Sáng ngày 27.11.2024, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp cùng Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Lý luận, Phê bình Văn học lần thứ V với chủ đề “50 năm Văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và Xu thế”. Hội nghị thu hút sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà Lý luận phê bình cùng các nhà nghiên cứu với 45 tham luận và những ý kiến tranh luận mang tính học thuật cao.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh: “Chặng đường văn học 50 năm qua vô cùng quan trọng, tác động vô cùng to lớn và sâu sắc vào sự phát triển và là bước ngoặt của văn học Việt Nam.”
Bước ngoặt đầu tiên bắt đầu từ ngày 30/4/1975 khi cuộc chiến tranh kết thúc và đất nước được thống nhất. Đây là giai đoạn văn học được viết trong hòa bình bởi các nhà văn trên cùng một mảnh đất đã từng bị chia cắt cho dù các nhà văn có thể chưa bắt kịp nhịp của lịch sử thì đó vẫn là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử của đất nước và trong tâm khảm của những người cầm bút. Bên cạnh các nhà văn quen thuộc tiếp tục viết về chiến tranh là một thế hệ các nhà văn trẻ không trải qua chiến tranh nhưng mang đến một cái nhìn trung thực dựa trên sự trung thực của lịch sử, dựa trên sự trung thực của cảm xúc và đầy nhân văn để viết về cuộc chiến kỳ vỹ đó của dân tộc.
Bước ngoặt thứ 2 là bước ngoặt vô cùng quan trọng đối với đất nước đặc biệt đối với nền văn học đó là công cuộc đổi mới của Đảng được tiến hành trên mọi lĩnh vực của đời sống: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và văn học nghệ thuật. Công cuộc đổi mới đã tác động sâu sắc và nhiều chiều vào sự sáng tạo của các nhà văn Việt Nam nó mở ra biên độ rất rộng về đề tài, đối tượng, thi pháp và về tư tưởng. Có thể nói một thời đại mới của văn học đã bắt đầu được sinh ra với những tác phẩm đóng góp thật sự chất lượng và ở tầm cao mới của văn học Việt Nam.
Bước ngoặt thứ 3 được mở ra khi đời sống chính trị của đất nước Việt Nam hòa nhập đời sống chính trị trên toàn Thế giới. Lúc này văn học Việt Nam có thể nói đã có đầy đủ cơ hội để trở lại với bản chất nguyên vẹn của văn học.
Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần này sẽ mang tới một cái nhìn khoa học có tính lịch sử, có tính tổng kết cũng như phác thảo diện mạo mới của văn học Việt Nam trong những thập kỷ tới của đất nước.”
Tại Hội nghị, những người tham dự đã nghe 10 bài tham luận đến từ các nhà văn, nhà Lý luận phê bình, nhà nghiên cứu. Các tham luận giúp chúng ta có cái nhìn tổng quát chuyên sâu hơn về những thành tựu và xu thế trong 50 năm qua của nền Văn học Việt Nam.
Bên cạnh những thành tựu, hội nghị cũng chỉ ra một số hạn chế như thiếu sự đồng bộ giữa lượng và chất trong các tác phẩm xuất bản, cùng với đó là nhu cầu có thêm những tác phẩm đỉnh cao từ bạn đọc.
Các ý kiến từ các nhà Lý luận phê bình và các nhà nghiên cứu, nhà văn tại hội nghị cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền văn học Việt Nam trong thời kỳ mới chú trọng vào việc cải thiện chất lượng sáng tác và lý luận phê bình văn học.
Hội nghị một lần nữa khẳng định và tôn vinh những giá trị đã có của nền văn học Việt Nam trong 50 năm qua đồng thời là sự chào đón của thời đại mới của văn học Việt Nam như chúng ra đã từng mong đợi.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định: Hội nghị lần này mở đầu cho chương trình hành động tổng kết 50 năm Văn học Nghệ thuật Việt Nam gồm nhiều hoạt động từ nay đến hết năm 2025”.
Bảo tàng Văn học Việt Nam sẽ đăng tải toàn bộ 45 tham luận lên các trang web của bảo tàng tại địa chỉ http:/baotangvanhoc.vn để lan tỏa đến toàn thể các hội viên Hội nhà văn, các nhà nghiên cứu và cả các bạn sinh viên đọc để từ đó có cái nhìn tổng quát và sâu sắc về nền Văn học Việt Nam trong 50 năm từ 1975 đến nay.
BTVHVN