Nền văn học đa tộc người giàu bản sắc sau ngày đất nước thống nhất

Bảo tàng Văn học Việt Nam trân trọng giới thiệu bài tham luận của TS. Đỗ Thị Thu Huyền tại Hội nghị Lý luận phê bình Văn học lần thứ V:

Sau 1975, văn học các dân tộc thiểu số phát triển trong một bối cảnh xã hội có nhiều chuyển động, tiếp tục quán tính của chặng trước, khi còn chiến tranh. Việc cần thiết phải có cái nhìn về điều kiện chính trị, xã hội, truyền thống văn hóa, môi trường đào tạo, giao lưu và các yếu tố hình thành tác giả văn học dân tộc thiểu số, đặc biệt chú ý đến những mốc 1975, 1986, 1991 sẽ cho thấy sự vận động của việc phát triển đội ngũ, hệ thống về tác giả qua nửa thế kỷ. Tác giả Vũ Tuấn Anh trong bài viết “Nhìn lại mười năm đổi mới văn học” cho rằng, “khi sự nghiệp Đổi mới được khởi động vào 1986 và trong bầu không khí dân chủ, cởi mở hơn, việc nhận thức và đánh giá lại văn học 40 năm cách mạng trở thành một đòi hỏi của cả nền văn học, trở thành một xu hướng tất yếu và tự nhiên (…). Ngay trong quá trình Đổi mới văn học, ta thấy diễn ra những cuộc đấu tranh, va chạm của nhiều quan điểm. Thực chất, đó là những cuộc đấu tranh cho một sự lựa chọn. Và cũng có thể nói, hướng lựa chọn đúng của văn học – tồn tại vì sự phát triển xã hội – đã từng bước được xác định”[1].

Có thể thấy, lớp nhà văn trưởng thành từ Cách mạng đã tạo nên một lực lượng sáng tác hùng hậu, ôm chứa những nguồn đề tài phong phú của hiện thực cuộc sống và cuộc đấu tranh cách mạng. Sau 1975, văn học dân tộc thiểu số có những phát triển lớn mạnh về đội ngũ, chất lượng tác phẩm; các vấn đề khác nhau trong đời sống hiện thực được soi rọi bằng một cái nhìn mới, và đáng kể nhất là sự ý thức ngày một sâu sắc về tinh thần dân tộc, bản lĩnh và vị thế dân tộc. Nhìn chung, công cuộc Đổi mới năm 1986 là sự kiện chính trị xã hội quan trọng. Nó tạo điều kiện thuận lợi cho sự đổi mới văn học nghệ thuật, chứng kiến sự đổi mới quan niệm thẩm mĩ về hiện thực và con người… Tuy thế, với nền văn học các dân tộc thiểu số, theo tôi, mốc này có lẽ có sự “sai khác” đôi chút với sự trình làng của một tập thơ quan trọng – Tiếng hát tháng Giêng (1987) của cố nhà thơ Y Phương.

Đội ngũ đông đảo và sự đa dạng thể loại

Xét trên phương diện thể loại, thành tựu nổi bật nhất của văn học dân tộc thiểu số hiện đại là thơ. Thơ ca các dân tộc thiểu số Việt Nam trong quá trình phát triển nửa thế kỷ qua đã ghi dấu nhiều tên tuổi nổi bật. Những tác giả lớp trước vẫn tiếp tục như Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn… đến những nhà thơ thế hệ trưởng thành và sung sức sau hòa bình như Vương Anh, Y Phương, Mã A Lềnh, Lò Ngân Sủn, Triệu Kim Văn, Ma Trường Nguyên, Mai Liễu, Pờ Sảo Mìn, Inrasara, Lò Cao Nhum, Dương Thuấn… rồi Chu Thùy Liên, Bùi Thị Tuyết Mai, Hoàng Thanh Hương, Hoàng Chiến Thắng…

Nền văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại bắt đầu hình thành từ những năm 50 của thế kỉ XX, đến nay đã có một đội ngũ tác giả đông đảo và những thành tựu nhất định. Sự hình thành nền văn xuôi dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại diễn ra muộn hơn thơ ca (với mốc 1958). Sau 1986, văn xuôi dân tộc thiểu số phát triển ngày một mạnh mẽ hơn, nhất là sự xuất hiện tiểu thuyết với nhiều tác phẩm có chất lượng, tạo được sự chú ý không chỉ của riêng văn học dân tộc thiểu số mà còn ghi dấu ấn nhất định trong nền văn học Việt Nam. Tiểu thuyết và truyện ngắn dân tộc thiểu số với những tên tuổi nổi bật: Y Điêng, Vi Hồng, Triều Ân, Kim Nhất, Vương Trung, Ma Trường Nguyên, Hoàng Hữu Sang, Cao Duy Sơn, Hoàng Quảng Uyên, Vi Thị Kim Bình, Hà Thị Cẩm Anh, Hữu Tiến, Hà Lâm Kỳ, Đoàn Lư, Lý Lan, Linh Nga Niêkdam, La Quán Miên…

Những thể loại như ký, tản văn, trường ca của dân tộc thiểu số phát triển mạnh vào những thời điểm khác nhau, một số cây bút có dấu ấn như Mã A Lềnh, Y Điêng, Lý Lan, Hoàng Quảng Uyên rồi đến các cây viết trẻ như Hoàng A Sáng, Hoàng Chiến Thắng, Nông Quang Khiêm, Phùng Hải Yến… Đội ngũ các tác giả viết trường ca có thể kể đến Vương Trung (Thái) với Sóng Nậm Rốm, rồi Vương Anh (Mường) với Hồn chiêng gánh núi (Nxb. Hội Nhà văn, H, 2008); Inrasara (Chăm) có Tháp nắng (thơ và trường ca “Quê hương”, Nxb. Thanh niên, H, 1996) đến 2002 thêm Lễ tẩy trần tháng Tư (Nxb. Hội Nhà văn, H.)… Dân tộc Tày thành công với những tên tuổi nổi bật: Ma Trường Nguyên (Mát xanh rừng cọ), Y Phương (Chín tháng, Nxb. Công an Nhân dân, 1999; Đò trăng, Nxb. Hội nhà văn, 2009), Dương Thuấn (Mười bảy khúc đảo ca, Nxb. Quân đội nhân dân, 2002), Nông Thị Ngọc Hòa (Nước hồ mãi trong xanh, Nxb. Văn hoá dân tộc, 2006), Nông Thị Tô Hường (Hằn sâu trên đá, Nxb. Quân đội nhân dân, 2008)… Riêng thể loại kịch của dân tộc thiểu số chỉ phát triển mạnh trong khoảng thời gian từ khi hình thành đến khoảng những năm 1980, giai đoạn sau đó nó tỏ ra “đuối sức” so với các thể loại khác.

Về lý luận phê bình văn học dân tộc thiểu số. Trước 1986 chỉ có Nông Quốc Chấn viết nhiều và được biết đến nhiều trong cả công việc sáng tác lẫn nghiên cứu, phê bình, tập trung nhất là ba công trình phê bình tiểu luận: Đường ta đi (1970), Một vườn hoa nhiều hương sắc (1977), Chặng đường mới (1985). Giai đoạn sau 1986 ghi nhận những thành công nổi bật của nhà nghiên cứu người Nùng Lâm Tiến với Văn học các dân tộc thiểu số việt Nam hiện đại, Nxb. Văn hoá dân tộc, 1995; Lâm Tiến, Về một mảng văn học dân tộc, Nxb. Văn hoá dân tộc, 1999; Văn học và miền núi, Nxb. Văn hoá Dân tộc, 2002. Ngoài ra có thể kể đến Lò Ngân Sủn, Hoa văn thổ cẩm (4 tập), Nxb. Văn hoá dân tộc, 1998, 1999, 2000, 2001; Inrasara với Song thoại với cái mới, Nxb. Hội Nhà văn, 2008; Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, Nxb. Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2006; Mai Liễu, Hương sắc miền rừng, Nxb. Văn hoá dân tộc, 2008. Một điểm đáng chú ý là sự nghiên cứu tìm hiểu về văn học các dân tộc thiểu số đến từ đội ngũ các nhà lý luận, phê bình người Kinh như Trần Thị Việt Trung, Hà Công Tài, Đào Thủy Nguyên, Cao Thị Hảo…

Dù với những thành tựu và lực lượng đông đảo đó, nhưng câu chuyện về phát triển đội ngũ và sự kế tục vẫn gây nhiều trăn trở. Lưu Xuân Lý với bài viết “Đã 53 thu còn đó vấn đề đội ngũ” có đặt vấn đề: “Thử hỏi, nếu không có Cách mạng, Tổ quốc và Nhân dân làm sao chúng ta có một đội ngũ văn nghệ sỹ các dân tộc hình thành và phát triển. Vấn đề ở đây là xây dựng và phát triển đội ngũ có phong cách riêng chứ không phải là xây dựng một nền văn nghệ riêng của các dân tộc…”[2]. Và ở những năm cuối của thế kỷ trước, sự chênh lệch về vùng miền, sự thưa vắng ở những khu vực văn học như Tây Nguyên đã được bàn đến nhưng vẫn còn cần nhiều những việc phải làm. Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam là nơi tập hợp đội ngũ, định hướng những sáng tác và trở thành một ngôi nhà chung của anh em văn nghệ sĩ khắp cả nước. Chính thức được thành lập năm 1991, người có công đầu là cố nhà thơ Nông Quốc Chấn.

Sang giai đoạn những năm đầu thế kỷ XXI, “Có thể nói, những năm đầu thế kỷ XXI là sự sàng lọc gay gắt, sự thách thức nghiệt ngã đối với văn học dân tộc thiểu số. Các nhà văn, nhà thơ dân tộc hiểu rõ điều này hơn ai hết. Nên có người do lực bất tòng tâm không sáng tác nữa hoặc sáng tác ít đi mà chuyển sang nghiên cứu, sưu tầm văn hóa, văn học dân gian. Điều này thể hiện rõ nhất ở những nhà văn xuất hiện ở thế hệ đầu tiên, người trẻ nhất trong số những nhà văn này hiện nay là Vương Anh (62 tuổi). Như vậy, sự đổi mới thơ, văn dân tộc thiểu số trong sáu năm đầu thế kỷ XXI là thuộc về lớp nhà văn thứ hai. Số nhà văn này hiện nay là 28 người, trong đó có 17 nhà thơ, 11 nhà văn”[3]. Điểm qua hai công trình đã thực hiện cho đến thời điểm này để thấy được sự phong phú của đội ngũ các thế hệ nhà văn nhà thơ dân tộc thiểu số những năm đầu thế kỷ XXI:

– Thơ dân tộc và miền núi đầu thế kỷ XXI, Nxb Văn hóa dân tộc, 2011, 169 tác giả, – Ban Tuyển chọn gồm Mai Liễu, Y Phương, Inrasara, Trịnh Hà.

– Văn xuôi dân tộc và miền núi đầu thế kỷ XXI, Nxb Văn hóa dân tộc, 2011, 63 tác giả – Ban Tuyển chọn gồm Cao Duy Sơn, Hoàng Tuấn Cư, Mã A Lềnh.

Nông Quốc Chấn nêu hai bộ phận cấu thành tính dân tộc của văn học Việt Nam (những đặc điểm chung của văn học Việt Nam và những đặc điểm riêng của văn học các dân tộc thiểu số) và mối quan hệ hữu cơ giữa các bộ phận đó. Thứ nhất, trong lịch sử văn học giữa các dân tộc ở Việt Nam đã có sự chuyển hóa bồi đắp cho nhau tạo thành những đặc điểm chung: “Tính dân tộc của văn học Việt Nam trước hết phải được xây dựng bởi những đặc điểm chung của văn học các dân tộc cả miền núi và miền xuôi. Đó là lòng yêu nước, là lòng tự hào dân tộc, là truyền thống anh dũng chống ngoại xâm, là tinh thần cần cù lao động… Những đặc điểm chung đó là kết quả của sự đóng góp chung của các dân tộc trên đất nước ta. Trong lịch sử phát triển của văn học nước ta từ xưa đến nay, đã có sự ảnh hưởng qua lại, bồi bổ cho nhau giữa văn học dân tộc Kinh và văn học các dân tộc thiểu số. Quan hệ đó có chiều sâu và chiều rộng, kể từ những loại hình lớn cho đến các mẫu đề nhỏ…[4] bởi thế bức tranh đa sắc của nền văn học Việt Nam phải kể đến sự góp mặt của văn học của 53 dân tộc thiểu số.

Sáng tác bằng tiếng dân tộc – sự lựa chọn kiến tạo bản sắc trong đa dạng

Là người quan tâm đến việc giữ gìn bản sắc dân tộc trong văn học dân tộc thiểu số bởi đó là đặc trưng sống còn của một bộ phận đặc thù, Nông Quốc Chấn cho rằng, “Muốn bảo tồn tiếng nói của mỗi dân tộc, nhà thơ, nhà văn của dân tộc cần có ý thức học và viết bằng tiếng dân tộc (…) Mỗi dân tộc cần được khuyến khích, giúp đỡ dùng tiếng mẹ đẻ, và có điều kiện thì được giúp đỡ đặt chữ riêng, để in, dùng tiếng, chữ dân tộc thiểu số trong các lĩnh vực. Chúng tôi không coi tiếng Việt là thứ ngoại ngữ đối với các dân tộc thiểu số. Nhưng thực tế, học sinh miền núi học tiếng Kinh như học ngoại ngữ.

Vậy, quan tâm cả hai ngữ…”[5].

So với những sáng tác bằng tiếng phổ thông, sáng tác của các tác giả dân tộc thiểu số chiếm một số lượng khiêm tốn. Một quy luật dễ dàng được thừa nhận là văn chương là một trong những điều kiện tồn tại và phát triển của ngôn ngữ dân tộc. Từ đó đặt ra những suy tư về công cuộc gìn giữ, lưu truyền bản sắc văn hóa khi ngôn ngữ dân tộc thiểu số ngày một mai một đi nhiều. “Tiếng nói và chữ viết (đối với các dân tộc có chữ viết truyền thống) là một trong những biểu hiện sinh động của bản sắc văn hóa. Trong thực tế, tiếng nói và chữ viết không phải lúc nào cũng song hành phát triển ở mỗi dân tộc”[6].

Trong mấy chục năm qua, hầu hết các tác giả là nhà thơ, nhà văn các dân tộc thiểu số đều đã có những sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Thời kỳ nở rộ là những năm 60 của thế kỷ XX, một loạt các tác phẩm từ thơ, cho đến tiểu thuyết đã được ra đời. Tuy thế, giai đoạn những năm sau thế kỷ XXI, tình hình sáng tác bằng tiếng dân tộc thiểu số dường như bị chững lại. Nó có nhiều nguyên nhân mà theo nhạc sĩ Nông Quốc Bình, tuy đây là vấn đề “không mới nhưng cần phải nhắc lại như một sự thôi thúc từ trong tâm khảm của những người hoạt động văn học, nghệ thuật là con em các dân tộc thiểu số”[7].

Tính từ đầu thế kỷ XX đến nay, văn xuôi sáng tác bằng tiếng dân tộc thiểu số ở nước ta đạt được thành tựu còn rất khiêm tốn. Thơ có nhiều thành tựu xuất sắc hơn. Một số ít tác giả vẫn sáng tác bằng cả chữ viết cổ truyền vốn có của dân tộc và chữ của dân tộc đã được Latinh hoá. Theo thống kê, sau 1975, các tác giả thơ sáng tác bằng tiếng dân tộc có thể kể đến Dương Khâu Luông với Dám kha cần ngám điếpDấu chân người đang yêu (2005); Triệu Sinh với Bảc Hồ slương dân cháu nướcBác Hồ thương dân cứu nước (2001), Nặm mường Ba Bể – Đất nước Ba Bể (2003); Cầm Biêu với Cầu vào bản (song ngữ – 1982), Ánh hồng Điện Biên (song ngữ – 1984), Lò Vũ Vân với Vòng xoè và sao sa, Tiếng sấm vào mùa (1998); Inrasara với những sáng tác song ngữ Việt – Chăm và nỗ lực duy trì một tập san về sáng tác của các tác giả Chăm…

Nhà thơ Nông Viết Toại, người chuyên tâm cả một hành trình sáng tác bằng tiếng Tày, cho rằng không thể khoán trắng cho các tổ chức mà cần sự ý thức riết róng của chính các tác giả người dân tộc thiểu số. Thêm vào đó, những giải pháp tâm huyết ông đưa ra để tăng cường việc xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số cũng rất đáng chú ý: “Ở địa phương cũng từng có ý kiến gợi rằng, tiếng dân tộc nên có thêm tỷ lệ nhuận bút. Tôi nghĩ rằng, đấy cũng chỉ là biện pháp tình thế. Tiền bạc là quý nhưng trong sáng tạo nên tránh và cố tránh, gây thêm động cơ vì tiền”[8].

Những sáng tác bằng tiếng dân tộc là một phần thể hiện sự tự ý thức về nét độc đáo của dân tộc mình, về sự giàu có của một nền văn học, văn hóa. Có thể nói rằng trong 50 năm qua, quyết sách của Nhà nước trong việc tôn trọng ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, khuyến khích các nhà văn và nhà thơ đã góp phần không nhỏ về mặt chính trị trong việc “kiến tạo bản sắc” đối với các cộng đồng dân tộc thiểu số ở các vùng trên đất nước.

“Nghệ thuật luôn luôn được nuôi dưỡng từ ngôn ngữ xã hội”[9]. Với thơ, có thể dẫn ra lục bát của Y Phương như một cách làm mới so với truyền thống của ngôn ngữ Tày, nhưng dường như đó không phải chất Tày mà độc giả chờ đợi: Dòng sông khi trắng khi xanh/ Tên em là bến cho anh gọi đò/ Tên em trĩu một câu hò/ Cất lên lại lắng chẳng dò được đâu… Y Phương định nghĩa mình trong một tản văn: “Bạn biết không, tôi như một que thử. Nhúng xuống thành phố vẫn cứ xanh một màu rừng” (Nhúng xuống thành phố) bởi ông ý thức được rằng, “Khi con người ý thức sâu sắc cội rễ của mình thì trong họ đầy lòng tự tin. Đức tính tự tin được biểu hiện trong quan hệ giữa mình với mọi người xung quanh… Người Tày có câu rễ cây ngắn, rễ người dài là vì thế!” (Rễ người). Đi qua những thử nghiệm, dù ngắn, sau này Y Phương cho thấy một sự nhất quán quan điểm sáng tác trong thơ, trường ca và tản văn vào chặng cuối của hành trình sáng tác. Ông thể hiện một sức bền, độ sắc trong việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc. Tản văn Y Phương cho thấy sự chủ động lựa chọn từng câu chữ, lúc đan xen tiếng Việt – tiếng Tày, lúc dứt khoát chỉ sử dụng tiếng Tày… như trong Lão Mòn đi đâu rồi, Nhào nhào ma xay thóc, Áo tân thời bước vào cửa vóng, Me mưởn hay là mây mùa thu đang bay, Dân Co Xàu hát Woàng dzà, Ngồi ghế rơm, uống trà khỉ nộc… Những cách viết đầy dụng ý ấy của ông, theo Lâm Tiến, đã làm sống dậy cả một lối sống, một thái độ, một cách ứng xử, một tầng sâu văn hóa của dân tộc ấy.

Không khó để bắt gặp trong thơ cách sử dụng linh hoạt như: Inrasara trong Đứa con của đất: “Cha nuôi tôi bằng cánh tay săn Glơng Anak/ Ông nuôi tôi bằng vầng trăng sương mù truyền thuyết/ Plây nuôi tôi bằng bóng diều, hồn dế, tiếng mõ trâu”. Bùi Tuyết Mai trong Binh boong sử dụng rất nhiều danh từ riêng trong tiếng Mường để diễn tả ý thơ: “Em gọi anh/ Bằng tiếng chim Thổ Lốc (…)/ Bằng lời tình Ý Liệng (…)/ Bằng tiếng Khảm Khá/ Bằng lời tình Khảm Khá”. (Thổ Lốc là loài chim màu xanh có tiếng vang rất xa, Ý Liệng là loài ve kêu từng tiếng rất buồn, Khảm Khá là chim từ quy…).

Với văn xuôi, thử dẫn ra truyện ngắn Bùi Thị Như Lan. Tác phẩm của Bùi Thị Như Lan hướng đến thể hiện một triết lý giản dị: một cuộc sống hồn hậu, giản đơn, con người ý thức về những lẽ tự nhiên của cuộc sống. Nhờ thế họ đối mặt được với cái nghiệt ngã của chiến tranh, cảm giác nhẹ nhàng hơn bởi cuộc sống có vui có buồn, có chiến tranh thì ra trận chiến đấu, có mất mát thì tìm cách bù đắp, tổn thương thì tìm cách chữa lành, bất công thì tìm cách vượt qua để sống an nhiên… Những người lính sau chiến tranh mang trên mình những thương tích, nhưng những thân phận ở hậu phương cũng khổ đau không kém. Họ là những người phụ nữ vừa có tài vừa có sắc nhưng lại bất hạnh trong tình yêu, chịu nhiều buồn tủi nhưng không gợi ra sự đáng thương mà lúc nào cũng khiến người ta trân trọng. Hình ảnh người mẹ qua cái nhìn của đứa con trong Núi đợi: “Từ hôm chú Hài về, đêm nào mẹ cũng ngồi ở cầu thang nhìn xuống Khau Luông chờ đợi… Đôi mắt mẹ đỏ như quả dâu da trong khe núi, hai bờ vai ướt đẫm xương đêm. Mẹ tôi gày rộc đi mắt mẹ thẫn thờ nhìn xa xăm, dưới đôi mắt mẹ có nhiều vết chân của con chim trên rừng….”. Câu chuyện xoáy sâu vào nỗi mong ngóng nhưng người ra trận vĩnh viễn không trở về. Người vợ nhờ người chú em tên Hài mặc quân phục để mẹ chồng yên lòng nhắm mắt khi tin người con trai đi chiến đấu đã bình an trở về. Câu chuyện được dẫn dắt bởi giọng kể của đứa con trai mong nhớ bố qua 3 phân đoạn:

+ Bố tôi đi qua một tuần trăng thì em Thào Phén ở trong bụng mẹ ra ngoài chơi. Em bé xíu, da đỏ như quả sang trên núi. Từ hôm ấy, tôi được làm anh.

+ Thấm thoắt, bố tôi xa nhà đã hơn ba mùa thu lúa trên nương.

+ Được đi học, tôi đã biết dùng cái chữ kể chuyện ở nhà để bố nghe. Nhưng, chữ chất cao trong vở mà không biết ở đâu để gửi đi. Trong bụng tôi nhớ bố cồn cào như tiếng réo của dòng nước ở ngọn thác Pu Đí[10].

Những tình tiết không mới, cốt truyện không đặc biệt nhưng điều ghim lại trong trí nhớ của độc giả, cuốn hút độc giả chính bởi một giọng kể chân chất, mộc mạc, trầm buồn đặc trưng của người miền núi. Điều ấy gợi liên tưởng tới cách diễn tả cảm xúc trước tiếng nói của dân tộc của nhà thơ Dương Khâu Luông: Tôi sinh ra/ Mẹ ru tôi bằng câu hát tiếng Tày/ Câu đầu tiên tôi biết gọi:/ Á ơi/ Giờ tôi ru con bằng ngôn ngữ khác/ Câu đầu tiên con không gọi như tôi/ Ngày bé tôi học tiếng phổ thông để đến với mọi người/ Giờ con tôi học tiếng Tày để tìm về nguồn cội (Dương Khâu Luông).

Ở thế hệ trẻ, việc ý thức, nỗ lực giữ gìn tiếng nói và chữ viết dân tộc cũng được thể hiện trực tiếp trong nhiều sáng tác. Phùng Hải Yến (dân tộc Dao) tái hiện hình ảnh những người già như một “thư viện sống”: “Ở quê tôi, những cụ ông, cụ bà móm mém, mắt hằn vệt chân chim tuy không biết tiếng phổ thông nhưng có thể kể chuyện cổ tích ròng rã qua một tuần không hết chuyện, có thể hát những làn điệu cũ của dân tộc mình bằng tất cả lòng mê say xuất phát từ tâm thức qua từng đêm dài bên bập bùng bếp lửa”. Nhưng điều đáng trân trọng ấy cũng lại đi liền với những đáng tiếc “khi lớp trẻ như chúng tôi không còn mấy người học và biết tiếng dân tộc mình, để đi đến, để ghi chép lại, để lưu giữ những hạt ngọc từng lung linh trong đời sống tinh thần cha ông mình” (Quê tôi vùng Tây Bắc).

Khẳng định việc bảo tồn và phát triển sự nghiệp văn hóa các dân tộc bằng tiếng và chữ dân tộc là một trong những việc cấp thiết, đòi hỏi sự nhận thức đúng, định hướng có tầm chiến lược và cách làm linh hoạt sáng tạo thì mới đạt được kết quả như mong muốn… Lò Giàng Páo đưa ra những đề xuất cụ thể về việc: “cần có bộ sách giáo khoa dành riêng cho học sinh vùng dân tộc và bộ sách hướng dẫn dành riêng cho giáo viên vùng dân tộc. Sách này được biên soạn mang đặc điểm sách hướng dẫn dạy song ngữ”[11]. Còn nhà thơ Triệu Lam Châu cho rằng cần lập ra Ban Văn hóa Văn nghệ trực thuộc Ủy ban Dân tộc và Miền núi của Chính phủ; lập ra một số tờ báo viết bằng các thứ tiếng dân tộc thiểu số… Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Viện Văn học và các ngành có liên quan phối hợp tổ chức những hội thảo chuyên đề về văn học Tày – Nùng, văn học Thái, văn học Chăm, văn học Khơ-me… Lập các hội đồng nghệ thuật chuyên sâu để thẩm định và trao giải thưởng hàng năm cho các tác phẩm có chất lượng viết bằng tiếng dân tộc thiểu số…[12]. Có thể thấy, đa dạng trong thống nhất quốc gia là một chủ trương lớn, trong đó bảo tồn tiếng nói và chữ viết các dân tộc chính là một định hướng quan trọng để xác lập được giá trị văn hóa và ý thức hệ ở chiều sâu.

[1] Vũ Tuấn Anh, “Nhìn lại mười năm đổi mới văn học”, in trong Việt Nam – nửa thế kỷ văn học, Kỷ yếu hội thảo ngày 26/9/1995, Nxb Hội Nhà văn, 1997, tr. 194

[2] Lưu Xuân Lý, “Đã 53 thu còn đó vấn đề đội ngũ”, trong cuốn: Văn hoá các dân tộc từ một diễn đàn, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, 1999, tr.75.

[3] Lâm Tiến, “Văn học dân tộc thiểu số những năm đầu thế kỷ XXI”, Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số thời kỳ đổi mới, Nxb. Văn hóa dân tộc, 2007, tr.211.

[4] Nông Quốc Chấn tác phẩm chọn lọc, tập 1, Nxb Văn học, 2017, tr.574.

[5] Nông Quốc Chấn, “Một nền văn học nhiều tiếng nói”, in trong Việt Nam – nửa thế kỷ văn học, Kỷ yếu hội thảo ngày 26/9/1995, Nxb Hội Nhà văn, 1997, tr.91.

[6] Nông Quốc Bình, “Tiếng nói và chữ viết dân tộc thiểu số trong sinh hoạt và đời sống văn nghệ”, in trong Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (2022), Văn học, nghệ thuật với những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 98.

[7] Nông Quốc Bình, “Tiếng nói và chữ viết dân tộc thiểu số trong sinh hoạt và đời sống văn nghệ”, in trong Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (2022), Văn học, nghệ thuật với những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 96.

[8] Nông Viết Toại, “Tiếng mẹ đẻ với sáng tác thơ, văn”, in trong Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số thời kỳ đổi mới, Nxb. Văn hóa dân tộc, 2007, tr.72-73.

[9] Octavio Paz, Thơ văn và tiểu luận, Nxb. Đà Nẵng, 1998; tr. 229.

[10] Văn xuôi trẻ những cây bút quân đội, Nxb. Phụ nữ, 2017; tr.142,143,146.

[11] Lò Giàng Páo, “Vai trò tiếng nói và chữ viết các dân tộc thiểu số”, Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số thời kỳ đổi mới, Nxb. Văn hóa dân tộc, 2007, tr.79.

[12] Triệu Lam Châu, “Sáng tác văn học bằng tiếng mẹ đẻ”, Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số thời kỳ đổi mới, Nxb. Văn hóa dân tộc, 2007, tr. 113-114.