“Sách nhà mình” giải mã “mật thư” tại Bảo tàng Văn học Việt Nam

Được biết đến Bảo tàng Văn học Việt Nam qua hoạt động “Hiến tặng hiện vật” và “Tour Văn học Chữ Tâm chữ Tài”, bà Lê Thùy Dương chủ nhiệm dự án “Sách nhà mình” đã đưa các bạn nhỏ trong câu lạc bộ đến tham quan và trải nghiệm tại bảo tàng. Các bạn nhỏ được phát những bức mật thư để giải mã với những câu hỏi liên quan đến nội dung trưng bày tại bảo tàng. Cán bộ bảo tàng bước đầu giới thiệu, gợi ý cho các bạn nhỏ sơ qua về Bảo tàng văn học sau đó các bạn nhỏ tự đi tìm hiểu và cuối buổi một lần nữa các bạn sẽ cùng cán bộ bảo tàng đi chi tiết hơn các phần trưng bày. Tại đây các bạn nhỏ sẽ kiểm tra được phần giải mã mật thư của mình đạt kết quả thế nào. Các bạn nhỏ rất hứng thú với hoạt động trải nghiệm này và nhiệt tình tham gia.
Bà Lê Thùy Dương cùng các bạn nhỏ trong câu lạc bộ “Sách nhà mình”

 

Cuối buổi, bà Lê Thùy Dương đã có những chia sẻ, đánh giá hoạt động trải nghiệm sau lần đầu tổ chức cho các bạn nhỏ trong câu lạc bộ đến bảo tàng và những dự định xây dựng kế hoạch hướng đến tương lai:
“Bảo tàng Văn học là một bảo tàng rất sống, có nhiều hoạt động hay, những buổi trải nghiệm hay chương trình hội thảo chất lượng liên quan đến văn hóa, văn học được tổ chức tại đây. Tôi đã quan sát từ xa một thời gian xem bảo tàng có gì và làm như thế nào và đến hôm nay tôi đã quyết định đưa các bạn nhỏ câu lạc bộ “Sách nhà mình” lên trải nghiệm. Mặc dù chưa bao giờ đến bảo tàng nhưng với kinh nghiệm tổ chức sự kiện, câu lạc bộ đã xây dựng cách thức phù hợp để các bạn nhỏ không chỉ đến nhìn, ngắm, nghe giới thiệu mà triển khai thành các hoạt động động, khám phá từ lúc đến đến lúc về. Các bạn nhỏ được phát phiếu khảo sát đánh giá mức độ hiểu biết của các em trước và sau khi tiếp cận và tương tác với cán bộ bảo tàng. Kết quả cho thấy không chỉ các bạn cấp 1 mà ngay cả các bạn cấp 2 cũng rất hào hứng với việc giải mật thư. Ban đầu có thể những hiểu biết chưa đúng nhưng sau khi có sự tương tác từ cán bộ thuyết minh của bảo tàng thì các bạn nhỏ không chỉ thu nhận được những kiến thức lịch sử mà gắn vào đó còn tiếp cận những nhân vật, tác phẩm rất hay về văn học mà từ đó các bạn được củng cố về kiến thức và gợi mở, khám phá tìm hiểu thêm.
Trong quá trình hoạt động hôm nay tôi thấy hướng đi này rất phù hợp với các bạn học sinh cấp 1, cấp 2 và ngay cả cấp 3. Chúng tôi sẽ xây dựng ngân hàng câu hỏi để phù hợp các đối tượng học sinh thu hút giúp các bạn tự chủ và hứng thú tìm hiểu về tác giả, tác phẩm. Mục đích là dẫn dắt để các bạn nhỏ chủ động thay vì bảo các bạn “đọc đi”. Cái cốt lõi là quá trình tự học, tự đọc của mỗi người. Tham quan bảo tàng là sự khởi đầu khơi gợi và xa hơn là những buổi thảo luận với các nhà văn, nhà thơ chuyên sâu hơn, đó là hướng đi dài hơi mà chúng tôi nghĩ tới.”
Bảo tàng Văn học rất vui mừng được hỗ trợ Bà Lê Thùy Dương – chủ nhiệm câu lạc bộ “Sách nhà mình” với những hoạt động, mục tiêu và kế hoạch nhằm giúp các bạn nhỏ thêm tình yêu với văn học, gìn giữ văn hóa đọc. Bảo tàng hy vọng sẽ hỗ trợ, cộng tác với nhiều đơn vị trên khắp cả nước để gìn giữ và phát huy tình yêu văn chương của các thế hệ tương lai.
BTVHVN