Sáng ngày 9.4.2023, nhà văn, thiếu tướng Khổng Minh Dụ đã tiếp đón đoàn cán bộ Bảo tàng Văn học Việt Nam tại nhà riêng ở Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội. Đây là căn nhà ông được phân khi đang công tác và cả gia đình đã gắn bó với nó được hơn 30 năm.
Câu chuyện đến với văn học của người lính tình báo Khổng Minh Dụ như thế nào đã được ông chia sẻ với chúng tôi:
“Vì mê văn chương mà lại không có sách báo đọc may quá gặp một đồng chí trên miền về mang cho tờ văn nghệ quân giải phóng mà tôi sướng lắm, đọc đi đọc lại và giữ như giữ của vì không có tạp chí hay tờ báo nào cả, tận trên R (Dương Minh Châu) mới có tờ Văn nghệ quân giải phóng. Và rồi từ đó bắt đầu tôi viết. Tôi viết trên những trang giấy pơ luya mỏng dính và còn tận dụng viết cả 2 mặt. Nhưng viết cũng không được yên vì không có chỗ nào mà viết vì quân địch đánh phá suốt. Vì hoạt động bí mật nên tôi chỉ viết rồi cất giữ, đầu tiên là viết truyện ngắn. Năm 1969 tôi cùng đoàn chuyển về Bến Tre. Cả tháng trời đoàn chúng tôi di chuyển vất vả từ khu C rừng Bời Lời – Tây Ninh phải vòng qua biên giới Campuchia – Lào qua Đồng Tháp Mười mới về được Bến Tre. Trên đường đi đến biên giới gặp đoàn quân giải phóng, vô tình nhưng hữu duyên đã được gặp nhà văn Thanh Giang quê Bến Tre. Gặp được nhà văn Thanh Giang tôi mới mạo muội đưa những bản viết tay nhờ xem giúp. Đến năm 1971, qua điện đài có đồng chí ở trên báo xuống truyện của anh được in trên tờ Văn nghệ quân Giải phóng. Tôi sướng quá. Đó là truyện “Cu Tèo và cái dàn thun”, nói về đất nước Việt Nam mình đâu chỉ có người lớn mà già trẻ trai gái đều đánh giặc. Truyện kể về một thằng bé rất khổ, có bố bị bom Mỹ giết sau đó nó tìm cách quan hệ với Mỹ để lừa lấy súng, lựu đạn…về giao cho du kích. Đây là truyện đầu tay của tôi được in trên sách báo. Tôi mừng lắm, như bắt được vàng. Nhận được tin nhưng cũng phải hơn một năm sau, đến năm 1972 tôi mới nhận được tờ Văn nghệ quân giải phóng. Anh em có đoàn về mới mang cho và trên đường mọi người cũng đã xem nát ra rồi. Và từ đây như khích lệ tôi viết tiếp và tiếp sau là cuốn “Vùng tử địa” và đây là cuốn được giải. Giải thưởng ở chiến trường lúc đó chỉ là cái đèn pin và bút kim tinh nhưng lại làm củng cố thêm niềm tin rằng tôi “viết được”. Đến Bến Tre tôi bắt đầu viết và việc gửi bài lúc đó thuận tiện hơn nên bài được đăng đều hơn.”
Bước vào phòng làm việc được sắp xếp rất gọn gàng, ngăn nắp và cẩn thận của nhà văn Khổng Minh Dụ phần nào toát lên cốt cách, tư chất của người lính, vị tướng trong lực lượng vũ trang. Cầm từng cuốn sách, kỷ vật ông kể lại những câu chuyện xưa một cách say sưa như thể mới ngày hôm qua.
(Một số hiện vật nhà văn Khổng Minh Dụ trao tặng cho Bảo tàng Văn học Việt Nam):
Trân trọng cất giữ những kỷ vật gắn bó một thời, hôm nay ông đã tin tưởng và trao tặng lại cho Bảo tàng Văn học Việt Nam để lưu giữ, bảo quản. Bảo tàng Văn học Việt Nam trân trọng cảm ơn sự tin tưởng và ủng hộ của nhà văn, thiếu tướng Khổng Minh Dụ đã tặng những hiện vật quý cho bảo tàng.
BTVHVN