Nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự trao tặng hiện vật cho Bảo tàng Văn học Việt Nam

Sáng nay, 17.6.2023 đoàn cán bộ Bảo tàng Văn học Việt Nam có dịp gặp gỡ và trò chuyện với nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự tại tư gia của ông nằm trong con ngõ nhỏ trên con phố Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội.

             Hai tập sách mới xuất bản của nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự

Với sự tin tưởng và luôn ủng hộ bảo tàng trong việc xây dựng kho tư liệu hiện vật của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam ông đã trao tặng cho cán bộ bảo tàng các tập sách mới xuất bản “Lê Bá Thự tác phẩm và dư luận”, “Lê Bá Thự tiểu luận và phê bình văn học” và tập bản thảo ông đánh máy dịch tác phẩm văn học Ba Lan được hoàn thành năm 1991 để bảo tàng lưu giữ và trưng bày.

Tập bản thảo đánh máy của nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự từ những năm 1991

Nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự là người yêu văn học, học giỏi môn Văn ngay từ thủa nhỏ. Mỗi bài văn của ông ở trường đều đạt điểm tối đa và được đọc mẫu trên lớp. Đầu những năm 60 ông là gương mặt đại diện của trường cấp 3 Lam Sơn, Thanh Hóa cử đi thi học sinh giỏi Văn các cấp. Khi học hết cấp 3, với niềm đam mê văn học, ông quyết định thi vào khoa Văn ở trường Đại học Tổng hợp và đỗ vào ngôi trường mà mình mong ước. Tuy nhiên lúc đó ông lại trong danh sách cử đi học ở nước ngoài nên ông không theo học tại khoa Văn trường Tổng hợp Hà Nội nữa. Thế nhưng với một số lý do của tình hình thế giới lúc bấy giờ ông lại được cử đi học ở Ba Lan chuyên ngành khoa học tự nhiên thay vì ngành xã hội yêu thích của mình. Nhưng là người sáng dạ nên dù ở lĩnh vực nào ông cũng phát huy được tài năng của mình. Sau 7 năm học tại Đại học Bách khoa Warszawa, tốt nghiệp với tấm bằng thạc sỹ về nước ông tham gia giảng dạy tại trường Mỏ Địa chất rồi chuyển qua Bộ Ngoại giao. Trong nhiều năm công tác tại Bộ Ngoại giao, năm 1996 -2000 ông được cử sang làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Ba Lan với cương vị Bí thư thứ nhất Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Năm 2002, ông nghỉ hưu và bắt đầu chuyên tâm với văn học dịch, đặc biệt dịch những tác phẩm văn học Ba Lan. Nhiều năm sinh sống, công tác tại Ba Lan một đất nước nhỏ bé với hơn 40 triệu dân nhưng với ông đây lại là cường quốc về văn học với 5 nhà văn, nhà thơ được giải Nobel. Ông bắt tay dịch những tác phẩm văn học Ba Lan ông yêu thích thứ nhất để thỏa mãn niềm đam mê văn học mà lúc trẻ ông chưa theo đuổi được, thứ hai là để thưởng thức những giá trị, tài năng văn học tầm cỡ Thế giới của Ba Lan và mang những giá trị văn học của đất nước Ba Lan đến với người Việt Nam. Với sự hăng say, đam mê ấy mà đều đặn mỗi năm độc giả lại được thưởng thức một đến hai tác phẩm dịch của tác giả Lê Bá Thự. Trong số các tác phẩm xuất bản của ông có những tác phẩm được bạn đọc yêu thích và các nhà xuất bản đã tái bản nhiều lần. Đến nay ông đã là tác giả của trên 30 bộ sách dịch, trong đó có 11 tiểu thuyết, 6 tập truyện ngắn, 4 tập truyện cười, 3 tập sách thiếu nhi và 1 tập thơ…). Ngoài ra, ông còn viết tiểu luận phê bình và sáng tác thơ, đặc biệt bài thơ “Hoa Giẻ” được nhạc sĩ Nguyễn Tiến phổ nhạc và ca sĩ Quang Linh thể hiện với chất dân gian rất hay. Cuốn tự truyện “Tôi và làng tôi” được ông gọi đó là “hồi ức” vì tác phẩm đã kể về tuổi thơ của ông thời xưa bé ở Làng Nguyệt Lãng, Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa và đây cũng là tác phẩm được nhiều nhà văn dành nhiều đánh giá, nhận xét rất tích cực. Gần đây nhất dịch giả, nhà văn Lê Bá Thự xuất bản 2 tập “Lê Bá Thự tác phẩm và dư luận” và “Lê Bá Thự tiểu luận và phê bình văn học”.

Nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự từng hai lần được nhận Huân chương Công trạng Cộng hòa Ba Lan do Tổng thống Ba Lan trao tặng năm 2012 và 2017 do những cống hiến xuất sắc của ông trong lĩnh vực văn hóa giữa hai nước. Trong ngôi nhà xinh xắn của ông, ngay chính giữa phòng khách, ông treo trang trọng bức ảnh Tổng thống Cộng hòa Ba Lan Andrzej Duda trao Huân chương Công trạng cho mình.

Nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự đã được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội về dịch thuật, dành cho các bản dịch tiểu thuyết “Quà của Chúa” của nhà văn Dorota Terakowska (năm 2010), và “Hi vọng” của nhà văn Katarzyna Michalak (năm 2014). Nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự từng là Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII và IX.

Ngoài ra, ông còn giành được một số giải thưởng khác, như: Giải thưởng cuộc thi thơ của báo Người Hà Nội (1999 – 2000), Giải thưởng cuộc thi viết của báo Tiền Phong (năm 2002); Giải Nhì cuộc thi viết “Ký ức Tết trong tôi” do báo Nông thôn Ngày nay tổ chức (năm 2020)…

BTVHVN