Buổi sáng đầu xuân trong tiết mưa phùn, chúng tôi những cán bộ Bảo tàng Văn học Việt Nam rất vui được gặp và trò chuyện với nhà văn Nguyễn Trí Huân tại tư gia của ông ngõ 23 Lý Nam Đế, Hà Nội.
Nhà văn Nguyễn Trí Huân sinh năm 1947, là một trong những nhà văn thuộc thế hệ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Có lẽ chính vì vậy mà đề tài nhà văn lựa chọn chủ yếu là đề tài chiến tranh.
Tên tuổi của nhà văn Nguyễn Trí Huân bắt đầu được biết đến sau năm 1975 với tiểu thuyết “Năm 75 họ đã sống như thế” và nhanh chóng được độc giả đón nhận. Cũng từ đây, các tác phẩm của ông đã góp phần làm phong phú dòng văn học chiến tranh ở Việt Nam. Nhận định về giai đoạn này, nhà phê bình Bùi Việt Thắng viết: “Có thể coi văn học 1975 – 1984 là một chặng đường của tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng. Càng lùi xa sự kiện thì tầm nhìn của nhà văn càng rộng”…
Sau chiến tranh, nhà văn Nguyễn Trí Huân được giao đảm nhiệm những cương vị như: Tổng biên tập Báo văn nghệ quân đội, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập báo Văn nghệ; Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm…Ông chia sẻ: “Các nhà văn khác họ viết liên tục còn tôi đứt đoạn 20 năm không viết do bận với các công tác quản lý. Nhưng cũng chính vì vậy nên khi viết lại cũng có khá nhiều điều để viết”.
Tác phẩm “Bất chợt mai vàng” là cuốn sách mới ra mắt của nhà văn Nguyễn Trí Huân sau gần 20 năm đứt đoạn ấy. Vẫn xoay quanh đề tài chiến tranh nhưng qua tác phẩm “Bất chợt mai vàng” nhà văn muốn gửi đến cho độc giả thông điệp: “Cuộc đời con người có đúng có sai, có lỗi lầm. Có những lỗi lầm sửa chữa được nhưng có những lỗi lầm cả đời sẽ không sửa chữa được” cùng những góc nhìn mới, ánh sáng mới về cuộc chiến.
Nhà văn Nguyễn Trí Huân chia sẻ: “Tôi rất băn khoăn vì văn học hiện nay rất ít được quan tâm. Một cuốn sách ngày trước in ra được độc giả tìm đọc, truyền nhau đọc. Nhưng hiện giờ độc giả có ít thời gian và lại nhiều thông tin để chọn lựa. Vì vậy khi cầm bút viết lại cũng rất nản. Các nhà văn hiện giờ phải làm thế nào để tìm lại được độc giả của mình, những độc giả đã mất. Nhiệm vụ của các nhà văn hiện nay phải đổi mới, văn học phải đổi mới thì mới có thể chạm được đến độc giả. Tôi luôn có khao khát văn học đến với người đọc trước hết là vào tim của họ, lay chuyển, chuyển động được họ sau đó mới chuyển động được họ trong ý thức về một điều gì đó.”
Chia sẻ thêm về cuốn sách “Bất chợt mai vàng” nhà văn Nguyễn Trí Huân cho biết rất mừng khi nhận được những hiệu ứng tốt của nó. Mọi người sau khi đọc đã ủng hộ cái nhìn và đánh giá về cuộc chiến của tác giả.
Xin chúc mừng nhà văn Nguyễn Trí Huân với những thành công của tác phẩm “Bất chợt mai vàng” và chúc nhà văn thật nhiều sức khỏe để tiếp tục công việc sáng tác.
BTVHVN