Chiếc cáng xanh

CHƯƠNG 2

 

Tôi xin thú rằng: một sự cần thiết đã tạo ra cái tình không tên mà có thực ấy, tạo ra Mượn một người anh. Tôi không đợi ở Mượn một chút đằm thắm, một chút dịu dàng, một chút say sưa; tôi cũng không xin ở Mượn một câu an ủi, một lời tình tứ. Lòng tôi chỉ muốn được ngả vào một sự đùm bọc, một sự dìu dắt, một sự che chở. Cả cái say sưa là được mơn man, được trớn rởn…

Chúng tôi, hình như đi đã lâu như thế, cạnh nhau, đi trên con đường rơm nửa ướt nửa khô… Chúng tôi đi trong bóng một hàng tre vì bấy giờ vào một buổi trưa hè. Và chúng tôi ở trong lòng của một sự tịch mịch nơi thôn dã. Ở trước mặt chúng tôi, một con đường trắng toát thẳng tới một đồi núi: ánh nắng trưa lừ đừ trôi như một dòng nước đục và nặng như thủy ngân…

Theo lối đi, những người đàn bà nón thượng quai thao có kẻ không bao giờ quen chúng tôi cả nhưng chào chúng tôi một cách thân mật:

– Chào hai anh nho, các anh coi gái làng tôi có đẹp không?

Họ tưởng như chúng tôi là những người lạ ở đâu tới. Một người đàn bà nhìn sát vào mặt tôi, nắm chặt lấy tôi, cười rú lên:

– Trời ôi! Là cậu Cọt! Thế mà già ngỡ là ai! “Nậy” mau quên quá, già không nhận ra được nữa!

Rồi cả bọn cùng xúm lại nhìn sát mặt tôi như là một quái tượng.

– Hai anh nho ra mà coi chợ.

Tôi cười cãi lại:

– Đừng gọi chúng tôi là “nhỏ” nữa. Chúng tôi bây giờ học chữ tây rồi.

Một người hỏi lại:

– Thế chữ tây không có anh nho, anh khóa à? Đời Tây Tàu có khác.

Rồi cả bọn… già ấy cười lên, tiếng cười tươi giòn như tiếng cười của những cô gái mười lăm, mười sáu. Họ vẫn không tha cho, nhìn chúng tôi một cách hỗn xược và nói to:

– Chết, ăn chi mà “nậy” mau quá đỗi. Ngày tôi gặp cậu chỉ bằng thằng Ngu nhà tôi, nhỏ xíu xíu… thế mà, Bụt ơi! Chà mau “nậy” quá! Thế đã mấy năm cậu không về làng hở?

Thấy tôi không đáp, họ cùng nói với nhau:

– Dễ thường cũng đến ba năm rồi hỉ?

Mượn nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên… Cái đoàn bà già ấy đã đi xa Mượn vẫn trầm ngâm với một câu hỏi:

– Làm sao đã ba năm rồi Doãn lại không về nhà?

– Thật Doãn cũng không hiểu tại sao thế!

– Chắc dì giận lắm hỉ?

– Dạ, mẹ em giận em lắm…

Nghĩ một hồi lâu, Mượn mới hỏi lại:

– Thế độ trước, Mượn có nghe nói Doãn yêu cô, cô… gì hỉ?

– Cô Nguyệt?

– Ừ phải, cô Nguyệt!

– Chỉ là một lời đồn!

Mượn ngừng bước ngay, quay mặt nhìn tôi và ngạc nhiên:

– Sao lại là lời đồn? Mượn không tài nào tin được.

Chúng tôi đi đã gần đến chợ làng mà không biết. Một buổi họp chợ dưới ánh nắng hè gay gắt sao mà ghê sợ thế: tôi tưởng như một cảnh tụ tập của một đám âm binh nào, và ở một thế giới huyền ảo. Đến nay thật tôi cũng không hiểu, mà óc lẽ cũng tại tôi không chịu hỏi những người làng, vì sao làng tôi lại họp chợ đúng giờ ngọ, cái giờ nặng nề, tội lỗi, mà tất cả sinh vật yếu đuối, đầy nhân ái từ con sâu cho đến con người phải co lại. Phải xếp sự hoạt động của mình, phải uể oải, phải lười biếng. Có lẽ biết đâu đó chỉ là một sự bắt buộc mà thôi, vì đến 4,5 làng cùng đổ về chợ làng tôi, cho nên chợ làng phải nhóm sớm, để cho những người ăn chợ xa mấy độ đường, lúc đi, lúc về cũng có thể kịp được.

Đến bây giờ tôi cũng còn nhớ những tiếng cười giòn của những người đàn bà nhà quê trên con đường từ chợ về các thôn xóm, tiếng cười kéo dài trong cái im lặng gay gắt của ban trưa đã làm cho tôi có cảm giác như được xem một giải cờ đỏ mở dài cũng ở dưới ánh nắng im lặng, cái ánh nắng không lưu động, cái ánh nắng tê liệt của ban trưa, của cái giờ Ngọ, giờ của cõi Âm.

Những người nhà quê lẽ ra hiền hậu biết bao, bây giờ trong tâm trí tôi trở nên những hình ảnh ghê sợ… Thím Neo… Ả Dục… Mợ Rô… Ừ nhỉ, làm sao những người đàn bà nhà quê ấy không chết hẳn đi trong ký ức của tôi, vào một buổi chiều thê thảm kia, cũng như mọi vật ở đời… Mà họ cũng chẳng đưa lại đến trong những giờ náo nhiệt của tôi, một ít bình lặng của thời xưa, đầy hương và đức.

– Thế mẹ Doãn muốn gì?

– Thì nào Doãn có biết…

Mượn và tôi, chúng tôi hình như đi cạnh nhau như thế, đi trên con đường quen thuộc của những người đàn bà ấy… Có lúc hình như chúng tôi đã im lặng. Và sau một hồi im lặng lại một câu hỏi đột ngột làm cho chính hai chúng tôi bối rối ngơ ngác.

– Hay là mẹ Doãn muốn Doãn lấy vợ chăng?

– Thì sao bà ấy lại chẳng chịu nói ra…

– Các bà ấy, có bao giờ chịu nói ra.

Thực ra, tôi đã nói dối Mượn. Đã hai hay ba lần rồi mẹ tôi đã ngỏ cho tôi cái ý ấy. Mà cảm giác đầu tiên của tôi là cảm giác của một tâm hồn, của một thể chất bất bình: tôi mới có 14 tuổi. Trời ơi! Làm sao tôi có thể thâu nhận cái tư tưởng hôn nhân giữa tuổi ấy mà không ngượng ngùng, mà không đau khổ? Tôi không rõ Mượn có là một phần nào trong sự ngăn trở ấy không chứ điều mà tôi cảm thấy một cách rõ ràng là lòng của tôi coi như đã phạm đến hồn trinh bạch, khi nghĩ đến sự lấy vợ.

Nghĩ đến sự lấy vợ, chả phải là mua chác vào tâm trí những tư tưởng nặng nề như xiềng xích, nghĩa là chặt đôi cánh vừa mới mọc trên cái tuổi hồn nhiên thơ dại… Nhưng mẹ tôi, cả nhà tôi không nghĩ thế. Điều cách này mới tai ác: mọi người đều tin một cách chắc chắn rằng, tôi với cô Nguyệt, con ông Đề lại ở huyện có tình ý với nhau, và bây giờ nhà nói ra là như cởi mở cho tấm lòng thắc mắc của đôi trẻ. Có ngờ đâu, tôi là một người rất ái ngại cho cái vui mau chóng của mẹ tôi, của cả nhà tôi.

Cái hôm mẹ tôi sung sướng, hí hửng như một đứa trẻ con, tin cho tôi cái tin mừng ấy là cái hôm tôi đau đớn, lo lắng vô cùng. Nhưng tôi cố thản nhiên cười bảo mẹ tôi:

– Một cậu bé như con mà lấy vợ, con sợ có sớm không?

Mẹ tôi cười:

– Gớm! Cậu tưởng cậu còn bé bỏng lắm đa? Cậu không thấy anh Bích con bà Huyên Yên cũng bằng tuổi cậu mà người ta đã sắp có con rồi đấy.

Tôi không cãi.

Có lẽ bấy giờ, mẹ tôi cũng yên trí rằng tôi không phản đối sự hôn nhân. Nhưng từ độ ấy, tôi xin thầy mẹ tôi lên tỉnh học: tôi bỏ trường Huyện. Và từ đấy, tôi cũng thường không nghĩ đến việc hôn nhân nữa. Mẹ tôi, mấy bận lên tỉnh thăm tôi, lại hay nhắc đến. Một độ, thấy tôi lơ láo, mẹ tôi cũng không nói gì tới nữa.

Tôi tiến tới trước Mượn mấy bước, rồi quay lại cười bảo Mượn:

– Mượn bước lên xem nào?

Mượn không hiểu gì, cũng cứ làm y tôi dặn. Tôi tấm tắc nói một mình:

– Này con vật ở trong tấm hình bây giờ nó phốp pháp và khỏe quá, nó không còn yểu điệu như ngày xưa nữa.

Tôi vẫn mỉm cười bí mật, Mượn vẫn không hiểu gì. Nhưng thực ra, tôi không thể không tin được rằng: Mượn có lúc đã chiếm một địa vị quan hệ trong tâm linh tôi. Và sự hôn nhân của tôi thất bại có lẽ một phần cũng tại người bạn tâm tình ấy.

Mẹ tôi ốm đã gần một tháng nay, hai lần mẹ tôi gọi tôi về bên giường bệnh của bà, chỉ lần thứ ba tôi mới về được. Thật tội bất hiếu của tôi đối với bà không biết đổ đâu cho hết. Nguyên nhân làm mẹ tôi gọi tôi về gấp như thế cũng giống cái nguyên nhân làm cho tôi chần chừ không dám đến gần mẹ tôi. Nhưng tôi có thể khất với tôi chứ thực lòng với một người ốm nặng, nhất là người mà bao giờ tôi cũng chỉ có lòng thương mến. Tôi nhớ hôm tôi ở huyện về, thấy tôi, tự nhiên mẹ tôi khỏe lên, gắng ngồi dậy nói chuyện với mọi người. Tôi cảm động về sự sung sướng của mẹ tôi quá. Chẳng hạn, tôi không còn đủ can đảm để mà trái ý bà một cái gì. Giá hôm ấy, bà bảo tôi một điều gì tôi cũng nghe cả. Nhưng mẹ tôi không hề “lợi dụng” chỗ yếu ấy của tôi để mà “đánh” tôi. Trái lại, tôi đã biết khôn khéo cùng với cái nhịp sung sướng mà bắt ép mẹ tôi.

– Mẹ uống thuốc nhá, để con quạt thêm chén thuốc nữa.

Mẹ tôi gật đầu, không hề phản đối mảy may như mọi lần.

– Mẹ ăn cháo nhá, để con bảo thằng Vinh nó nấu cho mẹ. Hay mẹ uống sữa để con pha.

Mẹ tôi gật đầu một cách sung sướng. Tôi bảo thế, giá tôi bao hơn nữa mẹ tôi có lẽ cũng nghe theo. Hay là mẹ tôi có ý chiều tôi như thế, chiều tôi hết cả để rồi bắt ép tôi một điều, chỉ một điều thôi nhưng là một điều tối quan trọng.

Tôi chắc rằng bà nói ra trong lúc ấy thì sẽ tiêu. Tôi sợ sự im lặng đè nén trong tâm hồn mẹ tôi, sợ sự đối diện nặng nề của mẹ tôi và tôi. Cho nên bao giờ tôi cũng kiếm cách để cho trong phòng mẹ tôi ngoài tôi ra còn có một vài người nữa. Nhưng tôi quên làm sao được cái chiều hôm ấy, trời vừa ngớt một cơn giông, khí trời tự nhiên mát ra, cảnh chiều hôm đưa lại một cơn gió lạnh bất ngờ. Mẹ tôi ho nhiều quá nhưng mẹ tôi cứ gắng ngồi dậy. Mẹ tôi vẫy tay bảo tôi đến ngồi cạnh bà. Tôi rụt rè ngồi ở mé giường và bảo mẹ tôi.

– Mẹ nằm xuống kẻo mệt.

Mẹ tôi như không để ý đến lời tôi nói:

– Doãn, con ngồi dịch lại đây một tý, gần mẹ một tý.

Tôi ngồi dịch lại, vẫn rụt rè, vẫn lo sợ. Tôi cảm giác trước rằng cái trận quyết liệt đã đến giữa chúng tôi: mẹ tôi thừa cái dịp này để bắt tôi hàng phục. Mà thật thế, tôi đã hạ khí giới trước khi ra trận. Mẹ tôi hớp xong một hớp trà, tôi quên không nói rằng: mẹ tôi hôm ấy, trái với lệ thường, bảo pha một ấm trà liên tử cho thật đặc. Mẹ tôi uống luôn miệng, khiến cho tôi phải sinh nghi. Trong lúc ấy, một ngọn gió lạnh đến tận giường mẹ tôi, tôi rầy thằng Vinh:

– Đồ khốn nạn, chỉ khép cái cửa mà cũng không nên thân.

– Con đừng mắng nó tội ngiệp, chính mẹ bảo nó mở hé cửa như thế cho có ánh sáng.

– Nhưng dẫu thế nào thì mẹ cũng phải nằm xuống đã. Mẹ cần phải “dưỡng” lắm.

– Không, con đừng ngại, hôm nay mẹ thấy trong mình khỏe lắm.

Tôi không tin, vẫn khăng khăng bảo mẹ tôi:

– Mẹ hãy còn yếu, mẹ hãy nằm xuống rồi mẹ muốn nói gì hẵng nói.

Mẹ tôi mỉm cười:

– Thế con muốn mẹ nói cái gì?

Nghĩ một lát, mẹ tôi nói tiếp:

– Mẹ chẳng muốn gì cả!

Tôi nhìn mẹ, tôi ngạc nhiên và cảm động, mẹ tôi vẫn bình tĩnh thản nhiên nói tiếp:

– Hôm ni, thực lòng mẹ chẳng nói gì với con hết.

Hình như mẹ đã nói nhiều rồi.

Mẹ tôi xoa đầu tôi và lại nói bằng một giọng ngọt ngào, êm ái:

– Ý muốn của mẹ bây giờ là chỉ mong sao con học cho giỏi, và đỗ nhanh như anh con là mẹ mừng. Mẹ chỉ cầu nguyện có thế. Còn như việc hôn nhân của con thì mẹ đã nghĩ kỹ, bây giờ mẹ không muốn giục con hay ép con nữa. Mẹ bây giờ đã đổi ý hướng. Mẹ chỉ muốn con học giỏi và nối được chí thầy con, anh con… lòng mẹ chỉ ước có thế.

Mẹ tôi nói câu này bằng một giọng chân thật và quả quyết quá khiến tôi lại càng tin rằng: mẹ tôi đã đổi ý rồi chăng… Tôi chưa kịp tỏ sự vui mừng thì ở ngoài đã nghe có tiếng ngựa hí.

Mẹ tôi nằm xuống giường và nói với tôi:

– Thầy con đã về đấy.

Tôi chạy ra thì thầy tôi cũng vừa bước vào.

Sau lưng thầy tôi là ông Hương Rớt, một ông lang có tiếng nhất ở vùng tôi.

Thầy tôi hỏi:

– Mẹ con bây giờ thế nào?

– Bẩm mẹ con đã khá.

Nhưng tôi cũng theo thầy tôi và ông lang trở về buồng. Tôi có ngờ đâu lại như thế: mẹ tôi mặt tái mét nằm sõng sượt.

Thầy tôi hỏi gì mẹ tôi cũng không đáp… hai môi chỉ mấp máy…

Ông lang chẩn mạch xong… Thầy tôi và tôi, trái tim hồi hộp quá cứ nhìn thẳng vào mắt ông lang như có vẻ van lơn hay cầu nguyện.

Nhưng ông lang đã kéo thầy tôi ra khỏi buồng và nói một cách thất vọng:

– Có lẽ bà “về” mất.

Tôi rụng rời tay chân. Thầy tôi vẫn bình tĩnh trở vô buồng. Mẹ tôi còn mở mắt nhìn thầy tôi và nhìn tôi, chỉ hỏi được một câu:

– Thằng cả đã về chưa ông?

Rồi hai tay mẹ tôi buông dần… Trời ôi! Tôi có ngờ đâu mẹ tôi đã đánh lừa tôi, tôi biết, chính việc hôn nhân của tôi đã làm cho cái chết của mẹ tôi đến một cách gấp vội thế.

Tôi không thể chép cuốn truyện này mà không thuật những phút cuối cùng của một cuộc đời cần cù, lam lũ, chỉ biết hy sinh, hy sinh bao nhiêu sức khỏe, bao nhiêu tâm sự cho hạnh phúc của những người khác. Những người khác đó, thân thì là chồng con, anh em nhà chồng, sơ thì họ hàng và xóm giềng. Cái sống của mẹ tôi là một mùi hương theo gió mà lan rộng ra mãi, vì thế, cái chết của mẹ tôi là một tiếc thương cho những họ hàng quen biết.

Mẹ tôi về với thầy tôi đã hơn mười lăm năm. Sự kiệm cần, sự ngăn nắp, cùng theo mẹ tôi, về trong gia đình thầy tôi. Mẹ tôi là một bà quan, nhưng thực ra không có gì là một bà quan cả. Quanh năm, ở cạnh bà, không có một người lính hầu. Ngày thầy tôi còn ở huyện đường Tuyên Hoá. Cũng chỉ có hai lần mẹ tôi theo thầy tôi mà thôi. Mỗi lần, mẹ tôi chỉ ở với thầy tôi độ 3, 4 tháng. Mùa gặt về, mẹ tôi thế nào cũng phải tạm biệt thầy tôi mà về quê. Ở quê tôi mẹ tôi đã dựng nên một “giang sơn” cho chồng, làm cho tất cả người trong làng hay người “hàng xứ” nhắc tới như là một chuyện đời xưa lưu truyền lại để làm gương cho thiên hạ.

Sinh ở nơi dân dã, mẹ tôi, về nhà họ Trương, mà vẫn giữ cái cốt cách của dân dã. Tôi còn thấy như mới hôm qua, cái người đàn bà cũ kỹ ấy, mỗi lần ở chợ về, vất cái nón thượng quai thao xuống đất, đặt cái thúng nặng ở nách xuống, nhổ bãi trầu và nhoẻn một nụ cười rộng và bao dung biết chừng nào! Vẻ mệt nhọc không làm mất được cái nét hiền từ không thay đổi của một người mẹ, một người đàn bà Việt Nam. Bà ung dung ngồi sắp những thức ăn ở thúng ra trên một cái mẹt.

Tôi bá cổ mẹ tôi, một đứa em ngồi lên bẹn mẹ tôi, một đứa em nữa, moi những trái thị vô tình hay hữu ý trốn chúng tôi ở dưới một mớ rau. Mẹ tôi đưa tay giữ chặt lấy tay em tôi và cố không tỏ vẻ giận dữ:

– Này Việt. Của cúng đấy, đừng đụng tới, không nên. Mai cúng xong, thôi tha hồ.

Em tôi vẫn cố giằng lấy một trái thị nhỏ nhất, và cãi lại mẹ tôi:

– Cho con trái nhỏ xíu này. Con cầm mà ngửi. Con không ăn mô.

Mẹ tôi cố tìm một cái lẽ để thứ lỗi cho em tôi:

– Mẹ cho con cầm mà chơi, nhưng con không được đưa lên mũi nhá! Ngửi, cũng không nên.

Em bé tôi cầm một trái chạy. Em gái tôi và tôi, cũng cố mỗi đứa cướp lấy mỗi quả:

– Mẹ ơi! Chúng con cũng chỉ ngửi thôi! Chúng con không ăn mô.

Mẹ tôi vẫn hoảng lên, cố tìm kế để đánh lừa chúng tôi:

– Này! Chúng mày! Tao quên phát cho chúng mày “lá móng tay”, Cọt đâu, Song đâu, Lạc đâu, Quỳnh đâu, đứa nào ra lãnh phần đứa nấy.

Hai em tôi và cả tôi nữa vội vàng trả những quả thị lại cho mẹ tôi và cùng mấy anh tôi ra lãnh phần những “lá móng tay”.

Hai em tôi ngơ ngác, không hiểu gì. Tôi nhớ mang máng rằng: hình như một năm trước mẹ tôi cũng có một lần phát những “lá móng tay” như thế.

Quên hẳn những quả thị, bấy giờ tâm hồn tôi hoàn toàn sống lại những màu kỷ niệm thấp thoáng vừa hiện ra rồi lại lẩn ngay.

Giật mình, tôi hỏi anh Lạc tôi:

– Mai ăn mồng năm phải không anh Lạc?

Lạc đáp:

– Ừ thằng này đến lẩn thẩn? Không ăn mồng năm, thì làm chi mẹ lại đi chợ, mua nhiều trái thế, mà lại còn mua cả lá mồng tơi thế nữa?

Anh Song tôi ra dáng hiểu nhiều, và “điển sách” lắm, nói với cả chúng tôi bấy giờ quây quần bên anh tôi.

– “Tết mồng năm” tên chữ là Tết Đoan Ngọ… ngày xưa ông Khuất Nguyên.

Bấy giờ anh Song tôi vào khoảng 16 tuổi nhưng thầy tôi vẫn không chịu “rút” anh tôi cho học chữ tây, vẫn cứ gửi ở một ông đồ trong làng, ông đồ này đối với thầy tôi, là chỗ đồng liêu. Anh tôi, vì thế như lạc hẳn vào giữa bọn chúng tôi, là một bọn đã tới trường làng, sớm đến tối, gào thét như con vẹt, “le café là cà phê, le pain là bánh tây”.( bánh tây là bánh mì) Anh tôi, bị chúng tôi đưa ra làm một trò để chế giễu. Quỳnh là đứa bé con hỗn xược nhất trong bọn.

– Triều phò mã chơng vơng. Triều phò mã chơng vơng cái ông Khuất Nguyên nhà anh!

Cả bọn cũng lặp lại như thế để chế giễu anh tôi. Bấy giờ và đến nay, tôi cố tìm cũng không hiểu nghĩa mấy chữ ấy. Đến nay, mấy chữ ấy đã mất tích hẳn trong tiếng nói của người làng tôi. Nhưng thật quả, tôi nhớ đích là hồi bấy giờ, mấy chữ “triều phò mã chơng vơng” rất thông dụng trong tiếng nói của người nhà quê, nhất là của bầy trẻ. Danh từ ấy tôi biết là cốt để chế giễu một cái gì ngược trái lại với sự thông thường.

Anh Lạc tôi, đỏ mặt lên như củ gấc, toan cãi lại, thì một tiếng sạt ở sau lưng làm tất cả chúng tôi giật mình quay lại: Con Mén người đầy tớ của nhà tôi vừa đặt một bó lá xuống phản và nói với mẹ tôi:

– Thưa bà, hôm ni, con thấy có chú Thạc, ông phó Ngưỡng, ông xã Nghếch ở Lào về mỗi người một gánh kén nặng. Chú Thạc nghe đồn về được bờ năm trăm. Ông phó Ngưỡng bờ một nghìn nhưng phải thỉnh cả bàn đèn về nhà… Giang san sự nghiệp rồi cũng đến chui vào cái lõ cả. Hút thì rồi cũng đến xách. Bà hỉ… Mấy ai?

– Thế còn bác xã Nghếch.

– Bác xã Nghếch, thì một bồ lưng kén, còn một bồ nữa thì..

– Nó phá ra cười, như một cái máy không thể hãm được nữa.

Mẹ tôi phải mắng nó:

– Vô duyên chưa nói đã cười! Khéo! Việc chi mà rũ lên thế! Nói đi đã, rồi lại cười nào!

Đưa tay vuốt ngực, nó cố trấn tĩnh và đáp lại mẹ tôi:

– Thưa bà, còn trong một bồ nữa, thì bác Xã, bác ấy nhét đầy cả…

Nó lại cười rũ lên….

Mẹ tôi phải mắng nó.

– Đồ đâu mà trắc nết quá đỗi.

– Thưa bà, còn một bồ nữa, thì bác nhét đầy cả những lá mồng năm.

Rồi nó chỉ bó lá ở trên phản và nói tiếp:

– Đó cái lá quý hóa ấy đó, bác nói bác lấy từ năm ngoái, đúng giờ ngọ, và lấy ở rừng “Póut – Măng”… Rừng “Pout – Măng”, một rừng mọi, theo chú nói, thì thiêng lắm, bà nờ! Thiếu một đường, con phải lạy lục bác Xã, bác ấy mới cho được một nắm đó. Chừng ấy, cũng “khẳm” chán bà hỉ?

Mẹ tôi, mỉm cười, nói với con nụ:

– Nhờ Trời Phật! Nếu quả thật hay, thì chừng ấy, cũng đủ dùng hết cả một đời.

Rồi bỗng nhiên, mẹ tôi ngồi thần ra mà không nói gì. Tôi lại sán đến mẹ tôi và thủ thỉ hỏi mẹ:

– Tết Đoan Ngọ sao thầy con không về mẹ?

– Thầy con mắc đi hành hạt với cụ sứ. Trong huyện sắp mở thêm mấy cái trường mới.

Mẹ tôi nói với tôi như nói với một người lớn, dầu bấy giờ tôi chỉ là một đứa bé lên bảy. Tôi nhận thấy trong lời nói của mẹ tôi, một nỗi buồn u ẩn.

Trong lúc ấy, Việt em tôi đã “thịt” xong trái thị, và cắt cái vỏ thành hình ngôi sao dán lên tường. Mẹ tôi chưng hửng:

– Con thế thì thôi! Đồ chưa cúng mà đã đưa ra phá, phải tội chết.

Nhưng tôi không thấy một nét gận dữ ở trên khuôn mặt mẹ tôi. Đôi mắt mẹ tôi vẫn hiền lành như bao giờ, nhìn tôi và âu yếm:

– Tối nay, thì con phải ngủ sớm, mai móng tay mới thắm.

Tôi chưa hiểu cái câu nói của mẹ tôi, nhưng tôi cũng không hỏi lại, phập phồng, cảm động đợi cái thuật phép lạ lùng.

Nhưng thuật phép có gì đâu! Tối đến, ăn cơm xong, mẹ tôi, chị tôi, các bõ già, gọi chúng tôi ra, nhá những “lá móng tay” của chúng tôi, rồi “rịt” vào ngón tay cho chúng tôi. Buộc vào cho tôi xong, mẹ tôi dặn tôi, đến nay tôi cũng không quên được cái câu nói “dễ thương” làm sao!

– Con cố đừng cựa nhá! Đứa nào mai móng tay không đỏ, là không được về ông ngoại ăn Tết đấy.

Nhưng phần riêng tôi: sáng hôm sau, những móng tay đỏ tươi như huyết;

Sáng tưng bừng, tôi xòe hai bàn tay cho mẹ tôi và hỏi:

– Của con có tốt không mẹ?

Mẹ tôi cười, và không tỏ dấu trách móc:

– Của con tồi nhất bọn! Hôm qua tại con cựa nhiều quá.

Lẽ ra, tôi phải bị “phạt”, những ngày hôm sau, tôi vẫn được theo mẹ tôi về quê ngoại. Ngồi trên chiếc cáng xanh với mẹ tôi, với cái nhìn hiền lành âu yếm! Nhưng than ôi! Đôi mắt ấy, còn tìm đâu cho thấy nữa. Mẹ tôi đã bỏ tôi mà đi, đã nỡ đành đọan bỏ cuộc đời mà đi, nghĩ đến cái Tết Đoan Ngọ đầu tiên ấy của đời tôi, tôi lại càng thêm chua xót: cái lòng thương nhớ mẹ tôi thật mênh mông rào rạt như gió chiều ở biển khơi.

Ngồi co ro một xó, tôi cố ngẩng lên nhìn một lần chót cái mặt hiền hòa ấy, nhưng cái sắc mặt đã xanh như tàu lá: tôi không thể tìm trên cái nét tàn phá, một vẻ hiền hậu ngày xưa…

Bấy giờ dì tôi đã tắm rửa xong cho mẹ tôi. Và người ta đã bắt đầu khâm liệm mẹ tôi. Trời ơi! Tôi quên làm sao được vòng khăn nhiễu tam giang, cái quần áo cổ y, và đôi vòng bạc… mà người ta vừa đeo khoác vào cho cái xác chết ấy! Cái áo cổ y ấy, cái khăn nhiễu tam giang ấy, đó là những đồ mà ông mệ ngoại tôi sắm cho mẹ tôi… Mẹ tôi có lẽ chỉ mặc một bận khi về nhà chồng, và than ôi! Một bận nửa là khi về… cõi đất. mắt quên làm sao được cái khăn nhiễu ấy, và màu áo ấy, mỗi khi có cơn nắng mới, mẹ tôi đưa ra phơi trước giậu.

Thoạt trông thấy mẹ tôi trong cái bộ áo liệm ấy, thì sự cảm động và thương xót của tôi lại tăng lên gấp bội. Một cảm giác vừa thoáng qua trong tâm trí tôi: tôi thấy như mẹ tôi không thể chết được. Tôi tưởng như còn diễn ra trước mắt tôi một cảnh tưởng hằng ngày: giữa những hôm mưa lạnh, ẩm ướt, bỗng rớt vào một ngày nắng ráo, mẹ tôi thường mở rương ra, lấy cái bộ áo vàng, chính cái bộ áo cổ y ấy để đưa ra phơi ở trên một hàng giậu.

Trong trí lúc bấy giờ, cái màn cổ y tím sẫm gợi cho tôi một sự tương tự: cái màu sắc đằm thắm, đen sẫm của cả một đời người đàn bà không kiêu hãnh, không ham muốn.

Nhưng khi tôi quay lại, thì giời ôi! Người ta đã liệm xong cho mẹ tôi và bây giờ mẹ tôi chỉ còn là một cái xác chết, bó chặt lại trong vải trắng và trên mặt ấp một tờ giấy vàng.

Lòng tôi quằn quại: tôi không ngờ trong một phút, tôi cách xa mẹ tôi đến thế. Tôi kêu gào lên như kẻ điên. Tôi không ngờ, sự đau thương có thể làm cho người ta điên cuồng được.

Mẹ tôi ngày nay đã không còn nữa. Nhưng còn lại biết bao là chuyện ấy sống mãi trong ký ức tôi, có lẽ cho đến cái ngày cuối cùng của tôi ở trên cõi thế! Cái sự sống chết của người đời, nếu có chút thú vị là tại luôn luôn bao phủ một màn bí mật, lâu lâu chỉ bị chọc thủng một đôi chút ánh sáng, yếu ớt quá không đủ chỉ dẫn cho ta một điều gì.

Tôi còn nhớ, lúc mẹ tôi thụ bệnh, thì tự nhiên ở đâu bay về một con ong tướng, đậu ngay ở cây khế trước ngõ nhà, và rồi chỉ mấy giờ sau, là những ong quân ở đâu tìm đến và đậu choáng cả một cành cây. Một tổ ong đã bắt đầu gây dựng ở trước ngõ nhà. Thầy tôi nhất là mấy dì tôi, không dấu được vẻ lo sợ. Từ đó, hôm nào người ta cũng rước thầy phù thủy về cúng. Và mấy lần anh Hướng, một người anh họ của tôi, bịt mặt lại, cầm một bó “giang” to trèo lên cây để “xông khói” tổ ong mới. Nhưng mà vô hiệu, những con ong chỉ bay tán loạn trong một lúc, rồi chờ khi anh tôi xuống, khói đã tản rồi, thì đâu lại vào đấy: những ong quân vẫn theo hướng của chúng, nó trở về đậu ở chỗ cũ.

Thầy tôi nói với chị tôi: “đã ba mươi năm thầy mới lại thấy thứ ong “bò vệ” ấy trở về đóng ở ngõ nhà như thế. Lần trước, nó cũng về đóng thế, thì quả hôm sau…”

Thầy tôi không nói hết, nhưng chị tôi cũng hiểu ngầm. Khắp cả nhà đều có vẻ lo ngại, duy có tôi là chẳng biết gì… Cả mẹ tôi, cũng vậy…

Bầy ong đã đóng được ba hôm, ở trước ngõ nhà tôi. Hình như chỉ cách hôm sau, thì bầy ong bay đi, thì mẹ tôi cũng đi. Cái việc bầy ong ấy, đã để lại trong tâm linh tôi, những ấn tượng rất mạnh, khiến cho tôi bao giờ cũng nghĩ rằng trong đời tôi đã được nom thấy một bầy ong, vâng một bầy ong giang hồ, hết chỗ này bay qua chỗ kia, mang những cái tin sầu thảm lại cho người này hoặc người nọ. Nghĩ đến bầy ong ấy tôi tưởng như có một tai biến tàn bạo từ một dĩ vãng xa xôi đến, kẹp chặt lấy tâm hồn tôi.

Lưu Trọng Lư