Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 23.11 hàng năm là Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Từ đó tới nay, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng được quan tâm, trở thành nguồn lực quan trọng phát triển đất nước.
Di sản văn hóa ngày càng được coi trọng
Cách đây 79 năm, ngày 23.11.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL “về bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam”. Đây là Sắc lệnh đầu tiên của chính thể mới về bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, đặt nền móng, kim chỉ nam, sợi chỉ đỏ xuyên suốt cho sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa nước nhà.
Xuất phát từ ý nghĩa lịch sử của Sắc lệnh số 65/SL, ngày 24.2.2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg, lấy ngày 23.11 là Ngày Di sản văn hóa Việt Nam.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Trụ – Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, 79 năm qua, cùng với tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng được coi trọng. Hệ thống pháp luật về di sản văn hóa không ngừng được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước.
Đến nay, cả nước đã xếp hạng được hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, TP; 3.621 di tích quốc gia, 130 di tích quốc gia đặc biệt, trên tổng số hơn 40.000 di tích, khoảng 7.000 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, trong đó có 534 di sản đã được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nhiều di sản văn hóa của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh, gồm 9 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể; 9 di sản tư liệu, trong đó có 3 di sản tư liệu thế giới và 6 di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Từ một vài bảo tàng được xây dựng dưới thời Pháp thuộc, hiện nay, hệ thống bảo tàng Việt Nam đã có 127 bảo tàng công lập, 70 bảo tàng ngoài công lập, bảo quản trên 4 triệu hiện vật. Tính đến thời điểm hiện nay, cả nước có 294 hiện vật, nhóm hiện vật đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.
“Chúng ta có quyền tự hào về kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc dân tộc và những thành tựu đã đạt được trong sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa. Đó là nguồn động viên to lớn, giúp chúng ta càng thêm yêu và trách nhiệm với di sản văn hóa dân tộc” – PGS.TS Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh.
Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển
Thời gian qua, TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản pháp lý và văn bản chỉ đạo điều hành liên quan tới việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Điển hình, TP Hà Nội thực hiện việc phân cấp nhằm tăng cường quyền hạn, trách nhiệm cho cơ sở, cũng như bảo đảm sự tập trung, thống nhất và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về di sản văn hóa; chú trọng công tác tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa.
Theo Giám đốc Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn, TP Hà Nội đã giải quyết cơ bản hài hòa, hợp lý giữa công tác quản lý, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế – xã hội trong không gian đô thị với việc áp dụng một số mô hình hiệu quả. Trong đó có tham khảo ý kiến tư vấn của các nhà khoa học, lắng nghe ý kiến dư luận nhiều chiều, giải quyết những vi phạm trong quản lý, bảo tồn các di sản văn hóa.
Một số quận nội thành làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, di chuyển được nhiều hộ dân ra khỏi khu vực bảo vệ di tích, như tại đình Kim Ngân, đền Quan Đế, Bích Câu đạo quán, chùa Hòe Nhai, đền Đông Hạ, đền Hai Bà Trưng…
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP Hà Nội, thực hiện có hiệu quả Chương trình số 06-CTr/TU, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22.2.2022, về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, Hà Nội sẽ phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần bồi đắp, phát triển văn hóa Thăng Long – Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Trước những yêu cầu mới trong phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng Thành phố sáng tạo, các di sản của Thủ đô như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò… đã có những bước chuyển mình, ra mắt nhiều sản phẩm, tổ chức các hoạt động phong phú.
Đặc biệt, Hà Nội sẵn sàng thí điểm các chính sách liên quan đến việc phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng, từ đó trở thành tiền đề, rút kinh nghiệm để có thể nhân rộng. Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, với việc “đánh thức” các di sản như Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Tổng hợp), Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ phủ), trước đó là Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Tháp nước Hàng Đậu… là gợi ý, để di sản Thủ đô được tiếp nối, trở thành những không gian văn hóa – sáng tạo; góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phát triển công nghiệp văn hóa.
LẠI TẤN/KTĐT
Theo nguồn: https://vanvn.vn/di-san-van-hoa-nguon-luc-noi-sinh-phat-trien-dat-nuoc/