Bảo tàng Văn học Việt Nam trân trọng giới thiệu bài tham luận của nhà thơ Trần Anh Thái tại Hội nghị Lý luận phê bình Văn học lần thứ V:
Khẳng định chắc chắn rằng, năm 1975 là cột mốc quan trọng không chỉ dừng lại ở việc thống nhất đất nước mà còn cả trong văn học nói chung và thơ nói riêng. Đặc biệt, năm 1986 như một dấu son đóng đinh vào lịch sử văn học, tạo bước ngoặt lớn chưa từng có cho thơ Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ XX đến tận hôm nay. Công cuộc đổi mới rung lên hồi chuông báo hiệu chấm dứt một thời kỳ văn học trong “hành lang hẹp”, văn học của “chủ nghĩa hiện thực phải đạo” bằng sự áp đặt, trói buộc thô sơ và phê phán nặng nề với văn học nghệ thuật. Chấm dứt thời kỳ sáng tác phục vụ chính trị “Một câu thơ gánh ba phần nhiệm vụ”, chấm dứt cách viết một chiều, phản ánh, ngợi ca, đơn điệu, công thức, sống sượng, rập khuôn, sơ lược, tô hồng… của một thời chiếm vị thế thượng phong trên văn đàn…
Công cuộc đổi mới mang lại luồng sinh khí mới, tạo ra thay đổi to lớn trong việc kế thừa và phát triển nền văn hóa dân tộc. Tư duy lý luận của các cấp lãnh đạo về văn học nghệ thuật có sự chuyển biến mới; giao lưu quốc tế mở rộng tạo ra nhiều cơ hội, nhiều cách tiếp cận mới mẻ; nhu cầu về đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên; các chuẩn mực văn hóa và đạo đức mới hình thành…Tất cả những yếu tố đó là cơ sở để văn học nghệ thuật có điều kiện phát triển nở rộ.
Đối với thơ, ngoài những yếu tố trên lại được chắp cánh bởi một thời đại văn học mới với sự hội tụ thống nhất của hai dòng văn học lớn ở cả hai miền Nam- Bắc, cùng sự tương tác qua lại giữa văn học trong nước và hải ngoại. Bên cạnh đó, cánh cửa nhìn ra thế giới rộng mở do sự phát triển mạnh mẽ của internet làm cho đời sống văn học bừng lên sức sống mới, tràn đầy nhiệt huyết trong tinh thần dân chủ cởi mở và nhân văn…
Giai đoạn này cũng chứng kiến sự xuất hiện trở lại của những nhà thơ Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng trong nhóm Nhân văn – Giai phẩm cùng các sáng tác mang hơi thở mới của các nhà thơ Chế Lan Viên, Hoàng Cầm, Bùi Giáng…đã tạo ra không khí văn chương dân chủ, cởi mở có tác động không nhỏ đến quá trình phát triển của thơ sau năm 1975.
Đội ngũ đông đảo các nhà thơ chống Mỹ từ Thu Bồn, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Đức Mậu, Trúc Thông, Ý Nhi, Y Phương, Việt Phương đến Trần Đăng Khoa, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ, Anh Ngọc, Vương Trọng, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Thi Hoàng, Hoàng Trần Cương…lần lượt cho ra đời những tác phẩm mới mẻ, mang bản sắc riêng biệt của giai đoạn 1975- 1986. Đó là thời kỳ các nhà thơ nhận thức sâu sắc về vai trò của nghệ thuật. Thời kỳ của cái tôi trữ tình được đặt trong mối quan hệ đa chiều, phong phú của đời sống. Nhà thơ tự nhìn lại chính mình, cá tính được đề cao, cái nhìn sử thi vẫn còn đó nhưng được thể hiện ở một chiều kích khác, mới mẻ đa dạng hơn. Cách nhìn cuộc chiến tranh chân thực, không né tránh những đau thương mất mát, những khốc liệt và tàn bạo của cuộc chiến. Nhiều tác phẩm ở giai đoạn này có chiều sâu nhân tính, chân thực và nhân văn, mang lại luồng không khí mới mẻ, đa giọng điệu tạo nền tảng cho giai đoạn đổi mới sau này.
Thế hệ các nhà thơ viết sau năm 1975 vừa ra đời, còn đang chập chững vào nghề nhưng đã ý thức rất rõ rằng tất cả đã thay đổi, không thể viết như cũ, phải đi tìm con đường của riêng mình, con đường khác với trước. Nhưng khác như thế nào? Phía trước là chông gai thách thức, đòi hỏi sự dấn thân và những nỗ lực cá nhân vô cùng cùng lớn để kiếm tìm và hy vọng. Đó là Dương Kiều Minh, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Lương Ngọc, Trần Anh Thái, Trần Quang Quý, Trần Hùng, Đỗ Minh Tuấn, nrasara, Đặng Huy Giang, Mai Văn Phấn, Nguyễn Linh Khiếu, Lê Mạnh Tuấn, Giáng Vân, Trần Quang Đạo, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Việt Chiến, Mai Quỳnh Nam, Tuyết Nga, Lê Thị Kim, Ánh Huỳnh, Trương Nam Hương, Lê Minh Quốc, Lê Mạnh Tuấn, Trần Tiến Dũng, Bùi Chí Vinh, Nguyễn Thành Phong, Đỗ Trọng Khơi, Thu Nguyệt, Đỗ Trung Quân…
Mở cửa, các nhà thơ hải ngoại xuất hiện, đã có những tương tác qua lại với nhiều nhà thơ trong nước, trong đó nổi lên một số tên tuổi từng thành danh ở miền Nam từ trước năm 1975 và một lực lượng sáng tác mới xuất hiện sau năm 1975, ít nhiều tạo được ấn tượng với thơ ca trong nước…
Các thế hệ nhà thơ này hội tụ tạo thành một đội quân hùng hậu, nhiều đam mê, nhiệt huyết bằng sự ra đời một số lượng tác phẩm đồ sộ, với nhiều phong cách, giọng điệu khác nhau nhưng không loại bỏ triệt tiêu nhau, đó là cánh rừng đa tầng, đa thanh, đa sắc mang vẻ đẹp độc đáo, mới lạ làm nên một thời đại mới cho thơ sau năm 1975.
Sự đổi mới này diễn ra sâu rộng ở cả nội dung và hình thức mà đặc biệt là việc tái khám phá hiện thực, xác lập vị trí của cái tôi cá nhân, cất lên tiếng nói đòi hỏi được giải phóng, tự do cá nhân trên tinh thần cởi mở và nhân văn. Thơ quay về với cuộc sống đời thường, với mọi va đập đắng cay và hạnh phúc, tốt và xấu, yêu thương và căm giận… vượt lên sự mặc cảm phụ thuộc vào thể chế, vào bao cấp để độc lập bước ra thế giới mênh mông, bất chấp mọi rủi ro thách thức. “Thơ là tâm thế là trạng thái Trên đường, đặt ra vấn đề bản thể con người, khao khát quay về với bản thể, vấn đề của sự tồn tại – Trương Đăng Dung”. “Thơ tràn ngập tinh thần phản tỉnh, cảm thức lo âu, bối rối, buồn rầu thất vọng, tự giễu mình nhưng vẫn giữ vững niềm tin vào ngày mai, vào sự sống con người – Trần Đình Sử”…
Sự đổi mới này tiếp tục thôi các nhà thơ thế hệ sau tìm kiếm, khai phá, mở rộng các cách thức biểu hiện mới, thi pháp mới cho thơ. Vấn đề thể hiện cá tính, thơ thể hình, thơ sắp đặt hay tính dục, sex… trở thành một nhu cầu, đặc biệt là đối với thế hệ các nhà thơ 7x, 8x như Vi Thùy Linh, Trần Kim Hoa, Bình Nguyên Trang, Trang Thanh, Văn Cầm Hải, Phan Huyền Thư, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Đinh Thị Như Thúy, Phạm Đương và thế hệ trẻ 8x, 9x sau này như Nhã Thuyên, Trần Lê Sơn, Phạm Nguyệt, Đoàn Văn Mật, Kiều Ma Ly, Du Nguyên, Lữ Thị Mai, Nguyễn Quang Hưng, Khương Hà…
Có thể nói 50 năm qua, thơ phát triển lên một tầm cao mới bằng sự mở rộng mọi chiều kích với một đội ngũ sáng tác đông đảo, ở mọi đề tài phong phú, đa dạng muôn màu sắc với rất nhiều tìm tòi sáng tạo, ở mọi cấp độ từ trung tâm đến hiện đại chủ nghĩa, thơ tự do, thơ hậu hiện đại, thơ trẻ… Thêm vào đó, thời đại internet đã cho ra đời hàng loạt website, blog của các tổ chức và cá nhân càng thúc đẩy mạnh mẽ mọi sự tìm tòi khám phá, thử nghiệm của các thế hệ nhà thơ. Tất cả hướng tới việc khao khát đổi mới, kích thích sự sáng tạo mà mục tiêu không gì khác hơn là tiến tới dân chủ và nhân văn. Nhà thơ thoát khỏi mọi rào cản, mọi sự trói buộc của cơ chế cũ, quan niệm mỹ học cũ, lề thói cũ, để hướng tới cái mới, cách nhìn mới, cách viết mới…
Trong đó đáng chú ý là thơ viết về chiến tranh, đặc biệt là trường ca vẫn được các nhà thơ đào xới như một nhu cầu trả món nợ cho quá khứ với nhiều giọng điệu, nhiều sắc thái với những mất mát đau thương, thẩm thấu tận sâu bên trong tâm hồn con người. Cùng với nó là cách nhìn mới mẻ, khác với làn sóng trường ca trước đó. Sự khác này không phải là sự đánh đồng địch ta, bên chiến thắng và kẻ thua cuộc mà là: “sự thể cao vời hơn, thăm thẳm hơn: Sự ưu tư về định mệnh dân tộc, khác đi – suy tư về cội nguồn, về quê hương, về cái nhà – như là nơi cư trú của tính thể con người trên mặt đất – Trần Anh Thái – Kẻ đánh thức con đường – Inrasara”. Thời gian này trường ca nổi lên như một làn sóng lần thứ hai với “Gọi nhau qua vách núi”, “Đổ bóng xuống mặt trời”, “Ngày đang mở sáng”; “Chín tháng”, “Đò trăng”, “Trầm Tích”…
Bên cạnh dòng thơ viết về chiến tranh, thơ viết về biên giới hải đảo từ năm 1986 đặc biệt là sau năm 2000 phát triển mạnh mẽ. Nhiều người cho rằng chưa bao giờ thơ viết về biển đảo lại nở rộ như thời gian vừa qua, nhất là sau những hành động ngang ngược của Trung Quốc đưa giàn khoan xâm phạm chủ quyền tổ quốc tháng 5- 2014. Tên gọi Hoàng Sa, Trường Sa vang lên đầy xúc động trong trái tim của mọi người Việt Nam ở cả trong nước và hải ngoại. Năm 2020, Hội nhà văn đã tổ chức trao Giải thưởng tôn vinh tác giả viết về biên giới hải đảo với những gương mặt xuất sắc của nền văn học, đó là “Đảo chìm” của Trần Đăng Khoa, “Mình và họ” của Nguyễn Bình Phương, “Ba phần tư trái đất” của Thi Hoàng, “Từ biển mà đi”, “Thơ viết về biển”, “Mộ gió” của Trịnh Công Lộc, “Tổ quốc nhìn từ biển” của Nguyễn Việt Chiến, “Đảo chìm và hơi thở rừng hồi” của Vương Trọng, “Hạ thủy những giấc mơ” của Nguyễn Hữu Quý …và rất nhiều tác phẩm viết về biên giới hải đảo khác.
Nói gọn lại, Thơ cũng như văn xuôi 50 năm qua có sự chuyển biến mạnh mẽ ở một chiều kích mới mẻ, sâu sắc, cá tính hóa cao, nhà thơ tự do bộc lộ chính mình, sống đến tận cùng cái tôi bản thể, như nhà thơ Chế Lan Viên từng thú nhận: “Giọng cao bao nhiêu năm giờ anh hát giọng trầm/ Cái giọng hát lẫn với im lìm của đất/ Vườn lặng im mà thơm mùi mít mật/ Còn hơn anh rồ giọng hát vang ngân”. Có thể nói chưa một thời kỳ nào trong lịch sử thi ca dân tộc sự đổi mới thơ lại diễn ra sôi động, sâu rộng, mạnh mẽ, quyết liệt với muôn vàn cách thể hiện phong phú, đa dạng nhằm khai thác tối đa chiều sâu tâm linh và những góc khuất trong sâu thẳm tâm hồn con người như năm mươi năm qua. Thơ đi vào từng ngóc ngách đời thường; thơ cất lên tiếng hát của nỗi buồn và thân phận, những khát vọng lớn lao và những nỗi đau mất mát, những bế tắc tuyệt vọng trước bao giông gió cuộc đời với rất nhiều cung bậc, cảm thức mới lạ. Ngôn ngữ thơ đa thanh, đa giọng điệu đan xen từ trữ tình cao siêu đến trữ tình bình dân, từ ngôn ngữ tâm linh đến ngôn ngữ trò chơi, cắt dán, hình thể,… tất cả đều bình đẳng, song song tồn tại.
Bên cạnh đó thơ còn chứng kiến sự nở rộ những thể nghiệm tìm tòi, những cách tân mạnh mẽ cả nội dung và hình thức. Nhiều thể nghiệm tiếp thu một cách có chọn lọc các trường phái thơ hiện đại, hậu hiện đại phương Tây và được vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo đã tạo ra chất xúc tác thúc đẩy thơ Việt Nam phát triển. Bên cạnh các thể thơ truyền thống, các nhà thơ thể nghiệm tìm tòi thuộc nhiều thế hệ phát triển mạnh mẽ thơ tự do, thơ văn xuôi, thơ hai câu, ba câu, thơ năm câu, thơ dòng chữ, thơ tân hình thức, thơ trò chơi, thơ hình thể, thơ trình diễn, thơ sắp đặt, thơ tính dục, sex… tất cả là nhằm chống lại sự sáo mòn cũ kỹ, thoát ra khỏi những quy ước khuôn sáo ước lệ, mục đích nhằm kéo thơ trở lại với công chúng, tôn vinh nghệ thuật, hướng tới cái đẹp…
Năm mươi năm là một chặng đường khá dài và cuộc đổi mới thơ đã đạt được những bước tiến rất quan trọng trong sự phát triển chung của nền thơ ca dân tộc. Hy vọng những năm tới, thành tựu của cuộc đổi mới thơ tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới, chất lượng cao hơn, hội nhập sâu rộng vào nền thơ ca thế giới, ghi dấu ấn mạnh mẽ với các nền thơ ca của các dân tộc khác…