Văn học thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh: Gần nửa thế kỉ nhìn lại

Bảo tàng Văn học Việt Nam trân trọng giới thiệu bài tham luận của TS Nguyễn Thị Phương Thúy tại Hội nghị Lý luận phê bình Văn học lần thứ V:

1.   Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh và phong trào sáng tác văn học

Đơn vị Thanh niên xung phong đầu tiên của đất nước đã được thành lập từ năm 1950 để phục vụ chiến dịch Biên Giới. Từ đó, lực lượng Thanh niên xung phong đã dần dần phát triển qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đóng góp nhiều công sức và máu xương cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước. Tuy nhiên, do hoàn cảnh đất nước chia cắt, ở miền Nam trước 1975 không có lực lượng này.

Lực lượng Thanh niên xung phong ở Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập ngày 28/3/1976 từ tiền thân là những đội Thanh niên xung phong, Thanh niên xung kích, Thanh niên tình nguyện được thành lập từ ngay sau sự kiện 30/4/1975 để làm nhiệm vụ ở những huyện ngoại thành thành phố. Kể từ đó, Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ có mặt ở những dòng kênh Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, mà còn góp mặt trên các cánh đồng ở Kiên Giang, Long An, Cà Mau; lan tỏa đến các nông trường cà phê ở Tây Nguyên; mở đường lập rẫy, dựng nhà, đào giếng cho dân ở Sông Bé, Tây Ninh, Đồng Nai; tham gia dạy học ở những trung tâm cai nghiện ở Xuyên Mộc, Tân Phú, Duyên Hải, Đắk Nông, Bình Phước, Nhị Xuân; và họ còn đổ máu và hy sinh tính mạng để làm nên biên giới Tây Nam bình yên, toàn vẹn lãnh thổ cho đến ngày nay.

Góp mặt trong lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh là những thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi, xuất thân từ những hoàn cảnh gia đình khác nhau. Đối với nhiều thanh niên trưởng thành trong đời sống xã hội miền Nam trước 1975 phức tạp và không ít hoang hoải, cuộc sống thanh niên xung phong như một cuộc “nhận đường”, đưa họ đến với đời sống cộng đồng, trải qua những ngày gian khổ nhưng giàu ý nghĩa. Cũng không thể phủ nhận một thực tế là việc gia nhập Thanh niên xung phong lúc bấy giờ là cách dọn dẹp quá khứ của những người từng sống cuộc đời ngổn ngang phức tạp trước ngày thống nhất đất nước, hoặc cách “tẩy rửa lý lịch đen” của những người xuất thân từ những gia đình có mối liên hệ với chính quyền cũ. Nhưng cho dù với động cơ như thế, họ cũng đã thật sự sống hết mình với những nhiệm vụ thanh niên xung phong, cố gắng tìm cách hòa nhập nhanh nhất với đời sống mới. Đỗ Trung Quân đã chia sẻ nỗi niềm ấy trong một bài thơ viết năm 1982, nhưng không công bố ở thời điểm đó do tính chất “nhạy cảm” của hoàn cảnh:

Tội nghiệp em

Tội nghiệp anh

Tội nghiệp chúng ta những người thành phố

Những ai ngổn ngang quá khứ của mình

Những ai đang cố tẩy rửa “lý lịch đen”

Để tìm chỗ định cư tâm hồn bằng mồ hôi chân thật.

(Đỗ Trung Quân, Tạ lỗi Trường Sơn)

Từ trong đời sống ấy, họ sáng tác văn chương. Năm 1977, lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh ra mắt tập san nội bộ Tuyến Đầu, quy tụ bài vở của các đội viên Thanh niên xung phong như Nguyễn Nhật Ánh, Bùi Nguyễn Trường Kiên, Nguyễn Trung Đỉnh, Nguyễn Quang Minh, Trần Ngọc Châu, Nam Thiên, Cao Vũ Huy Miên, Đỗ Trung Quân, Phạm Trường Phục… Từ chỗ chỉ lưu hành nội bộ, sang đầu thập niên 1980, tập san bắt đầu có ảnh hưởng xã hội rộng khắp, thu hút sự cộng tác của những cây bút bên ngoài lực lượng như Bùi Chí Vinh, Kim Hạnh, Đào Chí Hiếu, Thanh Nguyên, Võ Thái Nguyễn, Bùi Thị Trinh, Lê Thị Kim, Lê Văn Nghĩa, Đoàn Thạch Biền… (Đoàn Xuân Hải, 2021, tr. 122). Ngoài ra, thành phố cũng phát động phong trào viết về thanh niên xung phong, khí thế phong trào lan tỏa rộng khắp trong giới sáng tác của thành phố. Báo Sài Gòn Giải Phóng ghi nhận có đến gần 100 văn nghệ sĩ tham gia đợt sáng tác này (H. M. P., 1977, tr.4). Sự sôi động này của phong trào đã hình thành nên bộ phận văn học được viết bởi và viết về những người chiến sĩ thanh niên xung phong trong những năm 1977-1990. Năm 1993, tập san Tuyến Đầu chính thức giải tán sau nhiều gián đoạn. Trong những năm 1980-1983, tập san phát triển mạnh mẽ nhất và có ảnh hưởng xã hội nhờ vào việc nội dung trọng tâm của tập san thiên về tính chất văn học. Càng về sau, nhất là khi bước vào thời kỳ Đổi Mới, chất thăng hoa, bay bổng, lãng mạn lui vào dĩ vãng do sức ép của đời sống kinh tế thị trường, tập san chỉ thiên về đưa tin hoạt động của các đơn vị Thanh niên xung phong. Mặc dù lực lượng Thanh niên xung phong vẫn còn hoạt động đến ngày nay, và thỉnh thoảng vẫn có những đợt vận động sáng tác về đề tài Thanh niên xung phong nhân kỷ niệm 35 năm, 40 năm thành lập lực lượng nhưng đã không còn thu hút sự chú ý rộng khắp của công chúng như trước nữa.

Tuy phần lớn tác phẩm và tác giả của văn học thanh niên xung phong đã chìm vào quên lãng theo sự lắng xuống của phong trào trong dòng chảy cuồn cuộn của thời kỳ Đổi Mới, nhưng bộ phận văn học này cũng đã giới thiệu cho thành phố những cây bút càng về sau càng có tiếng tăm như Nguyễn Nhật Ánh, Đỗ Trung Quân, Cao Vũ Huy Miên, Nguyễn Đông Thức, Thanh Nguyên, Lê Văn Nghĩa, Đoàn Thạch Biền… Đặc biệt, sức sống của văn chương thanh niên xung phong càng thêm thăng hoa nhờ sự chắp cánh của âm nhạc và điện ảnh. Các bài thơ Thành phố tình yêu và nỗi nhớ của Nguyễn Nhật Ánh, Những bông hoa trên tuyến lửa, Hương tràm của Đỗ Trung Quân, Lời tỏ tình trên đảo Ông Đen của Nam Thiên, Con kênh ta đào của Bùi Văn Dung, Trăng treo đỉnh đầu của Cao Vũ Huy Miên… đã được các nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, Nguyễn Cửu Dũng, Vũ Hoàng, Trương Quang Lục, Phạm Tuyên, Lê Đức Du… phổ nhạc và trở nên quen thuộc với công chúng suốt mấy mươi năm qua. Tiểu thuyết Ngọc trong đá của Nguyễn Đông Thức được đạo diễn Trần Cảnh Đôn chuyển thể cũng là bộ phim khó quên với nhiều người.

Âm nhạc về chủ đề thanh niên xung phong cũng phong phú không kém, với những nhạc phẩm vẫn còn nổi tiếng đến ngày nay như Em ở nông trường, em ra biên giới (Trịnh Công Sơn), Một đời người, một rừng cây (Trần Long Ẩn), Ngày mai anh lên đường (Thanh Trúc), Tạm biệt chim én (Trần Tiến), Khúc hát người đi khai hoang (Lư Nhất Vũ), Em đi cầu cây (Lê Văn Lộc)… Tuy nhiên, âm nhạc không nằm trong phạm vi khảo sát của bài viết này.

2.   Bộ phận văn học nối dài khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn

Ra đời ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa kết thúc thắng lợi, xuất phát từ đời sống lao động, sinh hoạt tập thể ngày đêm trên những cánh đồng, nông trường, biên giới, lẽ tất nhiên, văn học thanh niên xung phong vẫn tiếp tục thi pháp của nền văn học cách mạng đã đồng hành cùng dân tộc suốt mấy mươi kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Có thể dễ dàng nhìn thấy trong văn học thanh niên xung phong khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, hai đặc trưng thi pháp quen thuộc của văn học cách mạng. Khuynh hướng sử thi bộc lộ ở sự ca ngợi những giá trị lớn lao, vĩ đại như Tổ quốc, nhân dân, đồng đội; đề cao sự hy sinh quên mình của cá nhân cho tập thể. Sự hy sinh của người thanh niên xung phong được khắc họa rất xúc động trong thơ:

Tờ báo tường bị miểng cắt làm hai

Đội phó chính trị một mình loay hoay ngồi dán

Miếng cắt nằm ngay bài thơ tải đạn

Tác giả mới hy sinh trong trận đánh hồi chiều

Nên bài thơ đành bỏ dở mấy câu.

(Cao Vũ Huy Miên, Tờ báo tường trên chốt tiền tiêu)

Trần thuật về cái chết với giọng nhẹ nhàng, đoạn thơ không hề toát ra sự dửng dưng, mà ngược lại, tô đậm hơn tinh thần trách nhiệm của những chiến sĩ thanh niên xung phong đang làm nhiệm vụ, chấp nhận hy sinh như một lẽ tất yếu trong phần trọng trách của mình, không đòi hỏi một sự ghi nhận hay tôn vinh nào. Do đó mà chân dung của họ càng trở nên lộng lẫy và đáng được tôn vinh.

Người làm thơ ra đi bình thường

Chính ủy chưa hay nên về không ghé.

Tờ báo rách hai, gió thổi chao nhè nhẹ,

Bài thơ viết nửa chừng, đồng đội lại tiếp theo.

(Cao Vũ Huy Miên, Tờ báo tường trên chốt tiền tiêu)

Khuynh hướng sử thi cũng kỳ vĩ hóa những chân dung quen thuộc trong đời sống, biến cái giản dị bình thường nhưng giàu đức hy sinh trở thành tượng đài của cái đẹp. Các cô gái thanh niên xung phong trong thơ Đỗ Trung Quân cũng vẫn nguyên vẹn vẻ đáng yêu, can đảm và chịu khó của các cô gái thanh niên xung phong thơ Phạm Tiến Duật ngày trước, đồng thời lại được “tạc tượng” như những anh hùng trong thơ Tố Hữu, Lê Anh Xuân:

Ở giữa rừng đâu có gương soi

Làm sao em thấy được vết bầm trên má

Chuyến tải thương về mấy lần trượt ngã

Vì mùa mưa nào đã chịu dứt ở đây.

[…]

Tôi thấy rồi em ơi, giữa cuộc hành quân

Niềm kiêu hãnh trong mắt em kỳ lạ

Trên chiếc áo bạc màu đôi miếng vá

Cô gái Việt Nam đẹp đến lạ thường.

(Đỗ Trung Quân, Những bông hoa trên tuyến lửa)

Trong những chân dung được kỳ vĩ hóa, nhân vật thường không được nhắc tên, vì họ được xây dựng bằng thủ pháp điển hình nghệ thuật, được đồng nhất với giai tầng mà họ thuộc về, và đồng nhất với Tổ quốc.

Bên cạnh sự kỳ vĩ hóa hình tượng con người đời thường là những lời kêu gọi cổ vũ, những chất vấn về trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng, và những suy tư định vị cá nhân trong dòng chảy của lịch sử dân tộc. Đọc những dòng thơ của Nguyễn Nhật Ánh, một đại diện thanh niên của “thế hệ thứ tư”: “Đất nước mình mấy mươi năm ra trận/ Mỗi bát cơm, hạt lúa cũng lên đường/ Có lẽ nào em không hề xúc động/ Sao vẫn còn mặc cả với quê hương?”, không khó để liên tưởng đến những câu thơ đầy ý thức thế hệ của những nhà thơ thuộc thế hệ thứ ba như Nguyễn Khoa Điềm, Bằng Việt, Thanh Thảo…

Cảm hứng lãng mạn cách mạng bộc lộ rõ nét trong những vần thơ ngợi ca thiên nhiên tươi đẹp và cuộc sống lao động hăng say vượt lên trên hiện thực gian khó. Và tất nhiên các nhà thơ thanh niên xung phong cũng dành cho tình yêu đôi lứa những dòng chữ bay bổng yêu đời lồng trong không khí bạt ngàn, trong trẻo của thiên nhiên quê hương:

Anh nói yêu em buổi sớm mai này

Trên tiểu đảo bầu trời chan nắng ráo

Vết gai mới lại xước trên bâu áo

Để chỉ tình lại quấn quít đời ta…

(Nam Thiên, Lời tỏ tình trên đảo Ông Đen)

Cảm hứng lãng mạn không chỉ có trong thơ mà còn bộc lộ trong vẻ lạc quan tếu táo trong các truyện ngắn, bút ký, mà trước hết tếu táo từ cái tựa, như Kiện tướng mắc cỡ của Trần Ngọc Châu, Con chim e thẹn của Trương Vĩnh Hòa, Cặp mắt kính phù thủy của Phan Tiến Trình, Chó cà lăm, Ăn mít trừ cơm, Voi không có thắng của Phan Quang Đẩu… Để vượt lên sự vất vả, những đội viên thanh niên xung phong tự tìm cách mua vui cho mình bằng cách tấu hài cho nhau xem. Nguyễn Đông Thức còn lém lỉnh kể câu chuyện người đội viên tinh quái đã “lừa” được cô y tá hôn mình vì nói mình sắp chết: “Cô hun tôi một cái thôi. Tôi sẽ nhắm mắt đàng hoàng. Và chẳng những sẽ không về phá cô mà còn phù hộ cho cô có được chồng đẹp trai, chung thủy. Hun đi, tôi chết liền thôi, không ai biết đâu” (Trái tim tôi đã ở Đồng Nai).

3.   Bộ phận văn học miêu tả hiện thực tâm lý của thế hệ buổi giao thời

Mặc dù giọng chính của văn học thanh niên xung phong là giọng ngợi ca và lãng mạn, nhưng bức tranh mà dòng văn học ấy phác họa nên không chỉ có màu hồng. Các nhà thơ, nhà văn vẫn có lúc thẳng thắn lột tả hiện thực ngoại cảnh và hiện thực tâm hồn của thế hệ buổi giao thời. Đó là những ngổn ngang chồng chất của tình hình đất nước sau chiến tranh và sự chán nản, khổ sở của lòng người khi tủi cực, nhục nhằn thích nghi với đời sống mới. Chính những những góc nhỏ của hiện thực này đã giúp người đọc nhận diện được văn học thanh niên xung phong sau 1975 với văn học cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Ngày miền Nam giải phóng, thành phố bắt đầu xây dựng lại từ con số không: hàng trăm ngàn thanh niên mất việc, hàng trăm gia đình của chế độ cũ có người thân đi học tập cải tạo cần ổn định cuộc sống, và hàng triệu người di tản do chiến tranh trở về cần được sắp xếp và tổ chức lại. Trong khi đó, địa bàn quanh thành phố nơi thì đạn xới bom cày, nơi thì nhiễm phèn nhiễm mặn, nơi thì rừng sâu khó khăn hiểm trở. Đến với Thanh niên xung phong có biết bao nhiêu thành phần xuất thân khác nhau, và không phải ai ban đầu cũng hồ hởi lựa chọn con đường xả thân lăn vào phụng sự tập thể. Rất nhiều người trước khi đạt được trạng thái tinh thần hòa mình với cộng đồng, lạc quan trong gian khổ, cũng đã phải trải qua những ngày tháng cảm thấy mình bị “cưỡng bách”, cùng đường nhắm mắt đưa chân. Hảo trong truyện ngắn Con mèo của con mèo của Nguyễn Nhật Ánh từng xem Thanh niên xung phong là chỗ chết. Cô chê cái màu da đen sạm vì nắng gió nông trường, chê bàn tay sần sùi vết chai, vết sẹo mà Hảo vô tình chạm vào sau cái bắt tay, chê mùi mồ hôi hôi rình sau những buổi lao động chạy đua thời gian của Khoát, nhưng rồi sau đó chính Hảo bước chân vào Thanh niên xung phong. Hương trong tiểu thuyết Ngọc trong đá của Nguyễn Đông Thức là một cô tiểu thư đài các, con một gia đình quan chức của chế độ cũ, có anh trai phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng hòa. Trong sự kiện 30/4/1975, gia đình cô đã tìm cách tháo chạy khỏi Sài Gòn nhưng bất thành. Cô đến với Thanh niên xung phong đơn giản chỉ vì với cái lý lịch gia đình như thế, cô không có đường nào khác để đi cả. Lòng tiếc nhớ thế giới yên ổn, đủ đầy, xa hoa mà những nhân vật như Hương và Hảo đã được tận hưởng trước 1975 được các tác giả trẻ ngày ấy miêu tả hết sức chân thành, khiến cho văn học Thanh niên xung phong không phải là bài ca lạc quan “lên gân” mang sắc điệu tuyên truyền, minh họa, mà là những giãi bày thật thà và cảm động của một thế hệ mới trong hành trình cống hiến của họ.

Những đồng đội Thanh niên xung phong kẻ trước người sau đều chào nhau bằng cái nhìn xua tan định kiến. Đó là những gì mà thế hệ Thanh niên xung phong đã mang đến cho tương lai đất nước, rất sớm ngay sau khi chiến tranh vừa kết thúc:

Như hôm nay em lại đến cùng anh

Có trễ tràng chăng cũng cho nhau tiếng chào tha thứ

Mang nặng mà làm gì cái balô quá khứ

Những thỏi chewing gum nhạt nhẽo tâm hồn

Những phút phù dung một sướng tâm hồn

Những bàn tay chỉ quen dùng hai ngón

(Nam Thiên, Em có sẽ là đồng chí của anh không?)

Nhận thức buồn bã về hiện thực vẫn len lỏi vào giữa những dòng thơ lạc quan nhất, khi người viết đang cổ vũ tinh thần cho đồng đội ra trận, cho một thế hệ giữ nước từ xa: “Thuở giặc giã, cuộc đời nhanh như đếm/ Gặp một lần biết còn có lần sau!” (Nguyễn Thái Sơn, Chuyện tình không tên). Những khoảnh khắc nhận thức hiện thực và cách miêu tả tâm lý hiện thực như đã kể ở trên đã khiến cho bộ phận văn học Thanh niên xung phong tuy vẫn nối dài thi pháp của nền văn học cách mạng vẻ vang trước đó nhưng đã mang màu sắc riêng của thế hệ mình.

4.   Gần nửa thế kỷ nhìn lại

Câu hỏi đặt ra là ai nhìn lại?

Tất nhiên, những chiến sĩ Thanh niên xung phong ngày ấy vẫn luôn nhìn lại. Họ chưa bao giờ quên những năm tháng tuổi trẻ ấy của mình. Mỗi dịp kỷ niệm ngày thành lập lực lượng, họ đều tụ họp bên nhau, ôn lại kỷ niệm cũ, nhắc lại sáng tác cũ, viết thêm tác phẩm mới. Những tuyển tập kỷ niệm ngày một được in nhiều thêm, có thể kể đến Không quên – tập truyện ngắn về Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh nhân 35 năm ngày thành lập (NXB Trẻ, 2011), Tuyển tập thơ thanh niên xung phong: Kỷ niệm 40 năm xây dựng và phát triển lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh (NXB. Trẻ, 2016), Tuyển tập truyện ký thanh niên xung phong: Kỷ niệm 40 năm xây dựng và phát triển lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh (NXB. Trẻ, 2016), Một thời chân đất: tuyển tập truyện ngắn – ký – tản văn (NXB. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2021). Sau gần nửa thế kỷ, những thanh niên xung phong ngày ấy giờ đã ở độ tuổi bảy mươi, nhiều người có cuộc sống viên mãn, nhưng không ít người còn lận đận giữa vất vả bộn bề, có người đã về thiên cổ. Họ vẫn không quên nhau. Tuyển tập Một thời chân đất được xuất bản cũng là để gây quỹ giúp đỡ những cựu Thanh niên xung phong còn đang vật lộn với khó khăn trong cuộc sống. Nguyễn Tuấn Quyền (2021) chia sẻ cảm nghĩ, và đây có lẽ cũng là cảm nghĩ chung của những tác giả trưởng thành từ hoạt động sáng tác của lực lượng Thanh niên xung phong: “Vì sao tôi cứ thích nhớ về nghĩ về viết về Thanh niên xung phong? Đó chẳng khác gì mối tình đầu, chinh phục ta vì vẻ đẹp giản dị mà lý tưởng. Và khi ta đã sống hết mình vì nó, vui buồn bởi nó, đổ bao công sức cho nó, hy vọng mọi điều từ nó… hiển nhiên ta sẽ không bao giờ quên được” (Thanh Vân ghi, 2012). Nguyễn Tuấn Quyền (2021) cũng không giấu niềm tự hào về tuổi trẻ của mình: “Đã gần 45 năm rồi, những bữa ăn ấy đã lùi thật xa, nhưng mà sao tôi vẫn nhớ, bạn bè tôi cũng chẳng ai quên. Có lẽ, hồi ấy “tình yêu” trong chúng tôi lớn quá – yêu cuộc sống, yêu con người, yêu quê hương mình vừa thoát khỏi chiến tranh cần có những bàn tay xây dựng lại… Nên vì thế mà có một lớp trẻ đã chấp nhận vượt qua tất cả” (tr. 279).

Điều quan trọng hơn là khi nhìn lại, liệu ta có còn thấy ý nghĩa của văn học Thanh niên xung phong năm xưa đối với đời sống hôm nay, đặc biệt là với những người trẻ? Chẳng lẽ văn học Thanh niên xung phong chỉ còn tồn tại trong những buổi quây quần gặp gỡ của những người trong cuộc ngày xưa?

Với lịch sử văn học, sáng tác của những chiến sĩ thanh niên xung phong và của những tác giả ngoài lực lượng viết về thanh niên xung phong vẫn luôn có một chỗ đứng trang trọng. Trong xu thế nghiên cứu trở lại văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975 những năm gần đây, chúng ta đã dần nhìn nhận toàn diện và công bằng hơn với những thành tựu của nền văn học mà một thời ta đã đánh giá là, ngoài dòng văn học yêu nước – tiến bộ, thì chỉ có “tha hóa, đồi trụy, hiện sinh, phi lý”. Sự đánh giá toàn diện sau này không làm lu mờ hay làm giảm giá trị của bộ phận văn học mang đặc trưng thi pháp đơn thanh xuất hiện liền ngày sau đó – bộ phận văn học Thanh niên xung phong. Ngược lại, độ lùi thời gian đã cho ta cơ hội nhìn nhận khách quan hơn với quá khứ, nhờ vậy càng hiểu thêm nghị lực tuyệt vời của những người thanh niên trước khúc quanh của lịch sử, chuyển từ tâm thế bị động – tâm thế bị bứng khỏi vùng đất của mình, với những giá trị tinh thần nhất định – sang tâm thế chủ động dấn thân, hòa nhập với cuộc đời mới và lý tưởng mới. Những thanh niên xung phong thế hệ đầu tiên ấy của Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần cùng những thế hệ trước và sau họ làm nên bức tranh tổng thể của văn nghệ miền Nam đa dạng, phóng khoáng, linh hoạt, nghĩa tình.

Với những người trẻ hôm nay, câu hỏi bên trên hơi khó trả lời hơn một chút, có lẽ vì dấu ấn của văn học Thanh niên xung phong không thật rõ ràng, mà đã hòa vào dòng chảy chung của văn học, nghệ thuật đất nước. Người trẻ vẫn nghe các ca khúc “Thành phố tình yêu và nỗi nhớ”, “Những bông hoa trên tuyến lửa”, “Con kênh ta đào”… mà không biết rằng phần lời của chúng được sáng tác bởi những nhà thơ Thanh niên xung phong. Không nhiều người trẻ biết được nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mà họ hâm mộ cuồng nhiệt ngày nay, hay tác giả của những bài thơ làm nên những khúc tình ca nức lòng người trẻ như Cao Vũ Huy Miên, Đỗ Trung Quân… đã thảo những trang viết đầu tay từ thời ở trong đơn vị Thanh niên xung phong. Nhiều bài thơ, truyện ngắn, bút ký của thời Thanh niên xung phong đã dần nhạt phai, khuất lấp vì không còn phù hợp với thị hiếu của công chúng trẻ hôm nay. Ta cũng không thể bắt người trẻ phải sống như cha anh thuở trước. Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy khả năng vực dậy tinh thần của văn học Thanh niên xung phong để tận dụng nó trong đời sống của người trẻ hôm nay. Dưới ảnh hưởng của sự phát triển kinh tế, sự bành trướng của đô thị, sự phát triển vũ bão của khoa học kỹ thuật và thế giới ảo, người trẻ hôm nay dễ trôi vào cảm giác lạc lõng cô đơn. Sự choáng ngợp và cô đơn này có nét tương đồng với thế hệ trẻ ở Sài Gòn những năm trước 1975. Khi cô đơn, con người đi tìm những điểm tựa tinh thần khác nhau: triết học, tôn giáo, văn chương, nghệ thuật. Những sáng tác văn học hướng về cộng đồng, với giọng chân thành, thật thà, không lên gân, không tuyên truyền là những gợi ý tích cực trong những hoàn cảnh này, và văn học Thanh niên xung phong có đầy những giọng chân thành như thế. Đó là di sản tinh thần đẹp đẽ mà lớp thanh niên thế hệ thứ tư đã để lại cho những hậu bối của mình.

Kết luận

Văn học viết về lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh, viết bởi những người trong và ngoài lực lượng, đã luôn có một chỗ đứng trong lịch sử văn chương của đất nước. Sau gần nửa thế kỷ, ta có thể nhìn nhận về bộ phận văn học này trong mối quan hệ với những giai đoạn và bộ phận văn học khác để hiểu thêm giá trị và ý nghĩa của nó. Văn học Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh là sự nối dài của nền văn học cách mạng mang đặc trưng khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, nhưng vẫn phản ánh được hiện thực đời sống và tâm tình của thanh niên thế hệ thứ tư – những người gánh vác trọng trách xây dựng đất nước sau chiến tranh chống Mỹ. Tuy nhiên, nó không phải là sự phủ nhận đối với văn học miền Nam 1954-1975, mà ngược lại, thông qua đối chiếu với những giá trị của văn học miền Nam 1954-1975, ta thấy được thêm sự nỗ lực chuyển mình của một thế hệ thanh niên. Sau gần nửa thế kỷ, văn học Thanh niên xung phong, với đặc trưng thi pháp và tính chất thời đại của nó, vẫn chứa đựng giá trị tinh thần cụ thể với những người trẻ hôm nay đang loay hoay trong thế giới riêng lạc lõng và mất kết nối.

 

 

_______________________

Tài liệu tham khảo

  1. Cao Vũ Huy Miên (30/03/1979). Những người viết thanh niên xung phong. Tuổi Trẻ (13), tr.4-5.
  2. Đoàn Xuân Hải (2021). Tuyến Đầu – miền đất của những cây bút tài hoa. In trong Nhiều tác giả. Một thời chân đất. TP. Hồ Chí Minh: NXB. Tổng hợp TP. HCM, tr.122-127.
  3. Hà Thu (30/04/1999). Những cây viết trưởng thành từ phong trào thanh niên xung phong. Sài Gòn Giải Phóng, tr.4.
  4. Hà Thu (25/03/2001). Thơ của các nhà thơ thanh niên xung phong sau ngày 30/4/1975 lịch sử. Sài Gòn Giải Phóng, tr.4.
  5. H. M. P (20/03/1977). Văn nghệ sĩ thành phố tham gia đợt sáng tác phục vụ lao động sản xuất và thanh niên xung phong. Sài Gòn Giải Phóng, tr.4.
  6. Nhiều tác giả (1981). Thành phố tình yêu và nỗi nhớ: tuyển tập thơ. TP. Hồ Chí Minh: NXB. Văn nghệ TP. HCM.
  7. Nguyễn Tuấn Quyền (2021). “Ăn như tu, làm như phu…”. In trong Nhiều tác giả. Một thời chân đất. TP. Hồ Chí Minh: NXB. Tổng hợp TP. HCM, tr.273-279.

8. Thanh Vân (ghi) (11/07/2012). Nguyễn Đông Thức trò chuyện với độc giả. VNExpress.