Bảo tàng Văn học Việt Nam trân trọng giới thiệu bài tham luận của PGS.TS Trần Khánh Thành tại Hội nghị Lý luận phê bình Văn học lần thứ V:
Từ chiến thắng mùa xuân 1975, đất nước thống nhất, hòa bình, non sông về một mối, văn học nghệ thuật cũng thống nhất hòa hợp trên hành trình xây dựng và phát triển. Nhìn lại tiến trình vận động của lí luận văn học Việt Nam gần 50 năm qua, chúng tôi muốn phác thảo những thành tựu, hạn chế từ đó rút ra nguyên nhân, bài học và đề xuất giải pháp, góp phần định hướng phát triển lí luận văn nghệ nước ta trong chặng đường tới.
- TIẾN TRÌNH LÍ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN HỌC GIAI ĐOẠN 1975 – 1985
1.1. Sự truyền bá ngày càng sâu rộng lý luận văn nghệ Marxist
Từ năm 1975, đất nước thống nhất, mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử dân tộc. Lí luận văn học Marxist tiếp tục giữ định hướng cho đường lối phát triển văn nghệ cả nước, phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa vẫn được tiếp tục đề cao. Bên cạnh xu hướng duy trì tư tưởng lí luận Marxist một cách kiên định như trên là xu hướng mềm mại và cởi mở hơn trong tư duy lí luận. Cùng với sự chuyển biến của lí luận văn học Liên Xô, lí luận văn học Việt Nam giai đoạn 1975 – 1985 cũng có những chuyển biến mới, vừa theo quán tính của giai đoạn trước vừa có sự rộng mở hơn về biên độ tư duy nghệ thuật, những xung đột về tư tưởng văn nghệ đang dần bộc lộ, nhu cầu đổi mới văn học đang ngày càng trở nên bức thiết.
1.2. Mở rộng các bình diện của lí luận văn học
Trước những chuyển biến trong lí luận văn học ở Liên Xô, giới lí luận, phê bình văn học Việt Nam đã nhanh chóng dịch các cuốn giáo trình mới biên soạn nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu ở Việt Nam: Lý luận văn học của A.N. Gulaep do Lê Ngọc Tân dịch (1982), Dẫn luận nghiên cứu văn học (2 tập) của G.N. Pospelov (chủ biên) được nhóm tác giả Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Nghĩa Trọng, Lê Ngọc Trà dịch (1985). Một số công trình nghiên cứu chuyên sâu của các nhà nghiên cứu Nga – Xô viết và các nước đông Âu cũng được dịch như Số phận của chủ nghĩa hiện thực của B. Xuskop (1980, 1982) được nhóm tác giả Hoàng Ngọc Hiến, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Hải Hà dịch, Tâm lý học sáng tạo văn học của M.A. Naudop (Bungari) do Hoài Lam, Hoài Ly dịch (1978). Đặc biệt là các công trình của viện sĩ M.B. Khravchenko: Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học (Lê Sơn, Nguyễn Minh, dịch 1978), Sáng tạo nghệ thuật, hiện thực, con người (Nguyễn Hải Hà, Lại Nguyên Ân, Duy Lập, dịch 1984, 1985). Mối quan tâm của lí luận văn học từ bình diện phản ánh đang chuyển sang bình diện biểu hiện, từ mối quan hệ giữa văn học và hiện thực sang mối quan hệ giữa văn học và chủ thể sáng tạo. Nhờ vậy mà cá tính sáng tạo và phong cách nghệ thuật của nhà văn được chú trọng hơn, văn bản văn học được coi là trung tâm, là cơ sở để khám phá thế giới nghệ thuật, tính nghệ thuật của ngôn từ trở thành một phương diện nghiên cứu của khoa văn học, tâm lí học sáng tạo văn học cũng được quan tâm hơn trước.
1.3. Đổi mới cách nhìn nhận mối quan hệ giữa văn học và hiện thực
Nếu trước đây trong đời sống văn học luôn tồn tại độc tôn xu hướng ngợi ca văn học cách mạng, luôn tự hào về nền văn học “tiên phong chống chủ nghĩa đế quốc trong thời đại ngày nay” thì từ năm 1976 đã có những ý kiến nói về hạn chế của văn học thời chiến tranh chống Mĩ. Trong các bài báo “Mấy suy nghĩ về đề tài chống Mĩ cứu nước và sáng tác văn học trong giai đoạn mới” của Lê Bá Súy và Đinh Xuân Dũng (Tạp chí Văn nghệ Quân đội, 4/1976), “Viết về đề tài chiến tranh sau chiến tranh” của Nguyễn Đình Tiên (Tạp chí Văn nghệ Quân đội, 9/1976)), “Nhìn lại một chặng đường của tiểu thuyết” của Nguyễn Văn Long (Tạp chí Văn nghệ Quân đội, 6/1977), “Một dấu hiệu của nền văn học trưởng thành: bám sát đời sống bằng tác phẩm” của Ngô Thảo (Tạp chí Văn nghệ Quân đội, 1/1978)… đều chỉ ra những khoảng cách giữa cuộc sống bề bộn, khốc liệt của chiến tranh và tác phẩm văn học. Các nhà phê bình chỉ ra sự đơn điệu, nghèo nàn, lí tưởng hóa của các phẩm văn học viết về chiến tranh và mạnh đề nghị các nhà văn đổi mới cách nhìn và lối viết. Mạnh mẽ và trực diện nhất là hai bài báo “Viết về chiến tranh” của nhà văn Nguyễn Minh Châu (Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 11/1978) và bài “Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua” của nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến (Báo Văn nghệ số ra ngày 9/6/1979). Trong bài “Viết về chiến tranh”, Nguyễn Minh Châu cho rằng: “Nhân vật có khuynh hướng được mô tả một chiều, thường là quá tốt, chưa thực”. Nguyên nhân sâu xa của việc miêu tả kiểu bút pháp lãng mạn ấy, theo ông có căn nguyên từ tâm thế tiếp nhận của người đọc: “Hình như trong ý niệm sâu xa của người Việt Nam chúng ta, hiện thực của văn học có khi không phải là hiện thực đang tồn tại, mà là hiện thực đang hi vọng, đang mơ ước”. Hoàng Ngọc Hiến rất đồng tình với Nguyễn Minh Châu và khái quát thành một đặc điểm của văn học Việt Nam: “Nhìn chung, trong sáng tác hiện nay, sự miêu tả cái phải tồn tại lấn át sự miêu tả cái đang tồn tại (…). Đứng ở bình diện cái phải tồn tại, người nghệ sĩ dễ bị cuốn hút theo xu hướng miêu tả cuộc sống “cho phải đạo”, còn đứng ở bình diện cái đang tồn tại thì mối quan tâm hàng đầu là miêu tả sao cho chân thật. Đọc một số tác phẩm, chúng tôi thấy tác giả dường như quan tâm đến sự phải đạo nhiều hơn tính chân thực. Có thể gọi loại tác phẩm này là chủ nghĩa hiện thực phải đạo”. Bài báo của Hoàng Ngọc Hiến bị không ít người chỉ trích, quy kết là “phủ nhận thành tựu văn học cách mạng”. Chính vì có những ý kiến trái chiều như vậy đã dấy lên cuộc tranh luận “văn học viết về chiến tranh” và đánh giá nền văn học cách mạng Việt Nam trước năm 1975.
Những ý kiến của Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyên Ngọc bị không ít người phản ứng lại khá quyết liệt, mà điển hình là phản bác của Tô Hoài, Hà Xuân Trường, Tố Hữu, Trần Độ, Chế Lan Viên. Nhà văn Tô Hoài viết bài “Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật ở nước ta trong giai đoạn vừa qua” (Báo Văn nghệ số 42/1979) đã phản bác ý kiến của Hoàng Ngọc Hiến, cho đó là “mớ lí luận rối bời”, những ý kiến của Hoàng Ngọc Hiến là “lầm lẫn”, “mơ hồ”, “mất phương hướng” và cuối cùng đi đến nhận định: “Vừa bối rối vừa rạch ròi, vừa có sức nặng lại vừa hời hợt, những phát hiện sắc sảo lẫn lộn bên những xô bồ, sau đâm ra mất phương hướng, đó là cảm tưởng của tôi khi đọc bài anh Hoàng Ngọc Hiến”. Hà Xuân Trường (Thứ trưởng Bộ Văn hóa) đã cho đăng bài “Văn nghệ ta phấn đấu vì sự nghiệp của Đảng” (Tạp chí Cộng sản, 3/1980) khẳng định thành tựu văn học cách mạng, phê phán Hoàng Ngọc Hiến là “sai lầm về mĩ học”, khái quát vội vàng về đặc điểm văn học cách mạng, “nhận thức không đúng về tự do của nghệ sĩ”. Ít lâu sau trên báo Văn nghệ, số ra ngày 12/12/1980, Trần Độ (Phó trưởng ban Tuyên huấn Trung ương) có bài Văn nghệ, vũ khí cách mạng đã khẳng định thành tựu văn nghệ cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng đồng thời phê phán ý kiến của Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến, Ngô Thảo, Nguyên Ngọc. Ông cho rằng: “Những ý kiến lạc hướng nói trên, tuy xét về số lượng chỉ là rất ít và mới chớm nở lẻ tẻ, nhưng xét về tính chất thì sai lầm nghiêm trọng vì thật sự nó đã đụng đến những vấn đề nguyên tắc, phải được uốn nắn kịp thời”. Đầu năm 1981, nhà thơ Chế Lan Viên có bài “Thư cuối năm đọc lúc đầu năm” (báo Văn nghệ, 2/1981) với lời lẽ có vẻ uyên bác và rào đón trước sau nhưng động cơ và mục đích vẫn lộ rõ. Nhà thơ cho rằng, Hoàng Ngọc Hiến và Nguyên Ngọc đã thiếu thiện chí, thiếu “một tấm lòng” khi đánh giá văn học cách mạng, là “thô thiển”, “hiểu sai ý Đảng”. Trước những ý kiến mang tính quy kết như trên, cuộc tranh luận lắng xuống, sự trì trệ, bảo thủ vẫn bao trùm đời sống văn học. Việc đánh giá thành tựu văn học viết về chiến tranh nói riêng và văn học cách mạng nóí chung vẫn còn dang dở, những nhà văn có bản lĩnh vẫn không bỏ cuộc, họ tiếp tục tranh luận bằng những tác phẩm văn chương đầy tâm huyết và sáng tạo của mình.
- NHỮNG THÀNH TỰU CHỦ YẾU CỦA LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN NGHỆ THỜI KỲ ĐỔI MỚI, HỘI NHẬP (1986 – nay)
2.1. Tiếp thu và ứng dụng các thành tựu lý luận văn nghệ hiện đại nước ngoài
Trong bối cảnh giao lưu hội nhập văn hóa mở rộng, những trào lưu tư tưởng văn hóa, nghệ thuật của các nước phương Tây cũng dịch và giới thiệu rộng rãi. Các công trình lý luận văn học của Nga và phương Tây được dịch nhiều hơn và đa dạng hơn. Với sự nỗ lực của đội ngũ đông đảo các dịch giả, các nhà lí luận văn nghệ mà lí luận văn nghệ nước ta đã từng bước tiếp thu và hội nhập ngày sâu rộng hơn với lí luận văn nghệ thế giới đương đại, có những đổi mới đáng ghi nhận như:
– Nhờ việc giới thiệu mĩ học Marxist phương Tây với những đại diện tiêu biểu như G. Lukács, J.P. Sartre, C. Caudwell, L. Golman, P. Bourdieu, R. Garaudy… mĩ học Marxist được bổ sung hoàn thiện hơn.
– Các trường phái lí luận hiện đại của thế giới tiêu biểu như trường phái hình thức Nga, thi pháp học, tự sự học, phân tâm học, mĩ học tiếp nhận, nghiên cứu văn học so sánh, kí hiệu học, chủ nghĩa cấu trúc, chủ nghĩa hậu cấu trúc và lí thuyết liên văn bản, lí thuyết diễn ngôn, chủ nghĩa hậu hiện đại, nữ quyền luận, phê bình sinh thái, lí thuyết địa văn hóa…được tiếp nhận dù muộn màng nhưng góp phần quan trọng hiện đại hóa lý luận văn học nước nhà. Những vấn đề lí thuyết về văn học hậu hiện đại cũng được nhiều nhà nghiên cứu văn học quan tâm.
Nhìn lại những ấn phẩm về lí luận phê bình văn học thế giới được dịch thuật, giới thiệu và nghiên cứu trong mấy chục năm qua, chúng ta phải thừa nhận rằng, giới lí luận phê bình văn nghệ nước ta đã có những nỗ lực rất lớn trong quá trình hội nhập. Tuy nhiên quá trình tiếp nhận chưa có tính hệ thống, còn mang tính một chiều, yếu về tính đối thoại, chưa chỉ ra được những giới hạn và số phận lịch sử của các trường phái lí luận văn nghệ hiện đại.
2.2. Tiếp thu và ứng dụng tinh hoa mĩ học cổ điển thế giới
Tinh hoa mĩ học cổ điển phương Đông và phương Tây được dịch và giới thiệu một cách hệ thống hơn và đa dạng hơn. Về mĩ học cổ điển phương Đông mà chủ yếu là mĩ học cổ điển Trung Hoa với những kiệt tác như Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp (Phan Ngọc dịch, 1996), Tùy viên thi thoại của Viên Mai (Nguyễn Đức Vân dịch, 1999) được dịch và khảo cứu công phu. Trước đó, năm 1994, nhà xuất bản Giáo dục cho xuất bản công trình Lý luận văn học, nghệ thuật cổ điển Trung Quốc của Khâu Chấn Thanh (Mai Xuân Hải dịch). Cuốn sách giới thiệu tương đối có hệ thống về lí luận văn nghệ cổ điển Trung Hoa với những trích dẫn chọn lọc và những ghi chú bình luận ngắn gọn dễ hiểu. Công trình Đại cương mĩ học Trung Quốc của Diệp Lang được Nguyễn Quang Hà dịch (Nxb Thế giới, 2014) đã nghiên cứu công phu hệ thống mĩ học Trung quốc từ cổ điển đến hiện đại. Đặc biệt, công trình Thi học cổ điển Trung hoa do Phương Lựu chủ biên (Nxb ĐH Sư phạm, 2016) đã tổng quan được các học phái, các phạm trù và các mệnh đề cơ bản trong mĩ học Trung Hoa. Gần đây, cuốn Mỹ học cổ điển Nhật Bản của Onisi Yoshinori được Nguyễn Lương Hải Khôi lược dịch (Nxb ĐH Sư phạm, 2021) cung cấp những tri thức cơ bản về văn hóa, thẩm mĩ và nghệ thuật cổ điển Nhật Bản. Đặc biệt cuốn đề xuất được một phương pháp luận giải bản sắc dân tộc Nhật Bản trong sự đối sánh với các dân tộc khác ở phương Đông và phương Tây.
Mĩ học cổ điển phương Tây từ lâu đã được các nhà lí luận văn học Việt Nam quan tâm. Cuốn Nghệ thuật thơ ca của nhà triết học, mĩ học lỗi lạc Hy Lạp cổ đại Aristote lần đầu tiên được Lê Đăng Bảng, Thành Thế Thái Bình, Đỗ Xuân Hà, Thành Thế Yên Bảy dịch và Nhà xuất bản Văn hóa –nghệ thuật Hà Nội in năm 1964; đến năm 1999, Đoàn Tử Huyến hiệu đính và in lại cùng Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp (Nxb Văn học, HN, 1999). Cũng trong năm này, bộ Mĩ học của Heghen (do Phan Ngọc dịch) được ra mắt độc giả.
Việc dịch và giới thiệu có hệ thống lịch sử tư tưởng và mĩ học nhân loại là cơ sở quan trọng để các nhà nghiên cứu lí luận văn nghệ có được bề dày văn hóa, có điểm tựa triết – mĩ trong tiếp nhận và kiến tạo tri thức lí luận văn nghệ. Trong thời gian qua, chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong công tác dịch thuật, giới thiệu, nghiên cứu về lí luận văn nghệ nhân loại nhưng còn có nhiều khoảng trống cần được bù lấp, nhất là mỹ học Ấn Độ và khu vực Trung, Nam Á.
2.3. Chuyển đổi hệ hình lý luận, phê bình văn nghệ Việt Nam theo hướng hiện đại
2.3.1. Nhìn nhận lại một số quan điểm giáo điều, máy móc trong thời bao cấp
Đổi mới tư duy trong lý luận văn học thường xuất phát từ việc đổi mới tư duy triết học, tư tưởng mĩ học. Một thời lỳ dài lý luận văn học chúng ta chỉ dựa trên nền tảng mĩ học Marx – Lenin được truyền bá từ Liên Xô, Trung Quốc. Những giới hạn của lý luận văn nghệ Marx –Lenin xuất phát từ sự nhìn nhận văn nghệ trong hai mối quan hệ chủ yếu là: văn nghệ và thực tại xã hội, văn nghệ và các hình thái ý thức xã hội khác. Trong quan hệ văn nghệ với thực tại, các nhà lý luận dựa vào phản ánh luận của Lenin, lấy chân lý đời sống làm thước đo chân lý nghệ thuật và quy giá trị hàng đầu của tác phẩm nghệ thuật là tính chân thực. Trong quan hệ với các hình thái xã hội khác, văn nghệ không được đặt ở vị thế bình đẳng mà thường bị coi là phương tiện, là công cụ của các hình thái ý thức (Văn nghệ phục vụ tôn giáo, đạo đức, chính trị…). Các mối quan hệ khác của văn nghệ như văn nghệ và chủ thể sáng tạo, văn nghệ với chủ thể tiếp nhận, văn nghệ với phương thức thể hiện của từng loại hình nghệ thuật chưa được chú ý đúng mức.
Trong không khí dân chủ hóa của xã hội và trong đời sống tư tưởng những năm cuối thập niên cuối thế kỉ XX, hàng loạt vấn đề cốt yếu của lý luận và thực tiễn văn học đã được đưa ra bàn thảo tranh luận sôi nổi, như các vấn đề văn nghệ và chính trị, văn học phản ánh hiện thực, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, các chức năng của văn học, đánh giá nền văn học cách mạng thời kì vừa qua… trong đó, có những vấn đề trước đây dường như là nguyên tắc bất di bất dịch, không thể nghi ngờ hay bàn cãi, thì nay cũng được đặt lên bàn tròn tranh luận. Có thể nói giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới là tinh thần nhận thức lại hệ thống lý luận văn nghệ thời kỳ trước nhằm chỉ khắc phục những quan niệm giáo điều, máy móc, không phù hợp với đời sống văn nghệ. Tuy chưa có vấn đề nào trong các vấn đề nói trên được giải quyết triệt để nhưng tác động của việc đưa ra thảo luận những vấn đề ấy rất đáng kể.
2.3.2. Đổi mới lý luận theo hướng hiện đại hóa và dân tộc hóa
Trong những thập niên đầu thế kỷ XXI, lý luận, phê bình nghệ thuật tiếp tục đổi mới theo hướng hiện đại hóa và dân tộc tộc hóa. Các văn nghệ sĩ đề cao tinh thần nhân văn mới và nỗ lực cách tân nghệ thuật theo hướng hiện đại. Trong lĩnh vực lý luận, phê bình, các nhà lý luận, phê bình bắt đầu nói nhiều hơn đến những phương pháp tiếp cận giá trị văn học từ bản chất nghệ thuật đặc thù của nó.Trên cơ sở mĩ học macxit và tư tưởng văn nghệ Hồ Chí Minh cùng với sự tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn nghệ thế giới, lý luận văn nghệ Việt Nam đã góp phần vào việc xây dựng và phát triển nghệ thuật nước nhà.
– Hiện đại hóa lý luận trước hết được thể hiện ở việc mở rộng không gian tư duy nghiên cứu văn nghệ. Nếu trước đây, chúng ta thiên về quan hệ bên ngoài, tức là quan hệ giữa văn nghệ và các hình thái ý thức xã hội và hiện thực đời sống thì hiện nay chúng ta đã chú ý hơn về bản thân hoạt động văn nghệ như bản chất thẩm mĩ, bản chất văn hóa, bản chất kí hiệu, tâm lí sáng tạo nghệ thuật. Kết hợp giữa khuynh hướng hướng ngoại và khuynh hướng hướng nội trong lý luận, phê bình văn nghệ và sáng tạo văn nghệ.
– Giải quyết khá thỏa đáng mối quan hệ giữa lý luận cổ điển, lý luận hiện đại thế giới và lý luận truyền thống dân tộc. Trong mấy chục năm qua, các lý thuyết văn nghệ thế giới từ cổ điển đến hiện đại đã được giới thiệu và ứng dụng vào nghiên cứu, phê bình ở Việt Nam góp phần đổi mới tư duy và hướng tiếp cận của các nhà lý luận phê bình. Quá trình dung hợp giữa lý luận cổ điển và hiện đại, giữa dân tộc và nhân loại đã gạt bỏ quan niệm về chân lý tuyệt đối, tính độc quyền về tư tưởng và phương pháp, chấp nhận tính đa dạng, tính đối thoại, tính dân chủ trong lý luận phê bình văn nghệ.
– Bước đầu chuyển hướng lý luận văn nghệ về phía cấu trúc và ký hiệu. Đây là bước chuyển nhận thức quan trọng, khắc phục sự ảo tưởng phản ánh hiện thực bằng nhận thức lí tính, tin cậy vào thước đo của trực quan sinh động. Hiện thực mà con người nhận thức được bao giờ cũng thông qua tổ chức ngôn ngữ, văn bản, kí hiệu. Văn bản ngôn từ, các hình thức kí hiệu khác như màu sắc, đường nét, âm thanh, nhịp điệu, hình ảnh, biểu tượng, diễn xuất… là hình thức biểu đạt đời sống tinh thần con người. Con người tiếp xúc với thế giới không chỉ bằng trực quan mà bằng cả một mạng lưới kí hiệu dày đặc. Vì vậy con người luôn phải giải mã trong giao tiếp và trong nhận thức thế giới. Trong nghiên cứu văn nghệ, chúng ta phải bắt đầu từ nghiên cứu từ ngôn ngữ đặc thù của các loại hình nghệ thuật, giải mã các ký hiệu nghệ thuật để nắm bắt nội dung. Từ hướng này, chúng ta đã tiếp nhận và ứng dụng các lý thuyết về thi pháp học, tự sự học, liên văn bản, kí hiệu học nghệ thuật, phê bình kí hiệu học.
– Trong thập niên gần đây, việc xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ mới được đặt ra cấp bách. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng đó, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương triển khai nghiên cứu Đề án cấp Nhà nước “Xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam” với 04 Đề tài độc lập: Tư tưởng lý luận văn nghệ trung – cận đại ở Việt Nam; Tư tưởng lý luận văn nghệ ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay; Quá trình tiếp thu các tư tưởng lý luận văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam từ đầu thế kỷ XX; Định hướng phát triển lý luận văn nghệ ở Việt Nam.
Hội đồng tổ chức tốt các cuộc Hội thảo khoa học toàn quốc về các vấn đề quan trọng, cấp bách như: Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Nâng cao chất lượng, hiệu quả phê bình văn học; Sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử; Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay; Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam; Nhìn lại quá trình xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay; Xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại…
Những hoạt động thiết thực đó đã góp phần xây dựng phát triển lý luận văn nghệ Việt Nam theo hướng dân tộc, khoa học, hiện đại, dân chủ, nhân văn.
2.3.3. Đổi mới phương pháp luận phê bình góp phần nâng cao chất lượng hoạt động sáng tạo nghệ thuật
Phê bình văn nghệ trong những năm qua đã góp phần phát hiện, giới thiệu đến công chúng nhiều tác giả, tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị; phát hiện cái hay, cái đẹp về nội dung và hình thức của tác phẩm nghệ thuật; hướng dẫn công chúng thưởng thức nghệ thuật; tạo cầu nối giữa văn nghệ sĩ với công chúng; khích lệ những tìm tòi, sáng tạo mới. Từng bước khắc phục lối phê bình cảm tính, xã hội học dung tục, võ đoán, quy chụp chính trị. Thông qua sinh hoạt phê bình, một số vấn đề liên quan đến chuẩn mực giá trị văn học, nghệ thuật và hệ thống lý luận mỹ học đã bước đầu được soi chiếu, điều chỉnh. Phê bình văn nghệ đã tham gia tích cực trong đấu tranh với những hiện tượng sai trái, xu hướng cực đoan, hình thức chủ nghĩa… góp phần vào sự phát triển lành mạnh của đời sống văn nghệ.
Đổi mới lý luận phê bình văn nghệ không thể chỉ dừng ở sự đổi mới quan niệm phê bình, mà quan trọng và cốt yếu chính là sự đổi mới phương pháp phê bình văn học, mở ra những hướng tiếp cận mới để khám phá mọi bình diện và tầng bậc của văn nghệ đương đại.
2.4. Lí luận, phê bình văn học của người Việt ở nước ngoài
2.4.1. Về đội ngũ
Trước năm 1975 đã có gần 20 vạn người Việt định cư ở nước ngoài, sau năm 1975 đến nay số lượng người Việt sinh sống, làm việc ở nước ngoài tăng lên rất nhanh, gần 6 triệu người. Trong số đó có khá nhiều người hoạt động sáng tác, biểu diễn, phê bình văn học, nghệ thuật. Họ định cư chủ yếu ở các khu vực châu Âu, Bắc Mĩ, châu Úc… Riêng lĩnh vực lí luận, phê bình văn học, có thể kể đến những cây bút như Đặng Tiến, Nguyễn Hưng Quốc, Thụy Khuê, Hoàng Ngọc Tuấn, Bùi Vĩnh Phúc, Nguyễn Vy Khanh, Đặng Phùng Quân, Đoàn Cẩm Thi, Nguyễn Đức Tùng, Trương Hồng Quang…Từ khi công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng, cộng đồng mạng ngày càng đông đúc, sự kết nối của người Việt ở nước ngoài thuận lợi hơn, một số website văn học của Việt kiều như damau.org, tienve.org, talawas.org… ra đời. Lí luận, phê bình văn học của người Việt ở nước ngoài phát triển với nhiều khuynh hướng đa dạng.
2.4.2. Các khuynh hướng và thành tựu lí luận, phê bình
Trong môi trường văn hóa, nghệ thuật phương Tây hiện đại, những người viết Văn người Việt có điều kiện giao lưu, hội nhập quốc tế, hướng tới cộng đồng văn chương nhân loại. Cũng từ những môi trường khác nhau và điều kiện tiếp xúc học thuật khác nhau mà hình thành những khuynh hướng lí luận, phê bình khác nhau. Trong tầm quan sát của mình, chúng tôi khát quát một vài khuynh hướng tiêu biểu như sau:
– Khuynh hướng xã hội học văn học và chú giải học được thể hiện khá phổ biến trong các công trình tổng thuật, biên khảo về văn học sử. Trước hết là cuốn Hồ sơ Lục châu học: tìm hiểu con người ở vùng đất mới (2015) của Nguyễn Văn Trung nghiên cứu về văn hóa, văn nghệ vùng Nam bộ, tiếp đến là các công trình: Văn học miền Nam, tổng quan (1987) của Võ Phiến, Văn học và thời gian (2000), Văn học Việt Nam thế kỉ XX: một số hiện tượng và thể loại (2004) của Nguyễn Vy Khanh, Tuyển tập 44 năm văn học Việt Nam hải ngoại (2019) do nhóm tác giả Nguyễn Vy Khanh, Luân Hoán, Khánh Trường tuyển chọn và giới thiệu. Ngoài ra có thể kể đến các bài viết mang tính tổng thuật về văn học hải ngoại của các tác giả Thụy Khuê, Nguyễn Mộng Giác, Bùi Vĩnh Phúc…Những bài viết của họ đã cố gắng tôn trọng tính lịch sử cụ thể, tính chính xác của tư liệu nhưng khi phân tích, đánh giá mang đậm sự cảm nhận chủ quan của người viết.
– Khuynh hướng phê bình hình thức và thi pháp học văn học được các nhà phê bình, nghiên cứu ứng dụng khá thành công. Người tiên phong cho khuynh hướng này là Đặng Tiến với các công trình Vũ trụ thơ II, thơ trong kháng chiến (2008), Thơ – Thi pháp và chân dung (2009). Trước năm 1975, Đặng Tiến đã tiếp nhận và ứng dụng thi pháp học để nghiên cứu thơ Việt Nam. Công trình Vũ trụ thơ (1972), ông đã đưa lại cái nhìn và kiến giải mới, từ các yếu tố hình thức để cắt nghĩa nội dung. Hướng tiếp cận thi pháp thể hiện tập trung trong tập sách Thơ – Thi pháp và chân dung, Nxb Phụ nữ, HN, 2009. Nhìn chung, Đặng Tiến đã ứng dụng thi pháp học từ bình diện ngữ học khá hiệu quả, mỗi nhà thơ, tập thơ, ông đều có những kiến giải độc đáo, thuyết phục. Ngoài những đóng góp của Đặng Tiến cho nghiên cứu thi pháp thơ Việt Nam còn có những bài phê bình, nghiên cứu theo hướng thi pháp học của Bùi Vĩnh Phúc, Thụy Khuê, Đoàn Nhã Văn, Nguyễn Đức Tùng, Đoàn Cẩm Thi…
– Khuynh hướng phê bình cấu trúc với những tên tuổi như R. Barthes, T. Todorov, J. Culler… được Thụy Khuê, Nguyễn Hưng quốc, Đoàn Cẩm Thi… tiếp nhận và ứng dụng trong phê bình, nghiên cứu văn học. Nhà phê bình Thụy Khuê, trong công trình Cấu trúc thơ (1995) đã công khai bày tỏ: “Về phần cấu trúc hình thức thi ca, chúng tôi dựa vào lí thuyết của R. Jakobson để phân tích, lí giải một số vấn đề mấu chốt trong thơ Việt”. Phương pháp phê bình cấu trúc cũng được Trần Hưng Quốc ứng dụng trong công trình Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam (1998); còn Đoàn Cẩm Thi trong cuốn Đọc tôi bên bến lạ (2016), đã kết hợp cả phê bình cấu trúc và tiếp cận thi pháp học để nghiên cứu các tác giả văn học Việt Nam hiện đại như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà… Tuy nhiên, do những nhận định cực đoan và chủ quan nên cuốn sách này nhận được những ý kiến trái chiều.
– Phê bình văn hóa học văn hóa học văn chương là một khuynh hướng nghiên cứu được các nhà lí luận, phê bình văn học đặc biệt quan tâm hiện nay. Khi xu hướng liên ngành trở thành một đặc điểm nổi bật của thời đại 4.0 thì việc tiếp cận văn chương từ văn hóa học là tất yếu. Phê bình văn hóa học văn chương là nghiên cứu văn chương trong mối quan hệ chặt chẽ với môi sinh văn hóa, lí giải các hiện tượng văn chương từ cội nguồn văn hóa, như là một biểu hiện của văn hóa. Trên diễn đàn phê bình nghiên cứu văn chương người Việt ở nước ngoài có một số nhà phê bình như Nguyễn Hưng Quốc, Phạm Thị Hoài, Hoàng Ngọc Tuấn… viết phê bình văn chương từ văn hóa học. Tiêu biểu là công trình Văn hóa văn chương Việt Nam (2002), Phản tỉnh và phản biện: một số ghi nhận về văn hóa, giáo dục và chính trị Việt Nam (2013) của Nguyễn Hưng Quốc, Về tư cách của trí thức Việt Nam (tạp chí Cánh Én 4/2001) của Phạm Thị Hoài, Vấn đề trí thức và phản trí thức của Hoàng Ngọc Tuấn… Những chuyên luận và tiểu luận này đều lí giải văn chương trong mối quan hệ với văn hóa. Tinh thần phản biện văn hóa được đề cao, gay gắt phê phán mặt trái trong văn hóa Việt. Tuy nhiên vì cách nhìn, chỗ đứng và mặc cảm lưu vong khiến cho những công trình trên có những khái quát, nhận định cực đoan, phiến diện, thiếu thiện chí.
- NHỮNG HẠN CHẾ VÀ THÁCH THỨC CỦA LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN NGHỆ VIỆT NAM HIỆN NAY
3.1. Về đội ngũ lý luận, phê bình và quản lý văn nghệ
Những năm gần đây, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lý luận, phê bình văn nghệ sĩ kế cận được quan tâm, chú trọng hơn. Tuy nhiên chưa có những chính sách đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng những người có năng lực phù hợp với công tác quản lý văn nghệ. Số lượng những người làm công tác lý luận phê bình văn nghệ khá đông nhưng phân bố không hợp lý về thế hệ, lĩnh vực chuyên môn. Hiện đang có sự hụt hẫng về thế hệ, đặc biệt trong lĩnh vực lý luận, phê bình âm nhạc, sân khấu, điện ảnh… Các cơ sở đào tạo tiến hành rà soát, chỉnh sửa chương trình đào tạo theo hướng phù hợp với thực tiễn vận động của đời sống văn học, nghệ thuật, nhưng vẫn chưa thu hút được sinh viên, học viên đăng ký học về lý luận, phê bình văn nghệ.
Việc sắp xếp, bố trí những người làm công tác quản lý văn hóa, văn nghệ có lúc, có nơi không hợp lý. Không ít người làm công tác quản lý văn nghệ nhưng chuyên môn được đào tạo ít liên quan đến văn hóa, văn nghệ, không hiểu đặc trưng của hoạt động văn nghệ nên gặp khó khăn trong việc nắm bắt các hiện tượng văn hóa, văn nghệ cũng như định hướng phát triển văn hóa, văn nghệ.
3.2. Về nội dung hoạt động lý luận, phê bình văn nghệ
Lý luận văn nghệ vẫn chậm đổi mới so với yêu cầu thực tiễn sáng tạo. Việc dịch thuật giới thiệu lý luận văn nghệ nước ngoài còn thiếu tính hệ thống, mang tính tự phát, có lúc hiểu chưa đúng bản chất và giới hạn lịch sử của các lý thuyết văn nghệ. Nhiều vấn đề lý luận văn nghệ được đặt ra nhưng không được bàn bạc đến cùng và kết luận dứt khoát, có những vấn đề lý luận văn nghệ còn bỏ ngỏ (Vấn đề trào lưu phương pháp nghệ thuật ở Việt Nam, cách tiếp thu lý luận macxit phương Tây ra sao…). Chưa xây dựng được hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam thời kỳ mới theo định hướng dân tộc, khoa học, hiện đại, dân chủ, nhân văn.
Chưa xây dựng được hệ giá trị văn nghệ để định hướng sáng tác và phê bình văn nghệ. Hoạt động phê bình trầm lắng, thiếu những tranh luận đối thoại trước các hiện tượng văn học nghệ thuật đương đại. Nhiều bài phê bình mang tính quảng bá, điểm sách, chưa có khả năng định hướng thẩm mĩ của công chúng. Một số phương pháp phê bình mới của nước ngoài được giới thiệu nhưng ứng dụng còn có lúc khiên cưỡng, áp đặt, thiếu thuyết phục.
3.3. Về công tác quản lý hoạt động văn hóa, văn nghệ
Đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về văn hóa, nghệ thuật chưa được thể chế hóa, cụ thể hóa trong hoạt động của nhà nước, của các hiệp hội, của chính quyền địa phương. Chính sách đầu tư công cho văn hóa, văn nghệ chậm đổi mới, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển văn hóa nghệ thuật ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
Công tác quản lý hoạt động của văn nghệ trên mạng xã hội chưa được quan tâm đúng mức và chưa tìm ra biện pháp quản lý hiệu quả. Tình trạng nhạc phẩm, phim ảnh, tranh truyện, văn học mạng truyền đi lan tràn, chưa có phương thức quản lý làm ảnh hưởng đến thị hiếu giới trẻ.
Gần nửa thế kỉ qua, lí luận văn nghệ Việt Nam đã có bước tiến dài chưa từng thấy trong tiến trình lịch sử văn nghệ dân tộc. Phương châm dân tộc và hiện đại, thống nhất mà đa dạng luôn luôn được các nhà lí luận văn nghệ quán triệt trong hành trình xây dựng nền văn nghệ mới. Những di sản lí luận truyền thống văn nghệ dân tộc được nghiên cứu, kế thừa; những tri thức kinh điển lí luận văn nghệ nhân loại được nghiên cứu và tiếp nhận; những lí thuyết mới về văn nghệ của nước ngoài được giới thiệu và ứng dụng.
Tuy nhiên việc tiếp nhận các lí thuyết văn nghệ và ứng dụng vào phê bình, nghiên cứu còn hạn chế. Việc dịch thuật các công trình lí luận nước ngoài thiếu tính hệ thống, mang tính tự phát của cá nhân. Nhiều lí thuyết đã lỗi thời, số phận lịch sử của nó đã chấm dứt nhưng chúng ta vẫn chưa nhận ra những giới hạn của nó, chưa hiểu đúng bản chất và giá trị cốt lõi của các lí thuyết, vì thế ứng dụng không hiệu quả, nhiều lúc khiên cưỡng, không có giá trị khoa học.
Chương trình giảng dạy lí luận văn học ở các trường đại học đã có nhiều đổi mới dựa trên chuẩn đầu ra nhưng phần ứng dụng, kĩ năng vẫn còn khoảng cách với lí thuyết. Các giáo trình lí luận hiện hành đã lỗi thời, chưa cập nhật tri thức lí luận hiện đại. Vì vậy việc biên soạn lại giáo trình lí luận trở nên cấp bách, các chuyên luận, giáo trình phục vụ đào tạo sau đại học ngành văn chưa đáp ứng được nội dung chương trình nên cần được biên soạn gấp.
Từ thành tựu và hạn chế của lí luận văn nghệ trong hành trình gần 50 năm qua, chúng ta có thêm những bài học bổ ích và thiết thực. Để phát triển lí luận trong thời kì đổi mới và hội nhập hiện nay, chúng ta luôn kiên trì quan điểm kế thừa và cách tân, dân tộc và hiện đại để góp phần xây dựng nền văn nghệ Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, giàu tính nhân văn.
- LÝ LUẬN PHÊ BÌNH TRƯỚC YÊU CẦU PHÁT TRIỂN
4.1. Quan điểm chỉ đạo
Nhận thức sâu sắc và đầy đủ tầm quan trọng của văn hóa, văn nghệ trong sự nghiệp xây dựng đất nước dân giàu nước mạnh, dân chủ, văn minh.
Nhận thức đúng vai trò và đặc trưng của văn nghệ trong hoạt động văn hóa như NQ 23 NQ/TW đã nêu: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mĩ của con người, là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”. Thấm nhuần tinh thần và quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị trong kết luận số 84/ -KL/TW gắn văn hóa văn nghệ với nhiệm vụ xây dựng con người và phát triển kinh tế xã hội.
Lý luận, phê bình văn nghệ phải phát huy vai trò định hướng sáng tạo và tiếp nhận nghệ thuật, đồng hành cùng sáng tác để khơi dậy khát vọng sáng tạo những tác phẩm văn nghệ có tầm cao tư tưởng, có tình cảm cao đẹp, giàu giá trị nhân văn, đậm đà bản sắc dân tộc, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp chấn hưng đất nước.
4.2. Mục tiêu
– Xây dựng hệ thống lý luận, phê bình văn nghệ mới khoa học, hiện đại, nhân văn, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc.
– Xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ mới lấy chủ nghĩa Mác và tư tưởng Hồ Chí Minh làm chỉ đạo, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa lý luận văn nghệ nhân loại, phát huy truyền thống lý luận văn nghệ dân tộc, làm cho nền lý luận văn nghệ phong phú, năng động, phù hợp với quá trình phát triển của văn nghệ dân tộc và nhân loại.
– Xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ mới giàu tính nhân văn, lấy con người làm trung tâm, quan tâm đến số phận con người, xây dựng nhân cách con người, định hướng con người vươn tới những giá trị cao đẹp của đời sống.
4.3. Giải pháp chủ yếu
– Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, thể chế hóa đường lối bằng chính sách, pháp luật và đầu tư của nhà nước vào hoạt động văn học nghệ thuật. Đào tạo đội ngũ lý luận phê bình văn nghệ có chuyên môn cao, có năng lực nghiên cứu khoa học và nắm bắt thực tiễn sáng tạo văn nghệ. Cử những người có uy tín chuyên môn cao, tâm huyết, có lập trường chính trị vững vàng tham gia quản lý văn hóa, văn nghệ.
– Tiếp tục dự án dịch thuật, giới thiệu một cách bài bản hệ thống tinh hoa lý luận văn nghệ nhân loại, những trường phái, phương pháp mới, hiện đại; từ đó đối thoại, tiếp thu một cách có chọn lọc để làm giàu có thêm và hiện đại hóa nền lý luận văn nghệ nước nhà.
– Khẩn trương xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật tiên tiến, khoa học, phù hợp với thực tiễn văn nghệ dân tộc và khuynh hướng phát triển của thời đại.
– Tổng kết thực tiễn lý luận, phê bình 50 năm từ ngày thống nhất đất nước để rút ra quy luật phát triển, những bài học kinh nghiệm để xây dựng chiến lược phát triển văn nghệ trong những thập niên tới.
– Tìm cơ chế quản lý, kiểm soát các sản phẩm văn hóa, văn nghệ trên không gian mạng; lập các diễn đàn văn học, nghệ thuật mạng để thu hút cộng đồng sáng tác và thưởng thức một cách lành mạnh.
– Lập Hội Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; Hội Nghiên cứu, phê bình văn nghệ mạng để tăng cường đối thoại dân chủ giữa những người làm công tác lý luận, phê bình văn nghệ và đông đảo bạn đọc.
– Tăng cường giao lưu trao đổi với giới lý luận, phê bình văn nghệ nước ngoài để khảo sát, học tập cách xây dựng hành lang pháp lý và cơ chế quan lý, khuyến khích phát triển văn hóa, văn nghệ ở các nước tiên tiến trên thế giới.
Hà Nội tháng 11 năm 2024