Câu chuyện dưới tán lá rợp

Phần kết

Tôi sửng sốt khi nhìn thấy Mạc hiện ra trước cửa. Cái dáng kềnh càng của đôi vai ngang và cặp chân dài làm cho hắn như bị vướng khi để nguyên cả cái túi đeo bên vai, bước vào nhà.
Lúc ấy, tôi đang cắm cúi chấm bài và thằng cu Tiến đang xếp đồ chơi lên chiếc Honđa ba bánh chạy quanh nhà. Hắn vào nhà không báo trước và không hiểu sao hắn đi qua cả khu vườn rộng mà con chó vàng không kêu một tiếng. Tôi đứng lên chạy lại phía thằng bé. Không hiếu tại sao tôi lại làm như thế. Và cũng không biết có phải vì thái độ của tôi mà thằng bé lại bỏ đồ chơi chạy lại nấp sau lưng tôi? Bạn đã bao giờ nhìn thấy bóng tối dưới đôi cánh quạ dang rộng trùm lên một chú gà con chưa? Nhìn bóng hắn sừng sững tôi có cảm giác ấy.
Nhưng hắn chưa nhìn thấy thằng bé, thằng cu con mới hơn ba tuổi nói ngọng líu của tôi. Có lẽ vì hắn cao lớn còn thằng bé lại thấp nhỏ, đứng chưa tới gối. Hắn đưa mắt nhìn những thứ có trong nhà tôi. Từ cái giá sách đến bàn làm việc, cặp báo treo trên tường, giấy viết, chồng vở học trò, bức tranh phong cảnh treo trên tường còn để trần vì chưa có kính, chiếc tủ nhỏ và cái ri đô bằng vải hoa như một bức tường mỏng chia căn nhà làm đôi. Ống đèn tuýp nhỏ trên đầu giường nghiêng xuống bức ảnh hai mẹ con Thảo đang cười với chùm bóng bay. Đôi mắt hắn chăm chú nhìn bức ảnh như muốn cảm nhận một điều gì. Rồi từ bức ảnh hắn đã thấy những đồ chơi vứt lăn lóc cạnh chiếc Honđa đổ kềnh giữa nhà. Da mặt hắn thẫm lại. Cái màu da vốn đã thẫm lại càng thẫm hơn, và từ đôi mắt nhỏ màu thau thấp thoáng những tia sáng man dại. Những ý nghĩ gì đó cháy lên trong đầu làm cho hắn cảm thấy khát. Hắn cầm vội cốc nước trên bàn uống một hơi rồi ngồi xuống ghế, đưa mắt nhìn quanh. Đôi chân nhỏ xíu của thằng Tiến thò ra sau chân tôi và bàn tay nó túm chặt vạt áo tôi làm cho người tôi như lệch đi. Chắc rằng tôi sẽ không bao giờ phải ân hận và mọi chuyện sẽ kết thúc một cách giản dị nếu như tôi đẩy hắn ra ngoài, đóng cửa lại hoặc đi tìm một vị đại diện cơ quan hay chính quyền địa phương đến mời hắn đi. Nhưng tôi lại ngồi im như một cái cột mà bàn tay thằng Tiến như sợi dây níu giữ tôi lại.
Hắn bỗng cười. Tôi vẫn nhớ và sẽ nhận ra ngay tiếng cười vô tư và thoải mái ấy dù ở chỗ đông người. Có lẽ vì tiếng cười ấy mà không ít người lầm lẫn. Sau tiếng cười, hắn giơ tay về phía thằng bé đang rúc mặt sau lưng tôi:
– Lại đây, lại đây cho ba coi mặt chút nào, con!
– Mạc! – Tôi gọi khẽ. Lâu lắm rồi tôi mới lại gọi đến cái tên mà tôi đã quên, lúc này phải gọi lại, môi tôi run lên với nỗi xúc động khó tả. – Cậu ngồi xuống, đừng làm thằng bé sợ.
Những sợi lông mày thưa nhạt của hắn cau lại và từ đôi mắt hiện lên sự chai lì, dày dạn. Tôi kéo thằng Tiến đứng thẳng lên và ôm nó vào lòng, chỉ Mạc:
– Đây là bác Mạc, bạn của bố lâu rồi mới đến chơi. – Tôi nói và vuốt tóc Tiến.
Thăng Tiến đã bớt sợ, đưa mắt nhìn Mạc nhung hai tay vẫn ôm chặt lấy tôi. Mạc kéo ghế ngồi đối diện với tôi rồi lấy thuốc lá ra hút, nét mặt lạnh lùng và chìm xuống trong những làn khói.
– Cậu đi phép à? – Tôi hỏi.
– Phép tắc gì đâu! Tớ ra hẳn. Từ giờ tớ sẽ ở luôn ngoài này không đi đâu nữa. – Hắn nói và nhìn tôi, mắt nheo lại. Những nếp nhăn xếp dưới đuôi mắt trông như hắn đang cười mặc dù môi hắn mím lại.
Rồi hắn đứng lên đi quanh nhà, mắt nhìn từ cái thùng mì đến cái chạn bát. Đúng ra tôi phải không cho hắn đi lại xem xét nhà tôi với dáng một ông chủ đi xa về nhà như thế. Nhưng tôi để tự nhiên cho hắn. Bởi lẽ tôi không muốn có chuyện gì ồn ào trong nhà. Hơn nữa tôi tin giữa tôi và hắn vẫn còn một mẩu dây nhỏ nào đó của tình bạn, mẩu dây ấy sẽ buộc hắn không thể làm gì hơn những bước chân ấy.
– Thảo đâu? – Hắn hỏi trống không và nhìn như muốn chọc thủng tôi.
– Vợ tôi đi công tác. – Tôi đáp và cố nén sự khó chịu xuống.
– Lúc nào Thảo về? – Hắn lại hỏi, giọng cộc lốc.
– Không biết – Tôi đáp cũng bằng cái giọng trống không như vậy.
– Vợ đi mà chồng cũng không biết bao giờ về, kì hả? – Hắn lại cười rồi giơ tay kéo thằng Tiến – Ra đây với ba. Nè, con nhìn kĩ xem ba nào là ba thiệt, ba nào là ba dởm? Con không nhận ba với con giống nhau như hai giọt nước sao? Lại đây soi gương với ba xem nào?
Giọng hắn mềm mại nhưng tay hắn cứng rắn. Tôi giữ chặt thằng Tiến lại. Mặc dù những vết thương cũ có làm tay tôi hơi yếu đi nhưng tôi đâu có thua hắn. Nếu như tôi và hắn giằng nhau một thứ gì đó chắc chắn hắn sẽ chẳng thể nào thắng được tôi. Nhưng đây lại là một đứa trẻ da thịt mềm mại, chạm mạnh cũng đau, tôi làm sao có thể giành giật?
– Cậu nghĩ sao khi đây là con tớ, vợ tớ, và ngôi nhà này làm đúng ý định ngày ra đi của tớ? – Hắn nói.
– Cút đi! Đồ đê tiện! – Tôi nghiến răng lại và cố ghìm tiếng nói đừng bật to lên để chung quanh khỏi nghe thấy. Cơn bực tức dâng lên làm tôi nghẹt thở. Người tôi run lên.
– Lâu nay cậu là người bình tĩnh sáng suốt cơ mà. Nhẽ ra cậu không nên dính vào chuyện này. Sao cậu lại ở nhà người khác và nhận con tớ là con cậu?
Hắn nói to. Rõ ràng hắn có ý không phải chỉ nói cho mình tôi nghe. Từ trước đến nay hắn vốn như thế – chơi bài ngửa – đó là quan niệm của hắn. Mồ hôi tôi toát ra ướt cả cái áo tôi đang mặc. Máu như sôi lên trong người khi thằng Tiến khóc giãy giụa trong tay hắn để lao về phía tôi.
– Nè, khéo gãy cổ đó, con! – Hắn la lên và xiết thằng bé vào người rồi đi ra ngoài.
– Này, để thằng bé lại, đi một mình, không yên với tôi đâu! – Tôi kêu lên và chạy theo nắm chặt tay Mạc giữ lại.
– Có gì đâu, mình dẫn nó đi chơi chút xíu rồi về ngay thôi mà. Bảo đảm mà. – Mạc nói và cười, vẻ khẩn khoản làm tôi bỗng thấy thương hại hắn và bằng lòng cho hắn dẫn thằng Tiến đi chơi một lúc.
Gần trưa, hắn về. Thằng Tiến đã thôi khóc, nhưng vẫn chưa có thiện cảm gì với hắn. Nó chạy lao vào tôi, ôm tôi vào giữa vòng tay, nó đưa mắt nhìn Mạc vẻ lạ lùng. Còn Mạc thì tự tiện đến nằm dài trên cái giường vải ở góc nhà triền miên hút thuốc.
– Cậu ra ăn cơm – Tôi miễn cưỡng mời và cổ nghẹn tắc không nuốt được khi lại nhìn thấy cách ăn uống ồn ào hối hả của Mạc. Vừa ăn vừa uống vừa cười nói y như giữa tôi và nó vẫn nguyên vẹn tình bạn ngày xưa, nay gặp lại sau bao năm xa cách. “Có lẽ ăn cơm xong hắn sẽ đi”. Tôi nghĩ và cố gắng chịu đựng. Nhưng không phải. Ăn cơm xong, tôi đi ngủ thì hắn cũng lên giường.
– Cô Liễu có ra với cậu không? – Tôi hỏi.
– Cô ta cao chạy xa bay rồi! – Mạc thở dài.
– Mình tưởng rằng cậu sẽ không báo giờ ra miền Bắc nữa vì Sài Gòn đối với cậu là miền đất thánh kia mà.
– Thánh với thần đâu chẳng biết, chỉ thấy xui xẻo! Hút chết đấy!
– Sao lai đến nỗi thế? – Tôi gợi chuyện, cố tìm biết nguyên nhân nào dẫn hắn đến đây phá rối sự yên tĩnh của chúng tôi.
– Đời là một canh bạc đỏ đen? Lên voi xuống chó! Còn chưa kịp sung sướng khi thấy mình sắp thành triệu phú, tay đã gai lạnh vì chạm vào vách đá nhà giam – Mạc nói và ngáp ồn ào, mắt nhắm tít lại.
– Gì mà dữ dội thế? – Tôi hỏi và không giấu nổi nụ cười.
– À, thì đời mà! Thế mới vui! Chứ cứ đều – đều – đều như thế này thì chán lắm. – Hắn vung tay, nói.
– Quan niệm của cậu như vậy sống ở miền Bắc sợ khó.
– Vẫn biết, nhưng… Nhưng, muốn thế phải có, có điều kiện… Vấn đề đầu tiên, cậu hiểu chứ? – Mạc nói và thở dài. – Tở đã viết thư về quê cho bà cụ. Bà cụ nhà tớ thật kì lạ, cả tháng không dám ăn một miếng thịt nhưng lại có tiền nghìn bạc vạn dành cho con!
– Sao cậu chưa về quê ngay với bà cụ?
– Mình ở đây chờ Thảo.
– Cậu còn dám nhìn mặt Thảo nữa sao? – Tôi gay gắt.
– Sao lại không. – Hắn đáp một cách thản nhiên. – Mình tin rằng Thảo sẽ sung sướng khi gặp lại mình. Mối tình đầu thiêng liêng sâu sắc không dễ gì quên. – Mạc nói và lại châm thuốc.
Tôi cảm thấy như có lửa đốt trong người. Tôi nắm chặt tay, đi đến gần Mạc.
– Cậu định đánh nhau với tớ à? Ích gì! Sự thua được giữa chúng ta đâu phải qua việc đánh nhau. – Hắn nói và lại cười. – Cậu có thể đánh được tớ nhưng việc thằng bé này rất giống tớ (Nó chỉ thằng Tiến đang nằm ngủ) và ngôi nhà này dựng lên theo ý định của tớ ngày ra đi thì cậu làm sao có thể thắng tớ được?
– Nhưng còn Thảo. Thảo là người quyết định trong việc này…
– Thảo à? Nói để cậu rõ. Thảo vẫn còn yêu tớ dù đã lấy cậu. Mỗi lần có người quen vào Nam, Thảo đều hỏi thăm tớ. Như vậy đấy. Cho nên mình mới trở lại đây, mặc dù đối với Thảo cũng còn nhiều điều phải bàn. Nhưng dù sao… trong lúc này.
Tôi buông tay. Mắt tôi bỗng nhiên mờ hẳn. Đau khổ thay dần bực tức, người tôi như tê dại.
– Việc xây dựng ngôi nhà chắc cậu cũng tốn kém ít nhiêu, tớ sẽ bàn với Thảo thanh toán sòng phẳng để cậu khỏi thiệt. – Hắn nói giọng đều đều.
Tôi nhìn hắn cố ghi khắc lấy những nét trên khuôn mặt dài ngoẵng nhợt nhạt ấy. Tôi cảm thấy có gì như tanh tưởi đến phải nhổ nước bọt rồi quay đi.
– Bố ơi, cho con đi với! – Thằng Tiến đã thức dậy từ lúc nào nằm im nghe câu chuyện, chợt kêu lên rồi nhoài theo tôi , bàn tay nhỏ bé chới với.
– Ngồi im đấy! – Mạc la to rồi ghìm thằng bé lại bằng hai cánh tay xiết chặt.
Tôi không thể giằng giật một con người, tôi cũng không thể đứng đây để nhìn và nghe những tiếng nói của hắn.
– Con trông nhà, bố đi một lúc về ngay.
Tôi nói và đi ra ngoài, người muốn điên lên trong nắng trưa. Cổ cháy khát, tôi chẳng biết đi đâu và làm gì. Tôi muốn đi tìm Thảo lại sợ phải gặp em lúc này. Biết đâu lời nói của Mạc không là sự thật? Tôi bàng hoàng, cay đắng. Vả lại, tôi còn phải lên lớp. Bao nhiêu em nhỏ đang chờ tôi và tiếng trống trường đã giục giã.
Trước mắt tôi là những thác ghềnh sâu thẳm của sự đợi chờ. – Tôi chờ sự quyết định cuối cùng của Thảo.
4
Tiếng guốc gõ mạnh trên vỉa hè rạn vỡ. Tiếng guốc quen thuộc mà tôi mong chờ. – Tiếng guốc mà đêm đêm tôi vẫn thường mơ thấy, mà tôi tưởng như không còn được nghe nữa nay lại trở về, tìm đến tôi.
Tôi vội vã quay ra. Thảo! Thảo của tôi đã đến! Tôi vội vã đứng lên chạy ra đón em. Em không cười chào tôi như trước đây mỗi lần đi đâu về. Nét mặt em nghiêm trang và nặng nề trong đôi mắt. Tôi sững người. Thảo đi thắng tới tôi, nhìn tôi và lặng thinh.
– Em về bao giờ? Em đã về nhà chưa? – Tôi hỏi và đi đến gần Thảo. Tôi cảm thấy hình như Thảo đang ốm, người em xanh xao phờ phạc. Tiếng guốc vội vã đi đến nhưng tới tôi thì dừng lại, đứng sững. – Sao vậy? – Tôi cầm tay Thảo – Em giận anh à?
– Không giận anh sao được? Anh bỏ đi để hắn chiếm nhà, cướp mất con và đuổi em đi…
– Hắn đuổi em đi? Hắn chiếm nhà? Trời! – Tôi kêu lên, sửng sốt. Bàn tay tôi đặt lên vai Thảo đang run lên.
– Anh rất tốt nhưng chỉ bằng lòng tốt thôi không đủ đâu. Trước kia, cũng vì anh quá tốt nên anh đã để mất tình yêu, bây giờ anh đã để mất hạnh phúc. Đối với hạnh phúc chỉ bằng lòng tốt thôi không đủ mà cần phải có sức mạnh. Em về sớm vì sức khoẻ của em. Em không ngờ về nhà lại gặp cảnh này!
– Sức khoẻ em làm sao?
– Em có mang đã ba tháng. Vừa qua em giấu vì muốn tham gia đợt khám tuyển nghĩa vụ quân sự, anh biết đấy, tình hình biên giới rất căng. Nhưng nay các chị ấy biết bắt em phải về. – Thảo nói và nhìn tôi. – Anh là chủ nhưng anh xử sự như một người thuê nhà, bây giờ em biết sống ra sao? Chúng ta đã mất tất cả!
– Em hiểu cho anh, đâu phải anh hèn nhát đến nỗi không thể đuổi được hắn, mà vì hắn nói em vẫn còn yêu hắn…
– Đối với em hắn là một kẻ thù. Hắn làm em đau khổ, hắn lừa lọc, phản bội và huỷ hoại đời em. Bao lâu nay chúng ta sống với nhau tình nghĩa như thế nào anh không biết hay sao mà lại tin lời của hắn? Đáng lẽ anh phải đuổi hắn ra đường, thì anh lại bỏ nhà đi… Anh rất tốt nhưng em không thể sống với anh được! – Thảo nói và bỏ đi, tiếng guốc gõ mạnh trên nền gạch vỡ, quyết liệt.
“Lòng tốt không đủ giữ hạnh phúc! Tôi đã mất Thảo chính vì tôi đã tốt không đúng chỗ. Đối với kẻ thù cần có sức mạnh. Tôi đã thiếu niềm tin nên không có sức mạnh”.
Tôi kêu lên và thay việc chạy theo Thảo tôi trở về nhà – ngôi nhà mà vì yêu Thảo tôi đã dựng lên như ý Thảo trên nền đất mà Mạc đắp. Ngôi nhà có bé Tiến tội nghiệp đối với tôi từ lâu đã gắn bó và yêu mến nhau như cha con, và mấy tháng nữa đứa con của tôi sẽ ra đời! Tôi phải gặp Mạc. Tôi không đi mà chạy. Nỗi căm giận làm bừng lên trong tôi một sức mạnh mà lâu lắm tôi mới lại cảm giác những lần giáp mặt kẻ thù…
Ngôi nhà chìm trong im lặng. Từ cửa sổ mở, ánh sáng vẫn toả ra làm cho khu vườn và những tán lá xanh biếc. Tay tôi run lên khi chạm vào ổ khoá lạnh ngắt. Tiếng động khô khốc vừa vang lên thì từ trong nhà thằng Tiến reo to:
– A! Bố đã về! Bố ơi, mẹ lại nhốt con! Bố đi đâu mãi mới về?
Nó chạy lao vào tôi, ôm lấy hai chân tôi, rúc đầu vào ngực tôi. Tôi bế con lên nhìn quanh nhà. Tất cả vẫn gọn gàng ngăn nắp như xưa: tấm ảnh vẫn nghiêng xuống và trên bàn những sách báo của tôi vẫn xếp gọn gàng.
Không một dấu vết nào của Mạc để lại. Tưởng như nó chưa hề có mặt trong ngôi nhà này.
– Bác Mạc đâu rồi hả con? – Tôi hỏi thằng Tiến.
– Mẹ đuổi đi rồi. – Nó đáp và ôm chặt lấy tôi như sợ tôi lại bỏ đi mất.
– Mẹ làm thế nào mà đuổi được bác ấy?
– Mẹ làm thế này này! – Thằng Tiến vừa nói vừa giang hai tay tát mạnh vào má tôi.
Ai đã một lần được bàn tay non mềm của đứa trẻ tát yêu lên má? Tôi không thấy đau; không thấy đột ngột giận hờn, nhất là tôi đang trong tâm trạng căng thẳng lo âu như thế này. Tôi thấy như mình vừa đi qua một trảng cát nóng bỏng dưới nắng hè thiêu đốt, gặp một bóng cây có chùm lá tươi mát chạm vào da thịt.
– Mẹ dặn con trông nhà, mẹ đi tìm bố về. – Thằng Tiến nói rồi ngước đôi mắt màu nâu tròn ngời ngợi lên nhìn tôi và nhoẻn miệng cuời.

Hà Nội, tháng 12 năm 1980
Nguyễn Thị Ngọc Tú