Nhà văn Lê Phương Liên: “Hãy sống tốt và trải nghiệm sâu sắc trước khi cầm bút…”

Bảo tàng Văn học Việt Nam vừa tiếp nhận các hiện vật về văn học thiếu nhi do nhà văn Lê Phương Liên trao tặng. Báo Phụ nữ TPHCM có buổi trò chuyện cùng nhà văn về những ký ức của một thời.
Phóng viên: Thưa nhà văn Lê Phương Liên, khi nhìn lại những hiện vật vừa được trao tặng cho Bảo tàng Văn học Việt Nam, cảm xúc của bà thế nào?
Nhà văn Lê Phương Liên: Đó đều là những kỷ vật tôi đã lưu giữ hàng chục năm, qua mấy lần chuyển nơi ở, bao phen ngồi chọn lọc giữ lại cái gì, bỏ đi cái gì. Những tấm ảnh, những cuốn sách, những tư liệu đã gắn bó với cuộc đời tôi, bắt đầu từ khi cầm bút viết cuốn Những tia nắng đầu tiên (cách đây hơn 50 năm). Không thể nói hết được những cảm xúc lưu luyến khi chia tay các kỷ vật đó. Nhưng rồi, tôi nghĩ trước sau sẽ đến ngày tôi từ giã tất cả. Tôi gửi đến Bảo tàng Văn học, đó là nơi lưu giữ tốt nhất các kỷ vật gắn liền với sự nghiệp sáng tác của tôi.
Nhà văn Lê Phương Liên (thứ hai, từ trái sang) trao tặng bức ảnh kỷ niệm khóa 7 – Trường Bồi dưỡng những người viết văn trẻ cho Bảo tàng Văn học Việt Nam – Ảnh: Nhân vật cung cấp
* Trong số đó, những hiện vật nào để lại trong lòng bà kỷ niệm đặc biệt nhất?
– Kỷ vật nào đối với tôi cũng đều gắn bó như máu thịt. Tuy vậy, quý nhất vẫn là 2 cuốn sách đầu tiên của tôi. Cả hai cuốn này tôi đều viết tay bằng bút mực, dưới ánh đèn dầu, ở làng quê. Cuốn Những tia nắng đầu tiên viết vào mùa hè năm 1970, khi đó tôi mới 19 tuổi, vừa học xong năm thứ hai Trường Sư phạm Hà Nội. Tác phẩm được Nhà xuất bản Kim Đồng in năm 1971, với số lượng 25.300 bản in. Cuốn sách ấy là hình ảnh tuổi học trò của tôi.
Còn Khi mùa xuân đến được viết vào mùa hè năm 1972, khi tôi đã là giáo viên trường cấp II Yên Sở (Thanh Trì, Hà Nội). Không gian truyện mở rộng trong khung cảnh đồng quê xanh tươi bát ngát. Tuổi thiếu niên lớn lên trong thời chiến, đi học trong gian khổ, luôn phải sống trong cảm giác đe dọa của đạn bom. Tác phẩm này cũng do Nhà xuất bản Kim Đồng in với 30.300 bản in, phát hành năm 1973. Sau này tôi có vẽ thêm 4 bức tranh mô tả cảnh đi học thời chiến (1965-1968). Những kỷ niệm thời thơ ấu ấy sống mãi trong lòng tôi cho đến bây giờ.
* “Nhà văn viết cho thiếu nhi” – danh hiệu ấy có lẽ là niềm vui và cũng là trách nhiệm của người cầm bút. Nhìn lại, những “món quà” quý giá nhất với bà là gì?
– Danh hiệu “Nhà văn viết cho thiếu nhi” đến với tôi từ cuốn sách đầu tiên. Tôi đón nhận điều ấy tự nhiên, không cảm thấy có gì đặc biệt. Giống như trong vườn hoa văn học Việt Nam, tôi yên tâm ở khóm hoa “văn học thiếu nhi”. Có khi người ta coi văn học thiếu nhi như một khóm “cỏ tóc tiên” làm “đường viền” cho các loại hoa rực rỡ khác đua nở. Ngay cả lúc ấy, tôi cũng rất vững tâm tự nhủ: “Tôi sẽ làm một cây cỏ tóc tiên xanh tốt suốt đời”. Món quà quý giá nhất của đời tôi chính là tình cảm của bạn đọc, không chỉ khi các em còn nhỏ, mà tận 40-50 năm sau, những bạn đọc ấy vẫn yêu quý và nhớ từng chi tiết trong cuốn sách tôi viết. Trong những bạn đọc ấy có những người bây giờ nổi tiếng, có địa vị quan trọng trong xã hội. Đó chính là những phần thưởng cao quý nhất với tôi.
Các tác phẩm đầu tay của nhà văn Lê Phương Liên được in cách đây hơn nửa thế kỷ
* Có hay không niềm tiếc nuối về những gì bản thân muốn viết/chưa viết cho trẻ nhỏ trong năm tháng qua, thưa bà?
– Mùa hè năm 1972, tôi đã viết câu cuối cùng của cuốn Khi mùa xuân đến: “Sự thật hay hơn tất cả những điều mà tôi đã viết ra”. Có nghĩa là ngay từ khi ấy tôi đã tự hiểu rằng bút lực của tôi còn hạn chế, còn chưa chạm đến được những điều kỳ diệu của tuổi thơ. Về sau tôi đã cố gắng vượt qua sự hạn chế của mình để viết cho thiếu nhi với nhiều tưởng tượng vượt lên đời thường như các truyện: Chim Lạc Việt trở về, Cô bé Ốc sên, Hoa nở chậm… (in trong tập Câu hỏi trẻ thơ, Nhà xuất bản Kim Đồng, 2020). Tuy vậy tôi tự biết rằng thế hệ cầm bút chúng tôi những năm 1970 ở miền Bắc có những hạn chế của lịch sử. Thời ấy rất nhiều bạn bè bằng tuổi tôi là thanh niên xung phong đi đắp đường cho xe ra tiền tuyến.
Năm 1968 tôi vào học Trường Sư phạm Hà Nội, có thầy giáo đã nói với chúng tôi: “Có nhiều em ngồi ở đây nếu được học cao lên thì sẽ có thể trở thành các nhà khoa học. Nhưng, Nhà nước đưa các em đi học sư phạm để trở thành thầy giáo, cô giáo bởi vì các em phải chuẩn bị cho tương lai của đất nước Việt Nam 10 năm, 100 năm nữa. Các em là thế hệ đắp đường”.
Tôi đã ý thức được mình thuộc “thế hệ đắp đường” từ khi viết tác phẩm đầu tiên, bởi thế tôi không còn điều gì tiếc nuối về những gì mình đã không đủ khả năng để thể hiện khi đó. Tôi nghĩ thế hệ sau sẽ hơn chúng tôi ngày ấy, sẽ làm được những điều mà chúng tôi ước mơ. Sự thật ngày hôm nay đã chứng minh suy nghĩ ấy của tôi là đúng. Tất cả những gì tôi còn muốn viết hôm nay là để trợ giúp cho thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về quá khứ lịch sử dân tộc Việt Nam, để bồi đắp cho con người hôm nay phần hồn cốt ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam.
* Luôn theo dõi sự vận động, phát triển của văn học thiếu nhi qua nhiều thập niên, bà kỳ vọng/gửi gắm gì đối với lực lượng viết cho trẻ nhỏ hôm nay?
– Tôi tin chắc rằng, lực lượng viết cho trẻ em hôm nay sẽ tạo ra nhiều thế giới kỳ ảo hơn những người cầm bút cũ. Tôi chỉ có một lời khuyên: hãy sống tốt đẹp, hãy trải nghiệm sâu sắc cuộc đời trước khi cầm bút viết. Là người lương thiện, trung thực thì mới có thể viết ra các tác phẩm chân – thiện – mỹ. Nhân cách của người viết sẽ hiện hình lên câu chữ và tạo ra giá trị của tác phẩm.
* Xin cảm ơn bà.

Ngày ấy, mỗi tác phẩm in hàng chục ngàn bản

* Hơn nửa thế kỷ của văn học thiếu nhi Việt Nam, nhìn lại, bà thấy tiến trình ấy như thế nào?

Nhà văn Lê Phương Liên: Đánh dấu cho văn học thiếu nhi bằng chữ Quốc ngữ có lẽ phải kể đến tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài, ra đời năm 1941; với thơ là các tác phẩm Gà mái hoa (Võ Quảng), Chú bò tìm bạn (Phạm Hổ). Nhìn lại thấy những tên tuổi của văn học thiếu nhi: Đoàn Giỏi, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Kiên, Vũ Tú Nam, Trần Hoài Dương, Định Hải, Phong Thu, Hà Ân, Xuân Sách…

Các nhà thơ nữ Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn bên cạnh việc viết thơ tình cho người lớn đều làm thơ cho thiếu nhi: Làm anh, Tuổi ngựa, Con yêu mẹ, Bầu trời trong quả trứng… Sách thời đó có số lượng phát hành 25.000-30.000 bản là bình thường. Nhà thơ Trần Đăng Khoa – “thần đồng thơ” có tập thơ Góc sân và khoảng trời với số lượng lên tới 50.000 bản. Có lẽ thời ấy do chưa có ti vi, phim ảnh sân khấu rất hạn chế, nên sách là người bạn thân thiết của cả trẻ em và người lớn. Số lượng các tác giả viết cho thiếu nhi thuở đó chưa đến 50 người, tuy vậy chất lượng tác phẩm tốt đồng đều. Nhiều tác giả nổi tiếng chuyên viết cho người lớn vẫn quan tâm viết cho thiếu nhi đã có những tác phẩm để đời như Nguyễn Đình Thi với Cái Tết của mèo con, Huy Cận với Hai bàn tay em, Kim Lân với Anh chàng hiệp sĩ gỗ và Ông Cản Ngũ… 

Sau năm 1975, phong trào sáng tác cho thiếu nhi mở rộng ở phía Nam. Một số các nhà văn miền Bắc di chuyển vào miền Nam như Thy Ngọc, Trần Hoài Dương, Cửu Thọ, Cao Xuân Sơn, Trần Đức Tiến… đã hòa nhập với không khí văn học phương Nam tạo nên sự phát triển sách, báo văn học cho thiếu nhi ở phía Nam.

Bùi Tiểu Quyên (thực hiện)