Bảo tàng Văn học Việt Nam: Lưu giữ quá khứ, phát triển tương lai

VHO- Nhiều năm trở lại đây, ngoài chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu quá trình hình thành và phát triển của nền văn học nước nhà, Bảo tàng Văn học Việt Nam còn là nơi thể hiện rõ nhất những góc cạnh trong quá trình tìm tòi sáng tạo, lao động nghiêm túc của các nhà thơ, nhà văn Việt Nam.

                                   Không-gian-trưng-bày-Bảo-tàng-văn-học-Việt-Nam

Ngày 8.11.2011, theo Quyết định số 1987/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bảo tàng Văn học Việt Nam được thành lập tại số 275 Âu Cơ (phường Quảng An, quận Tây Hồ, TP Hà Nội). Những năm 60-70 của thế kỷ trước, đây chính là Trường Viết văn Quảng Bá của Hội Nhà văn Việt Nam, nơi đã lưu giữ không ít những kỷ niệm vô giá của các thế hệ nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Trải qua quá trình sưu tầm và trưng bày, đến ngày 26.6.2015, Bảo tàng Văn học Việt Nam chính thức mở cửa.

Bức tranh văn học nước nhà qua 10 thế kỷ

Ngày hôm nay, khi ghé thăm nơi đây, du khách không khỏi ngạc nhiên khi được giới thiệu về những “báu vật” của 10 thế kỷ văn chương Việt Nam. Khởi đầu là danh nhân Lý Thường Kiệt với bài thơ Nam quốc sơn hà, rồi tiếp đó là Phật hoàng Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du…; kết thúc là các nhà văn thời hiện đại được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật.

Điểm đặc biệt dễ nhận ra là các tư liệu hiện vật được trưng bày, giới thiệu đều là hiện vật gốc như: Chiếc bàn gỗ có tuổi đời hơn 200 năm mà Đại thi hào Nguyễn Du đã từng ngồi viết trong thời gian 10 năm sinh sống ở quê vợ Thái Bình; viên gạch đá ong mang từ Thành Đồ Bàn (Quy Nhơn), nơi chứng kiến cuộc hôn nhân “ngoại giao” nổi tiếng trong lịch sử của Công chúa Huyền Trân với Vua Chế Mân; bộ ván khắc của dòng họ Nguyễn Huy; những bộ từ điển Quốc ngữ; những bản Kiều cổ được dịch ra các ngôn ngữ trên thế giới. Bên cạnh đó, mỗi không gian nơi đây là một câu chuyện kể về đời, về nghề của các tác giả được gắn liền với những trang bản thảo, những tác phẩm xuất bản lần đầu, các kỷ vật như quần áo, kính, mũ, ba-toong, đôi giày vải, chiếc chăn, xe đạp, chiếc máy chữ, radio, võng, đàn guitar…

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Giám đốc Bảo tàng chia sẻ: “Bảo tàng Văn học Việt Nam đã thu thập được 40.000 hiện vật, tài liệu có giá trị gồm: Tư liệu, ảnh, hiện vật thể khối, bản thảo, di cảo, sách báo, tạp chí… của hơn 1.000 nhà văn trên khắp cả nước. Với 3.454 hiện vật được trưng bày, Bảo tàng đã mang đến cho người xem bức tranh tương đối toàn cảnh về cuộc đời và sự nghiệp của nhiều tác gia Việt Nam. Mỗi tài liệu, hiện vật, sưu tập được lựa chọn đưa ra trưng bày đều là di sản quý giá chứa đựng nhiều câu chuyện về các nhà văn, nhà thơ, là bộ phận tinh hoa nhất của nền văn hóa Việt”.

                                   Nha-van-Nguyen-THi-Thu-Hue

Điểm hẹn của công chúng yêu văn chương

Đưa chúng tôi đi tham quan tại các không gian trưng bày, chị Nguyễn Thu Hằng, hướng dẫn viên của Bảo tàng chia sẻ: “Cái lạ của những tác phẩm văn chương ở chỗ, nó không chỉ được gìn giữ bởi những người đã sinh ra nó mà những tác phẩm hay, những gương mặt tiêu biểu sẽ sống mãi, được lưu giữ mãi trong lòng độc giả qua nhiều thế hệ. Tại đây, những kỷ vật, những bản thảo luôn được du khách say sưa tìm hiểu và yêu thích, dù cho những trào lưu mới, những gương mặt mới không ngừng được sản sinh ra”. Cũng có lẽ vì thế mà sau khi khánh thành và đưa vào hoạt động, Bảo tàng Văn học Việt Nam đã dần trở thành một điểm hẹn văn hóa độc đáo của công chúng yêu văn học, khách đến tham quan rất đa dạng, từ các em nhỏ đang học phổ thông đến những người cao tuổi.

Trong chuyến tham quan của mình, em Trần Minh Khang (học sinh lớp 11, Trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa, TP Hà Nội) hào hứng kể: “Những đồ vật từng được nhà thơ Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh sử dụng trong quá trình sáng tác như cây bút máy, chiếc thước nhỏ, hay chiếc hòm gỗ dùng thay bàn làm việc đã tạo được ấn tượng mạnh trong em. Ngắm nhìn không gian làm việc của hai nhà thơ được phục dựng lại em rất xúc động. Bản thân em thấy những tác phẩm ấy như gần gũi với mình hơn, giống như nhà văn Hoài Thanh từng nói: Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có”.

Bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến các bảo tàng gặp nhiều khó khăn, việc đẩy mạnh số hóa tài liệu được xem là giải pháp tối ưu giúp các bảo tàng tiếp cận khách tham quan và vươn lên phát triển trong thời đại công nghệ. Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Thị Thu Huệ chia sẻ: “Thời gian tới, Bảo tàng Văn học Việt Nam sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá rộng rãi, phát huy những giátrị, di sản lớn vềvăn hóa – văn học đến với công chúng như ra mắt website, làm phim giới thiệu về Bảo tàng phát trên các kênh truyền thông, thực hiện các triển lãm chuyên đề, tiến tới xây dựng bảo tàng 3D…”.

Sau 10 năm thành lập (8.11.2011 – 8.11.2021), Bảo tàng Văn học Việt Nam đã dần khẳng định được vị trí của mình, không chỉ là địa chỉ văn hóa hấp dẫn mà còn là nơi bảo tồn, lưu giữ những di sản tinh hoa của văn hóa dân tộc; góp phần quan trọng vào việc giáo dục kiến thức lịch sử, văn hóa, văn học, khơi dậy niềm tự hào và truyền thống yêu văn chương cho các thế hệ mai sau.

 Bảo tàng Văn học Việt Nam đã thu thập được 40.000 hiện vật, tài liệu có giá trị gồm: Tư liệu, ảnh, hiện vật thể khối, bản thảo, di cảo, sách báo, tạp chí… của hơn 1.000 nhà văn trên khắp cả nước. Với 3.454 hiện vật được trưng bày, Bảo tàng đã mang đến cho người xem bức tranh tương đối toàn cảnh về cuộc đời và sự nghiệp của nhiều tác gia Việt Nam. Mỗi tài liệu, hiện vật, sưu tập được lựa chọn đưa ra trưng bày đều là di sản quý giá chứa đựng nhiều câu chuyện về các nhà văn, nhà thơ, là bộ phận tinh hoa nhất của nền văn hóa Việt.

(Nhà văn NGUYỄN THỊ THU HUỆ, Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam)

VŨ MỪNG

Nguồn: http://baovanhoa.vn/giai-tri/van-hoc/artmid/486/articleid/47108/bao-tang-van-hoc-viet-nam-luu-giu-qua-khu-phat-trien-tuong-lai