Khát vọng: tập truyện ngắn về người phụ nữ thời hậu chiến

(Nhân đọc Longings, tập truyện ngắn của các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, bản dịch tiếng Anh của Hà Mạnh Quân và Võ Hương Quỳnh,
NXB Texas Tech University Press, USA, 2024)

Bảo tàng Văn học Việt Nam trân trọng giới thiệu bài tham luận của GS.TS Huỳnh Như Phương tại Hội nghị Lý luận phê bình Văn học lần thứ V:

 Khi tuyển tập truyện ngắn Khát vọng (Longings) của các nhà văn nữ Việt Nam đương đại ra mắt độc giả tiếng Anh qua bản dịch của Hà Mạnh Quân và Võ Hương Quỳnh, cuộc chiến tranh Việt Nam đã lùi xa gần 50 năm. Trong gần nửa thế kỷ đó, người phụ nữ Việt Nam không còn đối mặt với hoàn cảnh ở ranh giới sống – chết, nhưng lại đứng trước những thử thách khắc nghiệt dưới thời chuyển đổi thể chế chính trị – kinh tế với những xáo trộn về mặt xã hội và văn hóa.

Nối tiếp tập truyện ngắn Những vầng trăng khác (Other Moons) do Hà Mạnh Quân và Joseph Babcock thực hiện, cuốn sách mới này giới thiệu 22 tác giả nữ, hầu hết cầm bút sau 1975 và không có nhiều trải nghiệm về chiến tranh. Dạ Ngân, nhà văn thành công ở thể truyện ngắn, là người từng trực tiếp tham gia kháng chiến ở miền Nam, cảm nhận và thể hiện chất phi thường của người nữ đi qua chiến tranh không phải trên chiến hào mà trên chiếc giường lẽ ra là nơi chứng kiến hạnh phúc vợ chồng. Mảnh bom ác nghiệt khiến người chồng mất khả năng làm tròn chức phận đàn ông. Trở về với đời thường, người vợ trông nhờ vào những chiếc gối trắng, trợ lực cho cuộc chiến đấu để bảo vệ đức hạnh của bản thân. Chị ôm những chiếc gối như ôm nỗi cô đơn đêm đêm vò xé lòng mình. Nỗi bất hạnh ở đây là hậu quả của chiến tranh mà cũng là hậu quả của một quan niệm cũ kỹ về đức hạnh. Lời người kể chuyện: “Cảm ơn những chiếc gối đã giúp người bạn vong niên của tôi trở thành phi thường”. Thì ra, tính phi thường vẫn là nỗi ám ảnh và cám dỗ khi người ta trở về cuộc sống bình thường. “Lũ gối” ấy làm từ bông của những trái gòn – một loài cây thổ cư mọc nhiều ở miền Nam – như những cánh dơi lủng lẳng treo mình trong gió, chứng kiến một cảnh đời âm thầm, “tối sầm như một bức tranh bị ố”. (Nỗi niềm gối trắng).

Cũng như câu chuyện của Dạ Ngân, những truyện ngắn ít nhiều liên quan đến chiến tranh trong tập này không có hình ảnh tiếng súng tiếng bom, đầu rơi máu chảy nhưng vẫn âm ỉ một nỗi đau trần thế. Đỉnh khói của Nguyễn Thị Kim Hòa gợi nhớ đến nhiều thiên truyện ở Sài Gòn trước 1975 với khung cảnh bãi rác phi trường, quán bar phục vụ lính viễn chinh và những chung chạ nam nữ gây cảm giác buồn nôn. Mối tình tay ba của Diễm Thúy với Bình và Philip không phản ánh xung đột chính trị trên mảnh đất này mà phản ánh mối giằng xé của tình yêu và ân nghĩa. Di chứng của chiến tranh còn ác nghiệt hơn trong Mẹ con và trần thế của Phạm Thị Phong Điệp. Chồng bị nhiễm chất độc hóa học, người đàn bà “vô hậu” chịu đựng đứa con nuôi “trời đánh ngỗ ngược” trong bối cảnh xóm Dứa lay lắt sống giữa thiên tai vây bủa kiếp người.

Sự hòa giải giữa con người và chiến tranh được tìm thấy trong hai truyện ngắn Miền cỏ hoang của Trần Thanh Hà và Nhậu với Khmer đỏ của Võ Diệu Thanh. Lấy bối cảnh một làng quê ven núi ở miền Trung, Miền cỏ hoang dẫn dắt tiếng sáo dặt dìu, nôn nao của người lính trở về sau chiến tranh, khi người mình yêu đã trở thành vợ kẻ khác, đã tìm thấy mảnh ghép cuộc đời với một người đàn bà dang dở. Giữa bạt ngàn cỏ hoang, một làn khói bếp mỏng bay lên nóc nhà cũng có sức an ủi con người vượt qua nghịch cảnh mà đến với hạnh phúc. Lấy chất liệu từ cuộc chiến ở biên giới Tây Nam năm 1978, một cuộc chiến tàn bạo mà có lẽ ít độc giả nước ngoài thấu hiểu, Nhậu với Khmer đỏ hóa giải lòng hận thù của một người đàn bà Nam Bộ “cứng rắn như sắt thép” đối với người lính Cambodia đã buông súng.

Khi chiến tranh không còn là nỗi ám ảnh dai dẳng, người dân Việt Nam lại chịu đựng sự nghèo đói và bất hạnh triền miên. Người ta có thể đổ lỗi cho hậu quả chiến tranh, cho thiên nhiên khắc nghiệt, cho sự thiếu kinh nghiệm quản lý xã hội. Nữ giới cũng như nam giới đều phải quang gánh trên vai gánh nặng nhọc nhằn này của đất nước.

Trước 1975, trong khi Dạ Ngân vào chiến khu ở Nam Bộ, thì Trần Thị Thắng từ miền Bắc vào chiến trường theo đường Trường Sơn. Nhưng truyện ngắn Đằng sau cơn bão của bà viết về một câu chuyện đầy tính thời sự trong thời bình. Mỗi năm dải đất hình chữ S này phải hứng chịu hơn chục cơn bão lũ. Mỗi cơn bão lũ cuốn trôi bao nhiêu mạng người cùng tàu thuyền, nhà cửa. Có thể gặp trong thành phố hàng ngàn người đàn bà như nhân vật trong truyện ngắn này, chỉ sau một cơn bão đã mất hết tài sản, phải xa chồng xa con, trôi dạt lên thành phố làm “Ôsin” nuôi người bệnh để tích cóp mà không biết bao giờ mới trả hết nợ cho gia đình. “Đôi lúc muốn hỏi trời mà trời không nói” – nhân vật cảm thán về số phận mình.

Tai họa và cạm bẫy chờ sẵn những người phụ nữ yếu đuối và nông nổi. Thời xưa, Thúy Kiều (Đoạn trường tân thanh, Nguyễn Du) bán mình chuộc cha, chị Dậu (Tắt đèn, Ngô Tất Tố) kháng cự lính lệ bắt chồng; thời nay cũng có những người phụ nữ chống lại bạo lực phải vào tù, sa vào con đường bán thân để cứu gia đình hay trở thành món hàng trong tay bọn buôn người. Dưới ngòi bút của Tịnh Bảo, trong một giây phút bị khích động, người con gái nhút nhát đã phạm tội giết người để cứu cha mẹ. Trả giá bằng bảy năm tù tội, ngày ra tù chị còn có người đàn ông chờ đợi “dưới bóng cây gạo nở hoa”, như một đền bù của số phận. Nếu Biên ải của Võ Thị Xuân Hà tái hiện nạn buôn người nhức nhối nơi biên giới Việt – Trung, lóe lên ánh sáng của lòng nhân nơi kẻ gây tội lỗi, hé mở ngày trở về của người bị nạn ở cuối truyện; thì Trái xanh của Trần Thùy Mai kết thúc đau đớn bất ngờ khi hai chị em Mận Chín, Mận Xanh đều không cưỡng lại được cám dỗ vào con đường hư thân. Ngòi bút nhân ái của Trần Thùy Mai đã bị niềm tuyệt vọng khuất phục, khi làng Cổ Kỳ không che giấu nỗi sĩ diện qua số phận của những đứa con gái sa ngã.

So với cuộc chiến đấu kiếm sống bên ngoài, cuộc chiến đấu nhọc nhằn và dằng dai nhất đối với người phụ nữ là cuộc chiến trong từng gia đình. Những tàn tích của chế độ phong kiến phương Đông còn để lại trong lòng xã hội Việt Nam ở quyền lực của người đàn ông – gia trưởng. Trên thực tế, đời sống khó khăn cũng tạo áp lực đè nặng trên vai nam giới và họ trút những bi phẫn vì thất bại, yếm thế trong chén rượu, lời chửi bới và cả đòn roi trên thân người phối ngẫu. Những người con gái Việt Nam đi lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan không chỉ để tìm cách cứu gia đình trong cơn khủng hoảng kinh tế, mà còn tìm đường trốn chạy sự bạo hành của những người chồng vũ phu suốt ngày vùi đầu trên chiếu nhậu. Tinh thần nam quyền đó không chỉ thể hiện qua những động thái và ứng xử bên ngoài mà còn thấm sâu vào quan niệm sống, qua sự giằng co giữa bổn phận do đạo lý truyền thống quy định và quyền được tự do, bình đẳng của người phụ nữ.

Cùng tái hiện chủ đề ngoại tình, nhưng hai truyện ngắn Bến đợi nhọc nhằnBên trong lại xây dựng hai tình huống trái nghịch nhau. Ở truyện ngắn trước, Nguyễn Hương Duyên kể chuyện một người vợ phản bội chồng, khi chồng bỏ đi, sống với đứa con gái chung khỏe mạnh và đứa con trai riêng tật nguyền. Khi người chồng trở về, tha thứ, bao dung, thì đứa con gái lầm lỡ và đổ vỡ trong tình yêu, như một trò trêu ngươi của số phận. Ở truyện ngắn sau, Phạm Thị Ngọc Liên kể chuyện một người chồng, đã có hai con, sống chung với người đàn bà khác. Do ghen tuông mù quáng, người vợ gây ra án mạng cho tình địch. Đứa con trai chứng kiến cảnh đó bị chấn thương, đổ bệnh tâm thần, người mẹ vô chùa lánh đời bỏ người chồng bơ vơ ở lại. Nhìn dáng cha đứng hẩm hiu trong bóng chiều sắp tắt, người con gái có ý nghĩ: “Chưa bao giờ tôi thấy làm người khổ như vậy”. Có lẽ cả hai tác giả nữ đều muốn thuyết minh cho hiệu ứng của luật nhân quả, và cảm nhận qua giọng văn cũng như ý tứ, hình như cả hai đều tỏ ra xót thương và cám cảnh cho phía người đàn ông.

Là một trong ba truyện ngắn trong tập này viết về các tộc người thiểu số, Mưa ướt áo ai của Tống Ngọc Hân kể câu chuyện về phong tục người Dao đón con gái và cháu ngoại mới sinh về nhà phải đi qua cửa ngách thay vì cửa chính. Sự hiện diện của sinh linh nhỏ bé làm xáo trộn đời sống một gia đình khiến người sản phụ nông nổi phạm một sai lầm không thể tha thứ. May mắn mỉm cười với họ: vị hôn phu của người con gái thứ hai là y sĩ đã kịp thời sửa chữa sai lầm ấy, lại còn đồng ý ở rể cho vừa lòng gia đình họ Phàn không có con trai. Mối duyên do sắp đặt chưa mấy nồng đậm, dưới làn mưa nhẹ miền núi, đã tìm thấy hơi ấm của tình cảm gia đình.

Sự chung thủy, lắm khi biến thành sự chịu đựng và phục tùng, đã trở thành phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam được phong hóa và văn chương ca ngợi, xuất phát từ một quan niệm của Khổng giáo: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (Ở nhà thì phục tùng cha, lấy chồng thì phục tùng chồng, chồng chết thì phục tùng con). Phản kháng, nổi loạn chưa bao giờ được khuyến khích công khai ở nông thôn Việt Nam. Không phải vô cớ mà Nguyễn Ngọc Tư đã phàn nàn khi đọc những truyện ngắn tham dự cuộc thi viết về chủ đề “Một nửa làm đầy thế giới” do Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh tổ chức năm 2019 với sự tài trợ của Giải thưởng LiBeratupreis-Frankfurt:

“… phần lớn nhân vật phụ nữ trong cuốn sách này đều cam chịu, nhẫn nhịn và yếu đuối. […] Họ ngây thơ trước những toan tính, tha thứ trước tội lỗi, và luôn chọn cách hy sinh bản thân mình mỗi khi xảy ra biến cố gia đình. […] Lòng trắc ẩn, sự cảm thương trong người viết đã cúi xuống những người đàn bà hiền lành thiệt thòi, mà quên còn những phụ nữ can đảm chống trả bất công và biết yêu chính mình ngoài yêu thương người khác.

Viết về sự hy sinh, tảo tần, và tình yêu thương vô bờ bến của người phụ nữ như con dao hai lưỡi, chúng ta không biết mình ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của họ hay đang trói buộc họ vào những bức tường, chiếc cọc vô hình. Và có dát vàng vào tường vách và cọc sắt, thì bị giam giữa chúng cũng không thể gọi là tự do.”

Nhưng ngạn ngữ Việt Nam cũng có câu: “Con giun xéo mãi cũng quằn.” Tinh thần nữ quyền cựa quậy trong văn chương Việt Nam từ những năm 30 thế kỷ trước, trong tác phẩm của nữ giới (Nguyễn Thị Kiêm/ Nguyễn Thị Manh Manh, Huỳnh Thị Bảo Hòa, Phan Thị Bạch Vân, Đạm Phương Nữ Sử, Sương Nguyệt Anh) cũng như nam giới (Nhất Linh, Nguyễn An Ninh, Phan Khôi, Đặng Văn Bảy) vẫn hiện hữu, lúc đậm lúc nhạt trong tiến trình văn học hiện đại. Đến những năm cuối thế kỷ 20 – đầu thế kỷ 21 những nhân vật nữ tự chủ, tự tin và có phẩn nổi loạn nữa, bắt đầu gây sức hấp dẫn trong văn học với tác phẩm của các nhà văn thế hệ mới.

Tập truyện này tiếp tục đóng góp vào phòng triển lãm những nhân vật nữ không cam chịu, từ thái độ e dè cho đến những phản ứng quyết liệt. Những người nữ trong Trăng muộn của Nguyễn Thị Châu Giang vừa tìm cách vượt qua khuôn khổ gia đình và sự kiềm tỏa xã hội, vừa tìm cách hòa giải với hoàn cảnh vì không muốn “đau đớn, dằn vặt nhau thêm nữa mà làm gì.” Nằm trong chùm truyện hương xa của Đỗ Bích Thúy, Tiếng đàn môi trên bờ rào đá trang trải nỗi lòng của ba người phụ nữ: mẹ Già, mẹ Hoa và May – đứa con của mẹ Hoa với người chồng chung mà mẹ Già nuôi dưỡng. Mẹ Già sống trong đời thực bạc bẽo với tâm trạng “làm dâu mà không làm mẹ thì chỉ là cái cục đá kê chân cột nhà chồng thôi.” Tiếng đàn môi là biểu tượng của giấc mơ và nỗi khát khao ẩn kín lâu nay trong lòng mẹ Già, như tiếng sáo thiết tha quyến rũ cô Mỵ trong truyện Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài ngày trước. Nỗi khát khao của người đàn bà nhẫn nhục sống bên lề cuộc đời được đánh thức bởi tiếng đàn môi sau cuộc rượu với người tình cũ trong ngày hội chợ truyền thống.

Trong bối cảnh giao lưu và hội nhập với thế giới, các nhà văn nữ có điều kiện tiếp xúc và trải nghiệm để giới thiệu mẫu người nữ bản lĩnh, khỏe mạnh của thời nay. Đó là Lan trong Chồi non của Nguyễn Phan Quế Mai: nhân vật này bước ra cọ xát, giao tiếp với thế giới xa lạ, từng “ướt sũng tận xương tủy cái lạnh của sự tha hương”, “biết cách lùi xa khỏi những người đàn ông khiến tim cô loạn nhịp”, nhờ ý thức được giá trị của hạnh phúc gia đình và của chính bản thân, đã đứng vững trước cơn say nắng nhất thời để không vượt qua ranh giới của sự phản bội và có cơ hội vun xới lại mảnh vườn hôn nhân.

Trong chủ đề về người phụ nữ mới, hiện đại, nhiều chi tiết thú vị chờ đợi độc giả trong Chọn chồng, một truyện ngắn mang mùi vị nhục cảm của Kiều Bích Hậu. Từng chịu đựng một cuộc hôn nhân ép buộc gây chấn thương tâm lý, Ân từ bỏ người chồng như con thú đói ở Núi Xẻ, dấn bước đi xa ra thế giới để vượt thoát số phận “thân gái mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu” như “đại tự sự” của tập tục cổ truyền khái quát. Cô không để người khác áp đặt người đàn ông cho mình theo cách nghĩ “thiếu người đàn ông là thiếu vắng hệ trọng nhất của người đàn bà”. Cô phải chọn lấy người đàn ông theo quan niệm của mình về tình yêu và tính dục, hơn thế “chính cô phải tạo ra người đàn ông của chính mình”, một “đối tác” giúp cô “khám phá đời sống tính dục”, “phát hiện bản thể” và “tìm được bản năng đàn bà đích thực”. Truyện ngắn mang màu sắc hậu hiện đại này so với những truyện ngắn trữ tình – lãng mạn của nhiều cây bút nữ vài ba mươi năm trước thật là một khoảng cách rất xa.

Kim Định, một học giả nổi tiếng ở miền Nam Việt Nam những năm 1954-1975, là người sớm xiển dương tư tưởng thoát Trung về văn hóa. Trong một số công trình nghiên cứu, ông táo bạo đề xướng thuyết Việt Nho, cho rằng Nho giáo vốn là của người Việt cổ và không có gì chung với tư tưởng Hán Nho hà khắc sau này. Luận thuyết của ông được một số người hậu học noi theo, đề cao và quảng bá, rất tiếc lại chưa được thực chứng về mặt khoa học. Nhưng Kim Định có lý khi cho rằng nhân sinh quan của người Việt luôn dành chỗ cho tư tưởng ngợi ca phụ nữ và nhấn mạnh vai trò của họ trong đời sống, qua hình tượng những nữ anh hùng Trưng Trắc, Trưng Nhị, Triệu Thị Trinh và qua tục thờ Mẫu vẫn còn lưu truyền cho đến ngày nay.

Điều không may cho văn hóa Việt Nam là truyền thống tốt đẹp đó nhiều khi phải chịu khuất phục trước sức mạnh của phong tục, tập quán lỗi thời. Đứng về phương diện này, phải khiêm tốn mà nói rằng tinh thần nữ quyền chưa bao giờ thực sự là một trong những mạch chủ lưu của đời sống người Việt Nam. Mặc dù không thiếu thiện ý kêu gọi giải phóng phụ nữ và thành lập các tổ chức xã hội để hiện thực hóa nữ quyền, thế đứng của người phụ nữ Việt Nam hầu như luôn ở hậu cảnh của lịch sử. Trong chiến tranh, người phụ nữ đau đớn, khắc khoải chờ con, chờ người yêu, người chồng đi ra trận. Đến khi hòa bình, họ lại chờ con, chờ chồng đi làm thuê ở phương trời xa. Chờ đợi đã trở thành một kỹ năng sống, hơn thế, một phẩm hạnh của người đàn bà Việt Nam. So với rất ít những phụ nữ thành đạt nở mày nở mặt và có tiếng nói ảnh hưởng ở chốn đông người, cái đa số thầm lặng đó “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ở nông thôn hay mòn dép chai vai trên những nẻo đường phố thị để tìm miếng cơm manh áo.

Trong tinh thần đó, chúng ta ước mơ và hy vọng số phận của người phụ nữ Việt Nam sẽ thay đổi tốt đẹp hơn cùng với sự đổi mới, phát triển của đất nước và xã hội.