Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Hồi giáo Pakistan tới thăm Bảo tàng Văn học Việt Nam

Chiều ngày 7.11.2024, Ngài Kohdayar Marri, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Hồi giáo Pakistan tại Việt Nam đã có chuyến thăm tại Bảo tàng Văn học Việt Nam. Tiếp đón ông có Giám đốc, Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ cùng toàn thể cán bộ bảo tàng.

Ngài Đại sứ Kohdayar Marri chụp ảnh lưu niệm cùng Giám đốc, Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ và cán bộ BTVHVN trước cổng chính bảo tàng

Trong không khí trang trọng, ấm cúng, cởi mở Giám đốc, Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ bày tỏ sự vui mừng được đón tiếp Ngài Đại sứ đến tham quan Bảo tàng Văn học Việt Nam, nơi trưng bày giới thiệu khái quát toàn bộ nền văn học Việt. Bà cũng chia sẻ sự xúc động khi được nghe bài viết của ông tại buổi Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Viện Văn học Pakistan. Bài viết tuy ngắn nhưng nhà văn Thu Huệ đã thấy được lịch sử, con người, tình yêu với cuộc sống, đất nước và khát vọng vươn lên mãnh liệt với niềm tự hào của dân tộc của tác giả. Bà hy vọng trong thời gian tới, khi ông đang công tác tại Việt Nam, Ngài Đại sứ có thể viết một tác phẩm hồi ký về chính cuộc đời ông và những người thân (ông nội, ông ngoại, bố đều là những nhà lãnh đạo cách mạng nổi tiếng của Pakistan).

Ngài Kohdayar Marri chụp ảnh lưu niệm cùng Giám đốc, Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ và cán bộ BTVHVN

Khi đi tham quan không gian trưng bày tại bảo tàng Ngài Đại sứ đã bày tỏ sự khâm phục trước những cống hiến của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam đối với lịch sử dân tộc và thế giới. Qua đây ông hiểu rõ hơn dòng chảy lịch sử văn học Việt, những giá trị của văn học Việt từ xa xưa đến nay từ đó có cái nhìn sâu sắc hơn về đất nước, con người, văn hóa, văn học Việt Nam mà ông vô cùng yêu mến. Qua chuyến thăm này ông mong muốn có thể kết nối, thúc đẩy giao lưu về văn hóa, văn học giữa hai quốc gia.

Cán bộ BTVHVN giới thiệu từng không gian trưng bày tới Ngài Đại sứ

Kết thúc chuyến thăm Ngài đại sứ đã trao tặng bảo tàng cuốn sách giới thiệu về đất nước Pakistan. Ông hy vọng trong thời gian tới sẽ có những tác phẩm văn học của Pakistan được trưng bày tại bảo tàng Văn học Việt Nam.

Giám đốc, Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ nhận cuốn sách giới thiệu về đất nước Pakistan do Ngài Đại sứ trao tặng

BTVHVN

—————–

Bài viết của Ngài Kohdayar Marri, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Hồi giáo Pakistan tại Việt Nam.

Xin chào!

Tôi tên là Kohdayar Marri, Kohdayar có nghĩa là người lang thang trên núi. Marri là tên bộ tộc của tôi và gia đình tôi. Tôi sẽ kể cho quý vị nghe một chút về bản thân tôi, có lẽ tôi sẽ chia sẻ với quý vị nhiều hơn với hầu hết những người tôi biết ở Pakistan.

Tôi sẽ không thể có mặt ở đây nếu không có sự dạy dỗ của cả ông nội, ông ngoại và cha tôi, sự dạy dỗ đôi lúc quá khắc nghiệt, đôi lúc lại quá đau đớn. Tôi cũng sẽ không thể có mặt ở đây nếu không có sự dịu dàng của bà tôi cũng như những lời cầu nguyện liên tục của mẹ tôi.

Mẹ tôi luôn quan tâm sâu sắc đến hạnh phúc của em gái tôi, hai em trai tôi và tôi. Hầu hết thời gian trong đời, bà ở nhà làm nội trợ.

Cha tôi thường đi xa trong suốt thời thơ ấu của tôi trong những khóa huấn luyện với những người bạn Palestine của ông. Một trong số họ tôi vẫn còn nhớ tên là Yusuf, con gái ông là Layla học cùng với tôi ở Kabul.

Mẹ tôi bị bệnh động kinh, căn bệnh rất nghiêm trọng từ khi tôi còn nhỏ. Bà thường xuyên ngất xỉu và lên cơn động kinh. Là con cả, tôi phải ôm lấy bà và nhét một chiếc thìa gỗ vào miệng bà để bà không tự làm mình bị thương. Đây không phải là điều mà một đứa trẻ năm hoặc sáu tuổi có thể quên được.

Lịch sử, những câu chuyện và văn hóa của chúng tôi được chia sẻ và lưu giữ bằng hình thức truyền miệng. Hiện nay, rất ít người vẫn tiếp tục truyền thống đó.

Chính nhờ cách lưu giữ truyền thống này mà tôi đã khám phá ra rất nhiều điều về văn hóa của mình, về người Baloch và cụ thể hơn là về lịch sử và văn hóa của người Marri. Chúng tôi có nguồn gốc từ Aleppo ở Syria. Vì chúng tôi luôn là một bộ tộc chiến binh, nên rất có thể chúng tôi đã bị trục xuất và tới định cư tại nơi hiện là tỉnh Balochistan của Pakistan.

Tôi cũng biết rằng người Anh không bao giờ có thể chinh phục được chúng tôi, mỗi lần họ đến gần khu vực của chúng tôi, họ đều bị đánh bại. Cho đến khi họ đến trong hòa bình, họ đã đồng ý ký kết một hiệp ước hòa bình. Ngay sau đó, họ bắn và tiêu diệt những nhà thiện xạ của chúng tôi. Vì vậy, người dân chúng tôi rất thận trọng với những người đưa một tay ra để bày tỏ tình hữu nghị trong khi tay kia lại cầm vũ khí.

Ông nội của tôi là nhà lãnh đạo phong trào xã hội chủ nghĩa ở Pakistan, ông là đại biểu Quốc hội và là người đứng đầu bộ tộc Marri. Sau ông tôi, cha tôi cũng là một chính trị gia và là thủ lĩnh bộ tộc trong nhiều thập kỷ.

Vì vậy, việc tôi chọn cầm bút, cọ vẽ rồi máy ảnh không phải là ngẫu nhiên. Đó là sự thể hiện căn bản của bất kỳ tư tưởng và phong trào chính trị nào cần có. Đó là trí óc, con mắt và trái tim.

Ông nội tôi đã từng nói với tôi rằng, một ngày nào đó tôi sẽ phải đặt máy ảnh và bút xuống để hoạt động chính trị, đấu tranh cho người dân của mình. Tôi trả lời ông rằng, cho đến ngày đó, tôi muốn nhìn thấy và ghi lại tất cả những niềm vui và nỗi buồn mà cuộc sống mang lại cho chúng ta, để bảo vệ nó, tôi cần biết và trân trọng giá trị thực sự của nó.

Bây giờ tất cả quý vị đều biết nhiều về tôi hơn hầu hết những người đã biết tôi trong hơn ba mươi năm qua. Tôi hiếm khi chia sẻ về lịch sử và di sản của bản thân mình. Tôi đứng trước quý vị hôm nay là dựa trên nỗ lực của chính mình, từ mồ hôi, máu và nước mắt mà tôi đã đổ ra trong suốt cuộc đời.

Tôi cho rằng mình vô cùng may mắn khi được hiện diện trước những con người rất tuyệt vời tại đây, những người đã chào đón tôi, ủng hộ tôi, động viên và truyền cảm hứng cho tôi.

Chính những thành tựu và sự tử tế của quý vị đã tạo thêm động lực cho tôi. Tôi trân trọng mọi cơ hội, mọi cuộc gặp gỡ. Mỗi dịp như vậy đều mang đến cho chúng ta cơ hội để chia sẻ mọi niềm vui và nỗi buồn, làm phong phú thêm cuộc sống của nhau.

Chính việc chia sẻ và chào đón những người khác vào cuộc đấu tranh nội tâm của chúng ta đã giúp chúng ta làm sâu sắc thêm các mối quan hệ của mình. Đó là kỹ năng cần thiết để hiểu được sự giằng xé bên trong mỗi người chúng ta, sau đó mới truyền trực tiếp tới trái tim của người khác. Đây là một nghệ thuật độc đáo để khơi dậy cảm xúc bằng cách rót những lời nói vào tâm hồn của mọi người trên khắp các châu lục và qua nhiều thế hệ.

Đó là mục đích của tôi ở đây để xóa bỏ khoảng cách giữa người với người, không chỉ đưa các quốc gia xích lại gần nhau, mà còn tạo ra và củng cố mối liên kết giữa tâm hồn chúng ta.

Đây chỉ là khởi đầu cho hành trình của chúng ta và là khoảnh khắc lịch sử đối với tôi. Đây còn là sự hợp tác suốt đời về văn chương, kịch nghệ và thơ ca.

Những tác phẩm của đất nước Pakistan mà tôi mong muốn được dịch sang tiếng Việt là của các nhà thơ và nhà văn vĩ đại của chúng tôi gồm có Faiz Ahmad Faiz, Manto, Ather Shad từ Balochistan và Allama Iqbal.

Những tác phẩm văn học Việt Nam mà người Pakistan cần phải đọc và làm quen là Truyện Kiều của Nguyễn Du, Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Sông núi trên vai của các nhà thơ Việt Nam viết về chiến tranh.

Xin cảm ơn tất cả quý vị đã đồng hành cùng chúng tôi trong những bước đầu tiên. Tôi hy vọng rằng quý vị không quá chán hoặc quá rối trí khi lắng nghe tôi nói.

Tôi rất biết ơn quý vị vì đã có mặt cùng chúng tôi tại đây trong sự kiện quan trọng này.

BTVHVN