Ký ức khoa cử trong Bảo tàng Văn học Việt Nam

Nằm khuất dưới chân đê sông Hồng, trên con đường gốm sứ chào mừng lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long của nhân dân Thủ đô là Bảo tàng Văn học Việt Nam – một kho báu khiêm nhường chưa được nhiều du khách biết tới. Không gian rộng 3600m2 này lưu trữ khoảng 4000 hiện vật, tư liệu quý giá – những “chứng nhân” của dòng chảy văn học nước nhà có tuổi đời đã hơn mười thế kỷ. 

Bảo tàng có sáu tầng; trong đó, tầng một trưng bày thành tựu văn học thời kỳ cổ – trung đại là hấp dẫn, thú vị hơn cả. Với hệ thống trình chiếu âm thanh – ánh sáng hiện đại; bảng thuyết minh hàm súc, cô đọng song ngữ Việt – Anh; bộ sưu tập hiện vật, mẫu vật đa dạng, phong phú về niên đại, kích thước, chất liệu; khách tham quan được đắm chìm trong bầu không khí trang nghiêm, kính cẩn của nền văn học thi thư trọng lễ giáo và khuôn phép thời phong kiến. Khu trưng bày chuyên đề Ký ức khoa cử được coi như điểm sáng của không gian tầng một bảo tàng, tái hiện lịch sử hình thành – phát triển – suy tàn của chế độ khoa cử một thời là chiếc nôi giáo dục, văn hóa cho đất nước.

Không gian Ký ức khoa cử ở Bảo tàng Văn học Việt Nam kể tiếp câu chuyện “hiền tài là nguyên khí quốc gia” du khách đã nghe nhiều, biết nhiều khi ghé thăm di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám; nhưng không vì thế mà trở nên đơn điệu, nhàm chán. Bảo tàng cung cấp cái nhìn tổng quát, toàn diện về thời “lều chõng đi thi”: từ khi sĩ tử còn học cùng chúng bạn tại lớp thầy đồ, tới lúc tân khoa vinh quy bái tổ. Trưng bày nhiều ảnh tư liệu chụp cảnh trường thi, hội đồng thi, bảng vàng niêm yết, Ký ức khoa cử đưa du khách trở về thời kỳ văn phòng tứ bảo còn thịnh hành; rồi từ đó dẫn du khách sang không gian văn học cận hiện đại và hiện đại rất nhịp nhàng, tự nhiên, chậm rãi mà sâu sắc.

Những ai yêu tiếng Việt hoặc muốn tìm hiểu kỹ đất nước và con người Việt không thể không ghé thăm Bảo tàng Văn học Việt Nam, đặc biệt là trưng bày Ký ức khoa cử, để càng thán phục, trân trọng một nền văn học được xây đắp trên sức ảnh hưởng của ngàn năm Bắc thuộc, trăm năm Pháp thuộc, nhưng vẫn vươn lên tìm được bản sắc riêng, có ánh sáng rực rỡ không thể bị trộn lẫn.

Một số hình ảnh của trưng bày Ký ức khoa cử:

Lễ truyền lô xướng danh những sĩ tử đạt giải thi

 

Hội đồng giám khảo năm 1897

 

Tổ hợp tái hiện cảnh “Lều chõng đi thi” của các sĩ tử thời xưa

 

Thầy đồ đang dạy học

 

Sách Lịch Đại Sách Lược bằng tiếng Hán được trưng bày tại Bảo tàng Văn học Việt Nam

Hoàng Hải Ly

*Bài viết ghi lại những ấn tượng và cảm xúc của bạn Hoàng Hải Ly – sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền sau khi đi tham qua tại Bảo tàng Văn học Việt Nam.