NHÀ THƠ HOÀNG TRUNG THÔNG – CÂU CHUYỆN VỀ NGƯỜI CHA

Ngày 19 tháng 5 năm 2023, nhà thơ Hoàng Trung Thông (Bút danh: Đặc Công, Bút Châm) (1925 – 1993) đã được Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học & Nghệ thuật.

Ông sinh ra ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Thuở nhỏ, nhà thơ Hoàng Trung Thông theo học chữ Hán tại quê nhà và được coi như một “thần đồng”, nổi tiếng khắp vùng. Năm 12 tuổi, ông theo học trường Quốc Học Vinh. Ông sớm thoát ly tham gia cách mạng trong phong trào Việt Minh từ khi còn là học sinh tại Nghệ An.

Từ 1945 cho đến cuối đời, bên cạnh sáng tác thi ca và nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, viết thư pháp, ông đảm nhiệm các chức trách quan trọng như cán bộ văn nghệ của khu ủy Liên khu IV, tỉnh ủy viên tỉnh ủy Nghệ An, Ủy viên Tiểu ban Văn nghệ Trung ương; Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ thuộc Hội Văn nghệ Việt Nam; Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, Vụ trưởng Vụ Văn nghệ Ban Tuyên huấn Trung ương, Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Đảng Đoàn Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam (khoá II), Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khoá III), Viện trưởng Viện Văn học, Tổng biên tập tạp chí Văn học.

Ông nổi tiếng với các tác phẩm: “Đường chúng ta đi”, “Những cánh buồm”, “Đầu sóng”, “Tiếng thơ không dứt”, “Những chặng đường mới của văn học chúng ta”, “Cuộc sống thơ và thơ và cuộc sống”, “Những người bạn thân”, “Oke cuốn gói”… Ghi nhận, những công lao đóng góp của nhà thơ Hoàng Trung Thông với sự nghiệp văn hóa, văn học dân tộc. Nhà nước đã truy tặng cho nhà thơ Giải thưởng Nhà nước về Văn học & Nghệ thuật đợt I, năm 2001 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học & Nghệ thuật đợt VI.

Trong dịp này, bà Hoàng Thị Bích Hà (con gái nhà thơ) đã tặng cho Bảo tàng 18 tài liệu, hiện vật. Trong số hiện vật trên có còn rất nhiều hiện vật quý như: chiếc bát men rạn cổ, nghiên mực, gạt tàn thuốc lá bằng đồng, cốc uống nước, kỷ niệm chương, huân huy chương…

Ảnh: Huân chương, huy chương, kỹ niệm chương của Nhà thơ Hoàng Trung Thông.

Tiếp đoàn trong chính căn phòng nhà thơ Hoàng Trung Thông đã từng sống từ những năm 1956 đến khi mất ( năm 1993), bà Bích Hà xúc động kể lại cho chúng tôi những câu chuyện về cuộc sống đời thường của nhà thơ và tình cảm của gia đình, bạn bè. “Khi còn sống nhà thơ Hoàng Trung Thông chơi rất thân với nhà thơ Xuân Diệu, Chế Lan Viên, nhà văn hóa Hữu Ngọc, họ hay đến nhà chơi và tặng sách cho nhà thơ. Ông cũng rất giỏi chữ Hán và rất hay viết thư pháp, mỗi lần viết bà Hà lại là người mài mực cho bố. Viết xong nhà thơ, thường tặng bạn bè và con cái, nhưng do thời gian nên hiện nay những bức thư pháp của nhà thơ không còn lưu giữ được nhiều.

Ảnh: Chiếc nghiên mài mực của Nhà thơ Hoàng Trung Thông

Ngoài ra, nhà thơ Hoàng Trung Thông còn có sở thích chơi cổ vật, ông từng sưu tầm được nhiều đồ quý, nhưng trong thời kỳ bao cấp, những lúc gặp khó khăn gia đình phải bán bớt đi để lấy tiền sinh hoạt. Cũng trong thời kỳ khó khăn đó, lúc này nhà thơ lớn tuổi rất thích ăn hoa quả, nhưng không mua được nhiều, mỗi lần mua được gia đình thường nhường phần cho ông. Những lúc như vậy nhà thơ thường hay nói “Ơ! Cái nhà này hay thật, chẳng ai thích ăn hoa quả, có mỗi mình thích ăn”, có lần để ông vui, cả nhà chỉ dám ăn phần nhỏ nhất”.

Ảnh: Chiếc bát men rạn cổ được Nhà thơ Hoàng Trung Thông sưu tầm

Trong số 4 tác phẩm: “Đường chúng ta đi” (1960), “Những cánh buồm” (1964), “Đầu sóng” (1968), “Tiếng thơ không dứt” (1989) được Nhà nước xét giải thưởng Hồ Chí Minh, tập thơ “Những cánh buồm” gồm 17 bài thơ do NXB Văn học, Hà Nội phát hành năm 1964 được xem là ấn tượng nhất với nhiều thế hệ độc giả trẻ.

​Bài thơ chủ đề “Những cánh buồm” ca ngợi tình cảm cha con sâu sắc bền chặt. Niềm tự hào của cha khi con mình cũng có những mơ ước cao đẹp. Những ước mơ làm cho cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn. Bài thơ đã được đưa vào chương trình sách giáo khoa giảng dạy cho học sinh – sinh viên nhiều năm liền.

​ Để tưởng nhớ về nhà thơ Hoàng Trung Thông, xin được gửi tặng các bạn bài thơ “Những cánh buồm” nổi tiếng của ông.

Hai cha con bước đi trên cát

Ánh mặt trời rực rỡ biển xanh

Bóng cha dài lênh khênh

Bóng con tròn chắc nịch,

Sau trận mưa đêm rả rích

Cát càng mịn, biển càng trong

Cha dắt con đi dưới ánh mai hồng

Nghe con bước, lòng vui phơi phới.

Con bỗng lắc tay cha khẽ hỏi:

“Cha ơi, sao xa kia chỉ thấy nước thấy trời,

Không thấy nhà, không thấy cây, không thấy người ở đó?”

Cha mỉm cười xoa đầu con nhỏ:

“Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa,

Sẽ có cây, có cửa, có nhà

Vẫn là đất nước của ta

Ở nơi đó cha chưa hề đi đến.”

Cha lại dắt con đi trên cát mịn,

Ánh nắng chảy đầy vai

Cha trầm ngâm nhìn mãi cuối chân trời

Con lại trỏ cánh buồm xa hỏi khẽ:

“Cha mượn cho con cánh buồm trắng nhé,

Để con đi!”

Lời của con hay tiếng sóng thầm thì

Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm

Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận

Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con.

Chu Thị Hòa