Ông Nguyễn Tuấn Khoa trao tặng hiện vật của nhà thơ, liệt sĩ Thâm Tâm cho Bảo tàng Văn học Việt Nam

Ngày 25 -10-2023, ông Nguyễn Tuấn Khoa cùng vợ đã đến Bảo tàng Văn học Việt Nam là nơi trưng bày, lưu giữ, bảo quản hiện vật của nhà văn các thế hệ để tham quan và trao tặng cho bảo tàng những tác phẩm của cha mình là nhà thơ, liệt sĩ Thâm Tâm. Đây là những tác phẩm của nhà thơ Thâm Tâm được chính người con trai duy nhất tập hợp và in: “Truyện ngắn Thâm Tâm”; “Thuốc mê”; “Gió thu hoa cúc gẫy rỗi”; “Nỗi ân hận dài”; “Tháng Ba sấm động”…
Một số tác phẩm của nhà thơ Thâm Tâm
Nhà thơ Thâm tâm tên khai sinh là Nguyễn Tuấn Trình, sinh ngày 12 tháng 05 năm 1917 tại thị xã Hải Dương (nay là thành phố Hải Dương), tỉnh Hải Dương. Ông mất ngày 18 tháng 08 năm 1950 trên đường đi công tác ở chiến khu Việt Bắc. Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật đợt II năm 2007.
Một số tác phẩm của nhà thơ Thâm Tâm
Nhà thơ Thâm Tâm là con thứ trong một gia đình nhà nho nghèo vì vậy ông phải kiếm sống bằng nhiều nghề: vẽ tranh Bờ Hồ, viết báo, làm đồ gốm và bắt đầu làm thơ.
Vợ chồng ông Nguyễn Tuấn Khoa con trai nhà thơ Thâm Tâm tham quan Bảo tàng Văn học Việt Nam

Từ những năm 1940, ông tham gia viết báo, viết văn và thường được đăng tải trên báo “Bắc Hà”, “Tiểu thuyết thứ bảy”, “Ngày nay”, “Tiểu thuyết thứ năm”, nhà sách “Tân dân” và “Truyền bá quốc ngữ”… Ông từng thử sức trên nhiều thể loại thơ, truyện, kịch, vẽ và viết cho loạt sách “Truyền bá”, nhưng thành công hơn cả vẫn là thơ. Các tác phẩm của ông: Thơ: “Tống biệt hành”; “Ngậm ngùi cố sự”; Vạn lý Trường thành”; “Chiều mưa đường số 5”; “Thơ Thâm Tâm”… Kịch: “Sương tháng Tám”; “19 – 8”; “Lối sống”; “Lá cờ máu”; “Người thợ”…Trong đó ông nổi tiếng với bài thơ “Tống biệt hành”. Thơ của ông có nhiều giọng điệu, khi buồn da diết, khi trầm hùng, bi tráng, khi reo vui… Ngoài ra, nhà thơ Thâm Tâm còn có 3 bài thơ “Gửi T.T.Kh.”, “Màu máu Tygôn”, “Dang dở”. Đây là những bài thơ tình hay nhất của ông gửi cho thi sĩ bí ẩn T.T.Kh. trong năm 1940. Trong các bài thơ, ông tự nhận là người tình cũ của T.TKh. Một số người còn cho rằng chính ông là T.T.Kh. Tuy nhiên, vẫn không ai biết chính xác là như thế nào.

Năm 1947, ông gia nhập quân đội theo chỉ thị thông tư của Bộ quốc phòng vào tháng 2 năm 1947. Thâm Tâm là người lính cầm bút trong Toà soạn báo Vệ quốc với tư cách một thư ký cho cơ quan ngôn luận của quân đội nhân dân Việt Nam. Bài thơ mà các nhà nghiên cứu cho là nổi bật về tinh thần những người bộ đội là Chiều mưa đường số 5 (1946).
Gia đình nhà thơ Thâm Tâm chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo và cán bộ Bảo tàng Văn học Việt Nam
Bảo tàng Văn học Việt Nam cảm ơn và trân quý sự ủng hộ, hiến tặng những hiện vật quý của gia đình nhà thơ, liệt sĩ Thâm Tâm cho bảo tàng.
BTVHVN