Bảo tàng Văn học Việt Nam trân trọng giới thiệu bài tham luận của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến tại Hội nghị Lý luận phê bình Văn học lần thứ V:
Đã 50 năm kể từ 1975 đến 2025, trong dòng chảy của thi ca Việt Nam thời hậu chiến, đã xuất hiện nhiều nhà thơ mới với các tác phẩm thơ có dấu ấn tìm tòi, cách tân đóng góp cho sự phát triển của nền văn học đương đại. Từ xưa đến nay, đổi mới văn chương – thi ca vốn là công việc khó khăn, khó nhọc muôn phần của người sáng tạo. Còn luận bàn về sự tìm tòi, đổi mới của thi ca chắc cũng không dễ dàng gì hơn. Nhưng không lẽ, cái khó khăn lớn nhất của việc mở đường, khai phá miền đất mới cho thi ca trong 50 năm qua đã được các nhà thơ làm rồi, còn việc giới thiệu, cổ vũ, luận bàn về cái mới ấy, chúng ta lại cứ e dè, xét nét, ngẫm ngợi mãi sao?
Trong những năm gần đây, vấn đề đổi mới thơ đang được đặt ra như một nhu cầu bức thiết và tự thân của mỗi cá thể sáng tạo. Tuy một số khuynh hướng cách tân trong thơ trẻ gần đây mới chỉ là bước tìm tòi vỡ vạc ban đầu, nhưng vận hội mới của thơ ca Việt Nam đang mở ra trong thập niên đầu của thế kỷ XXI. Và chúng ta có quyền hy vọng về một “làn sóng mới” sẽ làm thay đổi diện mạo thơ Việt Nam cả về hình thức nghệ thuật và tinh thần sáng tạo.
Sau thế hệ Thơ Tiền chiến (1930 – 1945), thi ca Việt Nam đi thẳng vào khói lửa trận mạc trong suốt 30 năm chiến tranh liên miên giặc giã với thế hệ Thơ Kháng chiến (1945 – 1975). Trong suốt 30 năm trận mạc đó, thi ca Việt Nam đã thăng trầm cùng số phận dân tộc để vượt lên và tồn tại. 50 năm sau chiến tranh, thế hệ Thơ Hậu chiến (1975 – 2015) đã hướng tới một cuộc cách tân để đưa thơ đương đại Việt Nam hội nhập với thế giới.
Theo tôi, xét về mặt giọng điệu và thi pháp, Thơ Kháng chiến đã ít nhiều làm thay đổi chân dung diện mạo của Thơ Tiền chiến nhưng gần như vẫn chưa vượt qua được vùng ảnh hưởng của nó. Phải chờ đến sự xuất hiện của dòng Thơ Hậu chiến thì giọng điệu và thi pháp thơ Việt Nam mới có được những chuyển động mới để chấm dứt nỗi ám ảnh của Thơ Tiền chiến. Cho đến nay, đã 50 năm sau chiến tranh, cùng với bước ngoặt đổi mới quan trọng của nền văn học Việt Nam đương đại, cả một thời kỳ mới đáng ghi nhận của thơ ca đất nước đã mở ra với sự xuất hiện của hàng loạt tác giả, tác phẩm mới mang dấu ấn của một giai đoạn văn học sau chiến tranh.
THẾ HỆ ĐỔI MỚI QUAN TRỌNG CỦA VĂN HỌC VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI
Thực sự những nhà thơ xuất hiện sau 1975 đã là một thế hệ đổi mới quan trọng của văn học đương đại Việt Nam. Trong số họ có những người đã cầm bút từ trước đó, nhưng thành tựu thơ ca chính lại xuất hiện và được ghi nhận sau 1975. Có thể tạm phân định các nhà thơ này theo 2 nhóm: Nhóm thứ nhất: các nhà thơ thuộc thế hệ hậu chiến (xuất hiện từ năm 1975 đến năm 2000) – đây là những gương mặt thơ tiêu biểu làm nên diện mạo chính của thời kỳ đổi mới trong thơ Việt Nam đương đại. Nhóm thứ hai: các nhà thơ trẻ xuất hiện trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2025 với những tìm tòi, phát hiện bước đầu được ghi nhận.
Theo tôi, trong số những thành tựu nổi bật của thế hệ những nhà thơ hiện đại Việt Nam sau 1975 là họ đã có những bước chuyển mới rất cơ bản về nội dung phản ánh, về nghệ thuật và thi pháp. Thơ của họ gần gũi với cuộc đời hơn, gần với thiên nhiên, gần gũi với tâm sự buồn vui của con người hơn, thơ của họ nghiêng về phía những cá thể và là tiếng nói thân phận. Ngòi bút thơ của họ chủ động hơn, tìm tòi vươn tới bề sâu của những vỉa tầng còn ẩn khuất của đời sống tâm trạng và tinh thần con người để khai thác và hướng tới những hiệu quả nghệ thuật mới.
Các nhà thơ sau 1975 không mấy khi phải gồng mình lên để nói những điều lớn lao, cũng viết về những cuộc chiến tranh đã đi qua, nhưng thơ họ đã hướng tới những số phận, khắc hoạ được những nỗi đau mất mát, nó thấm thía và lay động lòng người hơn trước. Nỗi buồn được cảm thông và chia sẻ trong thơ họ rất thật, nó mệt mỏi, nhức đau như chính cuộc đời vậy. Đọc thơ họ, chúng ta có cảm giác vừa đi qua một cánh rừng rậm đặc, trong bóng đêm ẩm ướt của những câu thơ đang tuôn trào như một sự hối thúc ám ảnh. Thơ của họ như bản giao hưởng của rất nhiều khái niệm, cảm giác, suy ngẫm và ý tưởng – cùng tấu lên tràn đầy sức tưởng tượng lạ lẫm. Những day dứt của đời thường để lại không ít vết thương trong trái tim nhà thơ. Sự thật khắc nghiệt mà họ phải nếm trải đã dội đập vào thơ họ đến tức ngực- làm thơ họ bừng tỉnh. Đọc thơ họ, ta như được tham dự vào những nỗi khổ đau và hy vọng đã làm nên gương mặt của mỗi số phận.
Có thể nói đây là lực lượng chủ đạo của nền thơ đương đại Việt Nam, trên vai họ gánh nặng thi ca của một thế hệ đổi mới đang được khai sáng với sự chín chắn và kinh nghiệm tích luỹ được cùng thời gian. Các nhà thơ này đã mang lại những phát hiện mới, có giá trị khắc họa bằng ngôn ngữ của thơ, nỗi đau của những phận người – cái mà chỉ ít năm trước đây, không ít người làm thơ còn né tránh. Họ đã chạm được vào cõi sâu của tâm hồn, không chỉ bằng sự phá vỡ sắc cạnh của lý trí mà còn bằng cảm xúc của trái tim, điều đó làm cho người đọc thấy gần gũi và đồng cảm với nhà thơ, khi độc giả không bị áp đặt bởi một chủ thể ngôn ngữ có ý định mà được tham dự cùng tác giả vào những cảm xúc được tái hiện từ cái chất liệu đời thường còn rớm máu và khó nhọc này. Sự dồn nén, bức xúc của tâm trạng bật dậy trong họ những câu thơ không chịu bằng phẳng và sự chuyển tải của những nỗi niềm, những ẩn ức đang còn khuất lấp trong tâm hồn thi sĩ đã tự tìm cho mình một hình thể mới, một nhịp vận động riêng trong cách tổ chức câu chữ và những bài thơ đổi mới của họ ra đời.
MỘT SỐ GƯƠNG MẶT THƠ ĐƯƠNG ĐẠI TIÊU BIỂU SAU NĂM 1975
Có lẽ thời gian qua, chúng ta chưa đánh giá đầy đủ những đóng góp của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ cho thơ đương đại Việt Nam sau 1975. Theo tôi, anh là một gương mặt thơ tiêu biểu và chói sáng lặng lẽ qua thời gian bên cạnh những gì mờ nhạt và thiếu sức sống ngôn ngữ… Lưu Quang Vũ là một tài năng thơ bẩm sinh rất đặc biệt và độc đáo. Bản năng thi sĩ của anh giàu có trong những nỗi buồn, trong nỗi cô đơn và khổ hạnh. Khi bị dồn vào chân tường, trong những khoảnh khắc chập chờn sáng tối, những vần thơ ám ảnh của ông tung bứt lên như muốn đối mặt với buồn đau. Và, tập thơ Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi của Lưu Quang Vũ được trao “Giải thưởng Thành tựu văn học trọn đời” của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2010 là một ghi nhận xứng đáng.
Chiếc cốc tan không thể khác đâu em
Anh nào muốn nói những lời độc ác
Như dao cắt lòng anh như giấy nát
Phố ngoài kia ngột ngạt những toa tàu
Tiếng bán mua tiếng cãi chửi ồn ào
Những nhà cửa nhỏ nhoi những mặt người bụi bẩn…
Những dòng thơ giằng xé giày vò
Là mây trắng của một đời cay cực
Vượt lên trên những mái nhà chật hẹp
Em – em là mây trắng của đời tôi
Em nơi đâu bao năm tháng qua rồi
Người ta bảo rằng em đã chết
Người ta bảo quên đi đừng phí sức
Hãy chấp nhận những vách tường có sẵn
Em làm gì có thật mà mong.
(Thơ Lưu Quang Vũ)
Trong số các nhà thơ xuất hiện vào thời đổi mới, có lẽ Chu Hoạch là nhà thơ duy nhất ở nước ta viết được một bài thơ độc đáo về “đời sống cống ngầm” những năm tháng bao cấp nghèo khó ấy. Con mắt thi sĩ của ông đã phát hiện, đã khắc họa “trong cái cõi âm u nửa bùn nửa nước ấy” câu chuyện của quá khứ và tương lai của con người thời đương đại được nhìn từ dưới cống ngầm. Bài thơ của cố nhà thơ Chu Hoạch giản dị, khúc chiết và đầy ắp “ý tại ngôn ngoại”. Đây là một trong những bài thơ hay nhất của Giải thơ Báo Văn nghệ 1989-1990 những năm đổi mới.
Đưa Em ra bến xong anh vòng về quán nước
Ở đấy – với năm xu – anh được thở dài
Mà ngắm những đốm Hè nồng nực
Nhấp nháy hiện màu nhấp nháy đổi thay
Ngồi hết cái năm xu cũng là kịp vào ngày lao động
Với một chiếc xô tay anh tụt xuống cống ngầm
Thành phố đi trên đầu anh không tiếng vọng
Trừ tiếng thở của mình trầm, chậm, có hồi âm…
Ở đầu cống đằng kia cách hai trăm thước
Người thợ cống lâu năm rủ anh vào cuộc chuyện trò
Và trong cõi âm u nửa bùn nửa nước
Mỗi tiếng thì thầm cũng trở nên to
Cả hai đã nói gì trong âm u bùn nước ấy?
Khi thì nói về những cô gái đến với đời mình
để lại ra đi…
Khi thì nói về khẩu súng, về con dao,
về hòn đá đợi chồng,
về lòng con sông chảy
Về những mùi vị bất ngờ được nếm ở
trong mơ khi thức dậy chẳng còn gì…
Nhưng nhiều nhất là nói về những người đi trên phố
Những người đi ô tô những người đi bộ
ngược chiều nhau
Những người vội vàng những người hớn hở
Và những người đi im lặng lẫn màu…
(Thơ Chu Hoạch)
Trong khi đó, với tứ thơ Chúng ta còn phải chết nhiều lần, cố nhà thơ Phùng Khắc Bắc đã dành hẳn cho những người đã mất những bài thơ hay nhất, máu thịt nhất của đời thơ ông. Và thầm lặng khiêm tốn tới mức, giấu biệt chuyện mình làm thơ, Phùng Khắc Bắc không hề công bố một bài thơ nào của mình, chỉ tới khi ông mất, bạn bè cùng người thân mới phát hiện ra một di cảo thơ còn nằm trong im lặng của ông với những bài thơ “không phải chết nhiều lần”:
Chẳng có gì đâu
Sống chết như nhau
Cõi này cũng có điều đáng buồn như thế
Em cứ nghĩ xuống đây không còn nô lệ
Ai dè ách mới còn nặng hơn
Em đang tìm một kiếp mới hết buồn
Để lại chết xem cuộc đời có mới
Anh hãy sống sống dần dà đừng vội
Bởi
Chúng ta còn phải chết nhiều lần.
(Thơ Phùng Khắc Bắc)
Riêng hành trình cách tân của nhà thơ Hoàng Hưng với những thể nghiệm thơ gây khá nhiều tranh cãi dường như đã lắng xuống sau khi tập thơ Hành trình của anh được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng thơ năm 2006. Sau một chặng dài tìm tòi, thơ Hoàng Hưng như lắng lại với vẻ tự nhiên tĩnh tại của một bậc thầy Đã về – đã tới. Bây giờ – ở đây. Tự do ngay phút này – hoặc không bao giờ nữa. Và thơ của anh gần đây có dấu hiệu càng đổi mới càng trở về với Phương Đông:
Lặng mà nghe
Tuyết tan đỉnh núi
Nghe trẻ hát đường non
Ngỡ lối về nhà
Nghe hạc gọi
Trong sương dày
Lội sương đi tìm
Thấy sườn tháp trắng
Nghe nắng trưa
Vỡ trên cành
Nghe nhịp mõ
Từ lòng đất
Nghe rừng xêxan nở
Trên đầu sừng nilgai.
(Thơ Hoàng Hưng)
Có một nhà thơ thuộc thế hệ thơ nói trên đã nhiều năm kiên trì tự đổi mới mình và bước đầu thành công về mặt cách tân – đó là Thi Hoàng. Năm 2005 anh xuất bản tập thơ có cái tựa đề khá dài: Theo đuổi tự nhiên và những bài liên quan hay là cộng sinh với những khoảng trống – một cái tựa kiểu văn xuôi, rất khó nhớ nhưng có vẻ khá ấn tượng. Thơ của anh có một lối nói – trạng nửa ỡm ờ, nhấm nhẳng, nửa uyên thâm triết lý. Kiểu nói ấy mang dấu ấn riêng của Thi Hoàng, không thể lẫn với ai được:
Trước khi gõ thì tiếng chuông ở đâu
Trước kia hồn ta ở thịt xương nào
Hỏi vậy vào một sớm mùa thu sao mà văng vẳng
Nắng rươm rướm chiết ra từ tiếng vọng
Lá cây nhằm chỗ rơi rồi mới rơi vào
Nhìn tà áo thấy gió là phải nhẽ
Thổi tự tình không tính chuyện thanh cao
Câu hỏi lại thốt ra từ mắt
Trước khi ngủ thì giấc mơ ở đâu?
Ngọn lửa là cái ác hay là cái đẹp?
Câu hỏi ngậm trong miệng mà ngẫm
Mắt cứ việc mở to
Để câu hỏi kia thành viên kẹo trong mồm
Nhà ai thắp hương bài thơm thế
Hương thơm dang tay sau rặng cúc tần
Trong khoảng không đang tỉ mẩn các thánh thần
Giáo dưỡng để những khoảng không từ tốn nề nếp
Để da người phù hợp với da trời
Để nóng lạnh đừng trở thành quỷ dữ
Hơi thở thơm, mắt chó hiền
Hương thiếu nữ và cơm vừa chín tới
Hơi người từ từ làm cuống quýt hơi cơm.
(Thơ Thi Hoàng)
Trong hành trình cách tân thơ đương đại, nhà thơ Trúc Thông luôn đau đáu với những mong muốn đổi mới về thi pháp. Những người viết trẻ thường tìm đến với anh như một tấm gương của sự tận tụy, phụng sự thi ca như một tôn giáo. Gần gũi với nhau, tôi mới biết, tuy là một người rất khe khắt, đòi hỏi thơ phải luôn mang lại cái mới và không được nhàm cũ, nhưng Trúc Thông không phải là một người giáo điều trong thi ca. Bởi, như anh từng viết:
Trên sự tàn rữa tôi
một câu thơ khôn ngoan đã nở
tôi đi cùng hoang mang gió
mùa thu…
*
mở cánh cửa cũ
bàn ghế cũ
mở tiếp một trang mới mênh mông
trên trang vở cũ
từ những cũ quen
se sẽ ai ru
ru mê hồn ru đắm đuối
chìm, chìm dần
con tàu thơ bé tẹo
cờ chỉ còn phơ phất đuôi nheo
đỉnh cột buồm sắp ngập
những nàng Si-ren biển xưa Hy Lạp
vẫn thâm thù giết những nhà thơ
(Thơ Trúc Thông)
Sẽ thiếu công bằng nếu không nhắc tới cố nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trong thơ đổi mới sau 1975. Suy nghĩ về nghề văn, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo viết: “Thơ gần với nước mắt hơn là tiếng cười, gần với khổ đau hơn là reo hát, gần với sẻ chia hơn là chiếm đoạt, gần với chiến thắng mình hơn là răn người… Hay nói như G.Lorca: “Thơ gần với máu hơn là mực”. Mấy suy ngẫm này của anh có lẽ đã chạm tới được cái phần cốt lõi tinh thần của thi ca, cái mà thi sĩ bao đời đã phải “lao tâm khổ tứ” tìm cho mình con đường đi qua vô tận mênh mông bể chữ để vượt lên những khổ đau, trăn trở, khao khát của một kiếp người:
Thật may, anh là người chưa nhũn não
ngày lại ngày tự múc óc nuôi mình ộc ra con chữ
ộc ra tâm can kiến tạo sinh thành
Người đời gọi anh là nhà văn
anh vẫn gọi anh là bác thợ cày
cày trên giấy trắng
những luống chữ đen đen
Anh là chiếc hộp đen tích đầy sự sống
lại ghép những mảnh đời thành nhân vật bước ra
chân thiện mỹ thấp hèn hay độc ác
chẳng là ta mà sao vẫn là ta?
Một thế giới riêng nhà văn mang tới
cho ta yêu cho ta giận cho ta thương
cho ta thấy nhân gian buồn vô tận
những nỗi buồn chấy căn chẳng buồn hơn…
(Thơ Nguyễn Trọng Tạo)
Nói đến Nguyễn Trọng Tạo mà không nhắc đến Nguyễn Thụy Kha thì nghe chừng không ổn, bởi hai anh là một “cặp bài trùng của thơ và nhạc”. Một đặc điểm chung, họ đều là những nghệ sĩ tài hoa. Tôi có cảm tưởng, chất nhạc trong thơ Nguyễn Thụy Kha là một mạch chảy ngầm nhiều hưng phấn nên không ít bài thơ của anh giàu âm điệu và vần điệu. Nhưng tôi vẫn thích một Nguyễn Thụy Kha của Những giọt mưa đồng hành với mạch thơ tự do, phóng túng hoặc như bài thơ Khúc tùy hứng ngày đầu năm dưới đây:
Tự bóc mình như bóc tờ lịch cuối cùng
có một khoảnh khắc tên là tự do
con yến may thoát khỏi lồng
nó đang cố hoà màu vàng của mình vào màu đàn sẻ non
bằng cách hoà giọng hót
nhưng cái vẻ đẹp vừa thoát khỏi tù ngục
cái nghệ thuật vừa được tự do
chẳng thể nào giấu được non tơ
(Thơ Nguyễn Thụy Kha)
Trong số những gương mặt thơ thời hậu chiến nói trên, mỗi lần nhớ về Nguyễn Lương Ngọc, tôi lại thấy trào lên một tiếc thương day dứt về tài năng thơ lớn này. Tuy ra đi ở tuổi 43, nhưng với 4 tập thơ để lại, nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc đã hoàn thành sự nghiệp thơ lớn của đời mình. Lúc còn sống, cũng là lúc tài năng thơ anh đang vào độ sung sức nhất, chín rực nhất, Nguyễn Lương Ngọc thường nói với bạn bè về những khao khát cách tân thơ của mình. Anh là một cá tính thơ mạnh mẽ và có thể xung đột với bất kỳ sự mòn cũ, trì trệ nào đó trong thi ca. Thời điểm những năm 90 ấy, thơ Nguyễn Lương Ngọc đã “nổ” những bài đầu tiên vào thành trì của những thói quen vần điệu sáo rỗng không – chịu – chuyển – động của nền thơ cũ. Anh không muốn thơ của mình ngân vang trong những quả chuông rỗng của nhạc điệu thơ cũ (vì phải chăng đặc tính của chuông là càng rỗng thì càng ngân?). Anh muốn thơ mình phải Đủ sức đập vụn mình ra mà ghép lại – nung chảy mình ra mà tìm lõi – xé toang mình ra mà kết cấu. Theo tôi, không cần phải bàn cãi nhiều, Nguyễn Lương Ngọc là một hiện tượng cách tân đặc biệt của thi ca đương đại và có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của thơ Việt Nam cuối thế kỷ XX. Bài thơ Gọi hạc của anh với cái nhìn đau đớn về bản thể của sự sáng tạo, đã cho ta thấy đối với Nguyễn Lương Ngọc – thơ là một tín ngưỡng, nhà thơ phải đi tới tận cùng chân lý dẫu có phải đối mặt với cái chết, hoặc phải sáng tạo cái mới hoặc không bao giờ tồn tại:
Con cắt trắng
xếp cánh
khi gặp con khướu vàng
Con khướu vàng
khép mỏ
khi gặp con hạc đỏ
Con hạc đỏ
nức nở
nhìn
con hạc trắng
Hạc trắng
Hạc trắng
Những con đã sinh ra thì đã chết
Những con chưa chết thì chưa sinh ra
(Thơ Nguyễn Lương Ngọc)
Bài thơ trên mang một triết lý sâu sắc về vòng tuần hoàn của sự sống với hình ảnh làm nổi bật cái nhìn triết học về bản chất của sự tồn tại, về sự mong manh của kiếp nhân sinh và như một lời tự vấn, một suy tư về sự vô thường của kiếp người.
Cùng quê Hà Tây với Nguyễn Lương Ngọc, còn một thi tài khác cũng từng làm chuyển động một chân – trời – thơ, đó là Nguyễn Quang Thiều. Theo tôi, trong những gương mặt thơ thời hậu chiến, Nguyễn Quang Thiều là một trong những giọng thơ nổi bật nhất. Đầu những năm 90, khi những bài thơ của anh được giới làm thơ trẻ cổ xuý thì một số người lại khe khắt cho rằng thơ anh chịu ảnh hưởng của thơ Tây Ban Nha và trường phái thơ Nam Mỹ (?). Lúc ấy và cả sau này, Nguyễn Quang Thiều không phản ứng gì cả, anh lặng lẽ sáng tác theo đúng con đường cách tân thơ mình đã chọn. Những năm 90 cuối thế kỷ trước, thơ Việt Nam đương đại bắt đầu có sự chuyển đổi lớn về mặt thi pháp và có thể nói Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ đầu tiên bằng những nỗ lực vượt bậc và tài năng xuất sắc của mình đã xác lập một giọng điệu mới trong thơ Việt. Và giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993 trao cho tập thơ Sự mất ngủ của lửa của Nguyễn Quang Thiều chính là sự ghi nhận những tìm tòi, đổi mới thơ của anh cho nền văn học hiện đại. Không chỉ dừng ở những thành công ban đầu, liên tục những năm sau đó, Nguyễn Quang Thiều nổi bật lên như một tư duy thơ mới mà đoạn thơ dưới đây là một biểu đạt:
Không thể nào tìm được người quen trong đêm nay
Tôi bò qua bậc cửa nhà mình
Con gián xoè cánh bay
Chuyến vận hành mung lung mang theo ổ trứng
Vệt chói sáng ghê rợn và kỳ thú
Càng xa… càng gắt… càng tê liệt
Những rễ cây đang ân ái dưới đất nâu
Sự ân ái phì nhiêu và rụng lá
Nhân loại bày ra trong giấc ngủ mộng mị
Càng mơ càng cuống bước chân
Không có bậc cửa nào cho tôi bò qua
Những con sâu những vệt sáng ngần
chảy từ gốc lên cành
Chúng ngoan ngoãn liếm trăng
trên những chiếc thìa lá mạ bạc
Lũ trẻ còng queo ngủ
Những dãy số đánh lừa và phản bội chúng
Trong mơ chúng có liếm trăng trên vòm lá kia không?
Sự cấu tạo trăng, sự cấu tạo côn trùng, sự cấu tạo người
Sự cấu tạo nào nhiều máu hơn, sự cấu tạo nào nhiều bóng tối hơn
Tội ác khe khẽ bế từ thiện ngủ mệt mỏi
sang giường người khác
Cơn mơ bàn chân trần tướp máu
Đi trên những mảnh chuông vàng thánh thót
Ngân trong cái lưỡi trăng chói sáng và sắc lẻm
Lách vào hư vô nhựa chảy ròng ròng
*
Đã tràn qua bên kia
Những bầu vú tươi non trở lại
Những hơi thở được đốt nóng trở lại
Trên mảng tường ẩm mốc
Bầy kiến lang thang theo tri giác của mình
Con đường kiến – miên man cơn sốt
Những con kiến tí hon với cái đầu vĩ đại
Đi về đâu những điều đúng trong trăng
Đi về đâu những điều sai trong trăng.
(Thơ Nguyễn Quang Thiều)
Ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh của Nguyễn Quang Thiều tạo nên một thế giới thơ siêu thực, đầy ám ảnh khi thơ không chỉ khơi gợi sự tưởng tượng mà còn khiến người đọc suy ngẫm về ý nghĩa sâu xa của tồn tại, về bản chất của cái đẹp và cái ác, về hành trình của con người trong một thế giới đầy mâu thuẫn và hoang mang.
Không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực văn xuôi, nhà văn Nguyễn Bình Phương còn có những thành công khác trong lĩnh vực thi ca khi tập thơ Buổi câu hờ hững của anh đã được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng thơ năm 2013. Đây là tập thơ với trường mỹ cảm của ngôn ngữ thi ca hàm súc, giàu hình ảnh và tạo nên một chất thơ riêng khá sâu lắng, đem lại cho thơ một vẻ đẹp huyền ảo và trong sáng của phong cách Nguyễn Bình Phương. Trong thơ anh, ta thường gặp một đời sống khác, một thế giới khác, một ngôn ngữ thi ca, một miền thẩm mỹ khác với đời sống thực tại xung quanh ta và chính những điều ấy đã khơi gợi sức liên tưởng, đã mở ra một cách nhìn sâu hơn vào những chiều kích khác nhau của đời sống tâm hồn con người với hiện thực và ảo giác đan xen một cách lạ lùng và bí ẩn. Tứ thơ được xây dựng từ những hình ảnh phi logic, đầy bất ngờ, tạo nên không gian của những giấc mơ kỳ lạ, nơi lý trí bị thách thức và ý thức bị đẩy vào vùng phi thực với thủ pháp siêu thực làm nổi bật sự mong manh của ý thức, sự bất ổn định của thực tại, và sự phức tạp của trí nhớ và mộng tưởng. Ngay từ những bài thơ đầu tiên, Nguyễn Bình Phương đã tạo cho mình một dấu ấn khá riêng biệt, rõ nét và thơ anh như một “cõi lạ âm thầm” có thể thấy được trong bài thơ Mắt dưới đây:
Qua con mắt khép hờ
Mặt trăng đi thẳng vào giấc ngủ
Cuối đường gặp một ban mai bàng bạc
Ở đấy có Nguyễn Trãi
Nguyễn Trãi bảo cuộc đời là dao và tre trúc
Sau đó im lặng dẫn ông đi xa mãi
Ở đấy có Hồ Xuân Hương ngừng lại
Bà dựng nhà bằng những cơn mưa
Ngoài hiên
Mùa thu mơ chiếc quạt ngà
Hồ Dâm đàm rẽ nước để trời xanh bay xuống
Nếu trời xanh bay trượt ra ngoài anh dám đỡ không?
Người đeo kính hết mọi nhớ mong
Những quên lãng lại hồi về trí nhớ
Con mắt khép nửa vời là cạm bẫy thờ ơ
Trong giấc ngủ đầy mộng mị
Trăng không thể bay ra…
(Thơ Nguyễn Bình Phương)
Thuộc thế hệ các nhà thơ Việt Nam xuất hiện sau năm 1975 với những đóng góp không biết mệt mỏi cho một nền thơ đổi mới, cố nhà thơ Dương Kiều Minh là một trong số ít các nhà thơ chủ động hướng sự tìm tòi, cách tân của mình tìm về phương – Đông – nguồn – cội. Trên nẻo đường tìm tòi, Dương Kiều Minh càng đi càng gần với phương Đông nhiều hơn. Thơ của anh mang trong mình một phần nào đó của hào khí phương Đông, của triết học phương Đông, của ẩn ức phương Đông và bi kịch phương Đông. Cái khí chất ấy, cái nỗ lực ấy được thể hiện ngay từ những bài thơ đầu tiên của anh:
Tôi ngủ thiếp trong bài thơ Đường
sương giăng đầy bến bãi
Vành trăng động mắt người con gái
bức rèm buông tòa lâu đài Tàu
Ai gọi tên? mơ vậy
người đâu ngờ ngợ quen
sương khói dâng không nhìn rõ mặt
Tiếng địch, tiếng cầm mê man giọng hát
người chèo đò thăm thẳm bến khuya
Trong ánh sáng biết mình thấm mệt
quả đồi bây bấy xanh
những buổi sớm mùa đông theo cha về ngoại
chậu hải đường hoa đỏ lạnh trong sương.
(Thơ Dương Kiều Minh)
Thơ Dương Kiều Minh như một hành trình khám phá thế giới của mộng mị, nơi mà ký ức, âm thanh, và hình ảnh đan xen tạo nên một bức tranh vừa đẹp đẽ vừa ám ảnh. Người đọc như lạc vào một giấc mơ mà trong đó, những điều quen thuộc trở nên xa xôi, kỳ bí.
Không ít người cho rằng giá trị “thật” của thi ca là phải có thơ “hay” chứ không cần thơ phải “mới” (thà “cũ” mà hay còn hơn “mới”mà dở!?). Nhưng một số người lại cho rằng, nếu các nhà thơ hậu bối cứ học hỏi, “bắt chước” kiểu viết của các đại thi hào ở những thế kỷ trước thì làm sao nền văn học Việt Nam có được những “giá trị mới” của thơ tiền chiến 1930 – 1945 còn ảnh hưởng đến tận hôm nay. Như vậy, mỗi thời đại đều có diện mạo thơ ca riêng của mình, mang hơi thở và sức sống của thời đại đó. Vì thế, những tài năng thơ ở mỗi một giai đoạn mới, dường như đều nỗ lực kiếm tìm những giá trị mới trong nghệ thuật, để cho thơ hành trình cùng với đời sống tinh thần của con người qua mỗi chặng thời gian.
Nhà thơ Mai Văn Phấn cũng đang hướng tới những bến bờ cách tân ấy và trong bài thơ Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ dưới đây, ta thấy anh đã nắm bắt và triển khai thi pháp hiện đại một cách khá sáng tạo ra sao:
Pha xong ấm trà
quay ra
ông khách không còn ở đó
Gọi điện thoại
Người nhà bảo ông mất đã bảy năm
Nhầm lẫn (!)
Nhà mình
mọi sự đảo lộn
Không nhớ bức chân dung hạ xuống bao giờ…
Đâu rồi chiếc đồng hồ chạy bằng dây cót?
Bộ ấm chén giả cổ ai cho?
Ghé sang hàng xóm
thử hỏi mấy loại thực phẩm
loại tăng giá
loại còn giữ giá
Trong nhà
Trà vẫn nóng
Đẩy chén nước về phía ông khách đã ngồi.
Luồng tử khí cao chừng một mét sáu mươi
dựng đứng trước mặt
chốc lại cúi gập.
(Thơ Mai Văn Phấn)
Trong thơ mình, Mai Văn Phấn đã khéo léo tạo ra một sự hòa quyện giữa thế giới thực và ảo, giữa đời sống hàng ngày và những điều siêu hình, để thơ mở ra những chiều kích không gian vừa kỳ ảo, vừa thấm đẫm sự suy tư triết lý, khiến ta không chỉ cảm nhận vẻ đẹp của ngôn từ mà còn phải trăn trở trước những điều không thể nắm bắt bằng lý trí thông thường.
Những bài thơ đầu tiên của Dư Thị Hoàn xuất hiện trên báo Văn nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam và tập thơ Lối nhỏ của chị trình làng năm 1988 đã đưa Dư Thị Hoàn lên hàng những nhà thơ nữ có giọng điệu cách tân nhất thời điểm ấy. Một số bài thơ của chị cho đến hôm nay vẫn còn đọng lại như một ấn tượng mới lạ với cá tính thơ khá đặc biệt mà bài Đi lễ chùa dưới đây là một bài thơ khá hay:
Năm người đàn bà cùng ngồi trên xe ngựa
Tay khư khư ôm đầy vật tế lễ
Người thứ nhất thở dài:
– Tội nghiệp nhất người đàn bà không chồng
Người thứ hai chép miệng:
– Vô phúc nhất người đàn bà không con
Người thứ ba cười buông:
– Bất hạnh nhất người đàn bà không khóc nổi
trước mặt chồng
Người thứ tư điềm đạm:
– Tuyệt vọng nhất người đàn bà không cười được
khi thấy con
Người thứ năm:
– Mô phật!
Lão xà ích giật dây cương
Roi quất
Tung bụi đường.
(Thơ Dư Thị Hoàn)
Bài thơ Đi lễ chùa đã khắc họa nỗi niềm sâu thẳm của người phụ nữ, với những nỗi buồn gợi lên những suy tư về ý nghĩa của hạnh phúc, nỗi khổ đau, và cả sự đấu tranh giữa truyền thống và khao khát được sống một cuộc đời trọn vẹn. Và đằng sau những nỗi đau thầm kín, Dư Thị Hoàn khơi lên sự cảm thông sâu sắc cho thân phận người phụ nữ, đồng thời phê phán những định kiến đã ăn sâu vào xã hội.
Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, Y Phương nhà thơ dân tộc Tày đã đi vào thơ Việt Nam hiện đại như một gương mặt mới, một giọng điệu thơ mang bản sắc thi ca dân tộc của riêng ông, in đậm dấu ấn của một tài năng thơ khá đặc biệt. Thơ của ông như những bức tranh đầy sức sống và màu sắc dân tộc Tày với những chi tiết giản dị nhưng giàu ý nghĩa gợi lên sự gắn bó với thiên nhiên, sự bền bỉ của con người nơi vùng cao. Qua đó, Y Phương đã khéo léo thể hiện tình yêu và niềm tự hào sâu sắc với quê hương, với bản sắc dân tộc. Qua đó, cố nhà thơ Y Phương đã góp phần làm đa dạng và giàu có thêm cho bản ngã thơ Việt bằng một âm hưởng mới, một thanh điệu mới như bài thơ Mường Khương này:
Ngồi ngựa ngang Mường Khương
Nhà trình tường
Đường mờ sương
Bà cụ xám thái bánh khoải
Chú ngựa bít móng sắt
Lập cập gõ hiền từ
Trên rừng
Cây âm u
Mặt đất nhiều người già
Tám mươi tuổi còn lên non hái thuốc
Ba mươi tuổi còn địu con đi học
Chú ngựa bịt móng sắt
Lập cập gõ hiền từ
Bà cụ trắng như mưa
Lầm lì bên ngọn lửa
Rắn và đanh.
(Thơ Y Phương)
Giấc mơ hình chiếc thớt là một trong những bài thơ lạ nhất và có nhiều tìm tòi của Trần Quang Quý trong tập thơ cùng tên của anh. Trong tứ thơ này, tinh thần “AQ” của những chú chuột “mơ” gặm sống bầy mèo và cây rơm “mơ” tới ngày đủ sức ngoạm hết những đàn bò không hẳn là mới, cái lạ chính là bóng hình chiếc thớt luôn ám ảnh, luôn gài bẫy những số phận yếm thế mà Trần Quang Quý đã dành cả một khúc bi ca để chia sẻ, để an ủi với sự đồng cảm của một nhà thơ.
Giấc mơ của bầy cá luôn ám ảnh bóng hình chiếc thớt
Những mắt lưới gài bẫy trong veo
Biển mỗi ngày vẫn sóng
Cây rơm mơ ngoạm những đàn bò
Thảnh thơi nằm ở góc vườn, vàng một màu thắng cuộc
Những chú chuột mơ gặm sống bầy mèo và rửa vuốt
vinh quang…
Trong thế giới của những chiếc thớt bủa vây
Thương thay những chú cá không rạch qua được số phận
Ta thấu những bình minh của chuột lặn trong mắt mèo
Những cây rơm rạn gió sương từ thuở còn bùn đất
Rực lên hương vị tháng mười
Nhưng ước vọng không dài hơn một que diêm
Đành một ngày mục nát dưới kỷ nguyên của nấm
Những giấc mơ
Ta đọc những giấc mơ trên từng mơn mởn lá
Trong thẳm sâu những đôi mắt lặng im kia
Trong cả những từng trải và khờ dại
Những trái tim yếm thế cất lên
Chính khúc bi ca người cất lên
Bóng hình chiếc thớt.
(Thơ Trần Quang Quý)
Trong thơ Việt thời gian qua, Inrasara là một hiện tượng. Là đứa con tinh thần của nền văn hoá Chăm, thơ anh như một ngọn tháp cô đơn và hoang phế của những truyền thuyết và bi kịch lớn. Inrasara cho rằng: Người không học thấy tháp là tháp, người có học thấy tháp vẫn là tháp, chỉ riêng thi sĩ thấy tháp là chim. Một nhận xét mang màu sắc triết lý và đầy tố chất thơ.
Đôi lúc
nửa đêm
tôi nghe tháp mọc ngang trời
*
Như giấc mộng như loá mắt
tháp có mặt
như chớp xé như âm vang
*
Bóng của tháp như dòng sông ma
trườn qua đêm tối những triều đại
đánh thức ký ức các dân tộc
duyên nợ (hay cả không nợ nần gì) với tháp
*
Mắt mở trừng vậy thôi – không nói
tháp ngậm im lặng màu tro
Im lặng không mùa
*
Ngọn tháp đổ
tiếng kêu dội vào thành đêm
dội vào trái tim con chim ngủ mê trong oanh liệt của lửa
lay dậy tế bào đôi cánh ngồi rũ
tiếng kêu giữa khuya
*
Mùa hạ tháp ở trần nằm
mùa đông tháp ngủ đắp chăn lá cây
không cánh không tay – tháp đứng nắng
ngày mai tất cả cùng bay.
(Thơ Inrasara)
Những thập niên qua, thơ viết về chân dung các nhà văn, đã có một số cây bút đề cập đến, đặc biệt như nhà thơ Xuân Sách trong tập Chân dung nhà văn xuất bản năm 1992. Nhưng theo tôi, có lẽ phải đến loạt chân – dung – thơ về các nhà văn của nhà thơ Ngô Minh thì văn học đương đại mới có những bức phù điêu thật sự về những tài danh này như bài thơ Tưởng niệm Văn Cao dưới đây:
Ngang mày
chén Tiên
nhấp
thời gian gọi ông bằng ANH
bởi chưng rượu trẻ!
ông gầy như cái vỏ chai
bảy mươi hai năm đầy vơi mắt rượu
bảy mươi hai năm không đựng lẫn thứ gì
ngoài men
và lửa
ai đã từng cụng chén ông mời
ai được rót vào chai gầy từng xị
sông Huế lạnh đêm đàn
Thiên Thai Lưu Nguyễn lạc…
đời gọi ông: Tiếng Gà Báo Thức
ông: Lá rớt Hồn thu
ông: Bên trời Giọt Tháp
ông: Sum suê Như Mùa
nhưng ông chẳng nói gì
lặng nâng chén ngang mày
và nhấp
Văn Cao
chàng Quốc lủi Hồn Quê
giữa khung trời
ngồi như nốt nhạc…
(Thơ Ngô Minh)
Trong dòng chảy của thi ca đổi mới, không thể không nhắc tới một Nguyễn Linh Khiếu mê man trong dạo khúc phồn sinh với trường ca văn xuôi Phồn sinh, dày 712 trang thơ văn xuôi (trang nào cũng dày đặc chữ như một trang tiểu thuyết), không hề có bất cứ một dấu chấm, dấu phẩy, dấu cảm thán, dấu hỏi… nào, mặc dù có những câu thơ dài đến 1.716 chữ. Đây là một trường ca đặc biệt về mặt hình thức bên cạnh những bài thơ khác mang hơi thở thi ca của riêng anh.
hoạ mi hót trên cao nguyên đá
cao nguyên mênh mông sắc nhọn
cao nguyên chon von hoang vu
cao nguyên trập trùng hoan dã
cao nguyên thăm thẳm tình nhân
ngân nga tình yêu chót vót kiêu hãnh tự do
tự do sao cô độc
tự do sao trơ trọi
tự do sao túng bấn
tự do sao khốn cùng
tu do sao mong manh.
(Thơ Nguyễn Linh Khiếu)
Trong số những nhà thơ thuộc thế hệ đổi mới xuất hiện sau 1975, Đỗ Minh Tuấn (giải Nhất cuộc thi Thơ Báo Văn nghệ năm 1990) là một gương mặt thơ khá độc đáo và đặc biệt. Trong nhiều bài thơ của mình, anh đã gây ấn tượng bởi một hình thức tư duy ngôn ngữ đặc biệt theo kiểu lập trình thơ bằng những suy tưởng mới. đáo như bài thơ viết về những nhà thơ chiến sĩ:
Đã ra đi với áo màu lá cỏ
Hồn thơ của Uytman bạc phếch trên vai
Tôi yêu thơ của các anh
Sắc và vui như kính vỡ
Buồn chân thật như đất nằm trên mộ
Đây những vần thơ của chính đất đai
Đất đai không vay mượn của ai
Trần trụi với tháng năm
Với lửa và với máu
Nhà thơ ơi, những nền thơ chiến đấu
Đã từng len lỏi dưới giàn nho.
(Thơ Đỗ Minh Tuấn)
Tìm tòi và đổi mới thơ hiện nay là một nhu cầu bức thiết đối với nhiều người cầm bút. Vẫn biết là thế, nhưng sự đổi mới, cách tân thơ chất chứa nhiều gian nan với những nẻo đường tìm tòi đầy thử thách, khiến người sáng tạo nhiều khi phải vượt lên mọi thiên kiến và sự trì trệ ngăn cản con đường phát triển của văn học hiện đại. Và dường như nhà thơ Trần Anh Thái đã tìm thấy nơi xuất phát của những ý tưởng sáng tạo đó:
Bóng người đánh cá già lồng lộng in vào trời đất.
Đôi mắt sáng tiên tri chỉ tay về phía mặt trời đang tan trong làn sương.
Ở bên kia của cách rừng là vực thẳm
Trong bóng tối của những điều chưa biết là ánh sáng
Tiếng vọng vang lên: tận cùng của đắng cay là vị ngọt
Hãy đi rồi sẽ tới
Mở cửa ra
Ánh sáng ở nơi chưa có con đường.
(Thơ trần Anh Thái)
Tiếp theo thế hệ trên là sự xuất hiện của lớp nhà thơ trẻ nhiều triển vọng như: một Ly Hoàng Ly cộng hưởng của thi ca với ngôn ngữ hội hoạ hiện đại; một Nguyễn Hữu Hồng Minh chưa gặm xong một hải – cảng – thơ; một Vi Thuỳ Linh với cơn cuồng lưu từ những mê lộ chữ; một Đỗ Doãn Phương đào sâu những tứ thơ; một Lê Vĩnh Tài tìm đến dạng thức mới của ngôn ngữ thơ, một Trần Tiến Dũng say mê thử nghiệm các cấu trúc thơ; một Lãng Thanh kỳ bí và ám ảnh… cùng một số tác giả thơ tài năng khác.
Cách đây hơn hai chục năm, vào năm 2003, trong một cuộc hội thảo về “Những hướng đi của thơ đương đại” được tổ chức ở Hà Nội, tôi đã tham luận bằng bài thơ Thơ hôm nay đang đi về đâu? như sau:
Thưa mẹ
Ba mươi ba năm trước
Tiễn con đi từ ga Hàng Cỏ
Mẹ về
Nước mắt dọc đường Nam Bộ
Đứt từng khúc tàu đêm
Ba mươi ba năm sau
Ga không còn Hàng Cỏ
Phố không còn Nam Bộ
Con của mẹ
Vẫn mãi mười tám tuổi
Như chuyến tàu ngày ấy không về
Mẹ ở lại một mình
Không phố
Không ga
Không tất cả
Còn gì để nhớ
Ga Hàng Cỏ dọc đường Nam Bộ
Thưa mẹ
Hôm nay bàn chuyện thơ đi về đâu
Trong con vẫn còn một chuyến tầu
Ba mươi ba năm trước chưa trở về
Phải chăng vì thế
Những câu thơ bây giờ
Vẫn phải lên đường
Làm một cuộc ra đi.
(Thơ Nguyễn Việt Chiến)
Tôi nghĩ, sau mỗi cuộc hội thảo về thi ca, các nhà thơ với những câu thơ của mình, vẫn cần phải lên đường, làm một cuộc ra đi thật sự cho những sáng tạo mới. Và có thể nói, với những xu hướng cách tân tích cực và đích thực của các nhà thơ thuộc thế hệ Thơ Hậu chiến, trong 50 năm qua, thơ đương đại Việt Nam đã khởi hành sang một chặng đường mới. Họ có thể chưa được dư luận và giới phê bình đánh giá một cách đầy đủ và công bằng. Nhưng tôi tin ở thời gian – thứ thước đo sòng phẳng nhất đối với mọi giá trị sáng tạo, sẽ ghi nhớ họ khi các nhà thơ đương đại đã làm chúng ta ngạc nhiên về những tư duy thẩm mỹ mới và hiện đại. Thơ của họ đã vượt thoát khỏi những khuôn sáo ước lệ của vần điệu để thắp lên những hình tượng thơ mới. Không gian thơ được mở rộng hơn, mở sâu hơn, với tới các chiều kích của những suy tưởng lớn mang tính khái quát cao. Và, trong trường-thẩm-mỹ này, những vấn đề tưởng chừng lớn lao lại được khái quát lên từ những cái rất tầm thường, nhỏ bé của đời sống quê hương máu thịt hàng ngày.