Bảo tàng Văn học Việt Nam đồng hành cùng các bạn trẻ quan tâm và mong muốn gìn giữ, lan tỏa những giá trị văn học

“Bằng một chữ duyên và một tình yêu đối với văn học, những giá trị lịch sử nhân loại. Ngay từ những ngày “Thị Nở” bước ra từ trang sách của Nhà văn Nam Cao, tình yêu đối với văn chương và khao khát đem tới cho những người xung quanh những giá trị tốt đẹp. Sinh viên Lê Thị Oanh – Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Khoa Quản lý Văn hóa – Nghệ thuật là người hóa thân vào nhân vật Thị Nở trong Tour Du lịch Văn học Chữ Tâm Chữ Tài đã thể hiện tình yêu đó qua những con chữ. Em đã thực hiện nghiên cứu đề tài “Quản lý Bảo tàng Văn học Việt Nam” để hoàn thành khóa luận tốt nghiệp của mình.

Khóa luận tốt nghiêpj của Lê Thị Oanh

Em chia sẻ rằng, em rất mong muốn góp một phần sức nhỏ của mình trong quá trình Bảo tàng phát triển, đặc biệt là lan tỏa tình yêu văn học với các bạn cùng trang lứa để khi nhắc đến hai từ văn học là nhắc đến “Bảo tàng Văn học Việt Nam”.

Lê Thị Oanh hóa thân với vai diễn Thị Nở chụp cùng khán giả trong Tour văn học Chữ Tâm chữ Tài tại Bảo tàng Văn học Việt Nam

Dưới đây là một phần nội dung trong bài khóa luận của Lê Thị Oanh về đề tài “Quản lý Bảo tàng Văn học Việt Nam” sau thời gian thực tập tại bảo tàng:

“Trong sự phát triển của mỗi quốc gia dân tộc, văn hóa luôn đóng vai trò quan trọng. Văn hóa Việt Nam là sự kết tinh của hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, nó chứa đựng những giá trị mà không phải quốc gia nào cũng có. Để gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa đó, bảo tàng chính là thiết chế văn hóa từ lâu đã có vai trò quan trọng này, vì vậy bảo tàng luôn được nhà nước rất quan tâm và có nhiều chính sách nhằm phát triển thiết chế văn hóa đặc thù này.

Hiện nay bảo tàng trong cả nước đều tăng cả chất và lượng, tuy nhiên làm sao để phát triển những bảo tàng có lịch sử phát triển còn non trẻ, hay với những mô hình bảo tàng đặc thù được xây dựng kế hoạch quản lý để phát triển, tăng độ nhận diện với công chúng như thế nào… là một vấn đề cần được chú ý tới giữa thời buổi công nghệ phát triển, nhất là những bảo tàng chuyên ngành, chưa tự chủ kinh tế hoàn toàn. Trong đó phải kể đến Bảo tàng Văn học Việt Nam, là bảo tàng chuyên ngành rất đặc thù, một bảo tàng có lịch sử còn non trẻ và là nơi sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu các di sản văn hóa, phản ánh quá trình hình thành và phát triển của văn học Việt Nam. Đây là nơi lưu giữ những tác phẩm văn học trong sách vở mà hầu hết chúng ta được học qua, đặc biệt còn lưu giữ vật dụng của các nhà thơ, nhà văn sử dụng khi xưa.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng, giữ gìn văn hóa dân tộc, đặc biệt văn học là cả một nền văn hóa nước nhà và là niềm tự hào, tự tôn dân tộc Việt. Cùng với những thách thức của công nghệ phát triển và sự quan tâm của con người hiện đại tới văn học đang có nguy cơ hao mòn, suy giảm. Theo thống kê từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thi thoảng mới đọc sách. Thế nhưng, chúng ta lại có đến 70% người dân sử dụng internet, nằm trong top đầu thế giới [20]. Điều này càng nhấn mạnh vai trò của Bảo tàng Văn học Việt Nam đối với xã hội và sự nghiệp phát triển đất nước.

Để phát triển và nâng cao công tác quản lý Bảo tàng Văn học Việt Nam, qua đó giúp phổ biến tinh thần học hỏi, tình yêu văn học của người Việt, tác giả quyết định thực hiện đề tài “Quản Lý Bảo tàng Văn học Việt Nam hiện nay” để hoàn thành khóa luận tốt nghiệp…

…Với những khái quát về lịch sử hình thành và phát triển của Bảo tàng Văn học Việt Nam cũng như về chức năng nhiệm vụ và nội dung trưng bày của bảo tàng; giúp chúng ta thấy được những giá trị quan trọng của văn học trong đời sống. Đây là một bảo tàng chỉ mới hoạt động đến hiện tại được 8 năm, nên so với các bảo tàng khác thì Bảo tàng Văn học Việt Nam hiện là một mô hình rất mới, là một thiết chế đặc thù cần được khai thác nhiều hơn. Những giá trị mà Bảo tàng Văn học Việt Nam mang lại là vô cùng cấp thiết và cần được cả nước quan tâm, chú ý tới.

Có thể khẳng định, Bảo tàng Văn học Việt Nam là một thiết chế văn hóa giáo dục quan trọng của nước ta, đặc biệt là đối với lớp trẻ bởi con chữ đi cùng hành trang tri thức cho mầm non tương lai đất nước. Là một nơi lưu giữ, bảo quản và phát huy những di sản quý giá chứa đựng giá trị văn hóa và lịch sử chữ viết, những tinh hoa của nền văn học Việt Nam.”

                                                                                             BTVHVN