Cuốn “Đám cưới không có giấy giá thú” của nhà văn Ma Văn Kháng do Nhà xuất bản Lao động phát hành năm 1989.
Tiểu thuyết gồm 18 chương với nội dung phản ánh cái bi kịch của một nhà giáo, một tri thức: anh ta lúc thì đóng vai một nhà hiền triết, một nhân cách cao cả và thánh thiện nhưng lại bị ném vào một môi trường mà các giá trị tinh thần đang bị đảo lộn. Nhân vật anh giáo Tự phảng phất một mô-típ đã quen thuộc trong văn xuôi Việt Nam và thế giới: lúc là Đôn Ki-hô-tê; lúc lại là ông giáo Thứ; lúc là một Hoàng thân Mưt-skin, một Pi-e Bô-du-khốp. Nhà văn Ma Văn Kháng đã viết về cái “bi kịch vỡ mộng” của một “bữa tiệc dang dở, một đám cưới không thành, một cuốn sách hay để lầm chỗ” đó một cách rất tâm huyết, với tất cả suy nghĩ và trăn trở, niềm khát vọng và nỗi đau của một nhà văn trước thời cuộc, trước tình trạng xuống cấp về trình độ tư duy và phẩm chất đạo đức ngay trong một số người tự cho mình là cán bộ lãnh đạo, là trí thức hoặc kỹ sư của tâm hồn. Nhà văn Ma Văn Kháng đã nói lên được cái tâm sự có thật của những trí thức có tâm huyết, có hoài bão. Cách lý giải có thể còn phải bàn cãi, nhưng điều đáng trân trọng là tấm lòng trung thực và trong sáng của người cầm bút, là những trang viết chân thành và xúc động.
Bảo tàng Văn học Việt Nam hiện đang trưng bày cuốn tiểu thuyết “Đám cưới không có giấy giá thú” tại gian trưng bày của nhà văn Ma Văn Kháng.
BTVHVN