Sáng đầu tuần giữa tháng Năm, trong không khí mát mẻ của tiết trời đầu hạ, Bảo tàng Văn học Việt Nam vinh dự đón gần 50 sinh viên lớp Tiếng Việt thực hành K44.1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tới tham quan, học tập và trải nghiệm thực tế.

Chuyến đi không chỉ là hoạt động ngoại khóa bổ ích mà còn là hành trình khám phá những giá trị văn hóa – văn học sâu sắc của dân tộc, đặc biệt có ý nghĩa hơn khi diễn ra đúng dịp Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 – 19.5.2025).

Tại buổi tham quan, sinh viên đã được cán bộ bảo tàng giới thiệu tổng quan về: Lịch sử chữ viết và tiến trình phát triển của Văn học Việt Nam từ thời kỳ Cổ – Trung đại đến Hiện đại. Đặc biệt, gian trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên một không khí trang nghiêm và xúc động, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với các bạn sinh viên. Các câu chuyện, hiện vật, phim tư liệu quý về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người đã được chia sẻ xúc động.

Sinh viên Vũ Thùy Linh – Lớp Tư tưởng Hồ Chí Minh chia sẻ: “Chuyến tham quan Bảo tàng Văn học Việt Nam là một trải nghiệm vô cùng đáng nhớ đối với em. Ngay từ những bước chân đầu tiên vào không gian bảo tàng, em đã cảm nhận được bầu không khí trang nghiêm, thấm đẫm giá trị truyền thống và chiều sâu văn hóa.
Tại đây, em được chiêm ngưỡng nhiều tư liệu hình ảnh và hiện vật quý giá gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của các nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Minh Châu… Mỗi hiện vật là một câu chuyện độc đáo, giúp em hiểu rõ hơn về bối cảnh sáng tác, tư tưởng và tình cảm mà các tác giả đã gửi gắm trong từng tác phẩm.
Điều khiến em ấn tượng nhất là gian trưng bày về đại thi hào Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều. Qua những tư liệu quý hiếm và lời thuyết minh đầy xúc động của cán bộ bảo tàng, em như cảm nhận được tấm lòng yêu nước thương dân, nỗi trăn trở về số phận con người ẩn chứa trong từng vần thơ của ông.
Chuyến đi không chỉ mở rộng hiểu biết của em về lịch sử văn học dân tộc, mà còn nuôi dưỡng tình yêu sâu sắc hơn đối với tiếng Việt và nền văn học nước nhà. Em cảm thấy tự hào về truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc, đồng thời nhận thức rõ hơn trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị đó.
Đặc biệt, việc được đến thăm bảo tàng đúng vào ngày 19/5, kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Min, khiến chuyến đi càng trở nên thiêng liêng và xúc động. Là một sinh viên Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, em cảm thấy vinh dự và ý thức sâu sắc hơn nữa về trách nhiệm học tập, gìn giữ và lan tỏa những giá trị tư tưởng cao đẹp của Người trong cuộc sống và công việc sau này.”
Sinh viên Lê Thị Thu Hằng – Lớp Quản lý và Hoạt động tư tưởng văn hóa cũng chia sẻ: “Ấn tượng đầu tiên của em khi bước vào Bảo tàng Văn học là không gian rộng lớn, trang nghiêm và giàu tính văn hóa. Khi lắng nghe phần thuyết minh về các tác phẩm và dòng chảy văn học Việt Nam qua các thời kỳ, em cảm thấy vô cùng tự hào và biết ơn các thế hệ văn nghệ sĩ đã góp phần xây dựng nên một nền văn học đậm đà bản sắc dân tộc.

Hôm nay, em đặc biệt xúc động khi được tìm hiểu sâu về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và xem phim tư liệu ngắn về Bác. Những hình ảnh và câu chuyện giản dị nhưng đầy ý nghĩa đã để lại trong em niềm tự hào sâu sắc về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
Là sinh viên chuyên ngành Quản lý và Hoạt động Tư tưởng Văn hóa của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, em luôn nhắc nhở bản thân phải không ngừng cố gắng học tập, rèn luyện theo lời dạy của Bác. Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng cốt lõi trong công tác quản lý tư tưởng và phát triển văn hóa. Em mong muốn được đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc và đưa văn hóa Việt Nam vươn tầm thế giới.”
Chuyến tham quan học tập tại Bảo tàng Văn học Việt Nam không chỉ mang lại những kiến thức bổ ích mà còn khơi dậy niềm tự hào dân tộc, lòng biết ơn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ nhà văn, nhà thơ Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để sinh viên tự soi chiếu lại bản thân, hun đúc lý tưởng sống, lòng yêu nước và tinh thần học tập, rèn luyện theo tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh../.