Nhà văn Trần Đăng tên thật là Đặng Trần Thi (1921-1949), ông là nhà báo, nhà văn Quân đội. Là phóng viên của báo Vệ Quốc quân, trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch lớn. Tác phẩm của ông chủ yếu là bút ký, truyện ngắn như: “Một lần tới Thủ đô”, “Trận phố Giàng”, “Những ngày cuối năm”…
Ngày 26/12/1949, nhà văn Trần Đăng hy sinh trên đường đi công tác và được an táng tại huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Ông trở thành NGƯỜI VĂN NGHỆ BINH THỨ NHẤT ĐỔ MÁU TRÊN CHIẾN TRƯỜNG. Nhiều nhân chứng kể lại cho đến trước khi hy sinh, nhà văn Trần Đăng vẫn tha thiết với sự nghiệp văn chương. Ông nói với đồng đội: “…tôi có ý định dựng và viết truyện về cái đồi văn nghệ sĩ ở trên Nà Han, sau chuyến này tôi sẽ bắt đầu..”.
Khi chôn cất nhà văn Trần Đăng, đồng đội đã dùng viên gạch khắc tên ông bằng lưỡi lê với nét chữ vội vã, vụng về để dựng thành bia đánh dầu phần mộ của ông. Năm 1991, di hài ông được chuyển về quê hương, đặt tại nghĩa trang liệt sĩ Từ Liêm, Hà Nội.
Viên gạch ghi dấu ấn về sự hy sinh của nhà văn liệt sĩ Trần Đăng được gia đình em trai nhà văn trao tặng Bảo tàng Văn học Việt Nam và được đặt trang trọng tại gian trưng bày nhà văn Trần Đăng.
Thanh Tú