Vào sáng ngày 3.10.2022, tại Hội trường Bảo tàng Văn học Việt Nam – Hà Nội, Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du – Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ khai giảng Lớp bồi dưỡng viết văn khóa XVI năm 2022.
Đến dự buổi khai giảng có nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Nhà Văn & Cuộc Sống, nhà văn Nguyễn Bình Phương – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du.
Lớp học diễn ra từ ngày 03 đến 14.10.2022, có gần 100 học viên từ khắp mọi miền đất nước như Trà Vinh, Đồng Tháp, Đăk Lăk, Điện Biên…, với nhiều độ tuổi, ngành nghề khác nhau, nhưng chung một niềm đam mê văn chương đã đến tham gia, đặc biệt khóa học này có 01 học viên khiếm thị sinh năm 1998.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương đã phát biểu khai giảng, chia sẻ những trải nghiệm của mình với các học viên trên tinh thần đồng nghiệp. Theo ông sự học sáng tác văn học có 3 con đường chính.
Con đường thứ 1 là học có bài bản, trường lớp. Ý thức được điều đó, Trung tâm đã xây dựng đề cương chặt chẽ, với sự giảng dạy của các nhà văn, nhà thơ có uy tín, có khả năng truyền thụ kiến thức, cố gắng giúp học viên nắm vững được nguyên lý cơ bản của văn học.
Con đường thứ 2 là tự học, tự rút kinh nghiệm qua tác phẩm của chính mình. Con đường này hầu hết các nhà văn đều trải qua.
Con đường thứ 3 là đọc nhiều, đọc thưởng thức nghệ thuật vào trọng tâm của tác phẩm, đọc kỹ thuật sáng tác của tác phẩm.
Cha ông có câu “Học ăn, học nói, học gói, học mở” và ông chia sẻ rất sâu về quan niệm trên áp dụng vào sáng tác văn học, với hi vọng các giảng viên sẽ truyền thụ một cách tốt nhất để học viên nắm chắc các công việc này.
Lớp học năm nay đa đạng phong phú về ngành nghề, độ tuổi, quan niệm văn chương, nhưng có điểm chung là niềm yêu thích văn chương. Sau khóa học nhà văn Nguyễn Bình Phương mong mỏi mọi người có thêm điểm chung nữa đó là trở thành người viết chuyên nghiệp, viết có kỹ thuật, diễn đạt chính xác điều mình muốn viết.
Theo ông học sáng tác văn học giống như người học cưỡi ngựa. Đầu tiên người học phải hiểu đặc trưng của loài ngựa, sau đó tiến tới đặc điểm của từng con ngựa mà mình tiếp cận. Người bắt đầu đến với sáng tác văn học hao hao giống vậy, ban đầu cũng lúng túng vụng về, bị cảm xúc dẫn dắt, kỹ thuật chưa nhiều, do đón có thể chưa hoàn hảo, sau quá trình học sẽ ung dung tự tại điều khiển con ngựa theo ý mình.
Với ông văn chương là chỗ cho những người thiện tâm quần tụ lại, là vùng nước thanh khiết cuối cùng để con người tìm đến soi mình. Mong rằng sau khóa học mọi người sẽ nhân ái, cởi mở với nhau trên tinh thần đồng nghiệp, học hỏi được nhiều điều.
Tại lễ khai giảng, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ về sự học của mình. Theo ông, học nhau là điều rất quan trọng, việc học chưa khi nào muộn, và học sáng tác văn học cũng không phụ thuộc vào trình độ học vấn, cũng như độ tuổi.
Với ông nhà văn sáng tác phải có nhân vật, minh chứng là tiểu thuyết của nhà văn Tây Ban Nha Miguel de Cervantes với nhân vật Đôn Kihôtê (Don Quixote).
Học tập là quá trình tiếp thu tri thức diễn ra trong thời gian dài và học từ nhiều đối tượng khác nhau, bên cạnh đó chúng ta còn có thể học hỏi từ bạn bè đồng nghiệp, Tục ngữ có câu: “Học thầy không tày học bạn”. Vì vậy việc theo học là hoàn toàn chính xác, cần thiết, bởi sau khóa học kiến thức sẽ khác, nhận thức khác, kỹ thuật sáng tác sẽ khác. Hi vọng lớp học năm nay do Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du tổ chức sẽ nhiều thành công.
Được biết, ngay buổi chiều sau khi khai giảng, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã có buổi lên lớp đầu tiên với các học viên. Những ngày sắp tới lớp học tiếp tục đón các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu đến giao lưu, giảng dạy.
VANVN
Theo nguồn: https://vanvn.vn/trung-tam-nguyen-du-khai-mac-lop-boi-duong-viet-van-nam-2022/