CHƯƠNG 3
Sau cái chết của mẹ tôi được 50 ngày, thì những cây trầu leo ở tường, mà chính mẹ tôi lúc sinh thời đã vun bón, những cây trầu xanh tươi ấy cũng héo dần, héo một cách trông thấy trước mắt mọi người. Tôi còn nhớ như mới hôm qua, hình như là vào một ngày nắng mới, những đường nhà quê đã ráo khô: bà Mục, người hàng xóm của mẹ tôi, qua thăm nhà tôi: ấy là lần thứ nhất từ khi mẹ tôi chết. Bà hàng xóm ấy qua thăm vườn nhà tôi, tôi thấy bà len lỏi giữa những con đường nhỏ mà trơn lầy, và có khi phải cúi mình sát rạt để tránh những cành đào hay cành mận chĩa ngang qua đường. Tôi trông cái tuổi già ấy phải “gấp đôi” lại mà tôi thương hại vô cùng. Bà vẫn len lỏi, cúi đầu, lâu lâu đưa vạt áo lên để lau những hạt sương trên trán. Bà vẫn cứ đi. Hình như bà muốn tìm lại giữa những cây cối thân yêu ấy, một kỷ niệm gì ngày xưa, một kỷ niệm cuối cùng, cũng chực trốn thoát mình… Bỗng bà đứng lại, và tôi thấy rõ dưới ánh chiều vàng, người đàn bà tuổi tác ấy, đưa vạt áo lên, và không phải để lau những hạt sương rơi vướng trên khăn mà là để lau những hạt lệ đong ở dưới mí mắt. Tôi hiểu một cách dễ dàng cái sự nghiệp của người bạn không còn nữa. Mẹ tôi là một bà quan. Bà Mục chỉ là vợ một người dân bình thường.
Nhưng tình xóm giềng mạnh hơn tinh thần giai cấp. Hai cái khoảng vườn gần nhau và những cành cây ở hai vườn đã giao đối nhau, kết liên nhau. Đã có lúc, mẹ tôi, trong khi xem vườn, gọi người hàng xóm mà biếu một quả cam đầu mùa, hay một lá trầu son. Hai người ấy đã từng, người ở bên này kẻ ở bên kia vườn, đã từng gọi nhau như hai người cùng danh phận, để nói chuyện với nhau về một giống rau mới trồng, hay một cái chòm nhãn mới lông… Trong lúc ấy, chồng bà hàng xóm, đi buôn kén ở một làng hẻo lánh ở Thankhek hay Paksé. Và thầy tôi, cũng ở một huyện xa, giữa những cờ trống rộn ràng, cỡi trên mình ngựa đi khánh thành một cái ấp mới.
Đến nay, khi chép lại cuốn truyện này mới hơn mười năm thôi, mà sự đời xung quanh tôi đã thay đổi nhiều lắm. Tôi thương tiếc bao nhiêu, khi tôi nghĩ đến cái việc ngày nay trên đất nước tôi, đã không còn những người đàn bà lặng lẽ mà thâm trầm gần đất cát biết bao, sống giữa những cây cối thân yêu, hồn của đất nước! Tôi vừa đau đớn vừa căm giận khi nghĩ đến cái lớp đàn bà lòe loẹt kia đã dám kiêu hãnh thay thế cái lớp người đàn bà cũ kỹ ấy, những người đàn bà thùy mị với những bộ răng đen nhánh. Những người đàn bà ngày nay đã để răng trắng, và vì thế, họ có bao giờ như những người đàn bà thời xuèa dầu là một bà quan, cũng cầm lấy cái chét để vun bón một cây trầu non, hay một cây cau mới ở vườn… Họ có bao giờ còn nâng niu những cây cối nữa, và như thế, họ sống xa đất cát biết bao…Nhưng tôi biết nói thế nào, khi người ta gọi đó là sự tiến bộ?
Mà cả tâm hồn tôi ngày nay cũng như một cái gì rất ăn rập với thời thường, những sự khóc cười của tôi cũng gần như là những đồ sáng chế.
Nhưng có một lúc, thật tôi đã được chứng kiến những sự nẩy nở của những tâm hồn giản dị mà chân thực biết bao! Và, có lúc tôi cũng bị lôi cuốn giữa cái “dòng đời” lừ đừ và “tha thiết” ấy. Làm sao tôi quên được cái buổi chiều nhàn rỗi mà mây đen hay gân mặt đất lượn đầy trước ngõ tre, một buổi chiều dễ mời mọc người ta đến những chốn âm u, buồn lạnh. Dì tôi cho gọi bà “bóng rong” vào để phụ hồn mẹ tôi. Hôm ấy, những người đàn ông ở trong nhà đều đi vắng, quây quần bên bà “bóng” chỉ có những người đàn bà… Sau mộT hồi kêu phụ, bà bóng bắt đầu “lên”.
Dì tôi hỏi:
– Thế hồn có nhớ hồn đi, ai liệm cho hồn không?
– Hồn đáp bằng thơ:
– Dì Sâm với lại dì Hoàn,
– Người chít khăn nhiễu, người choàng cổ y…
– Thế hồn ra đi có giận hờn ai không? Có thương nhớ ai không?
Hồn:
– Từ khi hồn xuống âm ty…
– Ngày ran nỗi nhớ, đêm chia mối sầu.
– Trách riêng con tạo cơ cầu,
– Tơ duyên ngắn ngủi, nhịp cầu cắt ngang…
– Miễn chồng cho được giàu sang…
– Con hồn ăn học, giữ giường mới xưa…
– Đấy những câu hỏi và những câu đáp lại đại để là như thế. Nhưng những câu đáp ấy đã làm cho tất cả nhà tôi, khóc thút thít. Làm sao tâm hồn tôi có thể ngờ rằng đó chỉ là một sự bịa đặt, giả dối. Và cái ngày mà tôi biết rằng: cái chết là sự hết hoàn toàn, thì có lẽ sự thật đó là một điều đau khổ không lường cho cái đời tình cảm của tôi. Nhưng cũng may, trong cuốn truyện này, tôi cũng không còn phải nói đến chết một lần nào nữa… Một mặt giời mới, chiếu vào đời tôi từ nay. Ít ra, tôi cũng nguyện ước như thế.
Mẹ tôi mất đã gần ba tháng, tôi mới lại từ biệt làng vào tỉnh học, tôi không hiểu sao bấy giờ, xin nghỉ được lâu thế mà ông đốc trường không nói gì. Ba tháng ở cạnh cái chết của mẹ tôi cũng có vẻ nghiêm trọng, lâu dài như “ba năm” cư tang của một ông quan có hiếu. Tôi cần nói rõ một điều: bấy giờ tôi vừa hơn 15 tuổi. Và tôi đã học lớp nhất trường tiểu học, với cái tuổi ấy, và với cái trình độ ấy của sự học, kể cũng là một điều hiếm thấy trong tời bấy giờ. Mẹ tôi khi còn sống và các dì tôi thường ngợi khen tôi không ngớt, dì Hoan tôi thưởng cho tôi một cái áo lụa “Cương Hà”, còn dì Sâm tôi cho tôi một cái áo “địa” xanh. Thầy tôi lẽ ra cũng phải sung sướng và kiêu hãnh về sự học của tôi, nhưng thầy tôi vẫn dạy tôi theo một phép tắc nghiêm khắc, cũng như khi dạy các anh tôi hay chị tôi. Với những người con gái thì ông hay đưa chuyện “dì qua” tôi khi còn sống và làm dâu nhà họ Đặng, mà kể lại cho nghe. Thầy tôi thường nói: “Dì qua”[1] các con ngày xưa làm dâu thật cay đắng không thể nói hết, gặp phải một bà già điêu ngoa, độc ác vô cùng đối với con dâu mà không mấy khi là không dùng đến lời mắng nhiếc chửi bới, có khi dùng đến roi vọt nữa. Thế mà “dì qua” chúng con, mỗi khi về nhà nghe mệ(2) nội các con hỏi: “bà gia con đối với con có tử tế không?”, thì “dì qua” con chỉ vui vẻ đáp như không hề xảy ra việc gì: “thưa mẹ, mẹ con bên nhà, đối với con quý hoá quá chừng”.
Cái gương nhẫn nhục ấy vô lý biết bao, bất công biết bao, nhưng thầy tôi cũng nhét vào tâm trí của chị tôi tư tưởng như là nhét một món ăn rất hiền lành. Còn đối với bọn con trai chúng tôi, thầy tôi, cũng dậy những điều tương tự lấy ở trong cuộc đời của những người đã qua, “chú qua”, “bác qua”,v.v… và nhiều khi cũng lấy ở trong cuốn sách vở thánh hiền nữa. Đại để, ý thầy tôi là muốn đào luyện chúng tôi thành những kẻ phục tùng cúi đầu mà chịu, cam tâm mà chịu, đau khổ mà chịu. Cũng may, cái điều xấu đến đâu cũng có một điểm tốt.
Cái giáo huấn ấy đã tập quen chúng tôi với sự đau đớn gian nan, nghèo khổ. Nhưng mà nhiều khi thật quá đáng! Với cái chết của mẹ tôi, đó là cái chết của tất cả cái gì êm ái ngọt ngào nhất ở trong đời chúng tôi. Từ đấy tôi phải cứng rắn, mạnh dạn như cái cành kia sắp phải rời cây mẹ, để tự mình chôn chặt vào đất, tự tìm thấy khí lực. Cái tình ấy lẽ ra không nên gọi là “tình” nữa. Vì “tình” tức là cái gì người ta kéo vào mình, bao trùm lấy, ôm giữ lấy, cái gì cột chặt lại. Mà “lý” là cái gì người ta “buông ruổi” ra, xô đẩy ra. Chỉ nói về phương diện tinh thần, ở xã hội Việt Nam, người con trai ở tuổi tôi đã coi như là một cành cây phải lìa cây mẹ. Người ta cứng rắn với nó, để nó có thể cứng rắn với đời.
Mẹ tôi mất được một tháng, thì thầy tôi cũng vào lúc về hưu trở về làng cũ, coi vườn, dạy con. Cái khoảng đời ấy thầy tôi thường ví một cách nôm na với “cái đời gà trống nuôi con”— từ cái chỗ quan chiêm đẹp đẽ bấy giờ nhảy vào khuôn vòng chật hẹp, cái khuôn vòng một người nội trợ. Và với cái cuộc đời ấy, tất cả những cái khó chịu hàng ngày, những cái vụn vặt bận bịu làm cho người ta phải bực tức… Nhưng dầu sao, tôi cũng không thể dung thứ cho cái tấm lòng sắt đá của thầy tôi, khi ông gọi tôi lên rặn tôi mấy câu khuyên răn theo lệ thường, trước lúc tôi lên đường vào tỉnh. Muôn nghìn lời thánh hiền cũng không làm cho tôi khó chịu bằng cái cử chỉ mà tôi phải nói là tàn nhẫn của thầy tôi.
Các bạn có biết ông thân sinh tôi đã nói với tôi những gì và giao cho tôi bao nhiêu để làm tiền lộ phí từ làng lên tỉnh?
“Đấy con cầm lấy hai hào này để làm tiền ăn dọc đường”.
Tôi ngẩn người ra trước lời nghiêm huấn. Tôi không thể ngờ lòng thương con của thầy tôi, nhưng cắt nghĩa làm sao được cái cử chỉ ấy của một người cha đối với một người con, khi tiễn cái ông con lên đường hơn 50 cây số, mà tất cả lộ phí chỉ có hai hào. Người ta muốn dạy con sự cực khổ nhưng mà sự cực khổ ấy cũng phải có hạn. Thầy tôi tất nhiên cũng có thể tính cái độ đường cho tôi, vì ngày xưa đã từng đi thi, đi cử thì cũng đã biết mấy lần đi con đường của tôi rồi, 50 cây số….
Hai con sông! Một cái đèo! Rồi lại mấy chục cái dốc! Mà điều này, thầy tôi lại càng không được quên, tôi là một người học trò chữ tây và tôi lại là một cậu con quan! Lúc nhỏ, tôi đã từng đi cáng xanh, cái thứ cáng nếu không phải là con nhà dòng dõi thì dễ thường đã đi được. Mà nào chỉ có đoạn đường chua chát. Sau 50 cây số là những đêm dài đằng đặc nối tiếp nhau những đêm ôn tập bài vở vì bấy giờ tôi chỉ còn vỏn vẹn một tháng nữa thì thi bằng tiểu học. Thầy tôi hẳn phải biết cho tôi như thế, nhưng có bao giờ ông lại muốn rằng con cãi lại lời cha mẹ. Vì vậy, lúc cầm lấy hai hào bạc, tôi cố vui vẻ hết sức, dầu bấy giờ dưới mắt tôi đã rưng rưng hai giọt lệ. Cũng may, hôm ấy cùng đi với tôi lại có thằng cháu của tôi nữa. Có lẽ ra đi, nó cũng bị một cuộc tiễn đưa chua chát như tôi, cho nên nó cũng nhận lời đi bộ với tôi một cách vui vẻ lạ thường. Tôi còn thấy lại một cách rõ ràng trong tâm cảnh tôi, cái hình ảnh của hai chàng loắt choắt, len trên những ngõ tre làng làng nhỏ hẹp, bùn lầy để đi ra con đường cái. Tôi mang ở trên vai một cái khăn gói, ở trong ấy là tất cả giang sơn sự nghiêp, tất cả cái đời học sinh của tôi.
Mặt trời vừa mới mọc. Nhưng mặt trời cũng không cười mà lòng tôi cũng không cười, cả hai chúng tôi cũng không hát, tuổi trẻ ở trong chúng tôi thật quả đã chết từ ngày hôm ấy. Tôi buồn nao nao. Quýnh – đứa cháu tôi cũng như lây cái buồn của tôi. Lần thứ nhất, tôi cảm thấy mẹ tôi chết hẳn trong lòng tôi. Cũng chết đi bao nhiêu những hình dáng hiền lành của thời thơ ấu. “Chiếc cáng xanh” mà tôi lấy làm đề cho tập bút ký này – cái chiếc cáng xanh ấy từ lâu là để móc ở trên rầm, võng thì bị chuột cắn thủng đi, cái diềm cũng bị bở nát. Và trên con đường từ làng ngoại, cũng không còn bao giờ có lại những cuộc du lịch hằng năm, những cuộc du lịch đầy thành kính và đầy thi vị.
Cũng tại mẹ tôi đã chết… mà cũng tại một cuộc đời rất thái tây, rất văn minh đã đến ở trước ngõ người Việt Nam….Từ làng nội đến làng ngoại tôi, sau này người ta đã vỡ một con đường mới, dành cướp của truông núi tất cả cái bí mật của nó. Sau này, tôi có mấy lần đi thăm làng ngoại tôi, thì than ôi! Tôi chỉ đi bằng ô tô của anh tôi… Con đường ấy bấy giờ chỉ dài có 15 phút đồng hồ… Tôi còn biết nói thế nào được? Vì sự nhanh chóng ấy, người ta gọi là sự tiến bộ kia mà!
Nhưng mà tôi phải trở lại với cái cuộc du hành của hai đứa trẻ lúc bấy giờ. Tôi còn nhớ khi đi khỏi làng và lúc đến địa phận làng bên cạnh, thì một việc hơi vui vui đã xảy ra. Một đứa con gái nhà quê mặt trông cũng sạch sẽ ngồi cắt cỏ ở vệ đường, nó ngừng hát, và nói với tôi:
– Kìa anh khoá! Anh khoá đi mô rứa! Cho em theo với nào! Để khăn gói em mang cho!
Thật tình tôi chỉ thấy ở trong lời nói có một vẻ đùa cợt hiền lành. Tôi đáp:
– Đi thì đi…! Lại đấy mà đi với anh.
Có ngờ đâu người con gái nhà quê ấy bỏ cắt, chạy theo chúng tôi thật, và nhất định đòi mang cho được khăn gói của tôi mới nghe. Tôi cũng chiều nàng. Nhưng bấy giờ là cô con gái đi trước. Và tôi rảo bước theo mà cũng không kịp. Đến nỗi phải van xin, cô cũng không chịu buông tha cho. Chốc chốc, cô chỉ ngoảnh lại nói với chúng tôi.
– Ô tê! Việc chi mà phải bận! Cứ để em mang cho có được không….
Rồi cô hát to:
– Khăn gói theo chồng, nước mắt như mưa.
Và quay lại chúng tôi:
– Nhưng tôi thì không khóc đâu! Vì chồng tôi thế nào cũng thi đỗ trạng nguyên…
Tôi cười:
– Chúng tôi là những ông khoá chữ tây…
– Thế chữ tây, thì không có ông trạng à?
– Không.
– Không mà!
– Mà em bảo có thì đã sao!
Rồi nàng lại nhăn cái hàm răng đen nhánh cười với chúng tôi. Nhưng nàng vẫn không tha cho. Nàng đi thẳng về nhà nàng, đặt cái khăn gói xuống phản và nói với mẹ nàng.
– Khăn gói của chồng tôi đó!
Người đàn bà ấy, cũng bằng một giọng thản nhiên, hỏi lại:
– Thế chồng con là ai nào!
Người con gái chỉ vào tôi và nói:
– Đấy chồng con đấy!
Rồi quay lại phía khăn gói, và toan mở ra:
– Để xem trong khăn gói của chồng tôi có những gì nào.
Rồi nàng mở ra và không cần xin phép tôi.
Tôi cũng không hề phản đối… và nhìn một cách ngạc nhiên cái người con gái có những bộ điệu tưng tửng ấy. Mẹ nàng lại còn “ngộ” hơn: nhất định giữ chúng tôi lại đến sáng hôm sau mới cho đi. Không hiểu sao, chúng tôi cũng nhận lời, như nhận một điều rất hợp lý… Rồi sáng hôm sau, chúng tôi từ biệt nhau không có một lời bịn rịn, không có một câu tình tứ. Nhưng một sự lạ lùng hơi làm tôi cảm động: khi vào đến tỉnh, hai hôm sau, mở cái khăn gói ra, tôi thấy có một quan tiền kẽm. Tôi dầu nghèo kiết đến đâu, dầu thầy tôi có bóp chặt sự ăn tiêu của tôi đến đâu tôi cũng không phạm đến tiền của nàng. Sau này khi trở về làng, tôi tìm giả, thì nhà nàng đã đổi chủ. Hỏi người làng xóm, mới hay nàng đã… chết.
Không, nàng đã đi lấy chồng xa.
Vâng, thì cũng thế.
Ngay năm ấy, tôi thi đỗ bằng sơ học, mà lại đỗ đầu nữa. Tôi nhớ hôm ấy, thầy tôi cũng có mặt ở tỉnh. Vì vậy, tôi không hề tỏ một vẻ vui mừng, dầu bạn bè tôi và cả những người nhà quê mà tôi không hề quen biết, cũng xúm lại quanh tôi và tán dương cái ông “thủ khoa tý hon”
– Này cậu! Thế rồi về “làng miền” có định rước không hỉ?
Một người nhà quê khác đáp:
– Ấy, như làng tôi, thì dân sẽ đi quá ba làng là ít, để đón vị “tân khoa”
Tôi biết thuở bấy giờ cái bằng “sơ học” mà họ vẫn gọi là bằng “ri-me”, có giá trị lắm: cái thời người hiếm, của hiếm, cái gì chẳng quý… Nhưng đó là với những làng khác, chứ đối với làng tôi thì sự đỗ đạt ấy vẫn bị coi thường. Ngày nay, cái anh “khoá sinh” giật được cái bằng “ri-me” cũng như ngày xưa người ta giật cái “tú tài”.
Đậu tú tài, thì đừng hòng dân làng rước? Dầu sao thì ít ra tôi cũng phải lấy đó làm một điều kiêu hãnh với thầy tôi. Không nữa, tôi cũng cho đó là một dịp tốt để tôi trả thù thầy tôi là người chỉ cho tôi hai hào bạc để ăn đường gần năm mươi cây số. Tôi quên làm sao được nét mặt của thầy tôi.
Về đến nhà trọ, tôi vẫn hầm hầm đặt cái “chồng sách thưởng” xuống bàn và như muốn nguýt thầy tôi. Nhưng thầy tôi vẫn “lạnh lùng” như không, chỉ hỏi tôi:
– Sách đâu mà nhiều thế con?
Tôi cố lấy giọng tự đắc, đáp:
– Bẩm sách người ta thưởng cho con, vì con đỗ đầu kỳ thi ri-me.
Tôi cố tìm một vẻ vui sướng hay kiêu hãnh trên mặt thầy tôi.
Nhưng ông vẫn lạnh lùng như không:
– Năm nay, thầy sẽ cho con vào Kinh học với các anh con.
Tưởng được vào kinh học, thì tôi sung sướng lắm? Tôi chỉ cầu sao người sinh ra tôi, tỏ cho tôi một chút vui mừng trong lúc này, thế là đủ lắm rồi. Tôi có cần gì hơn nữa! Tôi sực nghĩ lại cái sự đi bộ của tôi trên con đường 50 cây số mà tôi không sao nén được căm hờn.
Trời thì nắng như thiêu. Những trận “gió cát” đưa lên đường hơi nóng làm cho tôi muốn chết ngốt. Khốn nỗi bấy giờ tôi đâu có một đôi guốc gỗ để kéo lượt thượt. Quýnh, người cháu tôi và tôi phải vào trong một xóm ở bên đường xin những tàu lá chuối để kết làm những đôi “dép” tạm mà đi cho đỡ bỏng chân bởi vì có những quãng đường chỉ là những quãng đường cát. Cái mũ trắng của tôi cũng không đủ che cái nắng đúng ngọ: chúng tôi phải trèo lên những cây “sầu đâu” ở bên đường để bẻ những cành lá tạm làm những cái ô che nắng. Nhưng mà đi bộ được năm cây số, thì những đôi dép chuối ở chân chúng tôi phải mòn và rách hết. Chúng tôi bất đắc dĩ lại phải xuống lánh nắng ở dưới một cái cống. Bấy giờ chúng tôi mới đưa những vắt xôi ra ăn với nhau. Những kẻ ăn bằng mâm vàng đũa ngọc, cũng không thể có cái sung sướng của chúng tôi. Từ đấy đến nay đã hơn 15 năm rồi, chưa bao giờ tôi lại tìm thấy cái vị thấm thìa và não nùng của những nắm xôi ấy!
Tôi sực nhớ đến mẹ tôi, hai khoé mắt bỗng rưng rưng. Quýnh dỗ tôi bằng sự nói xấu thầy tôi:
– Ông ấy, cứ ngày xưa mà khổ như chúng mình thế này xem có đỗ được cái cử nhân không?
Tôi lau nước mắt nói thêm:
– Đừng nói cái cử nhân, hãy nói cái tú tài xem có giật được không nào?
Rồi hai chúng tôi cười với nhau một cách đắc ý. Sự hăng hái lại đột khởi ở trong lòng: chúng tôi lại trở lên đường không sợ gì những cơn gió cát nữa. Và từ đó mỗi khi nghĩ đến nông nỗi ấy chúng tôi nhất là tôi, lại càng chúi đầu mà học tưởng như thế là có thể trả thù thầy tôi được. Quả vậy, cái công học của tôi không uổng: tôi đã đỗ thủ khoa vào kỳ thi Ri-me ở tỉnh. Ấy là tôi chưa kịp nói rằng kỳ ấy có những ba trường Pháp Việt cùng thi và số thí sinh đến non bốn trăm người. Một người khác ở địa vị thầy tôi thì chỉ thiếu một nước là đưa cậu “quý tử ” đi từng nhà quen mà khoe ầm lên. Và cái sự khoe khoang ấy chính đáng biết bao! Nhưng đằng này thầy tôi chỉ đáp bằng những câu nói cụt ngủn và lạnh lùng, đáp lại những người đến hỏi mừng.
Duy có dì Sâm tôi, nghe tin tôi đỗ đã đi hết hai ngày đò ra thăm cho kỳ được.
Vừa đến ngõ, dì tôi thấy tôi đã chạy lại ôm sập lấy tôi và khóc như mưa gió. Vừa khóc vừa kể:
– Em (chị mẹ tôi) ôi là em! Em đi đâu nay không về mà xem con em rạng rỡ mặt mày…
Tôi cũng cảm xúc lắm và tâm hồn gần như mê loạn không biết dì tôi còn kể gì nữa.
Dì tôi thấy vẻ lạnh lùng của thầy tôi đốì với sự thi đỗ của tôi, thì dì cũng hơi giận cho rằng thầy tôi không yêu tôi. Tôi cũng nghĩ như thế. Mãi về sau, tôi mới hiểu được thầy tôi là khi thầy tôi buông tay gọi các con lại bên giường và dặn một lần cuối:
– Thầy làm quan, các con cũng biết đấy mà nhà vẫn nghèo. Tất cả hương hỏa ông bà truyền lại chỉ có một chữ… Thầy tôi bấy giờ không nói hết, nhưng chữ ấy là chữ “nhẫn”.
Đã đành rằng trên thế giới có những núi sông đẹp hơn những núi sông ở quê hương tôi, có những dân tộc hùng mạnh hơn dân tộc tôi nhưng không bao giờ, người ta sinh ra đời lại có quyền chọn một quê hương, chọn một huyết thống theo ý muốn của mình… Vì thế tôi đã là một người Việt Nam.
[1] Tiếng qua là để chỉ một kẻ đã qua đời.
Lưu Trọng Lư