Vài nét về một nền văn nghệ sinh ra trong máu lửa

​Bản viết tay bài “Vài nét về một nền văn nghệ sinh ra trong máu lửa” là một trong những tư liệu quý của nhà văn Anh Đức (Bùi Đức Ái) hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Văn học Việt Nam.
Nhà văn Anh Đức
Nhà văn Anh Đức
​“Sau gần bốn tháng vượt Trường Sơn, giữa năm 1962, tôi về tới Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, đóng giữa những cánh rừng già ngút ngàn thuộc tỉnh Tây Ninh. Lẽ ra tôi đã về sớm hơn, nhưng một cơn sốt rét ác tính đã đánh gục tôi ở cuối chặng đường, khiến tôi đành phải nằm lại một trạm bên bờ sông Sài Gòn, cả tháng sau tôi mới tiếp được. Người tôi gặp đầu tiên là anh Trần Bạch Đằng, phụ trách Ban Tuyên huấn khi ấy, bao gồm tới mười mấy bộ phận: Tuyên truyền, Giáo dục, Văn nghệ, Đài phát thanh, Thông tấn, Điện ảnh…Bảy năm trời xa cách nay mới gặp lại anh, vốn là thủ trưởng cũ của tôi hồi chống Pháp, khi tôi làm phóng viên báo “Cứu quốc” và “Nhân dân miền Nam” do anh làm Tổng biên tập. Anh Trần Bạch Đằng bảo tôi:
Bản thảo đang được trưng bày tại BTVHVN
– Được điện ngoài đó báo chú lên đường đã lâu mà đợi hoài không thấy, tôi hơi lo, giờ thì yên tâm rồi. Bộ phận B2, tức Hội Văn nghệ Giải phóng sống kế đây…Tất nhiên chú sẽ về đó, nhưng bây giờ hẵng nằm ở chỗ tôi ít bữa. Bên B2 ăn uống hơi hẽo, mà chú còn đuối quá. Còn ở đây ít nhứt có gà cho chú bồi dưỡng, vì mấy cậu bảo vệ tôi có nuôi một chuồng gà. Với lại, tôi cần hỏi thăm tình hình văn nghệ ở ngoài, đồng thời tôi cũng muốn tranh thủ nói sơ qua cho chú biết cục diện trong nầy để nay mai chú tiếp cận thực tế cho mau…
Chiều đó, anh Đằng còn nói với cậu Thắng bảo vệ nấu nước cho tôi tắm. Tôi rất cảm động, bởi ngoài tình thân cũ đối với tôi, anh còn có ý bồi dưỡng một ngòi bút, muốn tôi mau hồi sức để còn tiếp tục một chặng hành trình nữa về miền Tây Nam Bộ, vùng đất tôi vốn đã quen thuộc hồi chống Pháp, và theo anh đó là chỗ tốt nhất cho tôi thâm nhập trở lại để viết. Tôi thấy hướng đó rất trùng ý tôi, nên lấy làm mừng cho riêng mình và cho chung. Vì qua sự phân công này, tôi tin tưởng khi lực lượng văn nghệ ngày một đông hơn, hướng phân bổ sáng suốt phù hợp như vậy, nhất định sẽ đem lại hiệu quả. Tất nhiên, muốn có hiệu quả và thành tựu thì phải chấp nhận cuộc thâm nhập gian khổ, sống chết. Vì sau Đồng Khởi, Mỹ – Diệm đã tiến hành cái gọi là chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, với chiến thuật trực thăng vận và xe lội nước M113.
Ngày tôi đặt chân về Hội Văn nghệ Giải phòng giữa rừng Miền Đông ấy, Hội vừa thành lập mới hơn một năm, là thành viên của mặt trận Dân tộc Giải phòng miền Nam do soạn giả nổi tiếng Trần Hữu Trang làm Chủ tịch và nhà văn Lý Văn Sâm làm Tổng thư ký. Cơ quan Hội lúc đó có rất ít người, lực lượng rất mỏng. Ngoài một đoàn văn công, hầu như các ngành văn học, nghệ thuật đều chưa được hình thành, nhưng trong những ngày về sống dưới các mái nhà lợp lá trung quân đó của Hội, được gặp gỡ bác Tư Trần Hữu Trang, anh Lý Văn Sâm, chị Ba Thanh Loan, anh Mười Đờn, anh Ba Thừa Vĩnh và nhiều anh chị khác, tôi thấy tất cả đều hết sức hồ hởi, phấn chấn. Tất cả đều sẵn sàng vào cuộc chiến đấu mới. Đó là những người chưa hề được sống một ngày êm ả như chúng tôi trên miền Bắc. Họ là những người đã đi qua những tháng năm cực kỳ đen tối. Lòng tôi tràn đầy xúc động và khâm phục. Để tiến tới chỗ có được một tổ chức gọi là Hội Văn nghệ Giải phóng, họ và biết bao anh chị khác khắp miền Nam sẽ phải trải qua đấu tranh, tù đầy, tra tấn và hy sinh. Đó là những năm sau hiệp nghị Geneve, các anh chị phải vừa nỗ lực nuôi sống mình giữa Sài Gòn và các nơi khác, đồng thời sáng tác, biểu diễn hướng nhân dân vào cuộc đấu tranh vì thống nhất Tổ quốc, giữ vững niềm tin ở thắng lợi cuối cùng của cách mạng trong hoàn cảnh không phải lúc nào cũng có Đảng ở kề bên dẫn dắt, nhưng kẻ thù hung ác thì lúc nào cũng rình sẵn, bắt bớ, khảo trảo.
Trước khi rời rừng đi xuống miền Tây, tôi có những hai tháng để biết cái điều quý giá cần phải biết ấy, để thấy rằng khi chúng tôi đặt chân trở lại quê hương thì quê hương từ lâu đã đầm đìa máu đổ, và các anh chị văn nghệ ở lại đã cùng nhân dân trải qua bao cơ cực, gian nguy để dọn nên mảnh đất và cũng đã gieo trồng. Nếu ai không nhìn thấy điều đó, sẽ không hiểu rõ nguồn cội văn nghệ giải phóng từ đâu mà có. Nền văn nghệ này được sinh ra từ nỗi đau thương và căm thù, từ những cuộc đấu tranh chống tố cộng và những cuộc thảm sát, từ những hình khảo dã man nhất đến các máy chém thời Pháp được Mỹ – Diệm lau chùi lại, chở đi lưu động khắp nơi. Nền văn nghệ này được sinh ra trong máu và nước mắt, nhưng chứa đầy niềm tin và hy vọng, chứ không bi quan và thất vọng, cho tới ngày cùng nhân dân chọn một con đường sống là vùng dậy. Các anh chị, trong đó bao gồm văn nghệ sĩ kháng chiến cũ và trí thức văn nghệ yêu nước tại Sài Gòn cũng như khắp các đô thị nông thôn miền Nam đã đối đầu với kẻ địch bằng thứ gươm súng của riêng mình, đã tỏ ra vô cùng xứng đáng. Chính tim óc, máu xương họ trong những năm tháng gian khổ giữa vòng kềm kẹp, và cả sau đó là những triền miên đói cơm rách áo giữa rừng sâu, ăn phải măng tre củ mài. Những cơn sốt rét rừng run người đã theo các anh trong đêm hành quân cùng bộ đội đi đánh trận đầu Tua Hai thắng lợi. Tất cả, những cái đó đã đặt nền móng cho Hội Văn nghệ Giải phóng. May mắn làm sao, ngày mới về, tôi đã được sống chúng một mái nhà, ăn chung một mâm với vài người mà bản thân họ hầu như gắn liền với sự ra đời của Hội. Đó là người Chủ tịch và người Tổng thư ký, bác Tư Trần Hữu Trang và nhà văn Lý Văn Sâm.
Trong những đêm rừng bên bờ Suối Cây cuối năm ấy tiết trời rất lạnh. Vào khoảng bốn năm giờ sáng, tôi đã thấy khó ngủ, ở chung nhà với tôi, anh Lý Văn Sâm thường thức trước, nhóm lửa nấu nước pha trà rồi kêu tôi dậy. Vào giấc ấy đổ về sáng, bên ấm trà nóng và một gói thuốc “Con Két”, anh đã kể cho tôi nghe những năm anh ở lại Sài Gòn, làm văn làm báo công khai. Tiền của tổ chức kể như không có, tiền tự mình kiếm lấy để sống và in ấn là chính. Mỗi một truyện anh viết ra phải khôn khéo, ngụy trang, bóng gió, vì hễ lộ một chút ý hướng đấu tranh thống nhất, đòi dân sinh dân chủ là bị kiểm duyệt dục bỏ. Nhưng theo anh, nguy hiểm hơn sự kiểm duyệt là sự rình rập, theo dõi sát sao của bọn mật vụ. Anh hoạt động cùng anh Dương Tử Giang, nhà văn kiêm nhà báo, soạn kịch. Một năm đầu, địch còn lơi lỏng, nên các anh ra báo, in sách dễ dàng. Lúc này các anh đã viết được nhiều nhất. Đảng chỉ đạo hướng chung, còn từng bước đi cụ thể, các anh nhờ vào Đài Hà Nội, qua các buổi nghe lén. Cộng vào đó là cả một biển đề tài từ đời sống sôi sục của nhân dân mà các anh nằm trong đó. Từ các anh Lý Văn Sâm, Dương Tư Giang, Thiếu Sơn, Triệu Công Minh, Viễn Phương, Lê Vĩnh Hòa, Trang Thế Hy cho tới các nhà văn nhà thơ yêu nước tiến bộ khác đã đi những bước “khai sơn phá thạch”. Con đường đó không dễ dàng lâu. Từ năm 57 trở đi, kẻ thù biết rõ chúng bị đả kích ngay trên các tờ báo, các nhà xuất bản công khai mà chính chúng cấp phép, nhưng chúng vẫn chưa ra tay, vẫn làm như thả lỏng, để hốt một mẻ lưới lớn. Dù hết sức khôn khéo né tránh, đôi ba chục lần đổi chỗ ở, không ló mặt ở tòa báo, nhà in, các anh vẫn lần lượt bị bắt. Anh Lý Văn Sâm kể lại rằng: anh Dương Tử Giang bị bắt trước anh, nhưng lại không hay. Vào một buổi sớm, anh ngồi uống cà phê ở vỉa hè chợ Tân Định thì bị hai tên mật vụ thúc nách kè đi. Sau đó một vài hôm, khi chúng đưa anh về Tổng Nha thì gặp Dương Tử Giang ở đó. Dương Tử Giang lại ngỡ Lý Văn Sâm hay mình bị bắt và đã trốn, nào ngờ cả hai lại vào một rọ. Nhưng Dương Tử Giang lại mừng, vì anh bảo ở đây buồn quá. Hai ngưởi tù chung như vậy cho tới ngày bị đưa lên trại cải huấn Biên Hòa và tại đây ít tháng sau đã xảy ra một cuộc vượt ngục quy mô, được tổ chức kỹ càng cho hàng trăm người. Lý Văn Sâm cùng nhiều đồng chí chạy thoát được, riêng Dương Tử Giang và một số bị bắn chết sau khi vừa thoát ra vòng rào dây kẽm gai vài mươi bước. Lý Văn Sâm lẩn trốn lang thang nhiều ngày trong rừng cao su, trên người chỉ còn chiếc quân cụt, vì chiếc quần dài anh đã cởi ra cho một nữ đồng chí chẳng may bị giây kẽm gai cào rách tuốt hết khi vượt rào. Cả chục ngày sau, Lý Văn Sâm mới gặp được cơ sở, là một đơn vị võ trang huyện vừa mới được thành lập. Sau đó, anh được điều về lực lượng võ trang Miền, dưới quyền chỉ huy của anh Xuyến. Lý Văn Sâm làm báo tường, viết văn, soạn kịch phục vụ bộ đội bấy giờ còn ém quân giữa rừng sâu nước độc Bà Rá, Mã Đà. Trong những ngày đó, cơm gạo thì ít, khoai sắn thì nhiều, anh trở thành một trong những tay đào củ mài có nghề. Một hôm anh Xuyến mời anh lại, phổ biến một lệnh điều động mới, điều anh về Tuyên huấn R.
Anh Lý Văn Sâm bảo tôi:
– Tôi lặn lội theo đường dây, về tới Tuyên huấn, mới biết mọi sự là do anh 5 Quang tức Trần Bạch Đằng xếp đặt. Là người chịu trách nhiệm về tuyên huấn, văn hóa văn nghệ. Anh Trần Bạch Đằng ở lại Sài Gòn sau năm 1954, lãnh đạo chúng tôi, nhưng tôi không gặp anh, do hoạt động ngăn cách, và sau nầy anh lên Campuchia một thời gian ngắn rồi trở về R, chúng tôi cũng không gặp, nhưng anh Đằng lại biết rõ ràng từng đường đi nước bước của anh em văn nghệ chúng tôi, biết rõ khả năng, sở trường sở đoản của chúng tôi. Do tình hình cách mạng phát triển và trước mưu đồ xâm lược của Mỹ ngày càng lớn, việc tập hợp tất cả mọi tầng lớp nhân dân miền Nam không phân biệt xu hướng, tín ngưỡng để tiến hành cuộc kháng chiến, việc quy tụ lực lượng để thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đã trở thành một yêu cầu tất yếu và bức xúc xuất phát từ ý thức sâu sắc lời nói của Bác Hồ “văn nghệ cũng là một mặt trận” mà các anh đã sớm nghĩ ngay tới Hội Văn nghệ Giải phóng, với những con người cụ thể, trong đó có tôi, anh Tư Trang và một vài anh chị khác để gây dựng Hội…
Hội Văn nghệ Giải phóng được lập nên như vậy, nằm trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Nếu như sự ra đời của Mặt trận được coi như là một đòi hỏi bức bách mang tính quy luật mà Đảng ta rút ra được kinh nghiệm quý báu từ trước Tổng khởi nghĩa tháng Tám về một sức mạnh vô địch của sự đoàn kết, thì lần nầy ở miền Nam phải nói là quy luật đó đã được thể hiện một cách hoàn chỉnh, toàn diện, đầy trí tuệ. Năm nay, khi nhân dân ta kỷ niệm 30 năm thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, không ít người coi đó là một ngày kỷ niệm lịch sử bình thường phải làm. Thậm chí có người cho rằng đó là một kỷ niệm của thời quá vãng. Riêng tôi, nghĩ về ngày nầy cách đây 30 năm, ngày 20-12-1960 tôi cho rằng đó là ngày ta bắt đầu thắng Mỹ. Sự kiện ấy là bài học vô giá, bởi ngày lúc mới ra đời Mặt trận đã mang mầm mống của sức mạnh vô địch và văn nghệ được đặt mình từ đầu dưới ngọn cờ vẻ vang đó, cũng đã tiên báo rằng nó sẽ phát triển, lớn mạnh, sẽ gặt hái thành quả rực rỡ. Về điều nầy, liệu kể thù của chúng ta ngày ấy có biết hết ý nghĩa mối nguy hiểm đối với chúng hay không? Chắc chắn là chúng biết, nhưng không lường hết, chỉ dùng một giọng điệu ra rả xuyên tạc Mặt trận Dân tộc Giải phóng là một mặt trận ma, là sản phẩm của cộng sản, của Hà Nội. Nói đó là sản phẩm đường lối đại đoàn kết của cộng sản thì đúng, nhưng bảo Mặt trận chỉ gồm người cộng sản thì không. Đó càng không phải là một mặt trận ma. Người đứng đầu là Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, một luật gia, một nhân sĩ trí thức yêu nước. Khi ấy chưa vào Đảng, nhưng nhất trí tán thành đường lối đấu tranh cách mạng miền Nam của Đảng, vì đó là đại nghĩa, là nguyện vọng của toàn dân. Riêng về mặt trận văn nghệ mới nằm trong Mặt trận lớn đó, đối phương hơi bị bất ngờ, mãi về sau mới vỡ lẽ không dè chúng ta đã dàn trận với một sức mạnh tổng hợp và toàn diện đến thế. Gần đây, các cây bút cựu binh Mỹ sang nước ta nói họ không đọc và biết gì về văn học chống Mỹ của nước ta hồi đó và cả bây giờ họ cũng biết rất ít. Có thể điều này do nguyên nhân khá đơn giản là bản thân đối phương vốn là một siêu cường, chỉ coi trọng việc đè bẹp cách mạng bằng vũ lực, cái mà chúng có rất lớn, rất dồi dào và hiện đại. Lại còn một điều bất ngờ nữa: hầu hết các nhà văn, nghệ sĩ chúng ta đều là chiến sĩ, tác phẩm văn học của chúng ta xuất hiện ngay trong chiến tranh, trở thành sức mạnh cổ vũ tinh thần to lớn, chẳng những cho quân dân ta mà còn cho thế giới. Các cựu binh Mỹ là nhà văn, hầu hết chỉ mới cầm bút sau cuộc chiến. Ngoài những kẻ cầm bút chống cộng người Việt ở hàng ngũ đối địch, người Mỹ không tính và không cần tính tới chyện này, trừ anh hề BH, một số ca sĩ, vũ nữa bay qua làm trò giải khuây chớp nhoáng cho bọn lính viễn chinh Mỹ tại các căn cứ lớn, nhưng chủ yếu là chọc cười hoặc nhún nhảy gợi dục…
Văn nghệ Giải phóng miền Nam lại hoàn toàn khác. Ngay từ buổi nhen nhóm, nó đã tập hợp được văn nghệ sỹ có uy tín, tài năng và đức độ, yêu nước yêu dân mà đối phương không có. Tôi không thể kể hết những chiến sĩ văn nghệ ấy, ở đây chỉ nhắc tới vài người trong số những người có mặt từ đầu xây dựng nên Hội Văn nghệ Giải phóng. Một trong số người ấy là nghệ sĩ Trần Hữu Trang mà chúng tôi thường kính mến gọi là bác Tư Trang. Dù năm 1962 đó, bác Tư Trang chỉ mới ngót sáu mươi, nhưng vì tất cả chúng tôi ở Hội đều còn quá trẻ, đúng tuổi con cháu bác.
Do lời mời ân cần của bác, nên tôi đã có lúc qua ở chung với bác trong một ngôi nhà khá khang trang bên Suối Cây dưới một gốc cây cổ thụ. Nói khá khang trang, chỉ vẫn là loại nhà ở rừng, lợp lá trung quân và không hề có vách. Là một kịch tác gia cải lương nổi tiếng khắp nước với trên 30 vở tuồng, trong đó có những vở như: “Đời Cô Lựu”, “Tô Ánh Nguyệt” đầy giá trị hiện thực nhân bản, nhưng bác Tư Trang là một con người vốn đỗi hiền lành, khiêm tốn và mực thước. Dưới mái nhà nầy, bác đã thật thà hỏi tôi về lý luận cơ bản của văn học nghệ thuật, về một số tác phẩm và theo lời bác tâm sự: “Bác viết tuồng từ thời trai trẻ, chẳng qua do ngó thấy cuộc sống xã hội quá bất công, giữa kẻ giàu người nghèo. Người nghèo thường bị dồn vô con đường cùng, không bị bức tử thời cũng phải ở tù, nên họ buộc phải phản kháng, trả thù…Các cuộc tình duyên trong sáng cũng lỡ làng, tan nát vì lẽ đó. Bác viết nhiều, nhưng thú thật với cháu là sự nghiên cứu học hỏi của bác còn ít ỏi, vì ở trong Nam đâu có sách vở gì chỉ dẫn cho thật đoàng hoàng, cháu ở ngoài Bắc ít nhiều gì cũng được trau dồi, vậy rỉ rả nói cho bác biết, vì không bao lâu cháu đã đi miền Tây rồi!”.
Tôi xúc động đến ngỡ ngàng. Lẽ ra tôi phải là người tìm học hỏi bác, thì bác lại muốn điều ấy ở tôi. Nhưng dù sao, tôi cũng ra sức đáp lại ý bác, với những gì mình tiếp thu được qua những năm có điều kiện tìm học trên miền Bắc. Ngược lại, tôi cũng tỏ ý muốn bác kể lại con đường đời sáng tạo của bác. Thật sự tôi đã nói với bác về các thứ: đặc trưng, đặc thù, điển hình, tính cách và gì gì đó nữa, kể cả chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, nhưng nói chi thì nói, tôi vẫn thấy bác vốn đã có sẵn các cốt lõi làm nên sự sáng tạo, đó là lòng vị tha, tính nhân đạo từ trong tâm bác, thể hiện đầy trắc ẩn qua những cảnh đời trái ngược trên màn kịch của bác trước kia tôi được nghe từ đĩa hát. Nên sự thật tôi được bác cho nhiều hơn, chứ ba cái việc của tôi đem nói với bác có đáng giá trị gì đâu. Vì thử hỏi còn gì đáng giá hơn tình yêu thương con người cộng với tài năng, mà chỉ riêng với “Đời Cô Lựu” đã đủ lưu lại giá trị cho đời, đủ để tên tuổi bác còn lại mãi mãi với người. Không hề có chuyện ngẫu nhiên mà người nghệ sĩ gốc quê ở xã Phú Kiết, Mỹ Tho ấy đã trở thành ủy viên Mặt trận Dân tộc Giải phóng và là Chủ tịch Hội Văn nghệ. Con người đó ăn nói ôn tồn, nhẹ nhàng và có một đạo đức tốt đẹp đáng cho giới văn nghệ học hỏi.
Thật may mắn cho tôi trong những buổi tối ấy, đã được bác kể cho nghe cuộc đời bác, một cuộc đời nghệ sĩ soạn tuồng trải qua bao chìm nổi ấm lạnh vui buồn, kể cả bao dãi dầu trên chặng đường theo các gánh hát lưu diễn nay đây mai đó. Nhưng tôi đâu ngờ, chỉ sau hai năm, tôi đã đau đớn chứng kiến sự hy sinh của bác, cũng ở địa điểm ấy, sát ngôi nhà tôi với bác từng ở chung, trò chuyện. Năm 1965, khi tôi từ Cà Mau trở về rừng, vừa viết xong tiểu thuyết “Hòn đất” thì căn cứ bị địch đánh bom. Đó là một trong những trận bom rải thảm đầu tiên của pháo đài bay Mỹ B52 ở miền Nam. Hàng loạt bom dày đặc đã trút xuống Hội Văn nghệ Giải phóng. Trận bom kéo dài tới hơn một tiếng đồng hồ, từ 12 giờ trưa tới hơn 1 giờ chiều. Và một trong hàng ngàn trái bom ấy đã giết chết bác. Sau khi loạt bom cuối cùng chấm dứt, chúng tôi chạy qua rừng cây bị mảnh bom phát đổ, đến chỗ bác. Tìm mãi mới thu nhặt được thi hài bác. Tối hôm ấy, đài V.O.A phát tin: “Hôm nay lần đầu tiên pháo đài bay khổng lồ B52 đã oanh tạc dữ dội cơ quan đầu não tâm lý chiến việt cộng thuộc Trung ương cục miền Nam, gấy thương vong to lớn cho chúng”. Những lời đó phát ra từ chiếc Transistor Sony nhỏ xíu của tôi, sau khi chúng tôi vừa lo xong tang lễ bác. Bản tin đó, phải thừa nhận là đúng, không phải đúng theo nghĩa bom B52 gây tử vong nhiều anh em chúng tôi. Sự thật chúng chỉ giết hại có một người, người đó là bác Trần Hữu Trang, cho nên tổn thất hậu quả là to lớn. Cũng từ bản tin đó, chúng tôi phân tích thấy địch chắc không biết cụ thể chúng đánh trúng Hội Văn nghệ, nhưng rõ ràng chúng đã có nguồn tin thám sát không tồi. Vì vậy, chúng tôi cần phải cảnh giác đề phòng, trước hết là phải chuyển cứ. Cũng từ đó, việc giữ gìn khói lửa trở thành một điều lệnh nghiêm ngặt. Đêm đêm, tôi phải ngồi viết dưới ánh sáng ngọn đèn nhỏ có chụp, chỉ tỏa đủ sáng trên trang viết. Anh chị em văn công phải luyện tập dưới những nhà hầm.
Cường độ giao tranh giữa ta và địch ngày càng quyết liệt. Năm đó, Mỹ đã đổ quân sang ồ ạt. Từ “Chiến tranh đặc biệt” chúng đã chuyển sang “Chiến tranh cục bộ”. Trận càn Gianxon xity với sáu vạn quân Mỹ mở ra một hình móng ngựa rộng lớn hơn bao vây hủy diệt Trung ương Cục miền Nam. Ban Tuyên huấn, Hội Văn nghệ Giải phóng đều bị khép trong vòng vây đó. Nhưng chúng tôi không thiệt hại gì. Quân Mỹ bị chặn đánh, lại kẹt giữa các trảng trống nắng như dội lửa. Chúng bị tổn thất to lớn, và trận càn thất bại, mà chúng tôi thì còn nguyên, trừ một nhà in bị chúng dùng trực thăng cần cẩu bốc máy in đem đi, nên sau đó việc in tờ “Văn nghệ Giải phóng” hơi trục trặc, rồi lại có máy mới in tiếp.
Thế và lực của cách mạng miền Nam bây giờ vươn lên mạnh mẽ trên các mặt. Văn nghệ hồi trước còn yếu mỏng, giờ đã trở thành một mặt trận thật sự, lực lượng rất đông đảo, nhờ nguồn tại chỗ đồng thời được miền Bắc tăng viện. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và Hoàng Việt đã vào, cùng với nhiều anh chị em khác đủ bộ môn. Văn học nở rộ lên nhiều sáng tác, từ thơ ca tới văn xuôi, nhiều tập truyện ngắn, ký sự, tiểu thuyết ra đời. có những tập gây tiếng vang lớn trong nước và thế giới. Trong âm nhạc, ngày càng có nhiều bài bát hay, làm nức lòng chiến sĩ và quần chúng. Sân khấu, điện ảnh cũng phát triển vượt bậc. Mỹ thuật được mùa lớn về tranh ký họa, chân dung. Đoàn văn công trước chỉ có vài ca sĩ nghiệp dư, với dàn đồng ca, dàn nhạc cũng nghiệp dư, nay đã có cả dàn hợp xướng, ca sĩ chuyên nghiệp, với giàn nhạc không thiếu nhạc cụ gì, trừ piano.
Sự trưởng thành của Văn nghệ Giải phóng không chỉ có ở R, mà còn ở khắc các địa phương miền Nam, từ Trị Thiên cho tới Cà Mau, từ quần chúng cho tới lực lượng võ trang. Năm 1965, một giải thưởng lớn mang tên thi hào yêu nước Nguyễn Đình Chiểu ra đời, đánh dấu thành tựu bước đầu của văn nghệ cách mạng. Một hội đồng văn học nghệ thuật của Mặt trận Dân tộc giải phóng, đứng đầu là đồng chí Trần Bạch Đằng và các ủy viên thường trực Hội Văn nghệ đã xem xét, trao tặng gần 40 giải cho các tác phẩm đủ loại hình gồm giải đặc biệt và giải chính thức. Một luồng không khí nô nức phấn chấn lan truyền trong cả nước và thế giới, sau khi Đài Giải phóng phát buổi đặc biệt công bố chi tiết giải ghưởng. Từ tiền tuyến miền Nam cho tới hậu phương lớn miền Bắc, tin vui nầy được coi như một tin thắng trận lớn. Lần đầu tiên, giữa cuộc chiến đấu ác liệt, giữa khói lửa ngút trời của cuộc chống Mỹ, tiếng nói của nghệ thuật ngôn từ, của thơ ca và điệu nhạc, bức tranh, thước phim bồi thêm sức mạnh tinh thần, cổ vũ quân dân miền Nam vươn tới chiến thắng. Trong khi bạn bè khắp năm châu không khỏi có mối lo ngại trước sự đối đầu giữa ta và một kẻ thù quá mạnh, thì văn học nghệ thuật ngoài những điều nó miêu tả, phản ánh, bản thân sự cất cao tiếng nói của nó đã là thể hiện sức mạnh, niềm tin, là điềm báo trước kẻ nào vừa chiến đấu vừa hát ca, kẻ đó sẽ chiến thắng.
Từ 1965 trở đi, Văn nghệ Giải phóng tiếp tục gặt hái thành tựu ngày một lớn hơn, đồng thời không tránh khỏi những hy sinh tổn thất. Để đạt tới các trang viết sôi động, các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ… phải dấn thân mình vào nơi mặt trận, vì vậy đã mất bao tài năng ưu tú, từ Lê Vĩnh Hòa tới Nguyễn Thi, từ Hoàng Việt tới Lê Anh Xuân, từ Dương Thị Xuân Quý tới Nguyễn Mai và rất nhiều anh chị khác, nếu liệt kê phải lên tới hàng trăm. Có bao anh chị ngã xuống không tìm ra hài cốt, có bao anh chị không có bia mộ. Nhưng cuộc đời ưu ái an ủi họ, vì nhờ những sáng tác họ làm ra nó đã tự biến thành vòng hoa tưởng niệm cho chính họ. Đời sau liệu có thể nào bỏ qua được các trang sách, các bức tranh, bộ phim, bài ca của một thời xả thân cứu nước ấy không? Liệu có sự thay đổi nào làm thay đổi được tình yêu Tổ quốc như cháy lên trên từng dòng từng chữ của những ngày chống Mỹ ấy không? Tôi tự hỏi và tự trả lời: Không.
Cho dù có ai toan đổi thay, xê dịch, lịch sử vẫn không cho phép. Lịch sử luôn luôn đặt đúng sự vật vào vị trí của nó. Văn nghệ cách mạng Việt Nam nói chung và văn nghệ cách mạng miền Nam nói riêng luôn là trang sử vẻ vang trong lịch sử văn học nghệ thuật Việt Nam. Cũng như Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam mãi là niềm tự hào, là chương chói lọi trong toàn bộ quá trình chống xâm lược của toàn dân tộc, mãi mãi là tấm gương soi tỏ rõ về một mô hình đoàn kết vững chắc, hoàn hảo, là thành trì bất khả xâm phạm như Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn, có nó mới bảo đảm thắng lợi, và người diễn giải một cách dễ hiểu bằng câu chuyện “Một chiếc đũa rời dễ dàng bị bẻ gãy, nhưng một bó đũa không thể bị bẻ gãy”.
Nhờ những trang viết để lại của nhà văn Anh Đức mà các thế hệ sau này mới biết hết được những cống hiến to lớn và hy sinh thầm lặng của văn nghệ sỹ tham gia Hội Văn nghệ Giải phóng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
BTVHVN