Bảo tàng Văn học Việt Nam cho tôi một tâm thế an yên, tin tưởng!

Tháng 6/2015 Bảo tàng Văn học Việt Nam khánh thành, thì trước đó gần chục năm chúng tôi đã được đón tiếp cán bộ Bảo tàng tại nhà riêng.
Đó là một ngày mùa hạ năm 2007, cũng vào tháng 6. Lúc này thời tiết khá khắc nghiệt. Nóng kinh khủng. Vậy mà 2 bạn trẻ, một nam một nữ đã đội nắng đến với chúng tôi, đến với hương hồn người Cha đã khuất của tôi là NVK Lộng Chương, là bạn Chu Hòa và Phương Hùng. Rồi sau đó, năm 2009, lại có những buổi tiếp xúc gần gũi hơn, thân mật hơn, có thêm bạn Thanh Minh – PGĐ Bảo tàng, để chúng tôi tin cậy đặt vào tay các bạn ấy những di vật quý giá của Cha mình. Những di vật chứa đựng nhiều hoài niệm, thiêng liêng, bất biến trong tâm chúng tôi!
Vài câu vậy để thấy rằng, sự ra đời của Bảo tàng Văn học đã cho chúng tôi một lựa chọn, đến lúc này và chắc chắn về lâu dài, là vô cùng đúng. Đó là lựa chọn Bảo tàng để chuyển giao, trao gửi những di vật thiêng liêng của Cha mình, với tâm thế an yên, tin tưởng.
Gia đình con gái nhà văn – nhà viết kịch Lộng Chương tại gian trưng bày của ông tại BTVHVN

Từ khi Bảo tàng đi vào hoạt động, chúng tôi luôn tổ chức những cuộc thăm quan, để tưởng nhớ, ôn lại những kỷ niệm về Cha cho con cháu. Được sự ủng hộ nhiệt tình của lãnh đạo Bảo tàng, năm 2019 chúng tôi còn mời cả các cấp chính quyền và bà con quê hương Châu Khê, Thúc Kháng (Bình Giang, Hải Dương) tới thăm quan và tưởng niệm vào ngày Cha tôi “đi xa” 16 năm trước.

Cán bộ nhân dân quê hương Châu Khê, Thúc Kháng (Bình Giang, Hải Dương) của NVK Lộng Chương chụp ảnh lưu niệm tại Bảo tàng Văn học Việt Nam (26/6/2019)

Với tôi, mỗi khi bước vào Bảo tàng, luôn có cảm giác gần gũi, ấm áp, thân thuộc… Có lẽ, đó là bởi cách sắp đặt về nội dung, trang trí về hình thức đều bài bản, thân thiện, có thẩm mỹ và rất khoa học chăng? Còn tại nơi lưu giữ di vật của Cha trong Bảo tàng, tôi luôn cảm giác Cha mình đang ở đâu đó, rất gần bên tôi…

Được biết, nhiều gia đình các nhà văn có thành lập bảo tàng tư nhân. Nhưng thiển nghĩ, Bảo tàng Văn học đã được đầu tư các trang thiết bị công nghệ bảo quản hiện đại, gồm những thiết bị hút ẩm, thông gió, điều hòa không khí… làm cho môi trường bảo quản thông thoáng, sạch sẽ, khô ráo, nhằm giữ gìn hiện vật, tài liệu không bị ẩm móc, mối mọt. Hơn nữa, yếu tố con người là vô cùng quan trọng, thì Bảo tàng đã có một đội ngũ cán bộ tận tâm, đau đáu với nghề, luôn trăn trở tìm phương hướng truyền thông hiệu quả, để đưa được các giá trị văn hóa to lớn của tiền nhân tới được cộng đồng đông đảo nhân dân; thì nơi đây đã và sẽ là một lựa chọn rất tốt để giữ gìn, bảo tồn và giới thiệu rộng rãi các giá trị văn hóa quý báu của các thế hệ cha ông chúng ta.
Một vài suy ngẫm về Bảo tàng Văn học Việt Nam trong ngày cuối tháng 30/10/2021, nhân được đến và làm việc với các bạn cán bộ nơi đây. Rất yêu các bạn!
Gia đình nhà văn- nhà viết kịch Lộng Chương với cán bộ BTVHVN
                                                                                                                                         Phạm Hồng Thắm
https://longchuong.blogspot.com/2021/10/bao-tang-van-hoc-viet-nam.html?fbclid=IwAR0chBO-dgStHgAkXnL3dsSUXnojQEjGK8PDF_k-GRf9RVxjZcsGsOcuCMM#more