Nhà thơ Phạm Đình Ân tặng hiện vật cho Bảo tàng Văn học Việt Nam

Ngày 12.7.2024, cán bộ Bảo tàng Văn học Việt Nam đã có buổi gặp gỡ nhà thơ Phạm Đình Ân tại trụ sở Báo Văn nghệ – 17 Trần Quốc Toản, Hà Nội để nhận hiện vật của ông trao tặng cho bảo tàng.
Nhà thơ Phạm Đình Ân trao tặng hiện vật cho BTVHVN

Ông chia sẻ: “Yêu văn chương từ nhỏ nhưng thời gian công tác tại Báo Nhân dân là khoảng thời gian tôi bắt đầu chăm chú vào nghiệp thơ văn và tôi cũng đăng ký tham gia lớp viết văn trẻ tại Quảng Bá (nay là Bảo tàng Văn học Việt Nam) khóa V. Vào những năm 1972-1973 khi xảy ra chiến tranh phá hoại, chống Mỹ ác liệt, tôi đã vào vùng nóng nhất là chiến trường Vĩnh Linh, Quảng Bình và sau đó đã viết tác phẩm “Đi dọc miền Trung”. Tác phẩm của tôi không nói về chiến tranh khốc liệt mà nói về hậu phương và những dư âm gian khó hào hùng của dân tộc và đây được coi là mốc đánh dấu chuyển biến lớn của tôi. Năm 1980 sau khi chuyển sang báo Văn nghệ tôi sáng tác nhiều hơn. Đặc biệt tập thơ “Vòng quay” của tôi được nhà thơ Vũ Quần Phương đánh giá “bước đột biến của Phạm Đình Ân” và đây cũng được coi là mốc đánh dấu bước ngoặt nữa của tôi từ đó. Thời gian sau này tôi dành nhiều tâm huyết viết cho thiếu nhi và một số tác phẩm đã được sử dụng làm ngữ liệu trong chương trình giảng dạy phổ thông như: “Sao chổi”, “Quà của bố”… đây là một ham mê của tôi và ở thể loại sáng tác này tôi đã đạt nhiều thành tựu.

Tập thơ của nhà thơ Phạm Đình Ân

Là nhà thơ, tôi rất muốn gửi tặng bảo tàng những kỷ vật, bản thảo của mình cùng những bút tích của các nhà văn khác. Hôm nay, tôi rất yên tâm, tin tưởng trao tặng hiện vật của mình cho Bảo tàng Văn học Việt Nam. Với tôi, đây là một bảo tàng rất quan trọng dành riêng cho văn chương, văn học. Mỗi khi đặt chân đến mảnh đất thiêng liêng này tôi lại bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa. Tôi sẽ tìm thêm các hiện vật để gửi tặng bảo tàng trong thời gian tới.”

Tác phẩm của nhà thơ Phạm Đình Ân

Nhà thơ Phạm Đình Ân sinh ngày 2/10/1946, nguyên quán Nam Định và có nhiều năm sống ở Thanh Hoá. Yêu văn chương ngay từ khi là học sinh phổ thông vì vậy ông đã có những tác phẩm được in trên báo Tết văn nghệ rất sớm (1968). Ông là tác giả thơ trữ tình, phê bình văn học, thơ văn dành cho thiếu nhi… lĩnh vực nào ông cũng có đóng góp. Riêng viết cho thiếu nhi, ông là một tác giả nổi trội, bền bỉ sáng tác suốt gần 50 năm qua và đạt nhiều thành tựu. Từ 1969 đến 1979 ông là phóng viên – biên tập viên báo Nhân dân; từ 1980 đến nay là phóng viên – biên tập viên báo Văn nghệ. Một số tác phẩm của ông: “Chim khen bé ngoan”; “Trăng của bé”; “Sao Hôm, sao Mai”; “Tuyển tập thơ viết cho thiếu nhi”; “Nắng xối đỉnh đầu”; “Những hoàng hôn ngẫu nhiên”; “Văn học cho thiếu nhi”; “Tắc kè hoa”…

Bảo tàng Văn học Việt Nam trân trọng cảm ơn nhà thơ Phạm Đình Ân đã luôn ủng hộ, tin tưởng và trao tặng hiện vật cho bảo tàng.
BTVHVN