Đó là những sản phẩm, hoạt động xuất phát từ nỗ lực đổi mới của Bảo tàng Văn học Việt Nam thời gian gần đây. Tất cả không nằm ngoài mục đích để công chúng, nhất là thế hệ trẻ khi đến với Bảo tàng Văn học Việt Nam sẽ yêu thêm văn chương nước nhà, trân trọng cống hiến của những văn nhân đất Việt.

1. Bảo tàng Văn học Việt Nam (ngõ 275 Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội) hiện đang trưng bày hơn 3.454 hiện vật tiêu biểu được chọn từ 55.000 hiện vật, là những di sản quý giá chứa đựng nhiều câu chuyện về các nhà văn, nhà thơ, tinh hoa của văn chương Việt Nam.

Bước chân vào khuôn viên bảo tàng, công chúng sẽ được tham quan phần trưng bày ngoài trời, giới thiệu về văn học dân gian Việt Nam với các câu chuyện truyền thuyết, cổ tích, sử thi ngàn năm được tái hiện lại bằng các bức phù điêu gốm trang trí và hệ thống 20 tượng danh nhân văn học thời kỳ cổ-trung đại.

Công chúng tham quan trưng bày “Nhà ký ức” do Bảo tàng Văn học Việt Nam thực hiện. Ảnh: TUẤN LINH

Trưng bày trong nhà là phần chính được chia làm 3 tầng. Tầng 1 là gian khánh tiết và trưng bày “10 thế kỷ văn học cổ-trung đại Việt Nam”, với các phần trưng bày riêng về văn học thời kỳ nhà Lý, Trần, Lê, Nguyễn…; về danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu… Nhiều hiện vật quý của các danh nhân thời kỳ này như: Chiếc bàn gỗ có tuổi đời hơn 200 năm, Nguyễn Du từng ngồi viết trong thời gian 10 năm sinh sống ở quê vợ Thái Bình; bộ ván khắc của dòng họ Nguyễn Huy…

Tầng 2 trưng bày về một số nhân vật tiêu biểu đầu thế kỷ 20 như: Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Tản Đà; các nhà văn đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh được chia theo khuynh hướng hiện thực phê phán, cách mạng, lãng mạn… Nhiều hiện vật quý, ấn tượng đối với công chúng khi đến tham quan như: Bộ bàn ghế Bác Hồ tiếp Bảo Đại năm 1946; viên gạch nhà tù Lao Bảo nơi cầm tù nhà thơ Tố Hữu; chiếc batoong của nhà văn Nguyễn Tuân khắc năm và địa danh nơi ông từng đến; bộ đồ dùng chiến trường của nhà văn Phan Tứ, Nguyễn Văn Bổng…

Tầng 3 giới thiệu các nhà văn, nhà thơ đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học và nghệ thuật, nội dung giới thiệu “Những thành tựu văn học ở miền Bắc trong thời kỳ XHCN”, “Văn học trong kháng chiến chống Mỹ”, “Sự ra đời và phát triển của Hội Nhà văn Việt Nam qua các kỳ đại hội”. Các hiện vật độc đáo mà khách tham quan được chiêm ngưỡng ở tầng này như: Bộ sưu tập máy đánh chữ của các nhà văn, nhà thơ; chiếc đồng hồ của Minh Huệ dừng vào đúng thời gian nhà thơ qua đời; viên gạch khắc tên Trần Đăng được chôn cùng khi ông hy sinh ở chiến trường năm 1949…

Cảm xúc của người xem tỏ vẻ ngạc nhiên, thích thú khi dõi theo từng hiện vật, tư liệu mang lại niềm vui to lớn cho tập thể cán bộ, nhân viên Bảo tàng Văn học Việt Nam. Dù đi vào hoạt động chưa đến 10 năm, Bảo tàng Văn học Việt Nam nỗ lực từng bước trở thành nơi nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, giáo dục, truyền thông. Qua đó phát huy giá trị những tài liệu, hiện vật của các danh nhân văn học, các tác phẩm văn học tiêu biểu của Việt Nam tới công chúng trong và ngoài nước.

2. Một bảo tàng dù hiện vật có phong phú, độc đáo bao nhiêu, nếu không tích cực quảng bá, kết nối với công chúng bằng các sản phẩm, hoạt động mới mẻ thì rất dễ dẫn đến nguy cơ chỉ là nơi chứa hiện vật.

Một trong những công việc Bảo tàng Văn học Việt Nam chú trọng nhất hiện nay là bằng nhiều cách phải phát triển truyền thông tương tác với công chúng, nhất là trên không gian mạng. Rất nhiều cá nhân, cơ quan, nhất là các nhà trường, chưa biết đến Bảo tàng Văn học Việt Nam, chưa biết đến các hiện vật vô giá của văn học nước nhà mà bảo tàng đang gìn giữ. Tương tác với công chúng để có thêm công chúng đến với bảo tàng, cũng chính là Bảo tàng Văn học Việt Nam hoàn thành sứ mệnh được gửi gắm.

Muốn thu hút công chúng, Bảo tàng phải không ngừng đổi mới, bước phát triển mới đáng chú ý là “Tour du lịch văn học”-một hình thức tiếp cận với văn học qua du lịch lần đầu tiên có ở nước ta. Với thời lượng 90 phút, tổ chức vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, khách tham gia tour sẽ đến gần hơn với tác giả, câu chuyện, nhân vật thông qua một hình thức trải nghiệm nhẹ nhàng, giải trí, khám phá, cuốn hút trong một không gian đầy cảm xúc dành cho tác giả, câu chuyện, nhân vật mà mình yêu thích. Những câu chuyện, hiện vật được sống lại qua nhiều cách thể hiện của những nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học hay những người đam mê văn chương.

Ngoài những tour du lịch văn học với nhiều chủ đề khác nhau, thời gian tới, Bảo tàng Văn học Việt Nam sẽ phối hợp với các đơn vị thực hiện những chương trình du lịch chuyên đề kết nối với quê hương các tác giả, nhân vật, địa điểm nổi tiếng trong các tác phẩm bằng nhiều hình thức trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo.

Thời gian tới, bên cạnh thực hiện tốt các hoạt động, nghiệp vụ thường xuyên, Bảo tàng Văn học Việt Nam sẽ tích cực tham gia các sự kiện văn hóa, mà Chương trình “Nhà ký ức” tại Ngày thơ Việt Nam vào rằm tháng Giêng năm 2023 vừa qua là bước khởi đầu hứa hẹn. Cán bộ, nhân viên Bảo tàng Văn học Việt Nam bằng tình yêu với văn chương, khao khát lan tỏa giá trị văn học vào đời sống, luôn trăn trở để bảo tàng trở thành địa chỉ văn hóa hấp dẫn thu hút được đông đảo công chúng và là nơi thu hút, khích lệ thế hệ học sinh, sinh viên đến học tập, nghiên cứu.

 Nhà văn NGUYỄN THỊ THU HUỆ, Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam

Theo nguồn: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/nhung-hien-vat-giup-cong-chung-them-yeu-van-chuong-nuoc-nha-724591