Viên gạch thành Đồ Bàn minh chứng cho cuộc hôn phối ngoại giao giữa Huyền Trân Công Chúa và Vua Chế Mân

Viên gạch thành Đồ Bàn hiện được trưng bày tại Bảo tàng Văn học Việt Nam không chỉ là bằng chứng cho sự tồn tại thịnh vượng của vương quốc Champa thế kỷ 13-14, mà còn là minh chứng cho cuộc hôn phối ngoại giao nổi tiếng trong lịch sử của Huyền Trân Công Chúa và Vua Chế Mân.

Theo Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục (quyển VIII), vào tháng 3 năm Tân Sửu (1301), hiệu Hưng Long thứ 9, đời vua Trần Nhân Tông, lúc bấy giờ Đức Thượng hoàng là Trần Nhân Tông đã truyền ngôi cho con ở núi Yên Tử, thường vân du đây đó để quan sát dân tình, rồi sang Chiêm Thành. Ngài rất thích thú với đất nước kỳ diệu này, nên đã lưu lại hơn nửa năm trời để thưởng ngoạn và tìm hiểu phong tục tập quán của dân tộc Chăm. Cảm kích trước tài năng lỗi lạc của Chế Mân và tinh thần hiếu khách của đất nước Champa, để thắt chặt tình hòa hiếu giữa hai nhà nước, Trần Nhân Tông đã hứa gả Công chúa Huyền Trân cho vị vua phương Nam là Chế Mân.

Đến tháng 6 năm Bính Ngọ (1306) tức 5 năm sau, Chế Mân dâng hai châu Ô và Lý (tức tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế ngày nay) làm sinh lễ. Huyền Trân Công chúa chính thức lên xe hoa về nhà chồng. Khi về Chiêm Thành, Huyền Trân Công chúa được phong thành hoàng hậu nước Chiêm với tôn hiệu Hoàng hậu Paramesvari, đứng đầu các hậu và phi của vua Chiêm. Nhưng chẳng may chỉ được non một năm, tháng 5 Đinh Mùi (1307), trong lúc công chúa đang có thai, vua Chế Mân bị bạo bệnh qua đời. Tuy trì hoãn vì phải chờ ngày hoàng tử được sinh ra và đón đoàn sứ thần của Đại Việt vào viếng tang, nhưng theo luật tục Chiêm Thành thì Hoàng hậu phải chịu hỏa thiêu chết theo vua.

Đoàn Đại Việt do các quan Nhập nội Hành khiển Thượng thư Tả bộc xạ (Tể tướng) Trần Khắc Chung, An phủ sứ (Tỉnh trưởng) Hóa Châu Đặng Văn và một số vị tăng sĩ Phật giáo dẫn đầu, đưa theo hàng nghìn thủy thủ tùy tùng, đi thuyền sang Đồ Bàn (kinh đô Chiêm Thành, nay ở Bình Định), cuối năm 1307. Lúc đó, hoàng hậu Paramesvari (Huyền Trân) đã sinh thế tử Chế Đa Da và đang chờ hành lễ tự hiến để theo chồng trên giàn thiêu đã sắp đặt sẵn ở bờ biển Quy Nhơn, bên thành Đồ Bàn.

Đoàn sứ Việt xin lập trai đàn trên một số chiến thuyền được kết lại ở ngoài biển để làm lễ cho vua Chế Mân và xin đón hoàng hậu đích thân ra tới trai đàn đứng làm chủ lễ cúng tế chiêu hồn cho chồng theo phong tục Việt, trước khi quay vào bờ lên giàn hỏa thiêu. Phó vương Chiếm Chế Chí thuận theo. Khi thuyền của hoàng hậu đang đi trên biển thì thủy quân Việt bất ngờ đón lấy và bắt theo 300 cung nữ, lính hầu người Chiêm, giong buồm về Bắc.

Có lẽ cân nhắc tình thế và thể tình, nên triều đình Chế Chí đã không cho đuổi theo, mặc dù chiến thuyền của Chiêm Thành thời đó rất mạnh. Khi đến Hóa Châu, đoàn nhà Trần tạm dừng nghỉ và cho 300 người Chiêm trở về nước. Bà viên tịch vào đêm mùng 9 tháng giêng năm 1340, được ngoài 50 tuổi. Dân làng Thái Đường nhớ ơn, tôn Bà làm Mẫu Huyền Trân và dựng ngôi Chùa Cả ở gần sông Thái Sư để thờ, nay còn dấu tích; còn dân làng Dành thì tôn bà làm thành hoàng.

 

Chu Thị Hòa

 

Tài liệu tham khảo:https://trungtamhuyentran.thuathienhue.gov.vn/