Tối ngày 24.2.2024, tại Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội đã chính thức khai mạc chương trình thơ “Bản hòa âm đất nước” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22.
Đến tham dự đêm thơ có Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; nhà báo Trần Thanh Lâm – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ – Chủ tịch Hội đồng Lý luận – Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; nhà báo Nguyễn Minh Nhựt- Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Thanh Quang – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long.
Về phía lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch, nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch và các Ủy viên Ban Chấp hành Hội: Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Hoàng, Hữu Việt, Lương Ngọc An.
Phát biểu khai mạc chương trình, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh “Hãy để thơ ca ngự trị mãi trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam. Hãy để thơ ca mang khát vọng về cái đẹp và tự do đến mọi số phận ở mọi miền đất nước của xứ sở yêu thương, kỳ vĩ, bất khuất và đầy kiêu hãnh này. Các nhà thơ hãy cùng nhau cất lên “Bản hòa âm đất nước”. Những người yêu thơ ca hãy bước đến để đón nhận, hưởng thụ bằng vòng tay, trái tim và lương tri của mình vẻ đẹp của dân tộc mà một trong những vẻ đẹp đó là thơ ca”. Cũng trong bài phát biểu ông cho biết, dân tộc Việt Nam đã làm nên một nền văn hóa lâu đời, kỳ vĩ và thơ ca chính là một trong những vẻ đẹp huyền diệu góp phần làm nên nền văn hóa ấy. Các nhà thơ có mặt trong đêm thơ “Bản hòa âm đất nước” – đại diện cho 54 dân tộc dải đất chữ S – đã mang đến bản tuyên ngôn về cái đẹp và tự do của mỗi cá nhân, của mỗi dân tộc.
“Nhà ký ức” đã góp phần tôn vinh vẻ đẹp thơ ca dân tộc qua việc trưng bày các hiện vật, tác phẩm cũng như thông tin của 11 nhà thơ dân tộc tiêu biểu của Việt Nam.
Chương trình đêm thơ gồm 5 chương: Thơ và tác giả dân tộc vùng núi phía Bắc; Thơ và tác giả dân tộc miền Bắc; Thơ và tác giả quốc tế; Thơ và tác giả miền Trung và Nam Trung bộ; Nam bộ và Tây Nguyên.
Mở đầu đêm thơ là bài thơ giàu cảm xúc “Rằm tháng Giêng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh do NSND Thuý Mùi trình bày. Tiếp đó là những phần giới thiệu và trình diễn thơ theo các chủ đề nhằm tôn vinh những di sản quý báu trong kho tàng thi ca 54 dân tộc Việt Nam, những tác phẩm tiêu biểu của các nhà thơ dân tộc và những tác phẩm viết về thiên nhiên, vùng đất, con người các dân tộc Việt Nam.
Đêm thơ khép lại với phần trình diễn các bài mang hơi thở nắng gió phương Nam: “Nhắn người phương ấy ghé chơi” (Trần Thái Hồng), “Mời bạn về với chúng tôi” (Thạch Đờ Ni), “Bóng cây Kơ-nia” (Ngọc Anh)…
Và đúng như lời nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, bằng tình yêu lớn lao của các nhà thơ và người yêu thơ, thi ca đã vượt qua thách thức gió rét mưa bay để làm nên “Bản hòa âm đất nước” lung linh, rực rỡ đầy sắc màu và xúc động ở Hoàng thành Thăng Long.
BTVHVN