Tú Hói – bút danh của nhà văn Xuân Thiều

Trong số những “tài sản” của nhà văn Xuân Thiều được gia đình trao tặng cho bảo tàng Văn học Việt Nam, tôi ấn tượng nhất với trang viết của ông về câu đối với bút danh Tú Hói.
Những trang viết của nhà văn Xuân Thiều đang lưu giữ tại BTVHVN
Nhà văn Xuân Thiều mê văn từ thời tiểu học. Ngoài văn thơ hiện tại, không hiểu sao ông còn thích thơ cổ, đặc biệt là câu đối. Ông không quan tâm tới xuất xứ của câu đối tận bên Trung Quốc, chỉ thấy thú vị khi thấy câu đối là một thể loại văn học tài hoa, thông minh, chữ không nhiều mà chỉ từ điều ràng buộc câu chữ, âm điệu phải đối nhau lại bật ra cái tình ý sâu sắc mà tác giả muốn gửi gắm.
Ở quê nhà văn, cũng như hầu hết làng quê Việt Nam, từ chùa chiền, miếu mạo, đình làng, nhà thờ họ …đâu cũng có câu đối. Dĩ nhiên là câu đối chữ Hán. Nhà văn đã từng học chữ Hán, nhưng không nhiều, “không đủ để đọc và để hiểu hết nghĩa các câu đối chữ Hán. Thôi thì học làm đối chữ Quốc ngữ vậy”. Những câu đối Nôm của các nhà thơ lớn như: Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Công Chứ, Hồ Xuân Hương, giai thoại về câu đối của Trạng Quỳnh…khiến nhà văn rất say mê.
Những trang viết của nhà văn Xuân Thiều đang lưu giữ tại BTVHVN

Người có ảnh hưởng lớn tới việc làm câu đối của nhà văn chính là người bác ruột “sính chữ Hán và cũng mê câu đối và bác giảng cho nhà văn những câu đối chữ Hán”. Câu đối chữ Hán thì nhà văn không nhớ hết, nhưng những câu đối chữ Quốc ngữ được người bác ruột đọc cho nghe thì ông nhớ mãi.

Thích câu đối, nhưng thời nhà văn lớn lên, dường như câu đối không còn thịnh hành, nó đã trở nên thứ đồ cổ. Nhà văn lao vào thơ mới, văn xuôi. Câu đối chỉ gợi cảm hứng cho ông vào dịp Tết, vào tuổi mới, đám tang hoặc ngẫu hứng đùa vui với bạn bè nhất là những lúc có ai ra câu đối mời đối chơi.
Nhà văn Xuân Thiều làm câu đối trước khi có bút danh Tú Hói và cũng chưa là nhà văn. Bút danh Tú Hói xuất xứ rất tình cờ. “Quãng những năm 1960-1961, có lần chúng tôi gồm: Trúc Hà (Nam Hà), Xuân Sách và tôi rủ nhau xuống Hải Dương chơi với Hoàng Văn Bổn và Phù Thăng. Bấy giờ Hoàng Văn Bổn mới cưới vợ tên là Mai Quỳnh Chi, còn Phù Thăng vốn tên khai sinh là Nguyễn Trọng Phu thì đã có bà xã đảm đang tên là chị Tính với hai nhóc, một trai một gái. Trải chiếu ra nền nhà Phù Thăng dưới vùng quê Tứ Kỳ, mấy chúng tôi nằm ngồi ngã ngốn tán chuyện. Tôi bèn nẩy ra một tứ câu đối đọc lên tặng bạn:
Thằng Bổn lấy con Chi, biết lấy chi làm vốn
Ông Phu thương bà Tính sợ toan tính hóa điên.
Cả đám cười vui, khen đôi cấu đối là được lắm. Bởi anh nào cũng thừa biết trò chơi chữ. Chữ Bổn (bản) theo nghĩa Hán Nôm là vốn, lại ứng với cái cảnh nghèo của anh thiếu úy bộ đội miền Nam tập kết. Còn Phù Thăng là cách nói lái chữ thằng Phu (mà chữ phu – foux theo tiếng Pháp là điên). Vế đối này hợp với tâm lý đám văn nghệ sỹ trẻ có vợ ở nông thôn thời bây giờ, nhiều anh toán tính chuyện “tìm mới nới cũ”. Trong đám chúng tôi có thằng Trúc Hà là chưa vợ. Ý chừng Trúc Hà cũng đang nhắm nhe cô em gái Phù Thăng. Nhân lúc vui, Phù Thăng cao hứng bảo Trúc Hà:
“Tao ra cho mày một vế đối, đối được tao gả em gái cho”
– Em tao, của nó, tùy mày
Cả đám chúng tôi vỗ tay hưởng ứng. Vế ra thật giản đơn nhưng khá hóc búa, Trúc Hà vừa làm thơ vừa viết văn xuôi, nhưng không sành câu đối, đành cười trừ. Tôi lên tiếng hộ:
– Nghĩa nặng, dày tình, tại số
Vế đối tuy chưa hay ưng lại ứng, cuộc tình không không thành, chỉ là kỷ niệm bạn bè. Nhân chuyện câu đối rôm rả Phù Thăng đùa tôi, thằng này có máu cụ Tú nhà quê lắm. Liền đó, anh em đặt cho tôi cái tên Tú Hói. Từ đấy, mỗi lần làm câu đối, tôi đã có bút danh mới”.
Sau này nhà văn viết rất nhiều câu đối tặng bạn bè, nhất là các nhà văn, nhà thơ ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Vào dịp Tết Nhâm Thân (1992), ông viết một loạt câu đối đề tặng hầu hết bạn văn trong “Nhà số 4 Lý Nam Đế”. Ông ghép hai người thành một đối, dùng tên tác phẩm của họ viết tặng.
Câu đối về nhà văn Trần Đăng, Nguyễn Thi:
– Trận Phố Ràng kết thúc cuối năm, cuộc chuẩn bị dở dang, một lần tới Thủ đô rồi đi mãi.
– Xã Trung Nghĩa một đêm trăng sáng, nghe ước mơ của đất, mẹ vắng nhà lâu quá chẳng về đâu.
Câu đối về nhà văn Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải:
– Khi đến rẻo cao, khi về đất Quảng, đường chúng ta đi rò rỉ mạch ngầm, đất nước đứng lên thế nào nhỉ?
– Lúc chèo ra đảo, lúc vượt đường mây, gặp gỡ cuối năm ngổn ngang tâm sự, tầm nhìn xa quá có nên chăng?
Câu đối về nhà văn Hữu Mai, Hồ Phương:
– Ông cố vấn bay giữa vùng trời, đôi mắt nhìn xa, chiếm cao điểm cuối cùng, có gì mà mất hết?
– Đem cỏ non trồng trên biển lớn, thư nhà thúc dục, đón mặt trời ấm sáng, còn hỏi anh là ai?
Qua những câu đối này, nhà văn Xuân Thiều muốn nói một chút gì đó với những bạn bè tài hoa của mình. Từ đó chúng ta cũng biết xuất xứ bút danh Tú Hói – một tài năng khác của nhà văn đáng kính Xuân Thiều.
Chu Thị Hoà-BTVHVN