tiếng hạch:
– Xin hô to cho họ biết.
– Ông chú cho cháu rể… 15 trự.
Bấy giờ, một người đứng sẵn để tuyên đọc:
– Dượng cho cháu gái… một cây lụa… Thím cho cháu….một đôi hoa. Ông cho cháu một cái khế một mẫu ruộng. Cha mẹ nhà gái cho vợ chồng… 5 mẫu ruộng và 100 bạc mặt. Và cha mẹ nhà giai cho vợ chồng một cái nhà riêng, 10 mẫu ruộng, và 300 bạc mặt cho vợ chồng làm vôn riêng.
Những con số ấy hình như làm cho người ta bấy giờ đều hả hê.
Người ta quay ra, ăn no, chén say… và câu chuyện cũng tan dần. Cho đến chiều thì tiếng người cũng đã ngớt… trong nhà chỉ còn thưa thớt một ít người, chốc nữa dự lễ đưa dâu.
Tôi không hiểu sao người ta đã khéo lựa cái giờ đưa dâu, vào cái giờ mặt trời chưa lặn hẳn và đêm cũng còn chưa tối hẳn, cái giờ mà hình như những vật những hình bóng dị thường sắp xuất hiện.
Thế là người bạn mà tôi đã yêu mến như một người tình nhân đã lấy vợ rồi. Không biết có nên tuyên bố rằng: “tôi mất chàng hay là chàng đã mất tôi”. Vì rằng, sự lấy vợ ở trong đời một người là một việc tối quan hệ, là một việc đổi thay lớn. Người xấu sẽ tốt ra và người tốt sẽ xấu lại. Người cao thượng sẽ trở nên bần tiện, và người bần tiện – ôi hạnh phúc! Sẽ trở nên cao thượng! Có thể như thế được không. Sao lại không có thể như thế được. Cưới vợ, nếu đó là sự cưới tình yêu, tình yêu sẽ làm chủ người bạn của ngài. Tình yêu sẽ làm chủ tất cả. Nó sẽ xây một nhà vàng có bốn bức vách, có bốn bức cửa song, và giam bạn ngài ở trong đó. Ấy là cái lúc ngài nên xử ra một người biết tâm lý. Tốt nhất là ngài nên xa bạn, xa dần dần, xa mỗi ngày một tý, nhạt dần dần, nhạt mỗi ngày một tý, cho đến lúc nhạt hẳn, xa hẳn, mất hẳn. Ngài nên dè chừng là có lúc sẽ tới đó và không nên hận lòng bằng một chút tiếc thương. Nhất là ngài không nên lượn vượn quanh cái lồng son đã nhốt bạn. Vì:
Nào hay để lạnh lòng son thiếp
Tình mải vui cánh đẹp trời xa…
Một là con chim kia, thấy cái hình ảnh của rừng xa, đồng ruộng, mà phá lồng vỗ cánh bay theo, hai là ông sẽ bị nghi oan: người ta chẳng ngại gì mà không vu cho ông là có cái ý rủ rê. Từ đó, nếu người bạn của ông đâm ra thơ thẩn, đâm ra vơ vẩn, lại hay đi sớm về khuya, người ta sẽ đổ trăm tội lên đầu ông. Ông là người rủ rê, ông là người cám dỗ, ông là người… trong văn chương của người đàn bà Việt Nam chẳng thiếu gì tiếng để tặng ông. Vậy trong việc xử sự hàng ngày, cũng như trong việc kinh bang tế thế: đề phòng trước vẫn là một điều hay. Tốt nhất là ông nên biết ý mà tránh xa. Và ông không nên khờ khạo trách tình yêu là ích kỷ vì thưa ông, có tình yêu nào mà lại không ích kỷ? Ích kỷ là một điều kiện thứ nhất để sung sướng. Mà sự kết liên, sự hòa hợp của hai linh hồn, hai thể chất là để tìm hạnh phúc. Có ai đi trách một gia đình mới mẻ kia lại đầy rẫy, lại chứa chan hạnh phúc? Vậy ông nên cố yên tâm, coi như là mình đã đánh mất đi một người bạn, và người ta khi đánh mất một cái gì, kẻ ngu dại mới xuýt xoa, mới hối tiếc, mới đâm ra ngơ ngẩn… Tôi có người bạn mỗi lần mất một cây bút máy, một cái đồng hồ, hay một vật vô giá trị đến đâu, cũng bỏ mất ba ngày trời: ăn không biết mùi thịt, ngủ không thèm kê gối. Người ấy chỉ có thể là một người dại mà thôi. Nếu tôi là người kia thì tôi đã đau khổ và không chừng đâm ra “dại người” nữa, vì đời tôi đã biết bao nhiêu lần mất bạn. Mỗi khi có một cái thiệp mời, thì quen mồm, lại nói:
“Đây lại một ông bạn chết nữa. Biết phúng cái gì bây giờ?”
Mà than ôi! Tôi đã nhận biết bao nhiêu thiệp mời, trong cái khoảng khắc là gần nửa đời người. Người bạn cuối cùng đã gửi tới tôi cái thiếp mời, có cái nhã ý biên vào một góc thiếp “xin miễn cho đồ mừng”. Người ấy thật quả là kẻ đã biết người biết của, hiểu người hiểu ta, mới thốt ra được một câu, làm nhẹ bổng cả tâm hồn. Vì thật khó lựa được một vật xứng hợp, khi trời ôi! Người ta chỉ thấy trong các dịp vui của bạn, cái buồn của mình. Tôi có nên kể ra đây một mẩu chuyện con con, nhưng chắc nó sẽ chẳng làm hài lòng vị tân lang và tân… giai nhân. Tôi có một người bạn nhỏ, một người bạn gái, thường ngày hiền lành như Bụt, nhưng hôm ấy, trong bữa tiệc cưới một người bạn, nàng đã uống nhiều rượu quá. Nàng đã say đến cái độ quên mình là một người con gái… Trước mặt mọi người, nàng ôm lấy người bạn sắp chết (theo nghĩa họ là lấy chồng) mà khóc nức nỡ, và quay lại trỏ… tân lang mà nói: “Anh là một người tàn nhẫn! Anh đã cướp của chúng tôi một người bạn!”, vẫn biết rằng: rượu là kẻ chính phạm trong cái cử chỉ ấy. Nhưng cái tấm bi hài kịch ấy làm cho người ta ngẫm nghĩ hơn là buồn cười… Ai có trách người bạn nhỏ ấy, thì người bạn ấy sẽ nói: “Thưa ông, tôi say…” nhưng ta há chẳng nghe cái chuyện một kẻ tục phàm, trong cơn say rượu lại làm nảy được ở trên cung đàn những điệu màu nhiệm lạnh người. Vậy thì trong cái lời nói của cô bạn say, tôi cũng thấy ẩn chứa một sự thật. Những một đám cưới có bao giờ cũng là một dịp buồn không?
Tôi không tin hẳn như thế: nếu đám cưới cuối cùng mà tôi dự xem, là một cuộc tiễn đưa qua bên kia thế giới, thì đám cưới thứ nhất, với tôi, là một sự vui mừng. Tôi tưởng cần phải cắt nghĩa về sự cách biệt ấy, và đó không phải là một điều khó giải. Theo sự nhận xét của tôi, thì ngày xưa, người ta lấy nhau nhưng mà không yêu nhau. Cho nên một người bạn cưới vợ, là một dịp cho mình vui sướng. Và người ta không hề có cái nạn mất bạn. Trái lại một khi bạn đã có “nhà riêng”, thì ta lại cho đó là một dịp rất tiện cho sự tới lui. Và sự tới lui có vẻ thân mật, hợp ngày trước. Được như thế là tại ngày xưa, cưới… chỉ là một bổn phận không phải đối với mình, mà là với tổ tiên. Người ta chỉ có cái sứ mệnh là tiếp tục dòng dõi. Người ta không ghen với hạnh phúc, vì thực ra hạnh phúc không có, hay là hạnh phúc không ở sự hòa hợp của hai tâm hồn mà ở sự… con cái.
Nhưng bây giờ thì cuộc đời đã đổi thay, cũng đổi thay tất cả những quan niệm về nhân sinh. Vì những cặp vợ chồng đời nay họ yêu nhau, hay ít ra là họ tưởng như thế, cho nên ai đả động đến cái tình yêu, đến hạnh phúc ích kỷ của họ, kẻ ấy sẽ bị coi bằng một con mắt không nhân nhượng. Ta hãy trông những cặp vợ chồng “tân thời” kia dạo quanh hồ Hoàn Kiếm, hoặc mới cưới, hoặc cưới đã lâu, tay trên tay dưới, họ đi cạnh nhau, khít nhau, giữ lấy nhau và tưởng như hạnh phúc, tình yêu có thể trốn thoát khỏi mình. Có lẽ ngay cái đêm thứ nhất trong đời công cộng của hai người, một cơn bão táp đã đến xáo lộn những làn chăn gối và biết bao sự bẩn thỉu xấu xa, mà họ phải che giấu vì điều quan trọng là họ phải làm ra mặt “yêu nhau”, để tỏ cho những ông “bồ côi, “bồ cút” biết rằng: “Thèm thuồng đi! Ước mong đi! Chúng tôi là những người sung sướng! Một ngày kia, hãy như chúng tôi!”.
Trong đời tôi, tôi đã mất nhiều người bạn. Một khi họ có vợ rồi, họ ra mặt làm sang với tôi. Nhưng cũng có người như Mượn, thì sự lấy vợ không thể làm cho bạn tôi thay lòng đổi dạ. Anh càng ngày càng thân với tôi thêm. Trong một bức thư anh viết cho tôi, sau lúc lấy vợ được vài tháng, có câu:
“Mượn không thể sống một ngày mà không tơ tưởng tới người bạn xa, ở sau rặng núi…”.
Giời ôi, sao mà “quý báu” thế! Cái thời mà tình bạn đặt trên hết mọi sự cái thời mà người ta lội qua không biết bao nhiêu sông, trèo qua không biết bao nhiêu núi để tới thăm để tới thăm một người bạn mà không thể gặp đành để lại một cái thiếp có mấy câu thơ! À cái thời nhàn hạ ấy cao sang! Giá cái thời ấy cứ kéo dài mãi ra! Nhưng rồi đến lượt tôi, tôi đã cưới vợ. Không biết những sự thay đổi nào đã đến trong tâm hồn tôi, và sự thay đổi ấy có quyết định được đời tôi không! Tôi chỉ nhớ rằng: tôi với Mượn tuy xuýt xoát tuổi nhau, mà tôi cưới vợ sau Mượn đến 7 năm. Không biết những quan niệm của chúng tôi có khác biệt nhau không! Đó là những điều tôi cần nói tại đây, trong cái “tiểu thuyết” này của đời tôi: chỉ có biết chép mà thôi, và sẽ không nói thêm một điều gì.
Tôi chỉ nhớ trước ngày cưới của tôi ba điều: một, tôi đã vui sướng, hai, tôi đã chạy ngược chạy xuôi để mượn cái áo gấm, ba, tôi đã tập lạy. Ba điều ấy, trừ điều thứ nhất, chả làm cho tôi vui sướng chút nào! Hai điều sau, nhất là điều thứ ba, cả là một vấn đề… Kể cứ thành thực và thật thà chép lại đây, không phải là không có chỗ lý thú.
Trước hết, tôi cần phải nói một điều này, là khi tôi cưới vợ thì thầy mẹ tôi đều đã mất cả rồi. Như vậy nghĩa là trong việc hôn nhân của tôi không thể nào có sự cưỡng ép được. Tôi đã tìm lấy vợ tôi, và tôi chỉ đề nghị với anh cả tôi là việc thành. Nhưng như thế, không phải là không có sự trở ngại gì ư? Nếu mọi sự đều ở trong tay tôi, ở trong quyền hạn của tôi, thì tôi đã muốn rằng cái đám cưới ấy không bao giờ có. Và tôi đã muốn rằng cái đám cưới vợ tôi về thẳng nhà tôi mà không có điều kiện gì.
Giời ôi! Giá ở đời việc gì cũng dễ dàng, trôi chảy như thế!
Nhưng người đời, trái lại, không có một dịp nào, là không làm cho cuộc đời trở nên phiền toái. Thật ra bên nhà vợ tôi, họ không thách một điều gì trên sức tôi, nhất là họ không thách tiền bạc gì hơn hết. Họ chỉ thách rằng: dầu tôi là người nào (nghĩa là con trời con Phật) đi nữa, thì hôm cưới tôi cũng phải có mặt, và mặc áo gấm phủ áo thụng xanh, và điều này mới rắc rối: tôi cũng phải lạy 24 lạy như bất kỳ một chú rể nào ở trần gian. Mặc dầu anh tôi đã viện đủ lý lẽ: “chú em” là một người theo tây học, nào “chú em” từ bé đều được chước lạy, và “chú em” là một nhà báo. Vâng, toàn là những cớ hay ho cả, nhưng không thể nào làm xiêu lòng ông nhạc tôi được. Một là tôi phải lạy đủ 24 lạy hai là tôi mất vợ. Cố nhiên là tôi chẳng bao giờ để mất vợ. Nhưng cái vấn đề này thật đã làm cho tôi tự trong thâm tâm, phải nhục nhằn, phải đau đớn… tôi không có ý gì nghịch lại “cổ truyền” nhưng thú thật rằng: bấy giờ tôi thấy trong cái sự “lên vai xuống gối”có cả một sự qụy lụy, một sự hàng phục, một sự đê hạ mà tâm hồn tôi không đời nào chịu được, dầu người tôi lạy là một đấng thiêng liêng nào, dầu cái cớ khiến tôi lạy là một cớ đáng tôn thờ đến bực nào!
Nhưng tôi đã trót hàng phục trước cổ truyền rồi. Tôi không muốn tìm những lẽ chính đáng để biện hộ cho mình. Cái điều quan trọng đối với tôi bây giờ là phải lạy, và lạy thế nào cho đúng phép. Vì lạy không phải là một hình thức cần phải tuân hành cho hợp đúng, mà lạy còn là một nghệ thuật nữa. Xưa nay, từ bé đến lớn, tôi là một “đứa cứng”, cứng với các “ngài trên đầu trên cổ” như lời thầy tôi thường nói. Mỗi lần có một lễ kỵ, lễ chạp nào, thì tôi tìm cách trốn lạy. Hay là có lạy nữa đốì với tôi chỉ là một trò chơi mà thôi, lạy đối với tôi chưa bao giờ là một hình thức thiêng liêng. Độc giả cho phép tôi kể lại đây vài câu chuyện “bất kính” để tỏ rằng: từ nhỏ đối với sự lạy, tôi vốn không tỏ một lòng tôn trọng.
Ngày còn nhỏ, tôi có người anh nhưng thực ra đối với tôi chỉ là hai người bạn, chúng tôi xem nhau như là những người cùng lứa cả. Đùa, đùa, chúng tôi có một việc đùa, mà việc ấy hình như không có một giới hạn nào! Hai anh tôi: một tên là Xong. Một tên là Lạc. Nhưng chúng tôi chỉ gọi nhau bằng tên tục mà chúng tôi đã đặt cho nhau. Lạc thì hiền lành, thật thà, vô tội, không hề giết một con muỗi. Còn Song thì “cú trán”. Cái danh từ ấy ở miền tôi mới tả hết được cái tính của Song, danh từ nghĩa gần như là: ác, dữ, độc, hay làm hại người khác. Song chỉ chuyên làm cho tôi và nhất là Lạc bị phạt, có khi bị đòn nữa. Mà tôi nhớ rằng: trong những ngày kỵ, ngày chạp, Song mới tìm đủ cách làm cho chúng tôi bị rày la, và bị thầy tôi đánh. Chính cái lúc nghiêm trang nhất trong cuộc lễ, cái lúc khăn đen áo dài, chỉnh tề đứng lại trước bàn thờ, thì Song chạy vào phía trong bàn thờ, nhìn thẳng vào mặt hai chúng tôi và với những cái ngón tay “dẻo đeo” của anh, anh làm đủ trò, trò người và cả trò khỉ khiến cho một khi chúng tôi đã trót nhìn vào đây thì không thể nào nín cười được. Hoặc khi chúng tôi vừa sụp nằm xuống, chính là lúc Song liệng qua, và rất lanh lẹn rất tài tình, Song đưa một ngón tay gãi vào dưới lòng chân của chúng tôi. Trời ôi! Ai mà có thể cầm giữ được! Những lúc như thế. Chúng tôi đâm ra cười giữa sự nghiêm trang của lễ kỵ, chúng tôi cười như điên. Tiếng cười ấy làm cho mọi người, họ hàng làng nước, nhìn chúng tôi một cách ngạc nhiên, và thầy tôi thấy rất xấu hổ vì cái sự mất dạy của chúng tôi. Thầy tôi là một ông nhà nho của Khổng Mạnh cho nên đối với sự “suồng sã” đó, ông rất bất bình, ông thường nói: “Cái đồ bất kính với ông bà ấy, thì làm nên trò trống gì” Quả vậy, lời nói ấy sao mà đúng thế! Tôi thì viết láo, viết lếu (Giời ôi! Cái nghề). Anh Lạc tôi thì làm nghề thầu khoán, mà anh Song tôi cũng chỉ làm đến thầu khoán mà thôi! Có lẽ không phải tại mả nhà chúng tôi không “phát” mà tại ông bà tổ tiên chúng tôi muốn nghiêm phạt sự bất kính của chúng tôi đối với các ngài. Những chuyện lặt vặt ấy chép lại đây chỉ để tỏ rằng: cái lạy đối với tôi chả bao giờ có thể là một điều nghiêm trang, thiêng liêng cả. Và từ khi tôi có dịp rời khỏi quê nhà, và mỗi khi có trở về đi nữa thì tôi cũng hết sức tìm cách để tránh lạy. Thực ra, những người khác, cũng sẵn lòng “chước” cho tôi cái lễ nghi phiền phức ấy.
– Thôi, chú nó mặc tây, miễn cho chú?
– Thôi để chú vái ba cái cũng được.
Cũng nhờ thế, đã lâu lắm, lạy đốì với tôi chỉ còn là “chắp tay vái ba cái” mà thôi. Xin nghi nhận một điều này là: tôi đã thực hành cái sự cải cách này trước cái vụ đức Bảo Đại khi ngài lâm chính. Vậy thì, một người đã cải cách cái hình thức ấy, đến nay lại trở lại với nó thì nghĩ có khổ tâm không. Nếu không, thì…
Tôi đã nghĩ kỹ, tôi đã cân nhắc. Những đêm dài tôi chỉ thao thức về cái việc “lạy” ấy. Cuối cùng tôi đã quyết định: tôi sẽ lạy, và tôi có thể nào làm khác được ư? Tôi bèn nhờ người đi mượn một cái áo thụng xanh. Hai tuần, trước ngày cưới, và trước mặt các anh tôi các chị tôi, và suốt ngày tôi phải “tập luyện” cái món thể thao cổ truyền ấy. Luôn luôn tôi hỏi các chị tôi:
– Thế này đã được chưa?
– Còn thế nào ấy!
– Thế nào nữa mới được, Trời ôi!
Thú thật, tập dượt đến đâu, không bao giờ tôi có thể làm vừa lòng được những ngài “ngự sử” của tôi. Một là tại những lời đàn hạch của họ quá nghiêm khắc. Hai là tôi chỉ là một người rất vụng về, xưa nay không làm một điều gì được gọn gàng chu đáo cả. Hai điều ấy, cũng có chỗ lúng túng cả. Làm cho tươm tất 24 cái lễ, tôi biết không phải là một việc dễ dàng gì!
Cho nên tôi cứ tưởng chừng như ngày hôm ấy sẽ có hàng trăm con mắt đổ dồn vào chú rể đã vụng về, lại còn vụng về hơn nữa, và tôi sẽ nghe có tiếng xì xào xung quanh tôi, có thể làm cho tôi ngượng và để rơi cả cái khăn đội ở trên đầu.
– Này xem chú rể.
– Chú rể có vẻ ngượng nghịu làm sao chúng mày hỉ?
– Gớm, chỉ mấy lạy mà đã đổ bồ hôi bồ kê ra cả. Trông thảm quá.
Một vài tiếng sẽ bênh vực tôi
– Người ta ăn học tây. Từ bé có lẽ người ta….
Một tiếng khác sẽ cãi lại:
– Người ta là ông trời con đi nữa, người ta cũng phải biết lạy….
– Trừ khi là người ta không muốn lấy vợ.
– Muốn được vợ thì phải chịu chứ!
Tôi tưởng chừng nghe những tiếng xì xào như thế, và khi nghĩ đến cái dư luận nghiêm khắc sau này mà tôi đâm lo. Tôi biết những người ở phe nhà giai sẽ hết sức bao dung cho tôi. Nhưng còn những ông cụ râu dài ở bên nhà gái, chắc đối với tôi, lời đàn hạch của các ngài sẽ nghiêm khắc biết chừng nào.
Cũng may mà…
Về cái áo thụng xanh, người ta không phải khó khăn gì mới kiếm ra được… Mà tất cả việc gì cũng thế, không có một sự trở ngại nào đáng kể… Bên nhà vợ, tuy rằng chưa biết gia thế tôi, cũng không muốn làm khó dễ với tôi… Nếu có sự trở ngại là trong lòng tôi vậy: tôi tưởng như mình là hạng người không thể nhất đán mà trở nên một ông rể như trăm nghìn ông rể khác, một ông rể ngoan ngoãn, thực hành đúng những lời trong cuốn sách của Cổ truyền. Mà trước hết, sao mình lại phải là một chú rể… Xưa kia tôi thường ao ước, thường mơ mộng, thường tha thiết một điều là: ở mãi như thế, trọn đời như một chàng tráng sĩ ở Liên Đông, một mình một ngựa rông bốn phương. Nơi nào có hoa nở, có trăng lên, có rượu uống, có gái đẹp, có đàn hay, thì sẽ có mình ở đó! Đời sẽ thích thảng biết chừng nào! Ung dung biết chừng nào… Nhưng ai có qua những phút tự do, một thứ tự do không giới hạn, sẽ thấy tự do không còn quý hóa một chút nào! Ai đã ở giữa ngàn thâu và bể rộng một cách ngao ngán đến kinh sợ. Ta muốn trốn trước cái quãng dài rộng trước mắt ta bao trùm lấy ta. Những lúc ấy, ai lại không muốn rẽ núp vào một chỗ để cái nhân giới giang hồ của mình phải chắn ngang bởi những bức vách. Hơn thế nữa, tôi muốn rằng: con ngựa của tôi cột vào một bụi tre đầu xóm, tháng ngày ăn rào rạo những bụi cỏ hiền lành, vô tội, những bụi cỏ không ham say, không tha thiết. Tôi cũng cầu cho tôi một điều tương tự như thế: người ta sẽ buộc đôi chân tôi, với một chỉ hồng… Dây mỏng manh, nhưng sẽ không bao giờ đứt, vì chân tôi không hề cựa quậy nữa. Ai lang bạt như tôi, một chiều kia sẽ có nao nức ở trong lòng một mối cảm vô cùng tha thiết: chẳng hạn, người ta thấy quãng đường mênh mông ở trước mắt chỉ có thể làm ngao ngán mà thôi, và người ta muốn triền miên trong những hạnh phúc của một gia đình, hạnh phúc có lẽ ích kỷ, nhưng mà hạnh phúc rõ ràng, chắc chắn… Trời ôi! Những ngày tháng đuổi theo những bóng đẹp, những mộng bất thành, ngày tháng ấy tôi đã phí hoang đi, mà nào có ngắt hái được cái gì.
….Mưa chi, mưa mãi
Buồn hết nửa đời xuân
Mộng vàng không kịp hái?
Thực ra sao lại không? Có lẽ tôi không hái được một quả nào, một quả thực nào, nhưng mà bây giờ, tôi thấy lại ở trên đầu lưỡi. Một cái mùi vị chua chát…. Chỉ có cái mùi vị ấy là thực…. Vậy thì khi có cái ý muốn nghiêng cái thân thể mình trên một thứ hạnh phúc dễ dàng, lịm mình trên cái êm dịu của gối bông, tự xây dựng một gia đình nghĩa là một cái ổ trong những ngày phong sương, thì đó chỉ là một điều dĩ nhiên mà thôi…! Mấy ai đã thấy cái thú được nằm yên để trôi theo cái dòng “dĩ nhiên” mà không hề cưỡng lại một tý nào!
Vậy thì tôi đã quyết lấy vợ… Dầu là mua bằng cái giá rất đắt, tôi cũng chẳng từ. Huống hồ, ở đây không có sự thách hỏi nào đáng sợ cả! Người ta chỉ muốn rằng tôi là một chú rể, phải có hình thức một chú rể mà thôi… Điều kiện trước tiên là tôi phải khoác vào mình cái áo rộng xanh và như cổ tập đã muốn, tôi phải lạy đúng 24 lạy… Điều ấy, tôi đã làm. Mà làm thế nào, tường thuật lại đây cũng là một điều thú vị. Nguyên quê vợ tôi cách xa quê tôi đến mấy tỉnh. Tôi muốn rằng đám cưới tôi là một đám cưới “tân thời”, một đám cưới toàn ô tô… mà điều này mới ngoắt ngéo: nếu thuê xe ô tô từ quê tôi mà đi, thì thật sự là một sự tốn kém lớn mà cái “ngân sách đám cưới” của tôi không kham nổi. Tôi phải đi tàu vào tận thành phố gần quê vợ tôi, rồi từ đấy chúng tôi mới thuê ô tô. Muốn cho người ta có cảm tưởng rằng đây là một đám cưới bằng ô tô, thì ít nhất chúng tôi phải thuê đến năm chiếc. Nhưng do một sự trù tính sai lầm của mấy anh tôi, cái đám cưới từ quê ra đi, chỉ không hơn 10 người mà khốn nỗi không có một người đàn bà nào… Sở dĩ như thế, là tại nhà tôi nhiều đàn bà quá, cho người này đi thì sợ rằng mích lòng người kia. Mà những người đàn bà ấy là những chị dâu tôi, nghĩa là vào một hàng lứa với nhau cả. Nhưng khi vào đến đấy, chúng tôi mới sực nhớ ra rằng: không có đàn bà thì đám cưới sẽ bất thành, và sẽ là một điều “khó coi” hết sức… Nhất là khi chúng tôi sực nhớ ra rằng, bên nhà gái có ngỏ ý cho biết là hôm ấy, nhà gái sẽ làm hai mâm cỗ rõ ràng: một bên là đàn ông còn một bên là đàn bà. Bên đàn ông, được rồi: chúng tôi đã có thừa lắm! Nhưng còn bên đàn bà, thì biết tính sao đây? Sẽ lấy “đàn bà” đâu, cho bên đàng gái họ “tiếp”? Thật là nguy nan… Một người bàn rằng nên ra Huế “ấy” vào ít người, nhưng như thế thì phải đánh “điện” khất nhà gái lại thêm vài ngày nữa, mà hai ngày sau là ngày rất xấu… Tôi lại được cái rất dị đoan. Không bao giờ tôi chịu để hoãn lại… Nếu sau này, vợ chồng tôi đâm ra cãi cọ nhau mà đập hết bát đĩa, thì ai sẽ là người đền cho tôi? Cho nên dầu thế nào thì đám cưới cũng phải cứ cử hành trong ngày đêm ấy. Cái áo thụng xanh, tôi đã mượn được rồi. Nhưng còn những người đàn bà, những cô thiếu nữ xinh như mộng, là phấn hương, là trang sức, là hoa hột của đám cưới thì ta lại không hề thấy? Ai là người sẽ không tủi cho điều ấy? Vợ tôi sau này biết đâu lại chẳng vịn vào cái cớ rất chính đáng ấy, mà làm khó dễ với tôi, mà xin ly dị với tôi cũng nên. Tôi là người lo sợ thứ nhất. Tôi phải giục anh Hai tôi:
– Anh Hai, quen ai ở đây kiếm hộ mấy người?
– Chú em muốn tôi kiếm ai bây giờ, ở đây tôi cũng lạ lùng như chú….
– Còn anh Ba?
– Đàn bà! Thú thực tôi chả quen ai cả?
– Còn đàn ông?
– Thì nhiều lắm…
– Được rồi!
– Nhưng đàn ông, mình đã có thừa rồi.
– Chú Ba đến ngớ ngẩn… Hễ quen đàn ông là quen đàn bà… Mình nhờ vợ con người ta đi hộ cũng được chứ?
– À phải đấy! Này ở đây. Tôi quen một ông Tham lục lộ, một ông Giáo, một ông Thông ga…
– Được rồi! Chú đi ngay cho, muốn mượn vợ thì phải mượn cả chồng, như thế mới tiện.
Tôi theo anh Ba tôi đi tới những nhà ấy. Nhưhg trong ba người ấy thì một người đã mất vợ là ông Tham lục lộ, ông Thông Ga nhất định đi một mình mà thôi và cho như thế là đủ lắm rồi (làm sao họ hiểu được cái bản tâm của chúng tôi). Chỉ có hai vợ chồng nhà giáo là nguyên vẹn mà thôi. Và đến phút cuối cùng, chúng tôi còn bắt thêm được một cặp vợ chồng một ông thầu khoán già nữa. Bà vợ được cái bẻm mép.
Anh Ba vỗ vai tôi mà nói:
– Chú em đừng lo. Có bà này thế nào cũng nổi đình nổi đám.
Nhưng theo tôi, đàn bà mà làm nổi đình đám thì cũng là một điều đáng lo. Đến nay, tôi nghĩ đến điều đó mà không sao khỏi buồn cười trong đám cưới của tôi chỉ có hai người đàn bà mà một người thì rất “bẻm mép”, còn một người thì lành như một hòn đất. Dầu sao, đó cũng vẫn là một điều rất tủi nhục cho tôi trong cái đám cưới cả một đời người của tôi, lại không có lấy một người thiếu nữ, biểu dương sự trẻ trung và son đẹp.
Cố nhiên là hai người đàn bà mà chúng tôi đã mượn được đó, ngồi chung một xe. Bà thầu khoán tinh ranh biết là mình đóng vai gì, còn cái nhà bà giáo thì trông bộ ngơ ngác, không hiểu sao mình lại có thể ở đây. Thật là buồn cười mà cũng thật là đáng thương cho tôi. Cũng may, bọn đàn ông chúng tôi cũng đã bù với được những sự kém cỏi về đàn bà. Nhưng anh tôi, hôm ấy đã tỏ rằng: mình là những người sành thạo có quyền nói: “Đời ta, đã được dự biết bao đám cưới sang trọng”.
Đã tìm được người ấy rồi, chúng tôi không còn phải đợi gì nữa để cử hành lễ cưới. Chúng tôi thuê 5 chiếc ô tô. Bốn chiếc dành cho bốn người đàn ông còn một cái dành cho người đàn bà ấy mà chúng tôi đã “tóm” được. Đến bây giờ tôi vẫn không làm sao có thể quên đựơc cái vẻ mặt ngơ ngác và bơ vơ của người đàn bà ấy, giữa cái đám cưới của chúng tôi. Có lẽ bà ta cũng không hiểu cái vai mình phải đóng là vai gì. Có một điều này là rất nguy cho chúng tôi mà cũng rất bỡ ngỡ cho nhà gái.
Nguyên bên nhà gái họ tưởng rằng đám cưới chúng tôi một nửa là đàn ông và một nửa là đàn bà, cho nên họ bày ra hai mâm cỗ rõ ràng mà họ gọi là “hai cái bàn độc”, (theo kiểu các chú). Một cái bàn độc dành cho đàn ông, và một cái bàn độc dành cho đàn bà. Nhưng mà tôi chưa muốn nói tới cái ấy vội. Những cái xe hơi cưới lẽ ra cứ vào thẳng bên nhà gái. Đằng này, theo luật thành phố sở tại, những xe hơi thuê, chỉ trừ một cái của nhà, đều phải bị ngừng lại ở ngoài thành phố. Cũng may, điều ấy chúng tôi biết trước, nên chúng tôi đã đánh điện để thuê một cái khách sạn nho nhỏ đặng làm nhà cưới. Nói rằng “nhà cưới” thì không đúng vì chúng tôi chỉ coi đó là một trạm để dừng chân và sửa soạn trước khi tới nhà gái… Ở đấy, chú rể, phải cởi âu phục mà khoác lễ phục đám cưới, nghĩa là khoác vào mình một cái áo gấm, một cái quần lụa, đội lên đầu cái khăn đóng “chữ nhân”, cái chữ “nhân” ấy ở trên đầu như nhắc cho tôi biết rằng: “Anh là một người, một người lớn, hãy coi chừng!”. Mà thật vậy, trong tâm hồn tôi từ phút này có một sự đảo lộn. Tôi thấy rằng, “cái cánh cửa niên thiếu” đã đóng ập lại sau lưng, tôi đã bước vào một thế giới khác. Mấy anh tôi ngắm nghía tôi và nói một câu nửa đùa, nửa thật: “Chú em đứng có lờn khôn nhá. Chú nên nhớ hôm nay chú đã là một người chồng. Và ngày rày năm sau chú sẽ là một người cha”.
Tôi cũng biết rằng: cái vẻ mặt, trong cái giọng nói ấy, có một cái gì nghiêm trọng mà tôi không thể đem ra đùa được. Nhưng khi tôi nghĩ rằng: những người vừa lên giọng đàn anh mà khuyên tôi ấy, xửa kia cũng chỉ là những đứa bé tinh nghịch, hay đùa gãi vào lòng chân tôi trong lúc tôi lạy.., thì tự nhiên tôi thấy xung quanh tôi, trước mặt tôi, không còn có cái gì là nghiêm trọng là đứng đắn nữa. Tôi sợ cái ý tưởng ấy cứ ám ảnh tôi hoài thì thật là nguy. Trong lúc ở trong một cái không khí trầm hương nghi ngút, giữa một cuộc lễ nghiêm trọng, giữa những vẻ mặt đứng đắn mà cái ý nghĩ nguy hại ấy lại cứ đến ở trong tôi. Bỗng dưng giữa lúc mọi người đều chú mục vào cả tôi, mà tôi nghĩ ngay đến những thằng bé tinh nghịch trong thời thơ ấu, rồi tôi phì cười thì không biết những ông cụ râu tuyết ở bên nhà gái sẽ đối với tôi thế nào. Việc ấy mà xảy ra thì thiên hạ sẽ nhìn tôi bằng con mắt nào! Và không chừng, tôi có thể mất vợ là khác nữa. Cũng may “ý nghĩ” tinh nghịch ấy chẳng dám đến trong giờ phút nghiêm trọng này. Tôi đã đội cái khăn chữ nhân trên đầu một cách rất đứng đắn. Nói một cách khác, tôi là một người rể hoàn toàn, người ta không trách vào đâu được. Tôi đã làm 24 lạy với tất cả sự thành thạo, sự khéo léo của một chú rể An Nam. Trong khi lạy, tôi lên gối, xuống gối, tôi nâng tay lên trên hay chắp tay xuống ngực một cách gọn gàng, chăm chỉ, khiến cho trong đám đông có tiếng xì xào khen tôi: “kể thì cũng lành nghề lắm! Chắc gã ấy cũng đã tập luyện tập riết mới được như thế!..” Mà chính tôi, tôi cũng phải ngạc nhiên về tôi. Thật tôi không ngờ tôi có thể là một chú rể. Mà lại là một chú rể “cừ” nữa! 24 lễ làm xong, tôi thấy nhẹ hẳn người đi, và cho đó là món “cheo” nặng nhất trong đời tôi đã trả xong. Anh Hai tôi phải rỉ vào tai tôi để tỏ lòng cảm phục: “Kể chú em còn khá hơn tôi ngày xưa nhiều lắm!”. Sau này, bà nhạc tôi cũng cứ tấm tắc khen mãi: “Chà con không biết đấy, chứ lúc bấy giờ má sợ lắm, má chỉ sợ con lạy không quen, vướng phải đũng quần mà ngã…”Té ra, tôi đã làm xong 24 lạy, người ta coi như là tôi đã làm được một sự phi thường. Nhưng thực ra, đám cưới không phải chỉ có thế. Sau cuộc lễ, còn có “cỗ” nữa. Như trên kia đã nói, đám cưới của tôi chỉ có một người đàn bà mà thôi. Nhưng nhà gái không ngờ như thế họ “đề” ít ra cũng có năm bảy thiếu phụ hay thiếu nữ, trẻ trung, xinh đẹp, nghĩa là những độc giả xứng đáng với cuốn thơ kia là các cô dâu. Và chung quanh cô dâu là những ngôi sao hầu, cũng không kém phần rực rỡ… Có ngờ đâu, cái rực rỡ của những vì sao như loè chiếu ở chỗ không người. Tôi quên làm sao được cái cảm giác lạnh lùng. Khi tôi ngoảnh trông về mâm cỗ đàn bà, nếu chỉ có những cô con gái thì chính lại là ở phe nhà gái. Rồi tôi nhìn cái đầu tóc hoa râm của người đàn bà kia đại diện cho phe nhà giai, thì tôi không khỏi “tủi”. Nhưng thực ra, người đàn bà ấy là một tay ăn nói “cự phách” trong nữ giới. Nếu đôi khi, tôi nghe thấy những tiếng nói đanh thép trùm hết cả bữa cỗ thì chính là tiếng nói của người đàn bà ấy. Tôi chỉ tiếc rằng: nước ta chưa có đàn bà làm nghị viên, để cho những người như thế có thể trổ tài hùng biện. Vì rằng ở nước ta, nếu có một nền văn chương rất phong phú, ấy là cái nền văn chương của phụ nữ. Riêng nói về sự hùng biện thì hôm ấy. Ở mâm cỗ đàn ông, cũng có nhiều người đã tỏ rằng mình là tay “cừ”. Nhưng toàn là những người đã nói, sau khi rượu vào. Vậy không biết rượu nói hay là người nói
Anh Tú tôi là người nói đầu tiên. Anh thay mặt nhà giai kể lại cái lai lịch của cuộc hôn nhân của hai đứa trẻ. Có lẽ không giữ mình được ở trên cái dốc yên sĩ, anh tôi đã khởi câu chuyện của mình, và nói rộng đến vấn đề hôn nhân ngày nay. Một diễn giả nữa thay nhà gái, nối lời anh tôi. Ông này, cũng không kém trôi chảy, và biểu đồng về tất cả những ý kiến mới mẻ của anh tôi về việc hôn nhân. Mọi người ở đây, hôm nay hình như toàn là những kẻ muốn đổi mới cả. Duy có tôi là không hiểu sao, tôi vẫn đóng một bộ quốc phục, nặng nề tàn nhẫn, vẫn giữ lấy cổ tục trong lúc mọi người đều theo mới. Thiếu một tý nữa, tôi đã đứng dậy và tưởng mình cũng là một diễn giả. Cũng may, tôi vẫn nhớ tôi là một chú rể, nghĩa là người phải chịu đựng tất cả những điều khó chịu, những sự phiền toái của cổ tục. Nếu không chịu như thế, thì có một cách là tôi đành để mất vợ. Hôm ấy, từ hôm ấy và đến suốt đời tôi còn phải đóng lên đầu chiếc “khăn chữ nhẫn”.
Lưu Trọng Lư