Bảo tàng Văn học Việt Nam nhận hiện vật gia đình nhà văn Cao Tiến Lê trao tặng

Đến tư gia của cố gia đình nhà văn Cao Tiến Lê vào một ngày cuối hè, nắng gắt chúng tôi những cán bộ bảo tàng được vợ ông là bà Nguyễn Thị Mai tiếp đón nhiệt tình và cởi mở.

Cán bộ BTVHVN tiếp nhận hiện vật của gia đình nhà văn Cao Tiến Lê trao tặng

Trò chuyện với chúng tôi, bà Mai chia sẻ “Đã 8 năm kể từ ngày ông đi xa nhưng không hôm nào là bà không thắp hương tưởng nhớ đến ông.” Những hiện vật của ông như kính, cặp sách, bản thảo, bàn làm việc… của ông vẫn được bà bảo quản ngăn nắp gọn gàng như khi ông còn sống. Tin tưởng bảo tàng là nơi lưu giữ tốt nhất những hiện vật của các nhà văn bà đã quyết định trao tặng lại những hiện vật quý của nhà văn Cao Tiến Lê cho bảo tàng, đây cũng là nơi ông đã tâm huyết và gắn bó đến khi nghỉ hưu.

Nhà văn Cao Tiến Lê sinh năm 1939, quê ở Lam Sơn, Đô Lương, Nghệ An. Ông vào bộ đội, tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, trực tiếp chiến đấu ở đơn vị bộ binh, làm nhiệm vụ bảo vệ giới tuyến quân sự tạm thời. Đến năm 1967, ông là phóng viên báo Quân khu 4, báo Mặt trận đường 9, báo Quân đội nhân dân. Năm 1976 ông chuyển về Nhà xuất bản Thanh niên và làm Phó tổng biên tập Nhà xuất bản. Và điều đặc biệt là ông được giao làm trưởng Ban Quản lý Dự án Bảo Tàng Văn học Việt Nam khi ông chuyển công tác về làm việc tại Hội Nhà văn Việt Nam năm 2000. Nhà văn Cao Tiến Lê nguyên Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa VI.

Thẻ hội viên Hội nhà văn Việt Nam

Một số tác phẩm chính của ông: Phía trong (1972); Bến quê (năm 1976); Cây sau sau lá đỏ (1981); Đại đội chân đất (năm 1982); Ở trần (1990); Vỏ trứng thạch sùng (năm 1995); Đến với bình minh (1995); Thoát hiểm (năm 2000); Một đời vô duyên (2000); Truyện ngắn Cao Tiến Lê (năm 2003). Một nửa cuộc đời (năm 1978); Bây giờ nên xử sự thế nào (năm 1987); Nếm trải Điện Biên (năm 1992); Con nuôi thầy phù thủy (năm 1994); Trung tướng giữa đời thường (năm 1995). Ngược rừng Ba Chẽ (năm 1976); Mùa ca cao (năm 1982); Nửa đời ngoảnh lại (năm 2004); Thương lắm người ơi (năm 2006).

Một tác phẩm của nhà văn Cao Tiến Lê

Ông đã được trao tặng: Giải nhì cuộc thi truyện ngắn của báo Văn nghệ cho truyện ngắn “Mùi thơm dây cháy chậm” năm 1972-1973 và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2012.

Bảo tàng Văn học Việt Nam trân trọng cảm ơn gia đình nhà văn Cao Tiến Lê đã tin tưởng và ủng hộ bảo tàng khi trao tặng những hiện vật quý của ông để lại.

BTVHVN