Sáng ngày 23/5/2025, Bảo tàng Văn học Việt Nam đón hơn 50 học sinh lớp 8 và giáo viên đến từ Trường Liên cấp Newton trong chuyến tham quan, học tập, trải nghiệm đầy bổ ích. Đây không chỉ là một hoạt động ngoại khóa thú vị mà còn là dịp quý báu để học sinh gắn kết kiến thức từ sách vở với thực tiễn sống động, góp phần nuôi dưỡng tình yêu văn chương.

Tại bảo tàng, học sinh được khám phá những không gian trưng bày hiện vật và tư liệu quý, gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp của nhiều “cây đại thụ” trong nền văn học Việt Nam. Từ những trang bản thảo xưa cũ đến hình ảnh, hiện vật sinh động, tất cả đã mở ra trước mắt học sinh một hành trình xuyên suốt chiều dài lịch sử văn học dân tộc, với bao đóng góp thầm lặng của các thế hệ nhà văn, nhà thơ.

Chia sẻ cảm xúc sau chuyến đi, học sinh Lê Diệp Anh (lớp 8C1) bày tỏ: “Đến bảo tàng rất thú vị và bổ ích. Em được tận mắt chiêm ngưỡng nhiều tác phẩm quen thuộc, và cũng phát hiện thêm nhiều nhà văn mới mà trước đây em chưa biết tới. Em thực sự rất ấn tượng với kho tàng văn học đồ sộ được giới thiệu tại đây.”
Với niềm hào hứng không kém, học sinh Hoàng Minh Ngọc (lớp 8C1) cho biết: “Dù đây là lần thứ hai em đến bảo tàng nhưng vẫn thấy rất mới mẻ. Em học thêm được nhiều điều bổ ích và có cảm giác như mình đang được sống trong không gian văn học thật sự.”
Một trải nghiệm thú vị khác được học sinh Trần Tuệ Lâm (lớp 8C1) chia sẻ đầy cảm xúc: “Em rất thích hoạt động làm tranh trên giấy dó – đây là lần đầu tiên em được thử sức với một loại hình nghệ thuật dân gian như vậy. Em rất tự hào về bức tranh do chính tay mình thực hiện, đó là một kỷ niệm đáng nhớ trong chuyến đi này.”
Bảo tàng Văn học Việt Nam đang từng bước khẳng định vai trò là điểm đến văn hóa, giáo dục sáng tạo và đầy cảm hứng. Những hoạt động trải nghiệm như làm tranh giấy dó, tour văn học “Chữ Tâm – Chữ Tài”… không chỉ mang lại niềm vui học tập mà còn thắp lên ngọn lửa đam mê văn học trong trái tim thế hệ trẻ. Bảo tàng mong muốn tiếp tục đồng hành cùng các trường trên hành trình đưa văn học đến gần hơn với học sinh, sinh viên không chỉ qua con chữ mà còn qua trải nghiệm chân thực và cảm xúc, để văn chương thực sự lan tỏa trong đời sống hàng ngày.
BTVHVN