Thế hệ nhà văn sau 1975: Vị thế và những đóng góp cho nền văn học Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất

Bảo tàng Văn học Việt Nam trân trọng giới thiệu bài tham luận của TS. Đoàn Ánh Dương tại Hội nghị Lý luận phê bình Văn học lần thứ V: 

  1. Thế hệ nhà văn sau 1975 là thế hệ làm nên cao trào đổi mới văn học nghệ thuật ở Việt Nam những năm đầu Đổi Mới. Dù là cựu binh hay công chức nhà nước họ đều từng trải đời sống chiến tranh gian khổ ở chiến trường hay hậu phương thời chiến. Bước ra khỏi chiến cuộc, họ trở thành lực lượng chính yếu của công cuộc tái thiết đất nước, và hơn ai hết, một lần nữa họ cũng là thế hệ từng trải khủng hoảng hậu chiến trên tất cả các phương diện, từ kinh tế xã hội cho tới văn hóa tư tưởng. Chấn thương kép của chiến tranh và hòa bình nung nấu trong mười năm sau ngày đất nước thống nhất mài sắc ở họ nhãn quan phê phán, nuôi dưỡng trong họ vai trò và trách nhiệm xã hội của người cầm bút. Chính vì thế, ngay khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) khởi xướng công cuộc Đổi Mới đất nước, mở ra cánh cửa đổi mới tư duy, khuyến khích “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, nhà văn thế hệ sau 1975 đã chủ động nắm bắt cơ hội, cất cao tiếng nói, trở thành người lĩnh xướng cho cả một phong trào cải cách xã hội rộng lớn và sôi động.
  2. Thế hệ nhà văn sau 1975 thực chất là một định danh ước lệ, bao gộp trong đó ba thế hệ nhỏ nối/gối tiếp nhau với ít khác biệt về tư duy và cảm hứng sáng tạo: thế hệ hậu chiến, thế hệ Đổi Mới, thế hệ nhà được định danh là “nhà văn trẻ” giữa những năm 1990. Trong đề dẫn hội thảo Thế hệ nhà văn sau 1975 – Diện mạo và Thành tựu, sau khi phân tích các tiền đề về “chặng đường văn học”, “hệ giá trị thẩm mỹ” và “thế hệ văn học”, tuổi sinh học và tuổi trưởng thành văn nghiệp, nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn cho rằng thế hệ nhà văn sau 1975 có “phổ tuổi… trên đại thể, chủ yếu là 5x – 6x” và “chỉ thực sự bước lên văn đàn từ sau 1975”[1]. Thống kê theo các tiêu chí này, “thế hệ nhà văn sau 1975 là một lực lượng đông đảo và hùng hậu, không phải chặng nào cũng có được”. Và “bằng những thành tựu phong phú của mình, thế hệ nhà văn sau 1975 đã kiến tạo nên một hệ giá trị mới, đưa lịch sử văn học Việt Nam sang một chương/trang mới”[2]. Thành tựu ấy có được là vì, khác với các thế hệ trưởng thành trong chiến tranh, những nhà văn “tìm cái bình thường trong cái bất thường”, các nhà văn thế hệ sau 1975 “phát hiện cái bất thường trong cái bình thường”. Tư duy thẩm mỹ mới ấy tất yếu kéo theo “cuộc đảo chính về thi pháp” và “sự nổi loạn về ngôn ngữ”, nó khiến cho văn học sau 1975 đa dạng về khuynh hướng và bút pháp. Với tất cả sự đổi thay ấy, Chu Văn Sơn kết luận, sau 1975 “với hệ thẩm mỹ hậu chiến, mẫu nhà văn chiến sĩ thời chiến đã nhường chỗ cho mẫu nhà văn kẻ sĩ hiện đại thời bình”[3]. Sự phức tạp của thực tiễn văn học luôn thách thức các nỗ lực loại hình hóa nên những gợi dẫn của Chu Văn Sơn như trên có thể gợi lên các ý kiến trao đổi. Song có một điều sẽ dễ dàng tìm được đồng thuận, ấy là có một lực lượng đông đảo các nhà văn làm nên một thời kỳ phát triển rực rỡ của văn học Việt Nam từ sau năm 1975.
  3. Thế hệ nhà văn sau 1975 có vị trí quan trọng trong đời sống văn học Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, nhất là từ công cuộc Đổi Mới. Họ là những nhà văn làm sôi động đời sống văn học những năm đầu Đổi Mới, giữ bút lực và tiếp tục tìm tòi đổi mới nghệ thuật ngay cả khi cao trào đổi mới văn học nghệ thuật lắng lại từ đầu những năm 1990. Nhưng chỉ bước sang nửa sau của thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, họ mới bắt đầu giữ những cương vị nhất định trong tổ chức bộ máy văn học nghệ thuật. Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ bảy (2005) bầu Ban Chấp hành gồm 6 thành viên, trong đó lần đầu có sự hiện diện của 2 ủy viên thuộc thế hệ nhà văn sau 1975 là nhà văn Hồ Anh Thái; và khá bất ngờ, cả nhà văn khởi đầu cho thế hệ những nhà văn đầu tiên được định danh là “nhà văn trẻ” xuất hiện vào giữa những năm 1990, là nhà văn Phan Thị Vàng Anh. Dù được xem là những gương mặt mới, tiếng nói thế hệ mới, song khi này, lần lượt, họ đã bước sang tuổi 45 và 37, sau khoảng, cũng lần lượt, 30 và 20 năm thành danh trong nghề văn. Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ tám (2010) bầu Ban Chấp hành gồm 15 thành viên, Ban Thường vụ gồm 5 thành viên, thế hệ nhà văn sau 1975 lần đầu tiên góp mặt trong Thường vụ, với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Phó Chủ tịch) và nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ (Ủy viên). Các ủy viên Ban Chấp hành thuộc thế hệ nhà văn sau 1975, còn có nhà văn Võ Thị Xuân Hà, Văn Công Hùng, Vũ Hồng, Phan Trọng Thưởng. Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ chín (2015) chỉ bầu được 6 thành viên Ban Chấp hành, ngoài nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Phó Chủ tịch), có thêm nhà văn Nguyễn Bình Phương (Ủy viên) thuộc thế hệ các nhà văn trẻ trưởng thành sau năm 1975. Năm 2016, Ban Chấp hành bầu bổ sung nhà văn Trần Văn Tuấn. Trong 7 thành viên Ban Chấp hành, nhà văn Nguyễn Bình Phương vẫn trẻ nhất, nhưng đã bước sang tuổi 50. Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 10 (2020) bầu Ban Chấp hành gồm 11 thành viên, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch), nhà văn Nguyễn Bình Phương (Phó Chủ tịch), các ủy viên thuộc các thế hệ trưởng thành sau 1975 chiếm đa số, gồm có các nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Vũ Hồng, Bích Ngân, Phan Hoàng, Lương Ngọc An, Trần Hùng, Hữu Việt. Tuy nhiên, cho tới lúc này, các thế hệ nhà văn đi trước hoặc đã khuất núi hoặc trở thành nhà văn lão thành trong cộng đồng nhà văn Việt Nam[4]. Từ đầu thế kỷ XXI, dù số lượng các nhà văn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ngày càng đông đảo (tính theo các kỳ Đại hội, năm 2000 là 597 nhà văn, năm 2005 tăng lên 831, từ năm 2015 đã có hơn 1000 nhà văn), song do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, Hội Nhà văn không giữ vai trò quan trọng đối với đời sống văn học như trước, theo cùng với sự sụt giảm tác động xã hội của văn học nghệ thuật.
  4. Khi kiểm diện lực lượng nhà văn thuộc thế hệ nhà văn sau 1975, như đã nhắc đến ở trên, Chu Văn Sơn nhận thấy đây là một thế hệ “đông đảo và hùng hậu, không phải chặng nào cũng có được”[5]. Ở văn xuôi, họ là các cây bút Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Lập, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Võ Thị Hảo, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Thùy Mai, Dạ Ngân, Thuận, Đoàn Minh Phượng, Trần Vũ, Thu Trân, Phan Thị Vàng Anh, v.v… Ở thơ là những gương mặt: Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Trần Quang Quý, Trần Hùng, Inrasara, Trương Đăng Dung, Đỗ Trọng Khơi, Đỗ Minh Tuấn, Dương Thuấn, Trần Anh Thái, Nguyễn Việt Chiến, Trần Hòa Bình, Phạm Công Trứ, Nguyễn Bình Phương, Giáng Vân, Tuyết Nga, Thu Nguyệt, Phạm Thị Ngọc Liên, Phan Hoàng, v.v… Ở lí luận phê bình là: Trương Đăng Dung, Đỗ Lai Thúy, Huỳnh Như Phương, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Đăng Điệp, Văn Giá, Inrasara, Nguyễn Hưng Quốc, Đoàn Cầm Thi, Trần Đăng Khoa, Trần Ngọc Vương, Trần Nho Thìn, Nguyễn Hữu Sơn, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thị Minh Thái, Đoàn Thị Đặng Hương, Lưu Khánh Thơ, Lý Hoài Thu, Trần Thị Trâm, Hồ Thế Hà, Lê Tiến Dũng, Phan Huy Dũng, Phạm Phú Phong, Nguyễn Thành Thi, Đoàn Lê Giang, Bùi Thanh Truyền, Trần Hoài Anh, Mai Bá Ấn, Nguyễn Chí Hoan, Nguyễn Hòa, Đông La, v.v… Và dịch thuật là: Phạm Xuân Nguyên, Trương Đăng Dung, Hồ Anh Thái, Ngô Tự Lập, Nguyễn Quang Thiều, Trần Tiễn Cao Đăng, Nguyễn Đình Thành, Trương Hồng Quang, v.v… Ông cũng nêu thêm: “Bên cạnh đại thể đó, không thể bỏ qua những ngoại lệ. Ấy là những cây bút, về độ tuổi có thể thuộc 4x, nhưng thời điểm gia nhập văn đàn thực sự và khẳng định thành tựu thì lại sau 1975. Trong thơ, là những Trúc Thông, Y Phương, Dư Thị Hoàn, Hoàng Trần Cương,… trong lý luận phê bình là Lại Nguyên Ân, Trần Đình Sử, Lê Ngọc Trà, Lã Nguyên, v.v…”[6]. Rõ ràng, chính lực lượng hùng hậu này đã tạo nên cơ sở, là nguồn lực con người để kết tinh thành tựu cho văn học Việt Nam sau năm 1975.

Tuy nhiên, tính một cách khắt khe, thế hệ nhà văn sau 1975 gắn bó chặt chẽ với cao trào Đổi Mới (1986-1989). Chính Đổi Mới mở ra cánh cửa cho họ và nhờ họ mà Đổi Mới trở thành một phong trào được biết đến sâu rộng trong quần chúng. Từ tiên phong trong nghệ thuật đến tiên phong trong chính trị, thực thi trách nhiệm xã hội và trách nhiệm nghệ thuật, sự nhạy bén và nhạy cảm của văn học nghệ thuật trong chuyển đổi đã giúp cho nhà văn trở thành người lĩnh xướng cho cả một phong trào chính trị xã hội rộng khắp được nhen lên nhờ chính sách Đổi Mới. Trưởng thành trong không khí Đổi Mới, thế hệ nhà văn sau 1975 đã kết tập được cả nguồn lực nội sinh và ngoại sinh để làm nên một thời đoạn rực rỡ của văn học nghệ thuật Việt Nam thời Đổi Mới, góp phần duy trì và nuôi dưỡng ý hướng đổi mới văn học nghệ thuật về sau.

  1. Sự khác biệt đầu tiên mà thế hệ nhà văn sau 1975 ngay lập tức đem tới là ý thức tiếp cận hiện thực. Thoát thai và sinh trưởng trong môi trường văn học hiện thực (xã hội chủ nghĩa) của văn học cách mạng, nguyên lý phản ánh hiện thực hiển nhiên trở thành một quy chiếu đối với họ, cho dù trước đấy hay đồng thời, những phản tư của thế hệ đi trước, nhằm lột trần đặc điểm “phải đạo” (Hoàng Ngọc Hiến) hay “minh họa” (Nguyễn Minh Châu), để phê phán và cảnh tỉnh một cách thức thể hiện hiện thực trong văn học nghệ thuật Việt Nam một thời đã qua, đã tạo nên tiếng vang và hiệu ứng xét lại mạnh mẽ và nồng nhiệt. Không phải nhà văn thế hệ sau 1975 không hồi ứng với đề nghị sắc sảo đó. Nhưng ở một bộ phận khá đông đảo, họ quan tâm tới những sự kiện “nóng hổi” của đời sống trước mắt, “những việc cần làm ngay” như cách nói của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Ký báo chí và ký văn học đã nhanh chóng chen lên hàng đầu trong cuộc đấu tranh vì quyền được “nhìn thẳng vào sự thật”, không “tô hồng” mà cũng không “bôi đen”, để chỉ nhờ vào tính khách quan và nhân văn mà “gây men” cho phong trào Đổi Mới đất nước. Các nhà viết ký thế hệ sau 1975 đã tận dụng triệt để sự đổi mới tư duy của các cấp lãnh đạo, các diễn đàn báo chí và sách vở, để ghi lại một cách trung thành hiện thực xã hội. Tờ Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam ghi dấu ấn rõ ràng trong sự chuyển mình của văn học trong cao trào Đổi Mới trước hết chính nhờ sự nở rộ của các bài ký xuất sắc được đăng tải trên tờ báo này.

Cũng là sự đổi mới trong ý thức tiếp cận hiện thực, song điều này diễn ra rất khác biệt trong các loại hình hư cấu, nhất là truyện ngắn, bất luận hình thức tự sự ngắn này đương thời gần gũi với ký, từ cả trong cảm hứng nghệ thuật, cách thức lựa chọn và tiếp cận đề tài, cũng như đến diễn đàn công bố tác phẩm. Nhắc đến truyện ngắn nói riêng và văn học thời đổi mới nói chung không thể không nhắc đến Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài. Mỗi cách mỗi kiểu, họ đều đã trở thành cô sơn dựng lên như bình biên của trước và sau Đổi mới. Sừng sững ở đấy tạo đà cho sự lan xa của cả một dãy núi tít tắp về phía chân trời. Bởi chảy trong nguồn mạch của nó, có dung nham của cả hai nửa của cùng một quá trình văn học mà Đổi mới vừa kịp tạo thành một đứt gãy. Nguyễn Huy Thiệp đã không thể là Nguyễn Huy Thiệp của “khi ông tướng về hưu xuất hiện” nếu trước đấy không từng nghiền ngẫm đến dằn vặt, đau đớn về lịch sử dân tộc và những cách thức diễn giải lịch sử dân tộc. Phạm Thị Hoài đã không thể là Phạm Thị Hoài của “đứa trẻ trong thành phố” đam mê những trò chơi ngôn ngữ “vô tăm tích” nếu trước đấy không phải dùi mài, vật lộn với xác chết của các từ ngữ nội ngoại nơi những trang sách chất chồng trong thư viện. Đúng là đã có một trạng thái, một tình cảnh thúc giục nhà văn đổi mới từ trước Đổi mới, thảng hoặc trong những suy tư của Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến hay Nguyên Ngọc. Thành công của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài, vì thế, là đột khởi chứ không phải đột ngột như một ngẫu nhiên của lịch sử. Như kỷ niệm xa lắc về một liên tưởng nào đấy, hai nhà văn này như khải môn dựng lên ở giữa một đô thành vẫn còn tranh chấp bởi những di chỉ của quá khứ và hiện tại, bước chân sang phía bên kia là trở về với không gian của kiến thiết xưa cũ và bước chân sang phía bên này là không gian của những kiến thiết hiện đại còn đang tiếp diễn. Nhưng đồng thời, sự hiện diện của hai nhà văn này cũng thật chói lòa, trong chính sự mới lạ mà tác phẩm của họ mang chứa. Có lẽ, vì thế chăng, họ luôn được xem như là chứng tích của một khúc đoạn kỳ diệu của văn học, nơi ghi dấu sự sinh thành một nhãn quan mới về văn học.

Như vậy thì, trong phối cảnh hiện đại vừa được hình thành và còn đang tiếp diễn ấy, nơi mà Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài vừa cấp cho một khởi nguyên, truyện ngắn tạo dấu ấn gì cho kiến trúc cảnh quan văn chương Việt? Chúng tôi muốn lược dẫn ở đây theo chiều vận động của thời gian và không gian mở ra từ Đổi mới mà truyện ngắn đã tạo dựng. Đoàn Lê, Nguyễn Quang Lập, Y Ban, Tạ Duy Anh, Nguyễn Quang Thiều, Bảo Ninh là những kiến trúc sư lứa đầu. Xuất hiện trên các diễn đàn Sông Hương, Văn nghệ quân đội, Văn nghệ, họ đã nhanh chóng khẳng định được ngòi bút của mình. Y Ban, Tạ Duy Anh, Nguyễn Quang Thiều đều định hình từ trong cuộc thi truyện ngắn 1989 của Văn nghệ quân đội, riêng Tạ Duy Anh còn để lại một dấu ấn khó nhòa bằng truyện ngắn xuất sắc Bước qua lời nguyền trên tuần báo Văn nghệ (1989). Cả ba nhà văn này đều viết rất khỏe sau đó, gặt hái nhiều thành công, trở thành những cây bút truyện ngắn vững chãi dù đặt bút ở nhiều thể loại. Hòa Vang, Hồ Anh Thái, Trần Đức Tiến, Phạm Ngọc Tiến, Cao Duy Sơn cũng xuất hiện cùng lúc này nhưng những tác phẩm để lại nhiều tiếng vang đều từ thập kỷ 90 trở đi. Cùng lúc với sự xuất hiện của một thế hệ nhà văn mới: Võ Thị Hảo, Trần Thùy Mai, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Xuân Hà, Phan Thị Vàng Anh, Phan Triều Hải, Lưu Sơn Minh, Nguyễn Việt Hà,… Ở đấy, những cây bút nữ đã để lại một ấn tượng sâu đậm về nữ tính và nữ quyền. Mỗi người một vẻ, họ đã làm thành một giai đoạn có thể nói là rực rỡ nhất của văn học giới nữ Việt Nam. Trong khi ở giới bên kia, cũng định hình những giọng văn hết sức độc đáo và mới lạ, nhất là trong cách mà họ ứng xử với xã hội và nghệ thuật. Có thể khẳng định mà không sợ quá lời rằng thành tựu của truyện ngắn Việt Nam đương đại là rõ rệt, phong phú, đa dạng và sâu sắc.

Đâu là nguyên cớ cho sự phát triển rầm rộ ấy? Và sự phát triển rầm rộ ấy mang lại điều gì cho văn học giai đoạn và cho lịch sử phát triển của thể loại truyện ngắn ở Việt Nam? Có lẽ, báo chí văn học chính là bà đỡ mát tay nhất cho sự sôi động của đời sống truyện ngắn. Rất nhiều các tờ báo lúc bấy giờ, thậm chí là báo không chuyên về văn học, cũng có những trang dành cho truyện ngắn. Cũng lại chính báo chí, với sức mạnh can thiệp vào đời sống xã hội đã trang bị cho truyện ngắn chất liệu và cung cấp cả niềm hứng khởi được cất tiếng nói can thiệp ấy. Xã hội thế tục với biết bao mối bận tâm của nó đã thúc đẩy, đúng hơn là tạo cơ hội cho bộ phận truyện ngắn có khuynh hướng hiện thực, vốn đã có thành tựu từ thời tiền chiến, phát triển nhanh chóng. Sau đó mới đến các khuynh hướng khác, như huyền ảo, lãng mạn hay những thể nghiệm về hình thức. Có một điều cần phải minh định ở đây là, sự biến đổi của diễn ngôn văn học, như cách hành văn và sử dụng ngôn ngữ từ Nguyễn Huy Thiệp hay Phạm Thị Hoài trở đi, ít có sự thôi thúc về thể nghiệm hình thức. Họ tìm đến diễn ngôn mới ấy, bồi đắp cho diễn ngôn mới ấy là để lột hiện sâu sắc hơn những quan thiết xã hội mà họ đề cập đến trong truyện ngắn của mình. Suy tư về hiện thực, bao gồm hiện thực hậu chiến, thế tục, bản sắc vùng miền hay đời sống đô thị về sau này, cùng với những suy tư về các phương thức hư cấu, là một đóng góp rất đáng kể của truyện ngắn thời đổi mới. Để có được những chuyển biến ở chiều sâu quan niệm như thế này, có lẽ còn cần phải nhắc đến tác động của văn học dịch, bên cạnh những suy tư tự thân của nhà văn. Sách không chỉ “bung ra” theo nhu cầu thị trường, khi ấy thường được cho là không lành mạnh, mà còn “bung ra” ở một chiều hướng tích cực hơn rất nhiều, đó là sự đa dạng của các truyền thống văn học được giới thiệu. Đấy chính là một kho tư liệu tham khảo quý giá cho những nhà văn thực sự cầu thị đổi mới văn chương. Tất nhiên, so với thơ và tiểu thuyết, nhu cầu đổi mới, nhất là cách tân về mặt hình thức ở truyện ngắn không được chú trọng bằng. Sự đổi mới hầu như chỉ được diễn ra ở mặt cấu trúc, kết cấu, và ở một điều gì đó khó nắm bắt hơn, tinh thần của truyện ngắn, nhất là ở giai đoạn càng về sau này. Nhưng chính bởi chỉ thường trong một khuôn khổ hạn hẹp như vậy nên khi những thể nghiệm này thành tựu, truyện ngắn có nhiều cơ hội để trở thành một thế giới thẩm mỹ đẹp một cách trọn vẹn. Và so với các thể loại khác, mật độ thành công của các thể nghiệm cũng cao hơn rất nhiều. Truyện ngắn thực sự đã trở thành một thể loại quan trọng của văn học thời đổi mới, và phần nào đó, của cả sự đổi mới văn học, trong cách thức mà nhà văn tự lạ hóa bản thân để tìm kiếm và trưng bày những mẫu hình nghệ thuật mới, những suy tư mới về nghệ thuật.

Sự thành công của truyện ngắn thời đổi mới, hình như cho thấy những kinh nghiệm lựa chọn thể loại đã lặp lại một lần nữa, trong cách truyện ngắn chiếm giữ vị trí thống soái trên văn đàn, như đã từng có ở cuộc tiếp xúc với thế giới bên ngoài mấy chục năm đầu thế kỷ XX. Người ta hay cắt nghĩa hiện tượng này dựa vào bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, ở phẩm tính ưa những cái đẹp nhỏ nhắn, hài hòa, tinh tế và/hoặc dựa vào tâm lý sáng tạo của nhà văn Việt Nam, cũng ở tài năng tỉa tót, đẽo gọt những cái đẹp nhỏ nhắn, hài hòa, tinh tế. Nhưng có một thực tế vượt lên trên những diễn giải mang nặng tính chất ý hệ như vậy: kết quả của nỗ lực làm mới ý thức và ngôn ngữ văn chương. Dấn thân xã hội hay thuần túy nghệ thuật hình như không đơn thuần xuất phát từ các trạng huống của quá trình đổi mới. Chính sự tham dự của nhà văn vào đời sống hiển hiện như một lựa chọn tất yếu/ ngẫu nhiên đã mở rộng biên độ nghệ thuật cho nhà văn trong việc đồng nhất hoạt động văn chương và hoạt động xã hội. Đó là một đặc điểm rất độc đáo của văn học từ Đổi mới. Và truyện ngắn đã làm tốt được điều này một phần cũng nhờ chính vào tính chất ngắn gọn và chụp bắt thời điểm của nó.

Ký và truyện ngắn giữ vị trí trung tâm trong hành trang nghệ thuật của thế hệ nhà văn sau 1975. Tuy nhiên, họ cũng có đóng góp quan trọng đối với việc đổi mới nghệ thuật thơ. Thơ của các nhà thơ thế hệ sau 1975 phát triển trên chính sự phủ định thơ ca đi trước. Về mặt hình thức, nó vượt thoát sự tỏa chiết của thơ trữ tình chính trị để hình thành thơ trữ tình thế sự đời tư, nhà thơ từ bỏ tư cách nhà thơ công dân để sắm vai nhà thơ dân sự. Điều này, ở khía cạnh chủ đề thì thơ đương đại với thơ ca cách mạng là một dòng chảy liền mạnh, nhưng thực chất về mặt thi pháp lại là một đứt đoạn. Thơ đương đại bắt rễ sâu hơn vào dòng ẩn của thơ Việt, những đổi mới trong thơ hiện đại manh nha thời tiền chiến và được âm thầm thực thi bởi nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, chúng có một sự tiếp nối về mặt thi pháp. Nó là tiền đề để thơ Việt đương đại bước vào sân chơi của thơ hiện đại.

Sự thật thì một sự tác động trực tiếp không hẳn đã được diễn ra phổ biến. Song sự xuất hiện trở lại của thơ tiền chiến và các nhà thơ cách tân, đặc biệt là việc các tác phẩm thơ của họ được công bố, đã tạo nên những tác động tâm lý đáng chú ý. Ban đầu đã là thế, nhất là khi trước tác văn học của bộ phận này được Nhà nước ghi nhận qua các giải thưởng Nhà nước và Hội Nhà văn, tức đưa nó hòa nhập trở lại với văn mạch dân tộc, thì sự tiếp nối về mặt thi pháp trở nên phổ biến hơn rất nhiều. Nó là cơ sở để người ta có tham vọng đổi mới thơ. Đổi mới, đầu tiên là nói khác lối nói cũ, sau đó, là trải lòng với cái mới. Vấn đề thứ nhất là đặc điểm phổ quát của thơ Việt mười năm sau thống nhất, thứ hai, là đặc điểm từ Đổi mới cho đến nay. Ở chặng đường thứ hai này, thơ Việt còn có một động lực mạnh mẽ khác thúc đẩy tốc độ ra nhập vào quỹ đạo thơ hiện đại và hậu hiện đại. Đó là vấn đề giao lưu với văn chương thế giới. Thử hình dung một số gương mặt cách tân tiêu biểu thuộc lứa đầu, dễ thấy, Dư Thị Hoàn với Lối nhỏ (1988), Bài mẫu giáo sáng thế (1991) có màu sắc thơ đương đại Trung Quốc. Dương Tường và Lê Đạt với 36 bài tình (1989), Bóng chữ (1994); Hoàng Hưng với Ngựa biển (1988), Người đi tìm mặt (1994); Nguyễn Quang Thiều với Sự mất ngủ của lửa (1993), Những người đàn bà gánh nước sông (1996),… mang màu sắc thơ Âu Mỹ hiện đại và hậu hiện đại. Sự kết hợp giữa nội lực và tham chiếu bên ngoài đã đem đến sự phát triển đa dạng của thơ Việt đương đại. Sự cách tân vừa như một quy luật văn chương vừa như một lây lan cảm xúc cũng xuất hiện ở các nhà thơ chủ yếu mang hành trang tự nghiệm như Trần Quang Quý, Trần Anh Thái, Hoàng Trần Cương, Tuyết Nga, Nguyễn Bình Phương, Đồng Đức Bốn,… Sau đó là sự bung mở của các nhà thơ trẻ, những Nguyễn Quyến, Lãng Thanh, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Văn Cầm Hải, Nguyễn Thúy Hằng, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, nhóm Ngựa trời, Mở miệng. Vậy là, thơ Việt đương đại, nhìn từ phía người sáng tác đã có sự chuyển động với sự đa dạng của khuynh hướng, quan niệm và bút pháp. Có thể mức độ thể nghiệm là khác nhau, sự đổi mới cũng không hẳn đồng đều, nhưng có một thực tế là thơ đương đại đã khác rất xa thơ truyền thống.

Tuy vậy, thơ Việt đương đại dù phát triển khá đa dạng nhưng nhìn chung vẫn có thể chia làm hai dòng phổ biến: trong cái đa bản chất của thơ, hoặc người ta hướng đến các trò chơi ngôn từ (con chữ) hoặc hướng đến các trò chơi ngữ nghĩa (ý tưởng). Ở một góc độ nào đó, chẳng hạn, thơ của Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Dương Tường, nhóm Mở miệng… là thơ hướng đến các trò chơi ngôn ngữ; thơ của Dư Thị Hoàn, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quyến, Vi Thùy Linh,… là thơ hướng đến các trò chơi ngữ nghĩa. Cũng còn nhiều trò chơi khác nữa thơ đương đại hướng đến mà bài viết chưa khảo sát, như trò chơi diễn trò (đồng dao, thoại kịch), trò chơi trình diễn (thơ trình diễn), trò chơi dán ghép (thơ hình ảnh),… Ở mỗi trò chơi, nhịp điệu thơ được hiểu như là vận động của sinh thể nghệ thuật đều bộc lộ những điểm độc đáo, mới mẻ. Ở đây, tiểu luận chú ý đến nhịp điệu trong hai dòng phổ biến nhằm nhấn mạnh đến những biến chuyển về mặt thi pháp của thơ đương đại so với truyền thống. Nếu đặt một góc nhìn thơ Việt đương đại từ nhịp điệu, ta sẽ chứng minh được có sự xuất hiện của một kiểu loại thơ mới. Chỉ có điều, thành tựu của thơ đương đại so với thơ các thời kì trước, thậm chí, so với văn xuôi đương đại còn quá mỏng mảnh khiến nhiều khi cái khác biệt ấy vẫn chưa đủ sức để thơ đương đại tự minh định mình. Thơ Việt đương đại đã và đang tô điểm cho sắc màu riêng có của nó. Và nó có đóng góp quan trọng của thế hệ nhà văn sau 1975.

Trong khi kịch trầm lắng sau thời khắc huy hoàng ngay trước và trong cao trào Đổi Mới thì tuy cũng khá lặng lẽ – nhất là so với truyện ngắn, tản văn và các thể ký – tiểu thuyết vẫn xây dựng được một vị trí quan trọng trong đời sống văn học, do chỗ tiểu thuyết được xem như là thể loại lớn, có khả năng bao quát đầy đủ hiện thực phức tạp và đa diện của cuộc sống. Ngay từ rất sớm, ở bản lề của công cuộc Đổi Mới, tiểu thuyết báo hiệu những chuyển dịch trong cách tái nhận thức về quá khứ chiến tranh và đổi mới quan niệm hiện thực về thời bình trong những tác phẩm xuất sắc, như Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, Thời xa vắng của Lê Lựu. Tiểu thuyết sau đó tập trung vào hai dòng chảy này, nhằm tái diễn giải quá khứ dân tộc, từ cuộc chiến tranh vừa ngớt tiếng súng tới các lớp trầm tích lịch sử văn hóa dân tộc, lý giải sức sống và kiến tạo bản sắc Việt Nam trong hoàn cảnh thời bình; đồng thời, soi rọi vào chính đời sống thời bình mới mẻ ấy, để tìm lấy sức mạnh mới Việt Nam trong thời đại mới. Ba tiểu thuyết được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991 – Thân phận của tình yêu (Nxb. Hội Nhà văn, 1990) của Bảo Ninh, Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nxb. Hội Nhà văn, 1990) của Nguyễn Khắc Trường, Bến không chồng (Nxb. Hội Nhà văn, 1990) của Dương Hướng – đều là những tác phẩm xuất sắc theo chiều hướng vận động này.

Từ những năm 1990, bên cạnh khuynh hướng tiểu thuyết viết về chiến tranh và người lính, tiểu thuyết viết về nông thôn, còn có sự nở rộ của các khuynh hướng mới, như tiểu thuyết có khuynh hướng tự truyện, tiểu thuyết lịch sử văn hóa, đặc biệt là khuynh hướng đổi mới kỹ thuật tự sự. Thế hệ nhà văn sau 1975 đã làm nên một giai đoạn nổi bật của tiểu thuyết, bên cạnh các tên tuổi thuộc thế hệ trước như Tô Hoài, Nguyễn Khải, Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải,… đặc biệt ở khuynh hướng đổi mới kỹ thuật tự sự. Giao lưu văn hóa rộng mở và cùng sự sôi nổi của văn học dịch và dịch văn học sau mấy chục năm “bế quan tỏa cảng” thời chiến tranh đã tác động mạnh mẽ tới tâm thái và lựa chọn nghệ thuật của nhà văn. Họ hào hứng với những trào lưu và phong cách nghệ thuật mới mẻ đến từ thế giới phương Tây hiện đại. Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương, Châu Diên đã trở thành những cây bút tiểu thuyết thực sự thành công với lựa chọn này, góp phần đưa thế giới nghệ thuật tiểu thuyết Việt Nam bứt phá khỏi nguyên lý phản ánh luận để vươn tới chân trời của những phương thức nghệ thuật mới mẻ, như phương pháp huyền thoại, chủ nghĩa phi lý, thậm chí là mang những dấu vết của trào lưu hậu hiện đại. Những chuyển động của tiểu thuyết, nhịp cùng sự dịch chuyển của đất nước vào quỹ đạo thế giới nhờ nỗ lực hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, góp phần quan trọng trong việc xích gần cảm quan đương đại về thế giới ở Việt Nam mấy chục năm sau ngày kết thúc chiến tranh, mở rộng cánh cửa để công dân Việt Nam trở thành công dân toàn cầu trong kỷ nguyên toàn cầu hóa từ đầu thế kỷ XXI.

6. Tóm lại, xuất hiện từ sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, nổi lên một cách mạnh mẽ trong cao trào Đổi Mới, sau đó tiếp tục duy trì bút lực trong những tìm tòi khám phá nghệ thuật mới, thế hệ nhà văn sau 1975 đã xây dựng được vị thế chắc chắn, phát triển mạnh mẽ và có những đóng góp quan trọng cho nền văn học Việt Nam. Trước nhất, đó là sự xuất hiện của một lực lượng hùng hậu, nhanh chóng tự nhiệm vai trò tiên phong, trở thành những người lĩnh xướng phong trào Đổi Mới đất nước. Thứ hai, nhịp cùng những chuyển động của tình thế chính trị xã hội trong nước và quốc tế, họ nhanh chóng phản tư, tái nhận thức và hình thành quan niệm nghệ thuật mới, theo đó từ bỏ nguyên lý phản ánh luận thô sơ, cứng nhắc để vươn tới thế giới hư cấu nghệ thuật. Thứ ba, như kết quả của hai thành tựu trên, họ tạo lập được những mẫu hình nghệ thuật mới, dựa vào việc đổi mới đặc trưng thi pháp thể loại. Sự phong phú, đa dạng của các khuynh hướng, các tìm tòi, các thể nghiệm đổi mới thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, cho tới tản văn và các thể ký, không chỉ làm rực rỡ bức tranh thể loại văn học Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất mà còn mở rộng, đào sâu, thúc đẩy nhận thức thẩm mỹ văn học Việt Nam vận động và phát triển, đem tiếng nói và hành động nghệ thuật Việt Nam nhịp bước với tư duy nghệ thuật toàn cầu.

[1] Chu Văn Sơn (2016), “Thế hệ nhà văn sau 1975, họ là ai?”, trong Đại học Văn hóa Hà Nội (2016), Thế hệ nhà văn sau 1975 – Diện mạo và Thành tựu, NXB Hội Nhà văn, tr.10.

[2] Chu Văn Sơn (2016), “Thế hệ nhà văn sau 1975, họ là ai?”, trong Đại học Văn hóa Hà Nội (2016), Thế hệ nhà văn sau 1975 – Diện mạo và Thành tựu, tr.10.

[3] Chu Văn Sơn (2016), “Thế hệ nhà văn sau 1975, họ là ai?”, trong Đại học Văn hóa Hà Nội (2016), Thế hệ nhà văn sau 1975 – Diện mạo và Thành tựu, tr.12,13,16,18. In nghiêng trong nguyên bản.

[4] Hội nghị Đại biểu Nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất đã được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hải Phòng, ngày 30/9-1/10/2023 (https://vanvn.vn/video-hoi-nghi-dai-bieu-nha-van-lao-thanh-viet-nam-lan-thu-nhat/).

[5] Chu Văn Sơn (2016), “Thế hệ nhà văn sau 1975, họ là ai?”, trong Đại học Văn hóa Hà Nội (2016), Thế hệ nhà văn sau 1975 – Diện mạo và Thành tựu, tr.10.

[6] Chu Văn Sơn (2016), “Thế hệ nhà văn sau 1975, họ là ai?”, trong Đại học Văn hóa Hà Nội (2016), Thế hệ nhà văn sau 1975 – Diện mạo và Thành tựu, tr.10.