Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn với những tiểu thuyết mang hơi thở thời đại Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, sinh ngày 24 tháng 2 năm 1941 tại Nam Định, nguyên quán xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Cái tên gọi Nguyễn Công Bác, là do cha mẹ đặt cho Nguyễn Bắc Sơn vì một sự kiện không bao giờ quên. Nửa cuối năm 1950, ông được người anh ruột rủ tham gia đoàn nghệ thuật thiếu nhi do Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước thành lập, mà anh tham gia từ năm 1947. Do yêu cầu bảo mật của tổ chức, các thành viên trong đoàn ai cũng phải có bí danh nên ông được đặt là Nguyễn Bắc Sơn. Từ đó ông mang tên gọi này và cũng là tên thường gọi, rồi lấy đó làm bút danh.
Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn
Cuối năm 1954, khi mới mười ba tuổi dám lái một cái bè từ Vĩnh Chân, Hạ Hòa, Phú Thọ về Hà Nội, năm 1960 theo học khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tốt nghiệp năm 1962 sau đó đi dạy học. Đầu năm 1972, ông lên đường nhập ngũ và phục vụ trong quân đội, sau hai năm trở về lại tiếp tục nghề gõ đầu trẻ. Ông làm công tác quản lý giáo dục, quản lý báo chí xuất bản cho đến lúc nghỉ hưu mới đi làm báo. Ông từng giữ chức Phó tổng biên tập tạp chí Thế giới trong ta. Phó Chủ tịch Diễn đàn Nhà báo Môi trường Việt Nam.
Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn năm nay ngoài tám mươi tuổi, với mái tóc bạc trắng như cước, giọng nói ấm áp, nhẹ nhàng, truyền cảm và rất minh mẫn. Ông có một nghị lực mạnh mẽ cùng với sức viết bền bỉ, cho dù xã hội hiện nay công nghệ thông tin ngày càng phát triển, với nhiều máy móc và công cụ hỗ trợ hiện đại cho con người, nhưng Nhà văn vẫn viết tay với các tập bản thảo tiểu thuyết dày. Ông sống rất giản dị, tiết kiệm, không thạo máy tính cho nên ông viết những tác phẩm bút ký, truyện ngắn hay tiểu thuyết đều trên giấy một mặt đã dùng rồi. Nhiều trang bản thảo : “ Luật đời & cha con”; “ Lửa đắng”; “ Gã Tép Riu” được ông viết vào mặt sau tờ giấy mời họp hay giấy tờ tài liệu khác và Nhà văn đã trao tặng cho Bảo tàng Văn học Việt Nam để trưng bày giới thiệu đến độc giả yêu văn học.
Những trang bản thảo viết trên giấy một mặt của Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn
Những bộ tiểu thuyết của Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn chủ yếu khai thác tính luận đề xã hội và đời sống chính trị. “Luật đời & cha con” tuy viết muộn, nhưng đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay phản ánh toàn bộ xã hội từ thời cải cách ruộng đất và bao cấp cho đến thời kỳ đổi mới. Trong đó có rất nhiều kịch tính về đời sống công viên chức, sự quản lý nhân sự ở địa phương, rồi đến sự xung đột của các thế hệ sống cùng chung một gia đình. Còn “Lửa đắng”, đặt ra vấn đề cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng để quản trị đất nước cho hiệu quả hơn.
Bản thảo tiểu thuyết Gã Tép riu của Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn
Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn tuy tuổi đã cao, nhưng với nghị lực sống và sáng tác văn học bền bỉ không ngừng, ông đã xuất bản 5 bộ tiểu thuyết và nhiều tập truyện ngắn, bút ký, tiểu luận và những bài báo như: “Thực hư” (tập truyện ngắn, 1998); “Hoa lộc vừng” (tập bút ký, 1999); “Người dẫn đường trời” ( tập bút ký,1999); “Tản mạn với nghề cầm phấn và cầm bút” (tập tiểu luận và những bài báo, 1999); “Tản mạn với văn hóa thông tin” (tập tiểu luận và những bài báo,1999); “Hồng Hà ơi” (tập bút ký, 2000); “Quyền được không yêu” (tập truyện ngắn, 2002); “Người đàn ông quỳ” (tập truyện ngắn, 2002); “Đi mây về gió” (tập bút ký,2002); “Đá dậy thì” (tập bút ký,2003); “Luật đời” (tập truyện vừa và ngắn,2004); “Luật đời và cha con” (tiểu thuyết, 2005); “Lửa đắng” (tiểu thuyết,2008); “Truyện ngắn Nguyễn Bắc Sơn” (2010); “Người trong tôi”, “Gót thời gian” (tập bút ký,2010); “Gã Tép Riu” (tiểu thuyết,2013); “Chúng ta đến với nhau” (ký,2015); “Vỡ vụn” (tiểu thuyết,2017); “Cuộc vuông tròn” (tiểu thuyết,2019); “Lính tăng” (tiểu thuyết, 2019); “Võ Đại tướng với Điện Biên Phủ” NXB Quân đội nhân dân, 2019; “Đoàn thiếu nhi nghệ thuật do Bác Hồ đặt tên” (ký, 2020); và không biết có phải hồi ký “Bẩy nổi ba chìm” NXB Đà Nẵng, 2022 là cuốn cuối cùng không. Nhưng phần kết có một câu đầy cảm khái: “Người ta tiền tỷ trong Ngân hàng Quốc gia “chú” chỉ có 25 cuốn sách trong Thư viện Quốc gia thôi“
Những trang bản thảo viết trên giấy một mặt của Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn
Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn đã nhận được rất nhiều giải thưởng: Giải C bút ký, Bộ Giao thông vận tải và Hội Nhà văn Việt Nam. Hai giải nhất, giải nhì, bút ký viết về Thăng Long, Hà Nội – báo Hà Nội Mới. Tặng thưởng của Nxb Thanh niên cho cuốn “Luật đời” (2004); Giải thưởng Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho tiểu thuyết “Luật đời và cha con” (2005) đã dựng thành phim truyền hình nhiều tập được khán giả bình chọn phim hay năm 2007. Năm 2023, ông còn được giải thưởng văn học Sông Mê Kông với tiểu thuyết “Lính tăng”. Đặc biệt nhất là tiểu thuyết “Lửa đắng” – tác phẩm được ghi nhận với Giải thưởng Nhà nước về Văn học & Nghệ thuật tháng 5 năm 2023.
Nguyễn Thái Sơn