Vài kinh nghiệm sáng tác cho thiếu nhi

Trong số những hiện vật nhà văn Lê Phương Liên hiến tặng cho Bảo tàng Văn học Việt Nam đầu năm 2023, có một cuốn sách mỏng (khoảng 30 trang) với tiêu đề “Vài kinh nghiệm về sáng tác cho thiếu nhi” đã gợi cho tôi nhiều sự tò mò.

Cán bộ bảo tàng nhận hiện vật từ nhà văn Lê Phương Liên trao tặng

 

Nhà văn Lê Phương Liên chia sẻ: “Cuốn sách này do nhà văn Vũ Ngọc Bình tặng năm 1980 khi bà về công tác tại Nhà xuất bản Kim Đồng và đến thăm bác ở địa chỉ khu Tập thể cán bộ Giáo dục (gần trường Chu Văn An)”. Tôi nhận thấy, đây không chỉ là hiện vật gắn bó với nhà văn Lê Phương Liên, mà nó còn chứa đựng nhiều kinh nghiệm quý báu về cách viết và sáng tác văn nghệ cho thiếu nhi đã được viết ra từ nhiều năm trước.

Sách được in ấn và phát hành bởi Tiểu ban Văn nghệ Thiếu nhi trong Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, năm 1957 do nhạc sỹ Lưu Hữu Phước, nhà văn Xuân Tửu và Thái Hoàng Anh soạn dịch.

Nội dung của sách trình bày nhiều vấn đề khác nhau, nhưng đáng chú nhất là bài viết của nhạc sỹ Lưu Hữu Phước “Vài ý kiến về vấn đề văn nghệ thiếu nhi”. Trong đó ông đề cập tới vấn đề cấp thiết và ý nghĩa của việc sáng tác văn nghệ dành cho thiếu nhi, đồng thời chỉ ra một số kinh nghiệm khi sáng tác.

Theo ông: “Giải trí phải gắn liền với giáo dục các em” vì “Tim óc các em còn non nớt, trong sạch như tờ giấy trắng. Những hình ảnh đầu tiên in lên tờ giấy đó, dù tốt dù xấu, sẽ bền vững lâu dài” và văn nghệ phải góp phần “làm sao trên tờ giấy trắng của lòng em bé, chỉ có những hình ảnh tốt mà thôi”.

“Viết cho thiếu thi thì phải lấy thiếu nhi là đối tượng nghiên cứu” tức phải tiếp cận tâm lý của thiếu nhi và mỗi đối tượng có một đặc điểm riêng. Sáng tác cho lứa tuổi nào cần nắm vững tâm lý và đặc điểm để có những tác phẩm cho phù hợp. Ông cũng chỉ ra những trở ngại khi sáng tác cho thiếu nhi, “không nắm được tâm lý của các em” và “cái gì mình thích thì các em sẽ thích” là một quan điểm sai lầm.

Cần phải có “Quan điểm thiếu nhi trong sáng tác văn nghệ” bởi “Muốn sáng tác cho các em thì phải thông cảm với các em, nhìn bằng mặt, nghe bằng tai…khi hướng dẫn các em sinh hoạt văn nghệ, không thể tha thứ tiếng nói ngọng nghịu, câu văn vụng về, nét vẽ bôi bác”; các tác phẩm văn nghệ phải chỉ và giới thiệu cho các em biết “màu sắc dân tộc”. Đặc biệt, “người giáo dục thiếu nhi cần tu dưỡng bản thân” bởi “người sáng tác văn nghệ cho các em, dù muốn dù không, là một nhà giáo dục. Văn nghệ sỹ là kỹ sư tâm hồn và nhà giáo dục cũng là kỹ sư tâm hồn thì nhà văn nghệ sáng tác cho thiếu nhi là 2 lần kỹ sư tâm hồn”. Văn nghệ thiếu nhi “góp phần nặn đúc tầm hồn còn trinh bạch cho các em”.

Kết luận bài viết, nhạc sỹ Lưu Hữu Phước khẳng định: “sáng tác cho thiếu nhi không là dễ dàng, bôi bác. Không chỉ nghiên cứu từng lứa tuổi thiếu nhi nhằm đúng đối tượng trau dồi nghệ thuật, mà nhất là cần tu dưỡng bản thân, học tập lý luận. Chan hòa với xã hội hôm nay và thông cảm với xã hội ngày mai, thấm nhuần quy luật phát triển xã hội loài người và tích cực đấu tranh đẩy mạnh sự phát triển đó thì chúng ta sẽ có những tác phẩm văn nghệ tốt, chuẩn bị cho các em đón tương lai mới”.

Ngoài ra, sách còn in thêm một số kinh nghiệm sáng tác cho thiếu nhi của các đồng nghiệp trên thế giới như: “Những tác phẩm lớn dành cho thiếu nhi” của Esphire Tsuroupa do Thái Hoàng anh dịch theo “De grands livres pous les petits” Lietterature Sovietique 5/1957.

“Mấy kinh nghiệm” trích (Theo cuộc tọa đàm về văn học thiếu niên – nhi đồng của Trung Quốc họp ngày 24/11/1956 và “Việc viết sách cho các em như thế nào?” được chia sẻ (Theo lời nhà xuất bản Thiếu nhi ở Ru – ma – ni). Trong đó, bài viết đề cập tới 4 nội dung chính khi viết cho thiếu nhi là: Nắm vững đối tượng thiếu nhi; Chính trị và văn nghệ phải đi đôi; Rất coi trọng hình thức trình bày và Ai là người đủ tư cách để viết cho thiếu nhi.

Ra đời, hơn 70 năm trước nhưng “Vài kinh nghiệm sáng tác cho thiếu nhi” đến nay theo tôi vẫn là những “chắt lọc” đáng giá dành cho văn nghệ sỹ đang, đã và sẽ sáng tác cho thiếu nhi. Ý nghĩa hơn, tư liệu quý này lại được nhà văn chuyên sáng tác cho thiếu nhi Lê Phương Liên lưu giữ và bảo quản hơn 40 năm qua.

Nhà văn Lê Phương Liên sinh năm 1951, ở khu phố Cổ Hà Nội. Bà từng tốt nghiệp lớp 10/10 xuất sắc (Được giải Học sinh giỏi Văn toàn Miền Bắc 1968). Sau đó học Cao đẳng Sư phạm 10+3 Hà Nội -Khoa Toán Lý (1968-1971) và trở thành giáo viên Trường THCS Yên Sở, Thanh Trì, Hà Nội (1971-1980). Từng  là  học viên Trường Bồi dưỡng viết văn trẻ Quảng Bá- Hà Nội (1974-1975).

Nhưng tình yêu với văn chương ăn sâu vào máu nên chỉ sau 9 năm đứng trên bục giảng, Lê Phương Liên quyết định rẽ lối, đầu quân cho NXB Kim Đồng. Từ đó, bà tham gia nhiều lớp học tập và đào tạo về việc học và sáng tác cho thiếu nhi như: tham gia tập huấn Tâm lý giáo dục trẻ em tại CHDC Đức; Học tại chức Khoa ngữ văn Đại học tổng hợp Hà Nội; Học tập huấn Xuất bản sách thiếu nhi tại Tokyo (Nhật Bản).

Từ 1995 – 2015, bà tham gia Ban Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam với tư cách là ủy viên, Phó trưởng ban và Trưởng ban. Từ 1996-2015 là Giám đốc Quỹ hỗ trợ giáo dục trẻ em mang tên Doraemon của NXB Kim Đồng.

Các tác phẩm chính của bà gồm: Những tia nắng đầu tiên (1971), Khi mùa Xuân đến (1974) Bông hoa phấn trắng (1984), Hoa dại (1995), Bức tranh còn vẽ (1997), Én nhỏ (1998), Câu hỏi trẻ thơ (1971), Đêm tan (1986), Ngày em tới trường (2002), Dòng thu (2008), Cuộc phiêu lưu của chú rối Tễu (2009), Chú Tễu kể chuyện (2019).

Trong sự nghiệp văn chương, nhà văn Lê Phương Liên đã giành được các giải thưởng: Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản, giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi viết về “Thầy giáo và nhà trường xã hội chủ nghĩa”;  Bộ Giáo dục năm 1970 cho truyện ngắn “Câu hỏi trẻ thơ”; Huy chương Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1997, Huy chương Vì thế hệ trẻ năm 1981 với hai tác phẩm “Những tia nắng đầu”“Khi mùa xuân đến”.

Chu Thị Hòa