Từ Huế Mậu Thân đến “Huế mùa mai đỏ”

Bản viết tay bài viết “Từ Huế Mậu Thân đến Huế mùa mai đỏ” là một trong số nhưng tư liệu quý của nhà văn Xuân Thiều được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Văn học Việt Nam. Qua bài viết, chúng ta thấy được sự khó khăn, vất vả và biết bao thăng trầm sau mỗi trang viết thành công mà ông đã để lại cho bạn đọc.

Bản viết tay bài viết “Từ Huế Mậu Thân đến Huế mùa mai đỏ”

“Tôi không được may mắn tham dự chiến dịch Mậu Thân Huế. Bấy giờ tôi vừa ở đường mòn Hồ Chí Minh về, đang say sưa viết về vận tải quân sự. Năm ấy, Hà Nội ăn Tết có không khí đặc biệt, trong niềm vui mừng xuân có sự khấp khởi khác thường. Dường như đã manh nha có thời cơ mới, đột biến mới.

Bài thơ chúc Tết của Bác Hồ đầu năm được các nhạc sĩ thi đua phổ nhạc

“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua

Thắng trận tin vui khắp mọi nhà

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ

Tiến lên toàn thắng ắt về ta”

Nhạc sĩ Huy Thục thành công hơn cả trong bài phổ của mình với giai điệu dồn dập vui vẻ háo hức khiến người hát và người nghe đều muốn ngẩng đầu cao, bước theo nhịp hành tiến. Quả vậy, từ Mồng Một Tết Mậu Thân, các báo nhất loạt đăng tin chiến thắng bằng tít đỏ chạy dài mấy hàng liền: Tổng tấn công và nổi dậy ở Sài Gòn; tổng tấn công và tổng khởi nghĩa ở Huế, ở Đà Nẵng, Cần thơ, Pleiku.v.v…

Dẫu là tin chính thức hoặc tin đồn cũng đều gợi cảm giác chuyến này kết thúc chiến tranh chăng? Nhưng rồi tin chiến thắng đuối dần, thưa dần. Chỉ còn một điểm nóng là Huế, quân ta vẫn bám trụ 25 ngày đêm với nhiều chiến công vang dội: Giải phóng nhà lao Thừa Phủ, tập kích tụ điểm ác ôn ở Cồn Hến, đánh chìm tàu chiến trên sông Hương, bắt sống xe tăng ở An Hòa, 10 cô gái Huế đánh lui một tiểu đoàn Mỹ, cửa Đông Ba – cửa đội, nhưng rồi Huế cũng rơi vào im lặng. Tình thế chiến tranh chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn quân ta rút lui về căn cứ trên rừng. Không có điều kiện trực tiếp tham gia chiến đấu, ở Hà Nội, tôi lại tiếp tục hoàn thành những tác phẩm viết về đường mòn Hồ Chí Minh.

Đùng một cái, cuối năm 1968, tôi được lệnh vào chiến trường B4 với nhiệm vụ cụ thể lấy tài liệu viết về Huế Mậu Thân. Thiếu tướng Lê Chưởng phó chính ủy B4 vốn là cục trưởng tuyên huấn, biết tôi từng hoạt động ở Thừa Thiên Huế trong kháng chiến chống Pháp, nên đề nghị đích danh tôi. Tôi lại vui vẻ lên đường, chiến trường Trị Thiên bấy giờ đang gặp nhiều khó khăn. Địch tập trung quân phản kích quyết liệt đánh bật ta ra khỏi đồng bằng, chiếm vùng giáp ranh, đẩy lực lượng ta lên biên giới Việt Lào. Bộ đội ta đã ăn đói lại bị sốt rét ác tính. Tuy vậy, chiến công 25 ngày đêm ở Huế vẫn là ánh hào quang sáng chói, là niềm tự hào của cán bộ chiến sĩ. Sự kiện đã trôi qua một năm rồi, nhưng kỷ niệm vẫn nóng hổi, tươi mới. Ai cũng khuyên tôi nên viết về Mậu Thân Huế, nhất là cán bộ lãnh đạo của khu như các anh Trần Văn Quang, Lê Chưởng, Trần Hoàn.

Tượng chân dung nhà văn Xuân Thiều hiện đang được trưng bày tại BTVHVN

Vâng, trước mắt là phải thu thập tài liệu cái đã. Đọc các nghị quyết, các kế hoạch tác chiến, các bản tổng kết chiến dịch, chỉ mới hiểu cái đại thể. Mong viết về Huế mà không được tận mắt nhìn thấy Huế thì dẫu trí tưởng tượng có siêu phàm đến mấy cũng chỉ dựng lên một không khí na ná Huế mà thôi. Mà bấy giờ, bồ đội xuống bám trụ ở giáp ranh đã khó, nói gì về được đồng bằng thành phố. Dẫu sao, viết về Huế Mậu Thân, tôi coi như nhiệm vụ được giao. Phải tìm cách khác để thu thập tài liệu. Tôi chọn hai đơn vị để thâm nhập: Đấy là trung đoàn Phú Xuân đơn vị chủ yếu đánh vào cánh Bắc sông Hương và thành đội Huế đơn vị trực tiếp đánh cánh Nam sông Hương. Xuống đơn vị, cùng ăn ở sinh hoạt và chiến đấu với cán bộ chiến sĩ, rồi mới tranh thủ hỏi chuyện đánh Huế. Tôi còn gặp cả bộ đội biệt động, đặc công, vận tải, gặp các cán bộ cơ sở và du kích. Siêng nhặt chặt bị, suốt một năm la cà khắp các đơn vị tham gia các chiến dịch Cocacova và Abia sổ tay tôi đầy những trang ghi chép. Vậy mà những trang ghi chép kia chỉ nằm yên lặng trong sổ tay, trong ký ức suốt hàng chục năm không biến thành tác phẩm được. Những tài liệu về Huế Mậu Thân tôi coi như chuối còn xanh, phải dấm đã mới đến độ chín. Về Hà Nội, tôi bắt tay vào viết tiểu thuyết “Thôn ven đường”, tập tuyện “Khúc sông”, tập tùy bút “Đi xa”, tập thơ “Trước giờ ra trận”. Viết cái khác nhưng chỗ “chuối xanh đang dấm kia” vẫn nhắc nhở tôi, thôi thúc tôi. Viết về Huế Mậu Thân tức là viết về vấn đề gì của con người và cho con người? Điều trăn trở ấy chưa dễ gì giải đáp ngay được. Chả lẽ lại đi minh họa một chiến dịch như một thứ truyện tư liệu? Mà ngay cả viết truyện tư liệu cũng còn hàng đống trở ngại. Trở ngại lớn nhất là việc đánh giá cuộc tổng tấn công và tổng khởi nghĩa Mậu Thân nói chung và Mậu Thân Huế nói riêng còn nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Thắng lợi hay thất bại? Thắng lợi đến mức độ nào và thiếu sót sai lầm đến mức độ nào, đấy là những điều mà ngay hồi ở trên rừng, nhiều cán bộ hãy còn băn khoăn, có những lập luận khác nhau. Cố nhiên, lãnh đạo thời đó đã có kết luận, nhưng thực tình những kết luận ban đầu ấy vẫn chưa đủ sức thuyết phục hết cán bộ chiến sĩ. Có người nhất trí, cũng có người bảo lưu ý kiến mình. Buồn thay, những đồng chí có ý kiến bất đồng ấy đã nhận hậu quả không lấy gì làm dễ chịu.

Sau ngày đất nước được giải phóng, tôi về Huế đến vài ba tháng. Bấy giờ thì tha hồ mà đi hết hang cùng ngõ hẻm của Huế, tha hồ mà ngắm nhìn Huế từ mọi góc độ, tha hồ mà nghe chuyện giải phóng Huế, Huế Mậu Thân, nghe cả cán bộ cơ sở của ta và nghe cả những ý kiến của sĩ quan ngụy. Không còn phải tưởng tượng nữa, Huế đã trong tầm mắt, tầm tay. Tuy vậy, cảm giác trong tôi vẫn chưa có gì yên ổn để thực hiện lời hứa là phải viết cho được Huế Mậu Thân. Tài liệu thu lượm được vẫn nguyên vẹn nhưng dường như còn yên ắng chưa có sức lay động tư duy nghệ thuật. Tôi bèn gác lại đã để viết tập bút ký “Bắc Hải Vân Xuân 1975”, một tập bút ký dài, trung thực về công cuộc giải phóng Trị Thiên Huế.

Quãng mùa Hè 1978, tôi may mắn được dự cuộc hội thảo đánh giá về Mậu Thân Huế do ban lịch sử Đảng tỉnh ủy Bình Trị Thiên tổ chức. Hầu hết các cán bộ chỉ huy lãnh đạo của Trị Thiên Huế trong Mậu Thân đều có mặt. Cuộc hội thảo kéo dài 3 ngày. Dĩ nhiên, có những ý kiến thống nhất, nhưng khá nhiều ý kiến đánh giá về chiến dịch Tết Mậu Thân nói chung và Mậu Thân Huế nói riêng còn có những khoảng cách. Những khoảng cách ấy tồn tại mãi, có lẽ cho đến cả bây giờ. Tuy nhiên, với thời gian và sự biến chuyển về cơ chế tổ chức, về đổi mới tư duy, các cơ quan của Đảng và quân đội đang dần dà làm sáng tỏ. Quả thật, những vấn đề của chiến tranh là vô cùng phức tạp. Trên thế giới, có những trận đánh, những chiến dịch, thậm chí cả cuộc chiến tranh có khi phải mất hàng dăm bảy mươi năm, một trăm năm sau mới đánh giá đúng đắn. Bởi thế những ý kiến khác nhau về Mậu Thân Huế là điều dễ hiểu. Chỉ trở nên khó hiểu là khi không thực hiện hội thảo dân chủ mà chỉ dùng quyền lực áp đặt vì những động cơ thiếu trong sáng. Và một tia chớp lóe lên trong đầu tôi. Chính những ý kiến khác nhau lại thôi thúc tôi viết. Dường như con người với tính cách khác nhau, sự hiểu hiểu biết và số phận đời riêng khác nhau lại có một khát vọng lớn lao, khát vọng chung nhất là phải giải phóng quê hương thống nhất đất nước. Qua chiến dịch Mậu Thân Huế này, ai cũng có một sự “vỡ ra” về tư tưởng và tình cảm. Trong cuộc chiến ác liệt và đẫm máu ấy, cả địch và ta đều bị dồn đến điểm nóng của chiến tranh, tức là những tình thế bắt buộc thuộc về bản năng của chiến tranh. Đối với ta, những chiến sỹ cách mạng đứng trước thử thách nghiêm trọng, tính cách của họ được bộc lộ được phơi bày, và mỗi người đều đón nhận số phận riêng mình như là kết quả chung cục vậy. Ngay cả Huế, cả đất nước ta cũng đón nhận cái kết quả chung cục như đối với từng người.

Là nhà văn viết về chiến tranh, lẽ nào tôi không được trình bày quan điểm của mình về lịch sử và con người trong quá trình tiến hành cuộc chiến tranh chống Mỹ vĩ đại này. Được cổ vũ bằng ý tưởng như thế, tôi bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết về Mậu Thân Huế với cái tên là “Huế mùa mai đỏ”. Những dòng đầu tiên được viết vào cuối năm 1978. Viết được vài chương, phải bỏ dở. Bởi lúc đó, tôi được giao là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, công việc của tòa soạn khá phức tạp và bộn bề. Hơn nữa, tôi muốn nân ná thêm, chờ sự thật lịch sử có một độ lùi thích hợp, may ra cuốn sách mới được dễ dàng chấp nhận. Giữa năm 1983, tôi chủ động xin thôi làm quản lý, từ đấy tôi mới thực sự tập trung tư tưởng vào sáng tác. Tôi đã bỏ ra hàng tháng để đọc lại các thứ tài liệu về Mậu Thân Huế, cả của ta và của địch. Tôi đến Thư viện Quân đội, Thư viện Học viện quan sự cấp cao, vào Bộ Tổng tham mưu xin đọc một số tài liệu liên quan đến Mậu Thân và đặc biệt là xin gặp một số tướng lĩnh và sĩ quan trung – cao cấp để lắng nghe thêm ý kiến người trong cuộc. Khi hoàn toàn tự tin vào ý đồ và đề cương phác thảo, mấy chương viết trước phải bỏ, tôi làm lại từ đầu.

Tôi là người viết chậm, chỉ quen viết tay, không sử dụng máy chữ, mỗi ngày vài trang là tôi đã thấy bằng lòng. Vừa viết tiểu thuyết “Huế mùa mai đỏ” lại viết xen truyện vừa, truyện ngắn. Đánh vật với chữ nghĩa mãi giữa năm 1986 cũng hoàn thành được tập I. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân nơi tôi đăng ký in “Huế mùa mai đỏ” đã cử anh Đỗ Gia Hựu và chị Vũ Thị Hồng theo dõi và biên tập tác phẩm. Các anh chị ấy hết sức động viên cổ vũ tôi viết, và hầu như tôi viết đến đâu các anh chị ấy đọc đến đó và góp ý luôn. Ban biên tập nhà xuất bản đề nghị với với giám đốc cho in tập I. Giám đốc là một vị tướng, tính cách chặt, thận trọng. Ông đọc kỹ, đọc khá lâu, đánh dấu cẩn thận vào bản thảo. Dường như ông không mấy mặn mà với bản thảo, dẫu biết tôi viết dày công, tâm huyết. Ông chỉ khuyên tôi nên sửa chữa nâng cao. Nhưng trước khi bắt tay vào giai đoạn hoàn thiện tác phẩm, tôi nên đọc kỹ những tác phẩm về tổng tấn công tổng khởi nghĩa Mậu Thân của các tác giả A, M, X. Tôi hiểu ý ông, nhưng vâng lời ông là sự khó, là tự đánh mất mình…

…Cuối cùng, tôi lại tiếp tục ngồi vào bàn với ý nghĩa chân chính: Là nhà văn, trước hết hãy viết hết mình viết như chính tâm hồn và tư tưởng của mình. Còn tác phẩm có ra mắt bạn đọc được hay không lại là chuyện khác. Đến cuối năm 1987, “Huế mùa mai đỏ” tập I được ra mắt bạn đọc với hơn 3 vạn bản. Đến cuối năm 1994, “Huế mùa mai đỏ” tập II, mới được viết xong. Theo gợi ý của nhà xuất bản, sửa chữa thu gọn lại tập I để in một lúc cả hai tập lấy tên là “Tư Thiên”. Viết tập II, thu gọn lại tập I, tôi viết thông thoáng hơn nhiều, không còn bị ức chế bởi những áp lực khác. Dù sao, với thời gian, việc đánh giá chiến dịch Mậu Thân đã hé mở ra nhiều điều khác trước.

Tiểu thuyết “Huế mùa mai đỏ” tập 1 in NXB Quân đội nhân dân năm 1987

Mặc dù vậy, việc in tác phẩm cũng không đơn giản. Dường như các anh lãnh đạo nhà xuất bản chỉ thực sự yên tâm ký duyệt cho in, khi có hai chữ ký giám định quan trọng. Đấy là chữ ký của anh Nguyễn Khoa Điềm, bấy giờ là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, lại là cán bộ lãnh đạo chủ chốt lâu năm của Thừa Thiên Huế và Trung tướng Lê Hai, phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, người được tiếng là thận trọng, chặc chẽ, người chịu trách nhiệm chỉ đạo mảng văn hóa trong quân đội. Hai tập “Tư Thiên” in và ra mắt năm 1995 và được trao Giải thưởng văn xuôi của Hội Nhà văn năm 1996.

Bản thảo bộ tiểu thuyết “tư thiên” của nhà văn Xuân Thiều.

Trong đời viết văn của tôi, chưa có tác phẩm nào phải mất công vất vả như thế. Từ chương viết đầu tiên đến lúc in được thành sách là 15 năm. Dẫu sao thì món nợ đối với chiến trường Thừa Thiên Huế, tôi đã trả được nhân kỷ niệm 30 năm chiến dịch Mậu Thân. Bộ tiểu thuyết “Tư Thiên” là món quà tặng nhân dân và quân đội Việt Nam anh hùng. Cũng nén tâm hương thắp cho đồng đội đã hy sinh vì nghĩa lớn để có một Việt Nam thống nhất và đổi mới hôm nay”.

Bảo tàng Văn học Việt Nam