Đoàn công chức xã Quỳnh Đôi, Nghệ An tham quan Bảo tàng Văn học Việt Nam

Sáng nay, ngày 26.11.2023, ông Hồ Bảo Thông – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi, Nghệ An làm trưởng đoàn cùng các cán bộ công chức xã Quỳnh Đôi đến tham quan Bảo tàng Văn học Việt Nam.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Bảo tàng Văn học Việt Nam
Cán bộ Bảo tàng Văn học Việt Nam đã đón tiếp đoàn và hướng dẫn, thuyết minh chi tiết từng không gian trưng bày tại bảo tàng. Đoàn cán bộ xã Quỳnh Đôi không khỏi ngạc nhiên và ấn tượng trước một không gian đậm chất văn học cũng như cách trưng bày, sắp xếp khoa học tại đây. Chỉ ít giờ tham quan tại bảo tàng dưới sự hướng dẫn của cán bộ thuyết minh, đoàn cán bộ xã Quỳnh Đôi đã được khái quát lại toàn bộ chặng đường phát triển của nền văn học nước nhà từ thời kỳ văn học cổ trung đại cho đến thời kỳ văn học cận hiện đại.
                             Cán bộ bảo tàng thuyết minh tại không gian trưng bày 
Sau quá trình tham quan tại Bảo tàng Văn học Việt Nam, ông Hồ Bảo Thông đã có những chia sẻ: “Lần đầu tiên đến với Bảo tàng Văn học Việt Nam tôi thực sự ấn tượng trước quy mô của bảo tàng đại diện cho đất nước, đại diện cho các triều đại, thế hệ Việt Nam. Nơi đây đã để lại dấu ấn cho các thế hệ mai sau học tập và noi theo. Đặc biệt tại bảo tàng có trưng bày những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của mảnh đất Quỳnh Đôi nói chung và Quỳnh Lưu nói riêng đó là danh nhân văn hoá Thế giới – nữ sĩ Hồ Xuân Hương được UNESCO vinh danh năm 2022, nhà thơ Tú Mỡ, nhà thơ Hoàng Trung Thông, nhà văn Phan Cự Đệ… Đặc biệt những hiện vật trưng bày đã để lại cho cán bộ Đảng viên, du khách biết được những tư liệu quý giá của các nhà văn, nhà thơ, nhà cách mạnh trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước khi đến tham quan và học tập. Đồng thời qua đó chúng ta thấy được sự hy sinh, cống hiến của các bậc tiền nhân, anh hùng, lão thành cách mạng. Với sự sắp xếp khoa học của bảo tàng đã giúp khách tham quan dễ nhớ, dễ hiểu và đi vào lòng người. Sau buổi tham quan này, mỗi cán bộ xã Quỳnh Đôi chúng tôi sẽ học tập, noi theo và có những việc làm thiết thực để phù hợp với địa phương giàu thuyền thống văn hoá, xã anh hùng.”
“Khi đến bảo tàng và tham quan phía ngoài vườn tượng danh nhân tôi đã thấy vừa đẹp vừa gần gũi. Khi vào trong bảo tàng tôi thấy việc bố trí các giai đoạn văn học rất phù hợp. Sau khi nghe cán bộ thuyết minh đoàn đã hiểu thêm được nền văn học Việt Nam phát triển theo từng giai đoạn như thế nào. Tôi rất ấn tượng với các ngọn đèn tại bảo tàng nó được thể hiện giống như những ngòi bút nhìn rất độc đáo. Qua các mô phỏng tại bảo tàng, tôi đã hiểu hơn cuộc sống của người dân Việt Nam ta từ xưa tới nay. Từ những lớp học đầu tiên được tái hiện đến những tác phẩm như “Chí Phèo -Thị Nở” của Nam Cao, “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố đều được tái hiện rất chân thực và gần gũi.” (Bà Cù Thị Nhàn – Phó Chủ tịch UBMT xã Quỳnh Đôi).
Bảo tàng Văn học Việt Nam cảm ơn những chia sẻ chân thành của đoàn và chúc đoàn xây dựng thành công những sản phẩm văn hoá phù hợp trên mảnh đất giàu truyền thống văn hoá, anh hùng của địa phương.
BTVHVN