Lễ tri ân và hiến tặng hiện vật đã diễn ra tại Bảo tàng Văn học Việt Nam, ngõ 275, Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội. Một số hiện vật tiêu biểu đã được gia đình các nhà văn và một số cá nhân thiện tâm hiến tặng cho Bảo tàng thời gian qua như tượng bán thân các nhà thơ Quang Dũng, nhà thơ Lưu Trọng Lư, nhà văn Hữu Mai, nhà văn Ngô Văn Phú; bức tranh vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Tây Bắc cũng được nhà sưu tầm, họa sĩ Hà Huy Thanh tìm kiếm từ Pháp mua về tặng cho Bảo tàng. Tất cả với hi vọng chúng có vị trí xứng đáng, được trân trọng, lưu giữ để kể những câu chuyện của mình trong không gian không thể phù hợp hơn.
Đại diện Hội Nhà văn Việt Nam và Đại diện Bảo tàng Văn học Việt Nam trao bảng ghi nhận đóng góp hiện vật cho những người hiến tặng.
Câu chuyện về sưu tầm, tìm kiếm hiện vật của những người làm bảo tàng cũng vô cùng sinh động, nhiều khi chính gia đình, người thân của các nhà văn lại không có hiện vật về họ mà những người khác lại có. Thậm chí chính người thân của các nhà văn cũng phải đi sưu tầm lại. Bà Bùi Phương Thảo, con gái nhà thơ Quang Dũng kể về hành trình tìm kiếm các hiện vật liên quan đến cuộc sống, sáng tác của cha mình. Do nhà chật nên Quang Dũng cũng không thể sắp xếp một góc sáng tác cho riêng mình. Sau những lần sơ tán, chuyển nhà, mọi thứ liên quan đến ông dần mất mát, rơi rụng không còn gì nhiều. Sau khi Quang Dũng mất, chỉ còn lại một số tranh vẽ bột màu trên giấy báo và một số bản thảo còn dang dở. Để có được những hiện vật về cha bà Thảo đã phải thu gom về từ nhiều nơi. Bà nói rằng, phía sau mỗi hiện vật là một câu chuyện. Như bức tranh “Vườn đào Nhật Tân” Quang Dũng vẽ vốn gắn với kí ức tuổi trẻ của ông. Ngôi nhà xưa của gia đình Quang Dũng ở Phùng có một cây đào trước ngõ, Quang Dũng lớn lên xa gia đình sớm, sau này trở về thì cây đào không còn nữa, nhưng nó đã đi vào kí ức của ông. Một buổi Quang Dũng đi lang thang qua chùa Bà Đá, ông gặp một cây đào rất đẹp, và ông đã tái hiện lại kí ức về cây đào trước ngõ xưa. Còn bức tranh “Bến Ngọc” thì lại lưu dấu về một địa điểm như điểm hẹn của bộ đội Tây Tiến, khi lên Tây Bắc những người lính đều dừng chân nghỉ tại đây, nó là kí ức của những người lính Tây Tiến. Sau này, thu gom, sưu tầm các hiện vật về cha, bà Thảo đã tìm được một số bức tranh lưu lạc ở nhà một vài người, bổ sung vào bộ sưu tập hiện vật về ông. Bà Thảo đã lựa chọn một số hiện vật tặng cho Bảo tàng Văn học Việt Nam. Cùng với các bức tranh, cuốn sách hồi ức của Quang Dũng in tại Nhà xuất bản Kim Đồng, từng được Giải thưởng Sách Quốc gia cũng được bà Bùi Phương Thảo hiến tặng cho Bảo tàng Văn học Việt Nam. Nổi bật trong số đó là bức tượng đồng bán thân nhà thơ Quang Dũng trong trang phục áo trấn thủ, mũ calo đặc trưng thời chống Pháp do Đại tá, nhà điêu khắc Minh Đỉnh thực hiện đã được bà Thảo và gia đình tặng cho Bảo tàng để trưng bày.
Bà Bùi Phương Thảo, con gái nhà thơ Quang Dũng tại Lễ tri ân, hiến tặng hiện vật.
Cũng tại buổi lễ tri ân và hiến tặng, nhiều thân nhân các nhà văn, nhà thơ, trong đó một số người cũng đang là các nhà văn, nhà thơ đã có những cảm nhận như nhà thơ Hoàng Việt Hằng, phu nhân của nhà văn Triệu Bôn, nhà thơ Hữu Việt, con trai nhà văn Hữu Mai, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, con gái của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú; nhà văn Nguyễn Như Phong, con trai của nhà văn Hoài An…
Nhà thơ Hoàng Việt Hằng đã gửi đến bảo tàng những bức thư của nhà văn Triệu Bôn viết trong chiến tranh, trong đó có những bức thư mực tím đã nhòe nét mực. Nổi bật trong đó là bức thư Triệu Bôn viết năm 1968 gửi gắm Tô Hoài tác phẩm nếu như ông hi sinh không trở về rất cảm động, bức thư nhỏ nhưng vừa là hiện vật, vừa là tư liệu quý. Tuy hiện vật nhỏ nhưng là duy nhất, trao chúng cho Bảo tàng Văn học Việt Nam nhà thơ Hoàng Việt Hằng thấy mình đã đặt niềm tin đúng chỗ khi các hiện vật được đón nhận trân trọng cũng như theo bà, không có nơi nào lưu giữ chúng tốt hơn ở đây.
Nhiều nhà văn, nhà thơ của thế hệ trước, sau này con cái của họ lại tiếp bước cha mẹ gánh vác những trọng trách trong Hội Nhà văn Việt Nam, tham gia vào nền văn học hiện nay như nhà thơ Hữu Việt, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ. Anh Hữu Việt hiện là Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam Khóa X, Trưởng Ban Nhà văn Trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà văn Bình Ca, tác giả Quân khu Nam Đồng cũng chính là con trai của nhà văn Hữu Mai, là anh trai nhà thơ Hữu Việt. Chị Nguyễn Thị Thu Huệ là Ủy viên Thường vụ BCH Hội Nhà văn Việt Nam, chị cũng chính là vị giám đốc Bảo tàng Văn học với nhiều nỗ lực đổi mới hoạt động, kết nối tốt hơn giữa bảo tàng với xã hội, nhất là thế hệ trẻ, để những di sản văn học được lan tỏa trong đời sống.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trước bức tượng nhà văn Hữu Mai.
Nhà thơ Hữu Việt kể về cảm xúc của anh khi đọc những dòng cha mẹ (nhà văn Hữu Mai và bà Thu vợ ông) viết chung trong một cuốn sổ, cảm thấy mọi thứ vô cùng đẹp đẽ trong giai đoạn đất nước còn nhiều gian khó và đời sống nhân dân cũng như các nhà văn còn nhiều eo hẹp. Nhà thơ Hữu Việt và gia đình hiến tặng cho Bảo tàng Văn học một số hiện vật của cha mình. Bên cạnh bức tượng bán thân bằng đồng nhà văn Hữu Mai với chiếc mũ đặc trưng ông vẫn đội khi còn sống là một số tác phẩm còn thiếu trong phần trưng bày về ông, trong đó có một bản thảo bản dịch của nhà văn Chúc Ngưỡng Tu, một nhà văn Trung Quốc, khi sang Việt Nam thì nhà văn Hữu Mai đã không còn, ông mang sang bản dịch tiếng Trung tác phẩm của Hữu Mai để tặng cho gia đình. Nhà thơ Hữu Việt chia sẻ rằng, những kỉ vật gắn với người thân là tài sản vô giá, quyết định trao đi không dễ dàng gì, mỗi hiện vật ở trong gia đình thì là tình cảm của các con đối với cha mẹ, nhưng khi đến với Bảo tàng chúng sẽ là những tư liệu văn học. Bởi thế, anh và gia đình đã quyết định trao tặng cho Bảo tàng Văn học, nơi chúng được lưu giữ trân trọng và xứng đáng.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Giám đốc Bảo tàng Văn học tại Lễ tri ân, hiến tặng hiện vật.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, từ khi còn nhỏ đã được sống thấm đẫm trong sinh quyển của văn chương “thời các cụ” nên rất hiểu những câu chuyện hậu trường sáng tác cũng như đời sống sinh hoạt, tâm tư tình cảm của các nhà văn thời kì trước, trong đó có mẹ chị, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú. Sau này, theo đuổi văn chương, viết và thành danh với truyện ngắn, chị tiếp tục con đường chữ của mẹ với nhiều thành công trong sự nghiệp. Chị nói rằng, với công việc hiện tại, được chăm lo đến phần kí ức về các nhà văn, kể những câu chuyện về tác giả, tác phẩm của nền văn học Việt Nam với chị là một cơ duyên, và cũng khiến chị cảm thấy thêm phần trách nhiệm, trước hết với chính bản thân, với gia đình mình và với những tác giả có cống hiến với nền văn học. Trăn trở của vị giám đốc Bảo tàng là khi tiếp quản công việc, tìm hiểu về một số quy ước về tiêu chí tác giả trưng bày chị nhận thấy có những bất cập, bởi nếu chỉ lựa chọn những tác giả được tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh để trưng bày thì sẽ “bỏ lọt” nhiều con người, nhiều tác giả có những đóng góp xứng đáng cho nền văn học nhưng vì lí do nào đó họ không/chưa có tên ở các giải thưởng này. Đó quả là điều đáng tiếc và chị đã có những kiến nghị để điều chỉnh cho phù hợp. Trong thời gian tiếp quản vị trí từ đầu nhiệm kì, mất một thời gian hơn hai năm đại dịch Covid-19 kéo dài, mọi hoạt động ngưng trệ, ngay khi xã hội trở lại bình thường Bảo tàng đã có nhiều hoạt động thu hút khách tham quan. Đặc biệt đã kết hợp với Sở Du lịch Hà Nội thiết lập tour Văn học, tổ chức tham quan Bảo tàng cho tầng lớp học sinh, sinh viên Thủ đô. Số lượng khách tham quan đạt đến con số 10 nghìn người. Nội dung tham quan cũng linh hoạt theo nhu cầu các đoàn. Có thể là thuyết minh giới thiệu về một giai đoạn văn học nào đấy, có thể là kể những câu chuyện về hiện vật, về cuộc đời tác giả. Đại diện Bảo tàng cho biết, tới đây sẽ xây dựng những kịch bản khác nhau cho phù hợp với từng lứa tuổi tham quan cũng như nhu cầu tìm hiểu, học tập của các đối tượng khách.
TS. Trần Phương Lan – Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương nói rằng chị có 8 năm được đồng hành cùng các hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam, trong đó có các hoạt động của Bảo tàng. Chị rất vui khi những hiện vật văn học đã lên tiếng, kể những câu chuyện của mình, không chỉ nằm trong kho lưu trữ mà còn nằm trong lòng công chúng. Những hoạt động của Bảo tàng đã khiến Hà Nội có thêm một địa chỉ văn hóa để những người yêu văn học và khách tham quan lui tới.
Lễ tri ân, hiến tặng hiện vật diễn ra trân trọng trong không gian Bảo tàng Văn học Việt Nam. Đại diện Hội Nhà văn Việt Nam và Bảo tàng cám ơn gia đình các nhà văn đã hiến tặng hiện vật.
Hiện Bảo tàng Văn học Việt Nam có khoảng 53 nghìn hiện vật, trong đó mới trưng bày giới thiệu được trên 3000 hiện vật, còn lại đang cất giữ trong các kho lưu trữ. Từ năm 2021 đến nay, bằng nhiều hình thức khác nhau, Bảo tàng Văn học Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 1000 hiện vật văn học, trong đó có nhiều hiện vật quý liên quan đến các nhà văn đã mất. Chúng sẽ được lưu giữ, bổ sung trưng bày giới thiệu đến công chúng một cách khoa học, cẩn trọng cũng như được giữ gìn bảo quản chu đáo.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam ghi nhận công lao xây dựng, kiến tạo của cá nhân nhà thơ Hữu Thỉnh và BCH Hội Nhà văn Việt Nam các khóa trước đã có ý tưởng và hiện thực hóa một Bảo tàng Văn học. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng ghi nhận những nỗ lực đổi mới của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ trên cương vị Giám đốc Bảo tàng. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhìn nhận, có người vì yêu văn học mà đến Bảo tàng, nhưng cũng có người vì đến Bảo tàng mà yêu văn học. Đại diện Hội Nhà văn Việt Nam cám ơn những nỗ lực của anh chị em làm việc tại Bảo tàng Văn học Việt Nam đã làm thay đổi quan niệm, cảm xúc về Bảo tàng bằng những hoạt động đột phá thời gian qua, khi chỉ trong hơn một năm số người ghé thăm Bảo tàng đã bằng cả mười năm trước cộng lại. Bảo tàng đã làm nên chân dung đời sống của các nhà văn, bạn đọc và các nhà văn thế hệ sau cần điều đó. Ông cho rằng, văn học phải chống lại sự vô cảm, và những gì Bảo tàng Văn học Việt Nam đang làm để chứng minh một điều rằng, những cống hiến cho văn học sẽ không bao giờ bị lãng quên, cho dù các nhà văn, các tác giả đã đi đến một chân trời nào đó.
THIỆN NGUYỄN