Khám phá Chữ Tâm, chữ Tài

Nằm trong con ngõ nhỏ trên đường Âu Cơ, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội, Bảo tàng Văn học Việt Nam lặng lẽ thực hiện sứ mệnh lưu giữ cả một nền thơ ca đồ sộ của đất nước, lan tỏa tình yêu văn học đến với thế hệ sau.

Không gian trưng bày ngoài trời của bảo tàng. Ảnh: Vân Anh

Trở lại Bảo tàng Văn học Việt Nam sau khi tham gia tour du lịch Văn học “chữ Tâm, chữ Tài”, Hằng và Vy, sinh viên đại học tại Hà Nội, không giấu được hào hứng kể: “Chúng em không biết nhiều về văn học, nhưng sau khi tham gia tour du lịch văn học, hai đứa quyết định phải quay lại bảo tàng một lần nữa. Thay vì có hướng dẫn viên giới thiệu, lần này chúng em tự mình tìm tòi lại những câu chuyện đã nghe kể, để một lần nữa sống lại trong một thời rực rỡ của thơ ca”.

Ra mắt từ cuối tháng 12.2022, tour du lịch Văn học “Chữ Tâm, chữ Tài” của Bảo tàng Văn học Việt Nam thu hút nhiều khách tham quan, trải nghiệm. Hoàng Anh, team truyền thông của tour du lịch Văn học chia sẻ, khi chủ đề về tâm tài của tác giả đi qua các tác phẩm, vấn đề làm truyền thông không qua khó.

“Bản thân sản phẩm đã tạo sức hút khi được xây dựng từ những tác phẩm của môn Văn trong trường học. Vấn đề làm truyền thông không quá khó. Từ ngày bắt đầu dự án đến nay, hầu hết các tour đều được công chúng đón nhận, không phân biệt độ tuổi, từ các bậc phụ huynh đến cả những bạn học sinh tiểu học đều say mê lắng nghe, tìm hiểu về mỗi tác phẩm và tác giả được trưng bày tại bảo tàng”, Hoàng Anh chia sẻ.

Bên trong bảo tàng. Ảnh: Vân Anh

Tham gia tour du lịch Văn học, du khách không chỉ ngắm nhìn hiện vật, nghe thuyết minh mà còn được tìm hiểu câu chuyện đằng sau mỗi hiện vật thông qua những màn diễn xuất tái hiện một số trích đoạn từ tác phẩm văn học. “Đặc biệt, những bạn trẻ chưa đọc sách nhiều hoặc chưa thật mê môn Văn có thể cảm nhận văn chương rất gần với đời sống, thú vị chứ không chỉ khô khan như việc phải học văn” – Hoàng Anh bày tỏ.

Đưa văn chương gần với công chúng

Trong dòng chảy của nhịp sống hiện đại, nhiều bảo tàng trên cả nước nói chung và TP.Hà Nội nói riêng dễ bị lãng quên trong lòng công chúng. Quyết tâm để Bảo tàng Văn học Việt Nam “chuyển mình”, cùng với kho tàng tư liệu đáng quý của văn chương đồ sộ, bà Nguyễn Thị Thu Huệ – Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam bày tỏ mong muốn ngày càng nhiều người tới tham quan bảo tàng, thêm yêu và gắn bó với văn học qua các thời kỳ. “Từ tình cảm đó, văn hoá đọc sẽ được nuôi dưỡng và phát triển vì xã hội dù có hiện đại tới đâu nhưng văn chương vẫn luôn là một giá trị vĩnh cửu đồng hành với đời sống của con người”, bà chia sẻ.

Tiếp nối thành công của tour du lịch Văn học, trong thời gian tới bảo tàng sẽ mở thêm tour ngày, thêm nội dung cho khách tham quan trải nghiệm, khám phá. Bà Thu Huệ cho rằng bảo tàng là một kho tư liệu sống rất quý, rất đồ sộ, cả một thời kỳ lịch sử đã trôi qua, những tác phẩm văn học sẽ giúp cho mỗi người nhìn lại những thăng trầm của đất nước. Với số lượng hiện vật của nhiều thế hệ nhà văn đang trưng bày hiện nay, bà Huệ đánh giá nội dung để khai thác rất lớn và hay.

“Nếu không đưa được khán giả quan tâm đến kho ký ức này sẽ có lỗi rất lớn với công chúng. Chính vì lẽ đó, Bảo tàng Văn học Việt Nam đã tìm những cách làm mới, sáng tạo để đưa công chúng đến gần hơn với văn học Việt Nam. Thành công của tour du lịch văn học là minh chứng cho sức hút của văn chương với bao thế hệ người dân Việt Nam” – Giám đốc bảo tàng nhận định.

Nơi ăm ắp những đời văn

Là một trong số ít bảo tàng về văn học trên thế giới, Bảo tàng Văn học Việt Nam ăm ắp những đời văn, mỗi tư liệu, hiện vật ở đây đều mang một câu chuyện riêng về cuộc đời, về quá trình sáng tác và các tác phẩm của các tác giả.

Bước vào khu vực trưng bày trong nhà, trung tâm tầng 1 là hòn đá hình ngòi bút được mang từ Đền Hùng về, với câu Kiều “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” của Đại thi hào Nguyễn Du.

Dạo quanh tầng 1 – với chủ đề văn học nước nhà từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX, du khách sẽ ấn tượng với đoạn hoạt cảnh dựng lại khoảnh khắc vua Lý Thường Kiệt vọng đọc áng thơ “Nam quốc sơn hà” nơi ngã ba sông Cầu, hừng hực khí thế xuất quân ra trận. Không chỉ là những hiện vật quý, bảo tàng còn có cả hệ thống máy tính, màn hình cảm ứng tự động để giới thiệu các hiện vật hay nền văn học từ xa xưa.

Khách tham quan tìm hiểu về những câu chuyện văn học trong bảo tàng. Ảnh: Bảo tàng Văn học Việt Nam

Theo dòng chảy văn học, tầng 2 và tầng 3 là nơi trưng bày hiện vật, tư liệu về những tác giả lớn đầu thế kỷ XX và các nhà văn đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Du khách có cơ hội tới từng góc nhỏ, nơi câu chuyện đời văn của tác giả được kể lại qua từng trang bản thảo, tác phẩm đầu tiên, những kỷ vật của họ như bộ quần áo, chiếc xe đạp, máy đánh chữ… hay tái hiện sinh động bối cảnh đặc trưng qua từng thời kỳ.

Ngoài ra, bảo tàng còn dành một không gian ở tầng 3 để tôn vinh những nhà văn đạt giải thưởng Nhà nước và các kỳ Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam. Ngoài ra bảo tàng còn có không gian trưng bày chuyên đề và không gian văn hóa “Sinh hoạt văn hóa nông thôn Việt Nam” với những nghề đặc trưng của nông thôn Việt Nam thời kì trước như nghề nấu rượu, dệt vải… Không gian vườn sau bảo tàng là những bức phù điêu bằng gốm tạc danh nhân văn học thời kỳ cổ – trung đại.

Với những cách làm có phần trẻ trung, để hiện vật tự kể câu chuyện của chúng, Bảo tàng Văn học Việt Nam có thể đưa công chúng đến gần hơn với văn chương. Những ai chưa yêu văn chương, chưa thích đọc sách, sau khi tham quan bảo tàng, tham gia tour lại có tình cảm với văn học. Từ đó hiểu thêm về kho tàng đồ sộ của văn học nước nhà, để yêu thích và cùng gìn giữ những giá trị mà cha ông ta để lại.

VÂN ANH

Theo nguồn: https://dulich.laodong.vn/kham-pha/chu-tam-chu-tai-1156787.html